VỀ NHẠC PHẨM HƯƠNG XƯA
- Tên ca khúc: Hương xưa
- Nhạc sĩ sáng tác: Cung Tiến
- Thể loại: Nhạc tiền chiến
- Năm ra đời: 1957
- Nằm trong album:
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Trần Đức, Thiên Tôn
Hoàn cảnh ra đời ca khúc Hương xưa
“Hương xưa” được Cung Tiến sáng tác để tặng người bạn thân Khuất Duy Trác (danh ca Duy Trác). Được biết, danh ca Duy Trác cũng là người đầu tiên thể hiện thành công nhạc khúc “Hương xưa”, đưa ca khúc trở thành bất hủ, là một trong những tuyệt tác lấp lánh nhất của dòng tân nhạc Việt Nam.
Chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác “Hương xưa”, Cung Tiến cho biết: “Hồi còn đi học đệ nhất, bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so sánh với cảnh chiến tranh, lúc đó khoảng năm 1957 – 1958, so sánh hai trường hợp cảnh chiến tranh hiện đại và cảnh thanh bình thời xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương xưa”.
Bằng âm nhạc của chính mình, nhạc sĩ Cung Tiến đã đưa tình yêu quê hương, cảnh vật quê hương lên một tầm cao mới, có yếu tố bình dị nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sang trọng.
Trên nền nhạc du dương, người nghe thấp thoáng thấy trong câu hát những hình ảnh cây đa, cổng làng, con đường mòn nho nhỏ… những hình ảnh về làng quê miền Bắc in sâu trong tâm tưởng của chàng nhạc sĩ trẻ….
Hương xưa – ca khúc không có đối tượng nào cả, hoàn toàn là tưởng tượng
Trong nhiều cuộc phỏng vấn lúc sinh thời, Cung Tiến cởi mở chia sẻ về cơ duyên cho ra đời ca khúc “Hương xưa”. Ông nói:”Hồi đó nghĩa gì mình đâu có biết đâu, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có đối tượng nào cả – no object, hoàn toàn là trong trí tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào (1952). Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đó, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó”.
Như lời Cung Tiến, những ký ức còn sót lại trong trí nhớ về quê hương chính là chất liệu để ông sáng tác nên ca khúc “Hương xưa”. Chúng ta có thể hình dung đơn giản, năm 14 – 15 tuổi, cậu học sinh Cung Tiến đã phải trải qua những biến cố lớn đầu đời, phải rời quê hương đầy ắp yêu thương, đầy ắp kỷ niệm êm đềm để thực hiện một cuộc hành trình dài từ Bắc vào Nam. Sài Gòn với Cung Tiến khi ấy, phố phường, con người, tiếng nói, cách ăn uống, lối sinh hoạt, cách ăn mặc… mọi thứ đều xa lạ.
Nếu Hà thành cổ kính, trầm buồn, mang dấu ấn của cây đa, sân đình… thì Sài Gòn lại trẻ trung, năng động, hoa lệ hơn rất nhiều. Sự thay đổi đột ngột về môi trường sống khiến chàng nhạc sĩ trẻ gặp “cú sốc văn hóa”. Những điều xa lạ ở vùng đất mới càng khiến nỗi nhớ quê hương của Cung Tiến da diết hơn.
“Hương xưa” là một nhạc phẩm buồn ngân dài miên man trong hoài niệm của Cung Tiến. Giới âm nhạc nhận xét, “Hương xưa” là sự kết hợp hoàn hảo giữa chất liệu âm nhạc Tây phương và ca từ đậm chất Á Đông. Những lời hát đẹp như thơ, bay bổng, thiết ta cùng những hình ảnh dân dã như vàng bướm bên ao, tiếng ru câu ca dao… đã dần dần ngấm sâu vào trong tâm trí người nghe…
Diễn giải “Hương xưa” – ca từ được lựa từ những chất liệu văn hóa đặc thù của cố hương
Những nhạc phẩm của Cung Tiến dễ cảm, không thách thức người nghe, gần gũi với mạch những ca khúc trữ tình tiền chiến. Thêm nữa, Cung Tiến dành nhiều tâm sức ở phần ca từ, gợi lên những thông điệp hoài niệm về một thời bình yên trong quá khứ, vẻ đẹp văn hóa, phong tục, nỗi luyến tiếc về thời hoa niên, tình yêu đầu xanh tuổi trẻ.
Trong “Hương xưa”, Cung tiến đã thể hiện nó như sau: “Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc hay mơ, lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa. Dù có bao giờ lắng men đợi chờ. Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa, cung Nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô. Nên hồn tôi vẫn nghe trong mưa tiếng đàn đợi chờ mơ hồ, vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó…”.
Nhân vật Quỳnh Như trong đoạn nhạc chính là mối tình vừa lãng mạn vừa bi thương giữa Phạm Thái và Trương Quỳnh Như thời Lê mạt – Nguyễn sơ. Cả bài hát nhuốm màu sắc nuối tiếc những ngày yêu dấu cũ không thể tìm lại, vì đường về quê còn xa lắc nên niềm mong ngóng thật mơ hồ, chỉ như một giấc mơ.
Trong “Hương xưa”, Cung Tiến còn sử dụng các điển tích cả của bên Trung lẫn trong văn chương Việt Nam như: “Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa. Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô”. Và đoạn sau đó là: “Nên tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ”. Tiếng đàn đợi chờ ở đây chính là 3 loại đàn cổ:
Đầu tiên là đàn nhị, loại đàn 2 dây, người miền Nam gọi là “đờn cò”.
Thứ hai là Hồ cầm, đàn này được làm bằng gỗ ngô đồng có 5 dây tượng trưng cho ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Thứ ba là Nguyệt Cầm, đây là loại đàn có thùng tròn như mặt trăng.
Tình Nhị Hồ trong bài hát nhắc đến điền tích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó là câu chuyện về tình tri âm của Thúy Kiều và Kim Trong. Sau nhiều năm gặp lại, tình chàng ý thiếp vẫn một lòng: “Tình xưa lai láng khôn hàn/Thong dong lại hỏi tiếng đàn ngày xưa” (Trích Truyện Kiều).
Câu hát “Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô” là nhắc về chuyện tình Tây Thi với Ngô Phù Sai và Phạm Lãi. Cô Tô là địa danh núi Cô Tô ở phía Tây Nam, TP Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đây là tích liên quan đến thời kỳ Xuân Thu.
Tây Thi chính là người tình của Phạm Lãi – quân sư của Việt Vương Câu Tiễn. Vì Câu Tiễn thất thế nên khi nằm gai nếm mật nuôi chí phục thù đã dâng Tây Thi cho Ngô Vương Phù Sai. Ngô Vương lại là kẻ hám sức, sủng ái nàng Tây Thi hết mực ở Xuân Tiêu cung tại Cô Tô đài trên núi Linh Nham. Phù Sai dốc ngân quỹ để trùng tu Cô Tô đài, bỏ bê chính sự, đắm chìm trong tửu sắc, đàn ca sáo nhị. Và đó là cơ hội cho Câu Tiễn cùng Phạm Lãi lấy lại thiên hạ. Tây Thi sống trong nhung lụa với Phù Sai nhưng trái tim luôn hướng về Phạm Lãi.
Âm nhạc của Cung Tiến dựa vào nhạc cụ và điển tích xưa để viết về nỗi nhớ người yêu cũ. Cả hai mỹ nhân Tây Thi và Thúy Kiều đều vướng vào mối tình tay ba với Phạm Lãi – Ngô Vương, Kim Trọng – Từ Hải, cũng không khác gì Cung Tiến ở trong tâm trạng khi sáng tác ca khúc này. Người ở phương Nam nhưng lại nhớ về đất Bắc, mà đó lại là xứ Kinh Bắc của nhiều năm trước, vào cái thời Hoàng Kim đã khuất mờ: “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ. Dù đã quên lời hẹn hò. Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha. Chờ đến bao giờ tái sinh cho người…”.
Lúc sinh thời, Cung Tiến đã từng giải thích rằng. Ông nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam còn hòa bình, khung cảnh bình yên của Việt Nam đẹp vô cùng, khác với cảnh chiến chinh, lúc đó khoảng năm 1957 – 1958, so với thời điểm đó, cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam đã trở thành lời ca trong Hương xưa.
Năm Cung Tiến 18 tuổi (1956), hoàn cảnh đất nước bị chia cắt đôi ngả, đâu đâu cũng là khói lửa chiến chinh, oan thù, máu xương. Tình cảnh đất nước đã khiến Cung Tiến chìm đắm vào một giấc Nam Kha để chờ đợi ngày “tái sinh” chưa biết bao giờ có được: “Đời lập từ những đêm hoang sơ. Thanh bình như bóng trưa đơn sơ. Nay đời tan biến trong hư vô. Chết đầy từng mồ oán thù. Máu xương tơi bời nhiều mùa thu…”.
“Đời lập từ những đêm hoang sơ”, câu hát mang ý nghĩa ca tụng thời thơ ấu yên bình của mỗi người. Đời người khởi đầu yên bình nhưng dần dần tan biến trong hư vô, thay vào đó là “mồ oán thù”…
Ở đoạn cuối bài hát, tác giả mong chờ những ngày mây đen tan đi, nắng vàng hiền hòa sẽ trở lại sưởi ấm lòng người, sưởi ấm cuộc đời. Khi đó sẽ không còn “máu xương tơi bời nhiều mùa thu”. Mùa thu sẽ trở lại đầy thanh bình, yên vui, người sẽ thong thả “nhặt lá thu rơi” và người lại yêu người thiết tha. Và sau cùng, cuộc đời sẽ êm đềm như “tiếng hát của lứa đôi”: “Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi? Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi? Tình có ghi lên đôi môi. Sầu có phai nhòa cuộc đời. Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui. Đời êm như tiếng hát của lứa đôi. Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…”.
Hương xưa chuyển ngữ với lời Anh “Scents of yesteryears”
Hồi năm 2007, nhạc sĩ Paulina Nguyễn (Giáng Tiên) đã chuyển ngữ nhạc khúc “Hương xưa” sang tiếng Anh với tên gọi “Scents of yesteryears”. Việc chuyển ngữ ca khúc này nhằm chuẩn bị cho chương trình “Duyên dáng Việt Nam” diễn ra tại Singapore.
Tuy đã chuyển ngữ nhưng giới mộ điệu âm nhạc đánh giá, ca khúc vẫn giữ được nguyên bản nét đẹp, chất thơ của “Hương xưa”, lời Anh rất mượt mà.
Chia sẻ về việc chuyển ngữ “Hương xưa”, tác giả Paulina Nguyễn tâm sự: Bà rất chú trọng đến việc trau chuốt ngôn ngữ nhưng phải giữ được tinh thần của nhạc khúc, càng chính xác càng tốt. Nữ nhạc sĩ cũng rất quan tâm đến vần điệu – sao cho trong một đoạn càng nhiều câu có vần với nhau càng tốt. Nhưng phải chọn từ sao cho các âm tiết được phân bố hợp lý, hay đặt trọng âm của chữ cho đúng nhịp mạnh.
Dưới đây là lời chuyển thể của “Hương xưa” sang lời Anh “Scent of Yesteryears”:
Have you ever let your soul wander along a dream
A dream of a path to far away dear home sweet home
Where leaves are whispering
Where trees stand still waiting
Where nights are still immense with stars and sound of distant flute
And I still remember tales of once upon a time
When life was filled with sweet dreams and peaceful lullabies
The sound of spinning loom Shadow of lazy kite
And all of my ever lasting, loving memories
Oh, I have wandered in my dreams through endless nights
Not much joys in my life
For love and life are often at strife ‘ though I have been calmly waiting
Melodies of old moon lute Harmonize with a romance mood
And the strings of a violin softly sing in the breeze
Just like my heart is chanting for love
Oh, I have gone through nights dreaming about your love
And get used to despair
The good old days have gone far away
When will I be in love again
Nights embraced in pure silence
Days began with innocence
Now there’s only emptiness and sorrowful regret
Love is sinking in darkness
My love, is the sun still shining warmly everywhere?
Don’t you hear the sound of falling leaves in autumn night?
Has love ever been sweet or stained with bitterness
Just keep your heart widely open to love and to life
Life is as sweet as lovers’ song Life is as sweet as lovers’ song.
Nhạc sĩ Cung Tiến (27/11/1938 – 10/5/2022) được giới nghiên cứu mệnh danh là “thần đồng âm nhạc”. Ông đến với âm nhạc từ rất sớm và nhanh chóng cho ra đời những nhạc phẩm lay động cảm xúc người nghe. Ở độ tuổi 15 (năm 1953), Cung Tiến cho ra đời ca khúc “Thu vàng” và “Hoài cảm”. Vậy mà chưa bao giờ Cung Tiến nhận mình là nhạc sĩ, dù ông đã là “cha đẻ” của nhiều kiệt tác âm nhạc. Ông nói mình chỉ là “dân amatur”, tay chơi, người viết nhạc nghiệp dư.
Những người thân thiết với Cung Tiến chia sẻ, không phải ông quá khiêm tốn mà chỉ là ông có quan niệm về âm nhạc rất khắt khe. Cung Tiến cho rằng, khi bạn tận tâm làm một nghề gì đó và sống được với nghề đó thì mới gọi là chuyên nghiệp. Nếu không làm được thì đó chỉ là người qua đường.
Sinh thời, Cung Tiến cũng chia sẻ, “Thu vàng” và “Hoài cảm” chỉ là những bài tập sáng tác nhạc chứ chưa thật sự là tác phẩm đầu tay. Nhạc phẩm đầu tiên mà ông cảm thấy hài lòng, ưng ý nhất có lẽ là “Hương xưa”, sáng tác năm 1957.