Nhạc sĩ Văn Cao là một bậc kỳ tài của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Di sản ông để lại, mỗi khi được “tính sổ” dễ khiến hậu thế choáng ngợp vì vẻ đẹp và sự giàu có của nó.
Cuộc đời 72 năm của nhạc sĩ Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ XX đầy biến động của dân tộc. Trong hành trình ấy, dẫu có nhiều thăng trầm nhưng vượt lên tất cả, ông vẫn sống khiêm nhường, bình dị, trân trọng con người, làng quê, đất nước, đồng hành cùng dân tộc, nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ vang mãi cùng non sông đất nước…
Bằng tài năng thiên bẩm, sự tự học, tự rèn, luôn đổi mới, sáng tạo và bức phá, Văn Cao đã để lại cho hậu thế di sản đồ sộ về âm nhạc, văn học, hội họa. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, 1996). Tên ông cũng được dùng để đặt cho tên đường ở nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Và người nghệ sĩ đa tài đó còn để lại cho hậu thế rất nhiều câu nói đáng nhớ như:
1. Giữa sự sống và sự chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết.
2. Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi.
3. Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng.
5. Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền (Văn Cao nói với Phùng Quán, trích trong cuốn “Ba phút sự thật” của Phùng Quán).
6. Đúng là lớp trẻ bây giờ chỉ biết Văn Cao là tác giả Tiến quân ca, còn Văn Cao thế nào thì chịu.
7. Cái mới đâu phải là những cái không sẵn có. Sự làm mới những cái sẵn có cũng là một phương pháp sáng tạo.
8. Tôi không được làm trái đầu mùa / Những trái cây cao giá / Tôi, Một trái cây muộn còn sót lại cành
9. Một trong những hướng xây dựng nhân vật là đào tạo cho xã hội những người biết khai thác, khám phá, phân tích thực tế và mở đường cho tương lai.
10. Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường… Hôm nay, con đường lớn nhất của chúng ta là mở cho tất cả những giấc mơ, những khát vọng thuộc về sự sáng tạo của con người tự do phát triển bay đi xe mật về ổ. Mở cho những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển bao nhiêu là tập trung tất cả giấc mơ và khát vọng của con người làm thành mũi nhọn kéo lê đi phía sau cái thực tế chậm chạp.
Về Phạm Duy
Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn. (Đề tặng dưới tựa Buồn Tàn Thu, 1939)
Về Trịnh Công Sơn
– Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền. (Lời bạt cho tập nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên”, Nhà xuất bản Trẻ, TP. HCM, 1991).
– Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nữa. (Lời bạt cho tập nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên”, Nhà xuất bản Trẻ, TP. HCM, 1991)