Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu
Câu hát đã trở thành lời thề tâm nguyện của chiến sĩ Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau từ thời chống Pháp đến nay. Đó cũng là lời thề của chính tác giả kể từ khi ông gắn đời mình vào sự nghiệp cách mạng.
Trưởng thành cùng cách mạng, Đỗ Nhuận được coi là một trong những cánh chim đầu đàn của âm nhạc cách mạng, là một nhạc sĩ có cái “nghiệp” riêng luôn gắn liền quá trình phát triển chung của nền nhạc mới Việt Nam.
Tên tuổi Đỗ Nhuận được ghi nhận trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thế kỉ XX như một người đi tiên phong trong các thể loại hành khúc và nhạc kịch dân tộc.
Đứa trẻ ra đời vào một đêm mưa gió sấm sét đùng đùng. Chẳng biết âm thanh thiên nhiên, âm thanh vũ trụ ấy có báo trước điều gì? Đấy có phải là điều linh nghiệm vì sinh linh nhỏ bé cất tiếng khóc chào đời góp thêm một “bè” âm thanh cho bản hòa tấu đất trời đêm ấy về sau đã trở thành người sáng tạo ra những âm thanh nghệ thuật làm đẹp cho đời?
Sinh năm 1922, vào tháng 5 âm lịch, một tháng nhuận, nên cậu con trai họ Đỗ đã được cha đặt tên là Đỗ Nhuận. Khai sinh ngày 10-12-1922 thực ra chỉ là thủ tục trên giấy tờ khi đến tuổi đi học. Rời quê hương – làng Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương – từ rất nhỏ, Đỗ Nhuận lớn lên ở thành phố Hải Phòng, nơi người cha phải phục vụ trong đội quân nhạc với cái nghề “lính kèn Tây”.
In đậm nhất trong kí ức tuổi thơ của cậu con trai người thổi kèn Tây không chỉ là những bản nhạc Tây, những bài hát lính Tây. Bài học âm nhạc đầu tiên đến với chú bé sáu tuổi – thành viên nhỏ nhất của phường trống trường làng – là tiết tấu nhịp trống rước “đong, đong đong đầy, đong đong đầy đong đầy đong vực…” (với sự luân phiên giữa trống con ứng với “đong, vực”, còn trống cái ứng với “đầy”). Cũng vì từng có chân trong đội trống mà cậu bị lũ bạn gán cho một biệt danh nghe rộn ràng như tiếng trống hội: Cà Rình!
Thế giới âm thanh bao quanh cậu bé Cà Rình là tiếng còi nhà máy xi măng, tiếng còi tàu cập bến và rời bến, tiếng rao hàng của người bán rong, tiếng trống ngũ liên trong ngày hội vật đầu năm, nhịp trống phụ sai của trò lên đồng, những câu hò kéo gỗ của dân thợ nghèo, những điệu Xẩm điệu Chèo của người hành khất, các bản Nam ai, Lưu thủy của phường bát âm… Một lần, đôi tai nhạy bén với âm thanh của Cà Rình chợt nhận thấy tiếng sáo ai vút lên giữa những tạp âm của phố phường. Lần tìm ra ông già mù bán lạc rang thổi sáo để rao hàng, cậu đã dốc hết vốn liếng ít ỏi trong túi ra nhờ ông cụ chọn mua cho một cây sáo và dạy cậu thổi một bài.
Trải vách quế gió vàng hiu hắt, Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng…
Cà Rình “nhập tâm” ngay bài Cung oán ngâm khúc và từ người thầy vô danh đó cậu đã vỡ ra được một điều theo kinh nghiệm truyền khẩu truyền ngón dân gian, là muốn học đàn học thổi sáo thì trước tiên phải tập hát tập ngâm cho đúng điệu. Nhờ đó về sau Cà Rình còn tự lần mò trên “cây sáo thần” mà cậu nâng niu như một bảo bối ra khối điệu khác, như Hành vân, Sa mạc, Cò lả…
Đọng lại trong tâm trí Cà Rình thuở ấy còn có những điệu Hát văn từ anh hàng xóm vốn là một kép văn chuyên đi hát ở đền chùa, rồi những điệu Xuân nữ, Vọng cổ hoài lang, Khốc hoàng thiên, Tây Thi, Kim tiền, Bình bán từ một người bạn vong niên thọt chân, và cả bài ca cách mạng Cùng nhau đi hồng binh từ một thầy giáo trường tư.
Tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên là cả một quá trình mày mò tự học nhạc. Học “đồ rê mi” và đánh đàn mandoline, banjo, kèn harmonica qua bạn bè, tự tìm hiểu nhạc lí qua sách Tây, và sau này còn học thêm violon, baian với các nhạc công người Nga lưu vong ở Hà Nội. Sự tiếp xúc với phong trào Hướng đạo yêu nước, với bài hát tân nhạc và giới nhạc sĩ đang bước đầu khai phá con đường sáng tác nhạc mới đã thôi thúc năng khiếu sáng tác ở Đỗ Nhuận. Những thử nghiệm đầu tay ở tuổi mới lớn Trưng vương (1938), Chim than, Lời cha già (1940), Đường lên Ải Bắc (1941) đều hướng về các nhân vật lịch sử: hai bà Trưng và hai cha con Phi Khanh – Nguyễn Trãi.
Khởi đầu sự nghiệp âm nhạc cũng là lúc chàng thanh niên Đỗ Nhuận bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, vì in truyền đơn, rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng và bí mật cắm cờ búa liềm trên phố huyện nên Đỗ Nhuận bị bắt, lúc đầu giam ở nhà lao Hải Dương, rồi đưa lên Hỏa Lò (Hà Nội) và sau bị đày lên Sơn La.
Nơi đày đọa thể xác lại là nơi tôi luyện tinh thần, nhà tù trở thành trường học chính trị củng cố tư tưởng cho chàng nghệ sĩ trẻ. Nhà tù không làm mất đi chất hài hước dí dỏm thích pha trò cười và không dập tắt được niềm đam mê ca hát. Chàng trai đa tài khéo tay vẫn bí mật hoạt động văn nghệ, không chỉ diễn kịch, múa rối, làm báo mà còn chế ra những nhạc cụ độc nhất vô nhị – cây sáo, cây tiêu, đàn bầu, đàn nhị, mandoline, violon bằng cành cây, vỏ bầu, gáo dừa, dây phanh xe đạp…, với những archet (mã vĩ) bằng cọc màn nhặt lén của lính canh và những sợi tóc của chị em tù quyên góp lại.
Là nhạc công chính với những nhạc cụ tự tạo trong ban nhạc nhà tù, Đỗ Nhuận không ngừng cất cao tiếng đàn tiếng hát giữa cảnh nhục hình, ốm đau và chết chóc. Viếng mồ tử sĩ âm thầm hình thành trong đầu tác giả lúc một mình một xà lim tưởng nhớ người tù không biết mặt trước đó bị giam trong chính xà lim này đã tự vẫn để bảo toàn bí mật cách mạng. Chiều tù là tâm trạng đồng cảm với bài thơ Tâm tư trong tù của Tố Hữu. Côn Đảo là lời chia tay với anh em chính trị phạm đồng lao Hỏa Lò khi họ bị đày ra Côn Đảo. Hận Sơn La là cảm xúc trào dâng trên đường đi bộ lên Sơn La giữa đoàn tù bị xiềng xích. Những nét nhạc u buồn, uất hận, bi tráng trong những ngày tháng tù đày biến chuyển dần thành bước đi hùng mạnh, đầy tự tin của Du kích ca (1944) trong những đêm bí mật chuẩn bị cho thời cơ vượt ngục.
Nhật đảo chính Pháp, các tù nhân tự giải thoát tìm đường về xuôi. Trở về cuộc sống tự do, với Đỗ Nhuận cũng là trở về với hai mục đích sống của đời mình: hoạt động cách mạng và hoạt động nghệ thuật. Cách mạng Tháng Tám đã nung nóng trái tim nghệ sĩ, biến chàng thanh niên đầy nhiệt huyết thành một người lính văn nghệ, một chiến sĩ âm nhạc của cách mạng. Con đường âm nhạc chuyên nghiệp bắt đầu với một loạt ca khúc khá phổ cập lúc bấy giờ: Nhớ chiến khu, Đường trường vô Nam (1945), Tiếng súng Nam bộ, Bé yêu Bác Hồ, Ngày Quốc hội (1946)…
Những bài hát của Đỗ Nhuận trong chín năm kháng chiến lại tiếp tục hình thành từ những hoạt động tuyên truyền phục vụ cách mạng. Đánh đàn, ca hát, diễn kịch, làm báo, phụ trách đào tạo thiếu sinh quân…, mọi thời kì công tác đều có những cảm xúc được ghi lại bằng âm nhạc. Đoàn lữ nhạc là bài ca hành động của đội văn nghệ Sao vàng đi biểu diễn lưu động trên các nẻo đường kháng chiến. Tình Việt Bắc (1947) là một cảm hứng trong thời gian làm báo ở chiến khu. Cũng giữa núi rừng chiến khu đã đơm hoa kết trái một loạt bài ca Lửa rừng (1947), Tiếng hát đầu quân, Áo mùa đông, Thương binh ca, Đèo bông lau (1948), Du kích sông Thao (1949)…, và các vở ca kịch đầu tay: Cả nhà thi đua, Sóng cả không ngã tay chèo (1952).
Trường ca bất hủ Du kích sông Thao không ngờ lại tạo nên “mối nhân duyên” cho tác giả. Một đêm trăng giữa miền đồi núi trung du bỗng cất lên giọng hát con gái: “Hồng Hà ơi, ta nhớ mùa thu xưa nước về như sóng cờ lên khi quân về Thủ đô…”. Đang đi tuyển văn công cho quân đội, tác giả liền “điều tra” ngay mọi thông tin về “đối tượng” mới chỉ nghe tiếng hát chưa hề giáp mặt đó, và sự việc diễn ra thật bất ngờ và mau chóng như duyên trời định sẵn. Chàng nghệ sĩ quá tuổi tam thập nhi lập vẫn độc thân nhân chuyến đi tuyển diễn viên ấy may sao lại tuyển luôn được… vợ! Đám cưới với cô Nguyễn Thị Túc được tổ chức vào mùa đông năm 1953 do nhà văn Nguyễn Tuân làm chủ hôn, Bùi Công Kỳ đệm guitare cho ca sĩ là chính chú rể phục vụ bà con bằng các bài hát vui nhộn của mình: Đèn cù, Đoàn lữ nhạc, Lửa trại Vệ quốc đoàn.
Trong điều kiện vật chất gian khổ, Đỗ Nhuận vẫn không ngừng tích lũy và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và các nghệ nhân dân gian. Nhạc sĩ cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết vào việc đào tạo thế hệ đàn em. Tinh thần và quan điểm sáng tác của Đỗ Nhuận với vai trò một người anh đi trước đã ảnh hưởng rất lớn đến các nhạc sĩ lớp sau, từ khi họ còn là học sinh Đoàn Thiếu sinh quân và Trường Lục quân Việt Nam, như Trần Quý, Lê Lan, Doãn Nho…
Những năm tháng hào hùng cuối cuộc kháng chiến chống Pháp đã để lại dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Nhuận với chùm ba ca khúc viết vào những mốc quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ: hành quân chuẩn bị vào chiến dịch, trận mở màn và trận quyết định cuối cùng.
Hành quân xa (1953) xuất thần trong một đêm hành quân cho chiến dịch mang cái tên đầy bí ẩn: “Trần Đình”. “Trần Đình là chỗ nào nhỉ?” – lính ta xì xào hỏi nhau. Một anh trả lời: “Đã là lính thì đâu có giặc ta cứ đi!”. Đỗ Nhuận vội ghi vào sổ tay câu nói giản đơn đã dẹp tan mọi thắc mắc vì nó đúng như một chân lí. “Đâu có giặc là ta cứ đi” âm ỉ vang lên thành nốt nhạc theo từng bước chân quân hành. Nhạc sĩ vừa đi vừa hát thầm rồi ghi lại nốt nhạc bằng số dưới ánh trăng. Năm xưa lết chân giữa đoàn tù bị xiềng xích áp tải lên Sơn La, nay cũng trên con đường này chàng thanh niên ấy mạnh mẽ tự tin bước trong đoàn quân đi phá xiềng xích nô lệ. Bộ đội dừng chân nghỉ, Đỗ Nhuận ghé vào nhà tù Sơn La một mình ngồi giữa đống đổ nát viết tiếp lời ca: “Bọn xâm lăng kia nó gây nhiều đau khổ…”. Khi hoàn thành, tác giả hát to lên từng câu cho các chiến sĩ cùng nhắc lại cho đến lúc cả đội quân thuộc hết bài. Hành quân xa – đứa con của người lính – đã ra đời và được đời đón nhận như thế.
Trên đồi Him Lam (1954) được viết ngay đêm sau trận đánh đầu tiên mở đường máu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội văn nghệ đội mưa đứng hát trên chiến hào tiễn đơn vị bộ đội xuất kích. Phan Đình Giót vẫy tay chào và hứa sẽ đem quà về cho anh em văn công, nhưng chẳng bao giờ anh trở về nữa. Nhiều chiến sĩ không trở về và nhiều người khác bị thương để làm nên chiến thắng đầu tiên của chiến dịch. “Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào” – câu hát vang lên trong ánh sáng lập lòe dưới hầm hàm ếch. Bài hát được trình diễn lần đầu ngay tại trận địa trong buổi tổng kết chiến thắng trận đầu. Được bộ đội tặng chiếc đàn guitare chiến lợi phẩm lấy trong đồn Him Lam, Đỗ Nhuận coi đó cũng là món quà của Phan Đình Giót – người anh hùng đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai chắn đạn cho đồng đội tiến lên.
Chiến thắng Điện Biên (1954) – hành khúc chiến thắng của cả dân tộc được Đỗ Nhuận nung nấu từ trước khi quân ta đánh trận cuối cùng. Gợi ý của các đồng chí lãnh đạo: “Chuẩn bị sáng tác bài chiến thắng Điện Biên đi!” làm nhạc sĩ cứ loay hoay suy ngẫm không yên. Nhất định sẽ tiếp tục cách vận dụng chất liệu dân ca đồng bằng Bắc bộ đã thành công trong hai hành khúc Hành quân xa và Trên đồi Him Lam, nhưng để nhấn mạnh bối cảnh Tây Bắc liệu có thể pha thêm chất nhạc Thái vào không nhỉ? Đã kín đặc năm trang sổ tay ghi chép những hình ảnh cho lời ca, nhưng còn phải chờ một “cú hích” lấy đà. Và đây, cú hích đã đến vào buổi chiều lịch sử ấy.
Ngày 7-5-1954, đơn vị văn công đang tham gia sửa đường cho pháo tiến vào Mường Thanh thì được tin thắng trận. “Hồng Cúm địch hàng rồi! Điện Biên chiến thắng rồi!”, anh em buông cuốc ôm nhau nhảy múa điên cuồng. Trong đầu nhạc sĩ cứ rộn lên câu hát “giải phóng Điện Biên”. Bài hát hoàn thành ngay đêm đó bên bếp lửa nhà sàn bản Mường Phăng và hôm sau được phổ biến cho anh em văn công và chiến sĩ pháo binh. Ngày “bộ đội ta tiến quân trở về” trên xe pháo binh, tác giả cùng các chiến sĩ hào hứng hát vang Giải phóng Điện Biên trong khung cảnh náo nức tưng bừng với tâm trạng “xiết bao sướng vui” đúng như lời ca. Hàng chục năm sau, cảm giác đó vẫn thường trở lại trong tác giả khi nghe giai điệu bài hát lịch sử ấy – một trong những nhạc hiệu quen thuộc của các đài Phát thanh và Truyền hình.
Với chùm ca khúc Điện Biên Phủ, Đỗ Nhuận đã được trao giải nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (năm 1955) và cũng từ đó, Đỗ Nhuận chính thức được coi là một trong những người thông nguồn dẫn mạch cho hành khúc – một dòng chảy mạnh mẽ trong nền nhạc mới Việt Nam nửa sau thế kỉ XX. Lao động nghệ thuật của ông trong kháng chiến chống Pháp được ghi nhận bằng các huân chương: Lao động hạng Nhì, Chiến sĩ hạng Nhì, Chiến thắng hạng Nhì.
Sau hòa bình, sáng tác của Đỗ Nhuận tiếp tục gắn bó với cái chung, với thời cuộc. Theo ông, bàn tay sáng tạo phải có đủ năm ngón: đi – nghe – đọc – học – viết. Bám sát cuộc sống thực tế, ông đã đi nhiều, nghe nhiều để học và viết được nhiều từ những điều tai nghe mắt thấy. Nhiều bài hát của ông được phổ cập rộng rãi và được coi như “bài tủ” của quản đại quần chúng trong một thời điểm nào đó, như: Bài ca cách mạng tiến quân (1957), Việt Nam quê hương tôi (1960), Đồng chí ta ơi, Giặc đến nhà ta đánh, Thắm hoa núi rừng (1964), Trai anh hùng gái đảm đang (1965), Vui mở đường, Vì tiền tuyến, Trống hội tòng quân (1966), Hát mừng các cụ dân quân (1967), Trông cây lại nhớ đến Người (1969), Em là thợ quét vôi (1973)…
Rất ít nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu đàn của âm nhạc cách mạng được đào tạo có bài bản như Đỗ Nhuận, đó là thời kì ông được gửi sang thực tập tại Nhạc viện Tchaikovsky – Matxcơva (1960-1962). Người tù năm xưa đàn hát với những cây đàn gáo dừa tự chế lại có ngày đàn trên piano những bản sonate bất hủ của Beethoven! Mặc dù thời gian đào tạo mang tính chính qui mà ông được hưởng quá ngắn và quá muộn (khi ông bước sang tuổi tứ thập bất hoặc), nhưng nhạc sĩ cũng đã kịp củng cố thêm cho mình về chuyên môn cũng như niềm tin để làm một cuộc “chuyển mình” hướng đến những thể loại âm nhạc lớn hơn ca khúc.
Đỗ Nhuận đã có mặt trong lĩnh vực khí nhạc Việt Nam qua các tác phẩm: khúc biến tấu trên chủ đề dân ca cho flute và piano Mùa xuân trên rừng (1963), tứ tấu đàn dây Tây Nguyên (1964), ba biến tấu cho violon và piano (1964), tổ khúc giao hưởng Điện Biện (1965), giao hưởng thơ Đimit’rov (1981)… Ngoài ra, còn phải kể đến kịch múa rối Giấc mơ bé Rồng (1968), kịch múa Mở biển (1973) và nhạc nền trong các phim tài liệu và phim truyện: Chiến thắng Điện Biên (1954), Nguyễn Văn Trỗi (1965), Mở đường Trường Sơn (1972), Lăng Bác Hồ (1975).
Về lĩnh vực nhạc kịch, phải nói rằng Đỗ Nhuận đã đóng vai trò đặc biệt trong sự khởi đầu của loại hình nghệ thuật tổng hợp này ở Việt Nam. Thực ra, ý tưởng về một hình thức âm nhạc sân khấu qui mô lớn phát triển từ chất liệu nhạc truyền thống đã nung nấu trong nhạc sĩ ngay từ đầu thập niên 50, là lúc ông được cử sang công tác ở Côn Sơn – Trung Quốc và được tiếp xúc với nghệ thuật ca kịch mới của nước bạn. Những thể nghiệm đầu tiên của ông xuất hiện trong những năm 50 là các ca kịch ngắn: Cả nhà thi đua, Sóng cả không ngã tay chèo, Anh Păn về bản, Hòn đá. Danh sách này còn được nối tiếp trong những năm 70-80 bằng các vở: Ai đẹp hơn ai?, Trước giờ cưới, Ông Đá, Chú Tễu, Đêm vui không ngủ, Quả dưa đỏ. Đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opéra phương Tây, nhạc sĩ đã dành nhiều thời gian và tâm lực vào việc xây dựng các vở: Cô Sao (1965), Người tạc tượng (1970 – nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập Đảng và 10 năm thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam), Nguyễn Trãi (1980 – nhân kỉ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi). Năm 1965 với sự kiện công diễn nhạc kịch Cô Sao đã trở thành một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử nhạc mới Việt Nam.
Bên cạnh việc sáng tác, cuộc đời của nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn là những chuỗi hoạt động không ngừng gây dựng cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông là người giữ cương vị tổng thư kí trong khoảng thời gian dài nhất, hơn 1/4 thế kỉ kể từ ngày thành lập Hội (năm 1957 đến năm 1983). Ngoài ra, ông còn đều đặn viết báo. Những bài viết và ghi chép của ông trong hơn ba thập niên 50-80 đã góp thêm một tiếng nói phê bình nghiêm khắc mà chân tình, bám sát thực tế mà không kém phần lãng mạn trong những dự định sáng tác cho tương lai.
Huân chương Lao động hạng Nhì được trao tặng cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi ông đang lâm bệnh, nhưng vẫn tiếp tục viết hồi kí và không ngừng mơ ước đến vở opéra thứ tư của đời mình. Trái tim đầy nhiệt thành của ông ngưng đập vào một ngày tháng 5 năm 1991.
Năm 1996, Đỗ Nhuận là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt).