Âm nhạc Ba Lan nửa sau thế kỷ 20 xuất hiện một nhân vật có nhiều đóng góp vào tiến trình phát triển – nhà soạn nhạc Witold Lutoslawski (1913-1994). Tiếp tục con đường phát triển âm nhạc, ông cùng với Federyk Chopin, Karol Szymanowski trở thành những nhà soạn nhạc nổi tiếng Ba Lan mọi thời đại.
Sinh ra tại Warsaw vào năm 1913, Lutoslawski đã bộc lộ tài năng âm nhạc từ rất sớm. Năm 1919, Lutoslawski bắt đầu những bài học violin đầu tiên với một cựu học trò của nghệ sỹ violin Joseph Joachim. Có nhiều tài liệu nhắc đến sự kiện năm 1922, khi mới 9 tuổi, cậu bé Lutoslawski đã có chương trình biểu diễn đầu tiên trước công chúng. Với những năng khiếu rõ rệt này, từ năm 1928, cậu đã theo học tại Học viện âm nhạc Warsaw dưới sự hướng dẫn của nhà soạn nhạc Ba Lan Witold Maliszewski, một trong những học trò ưu tú của nhà soạn nhạc Nga Rimsky – Korsakov và từng tham gia sáng lập Học viện Âm nhạc Odessa. Nhà soạn nhạc thủ cựu và tràn đầy lòng say mê với âm nhạc lãng mạn Nga này đã truyền thụ cho Lutoslawski nghệ thuật biểu diễn piano và sáng tác nhưng lại không thể đưa cậu học trò của mình tới phong cách âm nhạc hiện đại bởi ý niệm âm nhạc của Maliszewski vẫn bám sâu vào hình thức sonata, hình thức âm nhạc đã được nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven hoàn thiện. Tuy nhiên, những kiến thức từ Maliszewski đã truyền cảm hứng về âm nhạc Cổ điển – Lãng mạn và đem lại cơ sở cho Lutoslawski hướng đến thứ ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ. Cũng cùng thời gian này, Lutoslawski còn theo học toán tại trường Đại học Tổng hợp Warsaw.
Yếu tố cổ điển đã trở thành một phần trong con người nghệ sỹ Lutoslawski. Bên cạnh hình thái âm nhạc, yếu tố cổ điển đã đem lại cho ông một ý thức thẩm mỹ, sự hài hòa hoàn hảo của thanh âm và đầy xúc cảm sâu lắng. “Không sự kế tiếp nào của âm thanh, Lutoslawski tâm sự, không sự hài hoà nào có thể xây dựng lên mà lại thiếu vắng sự cân nhắc của các yếu tố biểu cảm, màu sắc, đặc điểm riêng biệt. Chỉ có trong âm nhạc mới có khả năng biểu đạt những tình cảm phức tạp, điều mà các ngôn ngữ khác không thể có được”. Phong cách trong sáng tác thời kỳ đầu của Lutoslawski biểu lộ xu hướng đặc trưng của trường phái Tân cổ điển châu Âu, đang thịnh hành vào thời điểm ấy, đặc biệt là trong các biến tấu với hình thức và cấu trúc âm nhạc có cơ sở là di sản của chủ nghĩa Cổ điển. Trong thời kỳ này, nhiều nhà soạn nhạc Ba Lan như Grazyna Bacewicz, Michal Spisak và Stefan Kisielewski, những người cũng quan tâm đến phong cách Tân cổ điển, đã tìm đến Paris để mở rộng thêm hiểu biết qua trường học nổi tiếng của bà Nadia Boulanger, một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng và giáo sư âm nhạc. Lutoslawski cũng muốn theo bước đi này của họ. Lẽ ra, sau buổi ra mắt tác phẩm Symphonic Variations vào năm 1939, Lutoslawski sẽ tới Paris nhưng Chiến tranh thế giới thứ 2 đã tước đi của ông cơ hội này.
Có thể nói, tiến trình cuộc đời của ông luôn gắn liền với những tai hoạ của chiến tranh và những âm mưu chính trị. Cha của ông, Jozef Lutoslawski, từng là một thành viên nhiệt thành của phong trào đấu tranh giải phóng Ba Lan và bị giam giữ tại Moscow cùng em trai. Một phần tuổi thơ của Lutoslawski trôi qua ở Moscow và ông chỉ về nước cùng gia đình vào năm 1917, khi nền độc lập trở lại với Ba Lan. Và vào tháng 9-1939, quân Đức xâm lược quê hương, ông đã buộc phải ở lại Warsaw mà không thực hiện được kế hoạch tới Paris của mình. Thậm chí, Lutoslawski còn bị quân Đức bắt tại Krakow nhưng sau đó đã may mắn trốn thoát trên đường tới trại tập trung và cuốc bộ hơn 400km để về Warsaw. Một người anh của ông, cũng là nạn nhân chiến tranh và không may mắn khi bị đưa tới trại tập trung Siberi rồi chết tại đây. Ở Warsaw trong suốt thời gian chiến tranh, Lutoslawski đã kiếm sống bằng cách chơi đàn tại quán cà phê “Sztuka i Moda” và “U Aktorek” cùng với Andrei Panufnik, một nhà soạn nhạc Ba Lan. Ông và bạn mình đã tổ chức nhiều buổi hoà nhạc và recital không chính thức tại các quán cà phê này, như nhiều nghệ sỹ đồng hương vẫn thường làm. Trong thời gian này, ông đã viết tác phẩm nổi tiếng, Variation on a theme of Paganini cho 2 đàn piano (năm 1941), sau đó vào quãng năm 1977-1978, ông đã chuyển soạn lại cho piano và dàn nhạc. Đây cũng là một trong những tác phẩm sáng chói của Lutoslawski và thường xuyên có trong danh mục biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng.
Mặc dù đời sống âm nhạc ở Warsaw bị hạn chế dưới sự kiểm soát chặt chẽ của phát xít Đức nhưng điều đó không ngăn cản nổi Lutoslawski tiếp tục nghiền ngẫm về âm nhạc và tìm hướng đi mới cho mình. Vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, đất nước Ba Lan lại rơi vào một trạng thái hỗn loạn chính trị mới và âm nhạc Ba Lan cũng bị kiểm soát khá chặt chẽ. Trong thời điểm này, với các nghệ sỹ Ba Lan, đặc biệt là Roman Palester và Andrei Panufnik, chỉ có một con đường là xây dựng sự độc lập trong nghệ thuật bằng sự sáng tạo của mình. Và cuối cùng, Lutoslawski đã đi theo con đường này. Đây cũng là lý do thôi thúc ông hoàn thành bản Giao hưởng số 1 vào năm 1947, vốn được bắt đầu vào năm 1941. Bản Giao hưởng số 1 được dựa trên cái nền cơ bản là hình thức và kết cấu canon cổ điển, nhưng lại thuộc trong số các tác phẩm của chủ nghĩa Hình thức. Do bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Hình thức, các tác phẩm âm nhạc của ông rất hiếm khi được trình diễn trước công chúng. Để tránh bị kiểm duyệt, Lutoslawski đã phải sáng tác các tác phẩm âm nhạc dân gian và thiếu nhi, đây cũng là một trong hai hướng chính trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Một lần nữa, sự thiếu may mắn trong đời sống chính trị đã trở thành định mệnh của Lutoslawski.
Tuy vậy, ở nhánh kia của sự nghiệp, Lutoslawski vẫn đều đặn sáng tác, như các tác phẩm overture dàn nhạc dây (1949), tổ khúc nhỏ cho dàn nhạc (1050-1951), Silesian Triptych cho soprano và dàn nhạc (1951)… Cùng với những hoạt động mạnh mẽ vào cuối những năm 1950, Lutoslawski bắt đầu được biết đến nhiều hơn ở trên lãnh thổ Ba Lan và nước ngoài. Với phong cách sáng tác dựa trên kỹ thuật 12 âm, ông viết lên tác phẩm “Âm nhạc tang lễ” (năm 1954 – 1958) để tưởng nhớ đến nhà soạn nhạc Hungary Bela Bartok, người đã mất năm 1945 tại New York. Vào thời kỳ sau, rõ ràng ảnh hưởng từ đợt trình diễn bản concerto piano của John Cage năm 1960, với tác phẩm “Jeux Vénitiens” (năm 1961), Lutoslawski đã bước những bước đi đầu tiên vào “một sự giới hạn bấp bênh của âm nhạc” và sau này được phát triển thành phong cách âm nhạc riêng của ông, phong cách Ngẫu nhiên. Kể từ thời kỳ này trở đi, hầu hết các tác phẩm của ông viết cho dàn nhạc hoàn toàn là bán cung, hòa âm theo gợi ý từ bút pháp của Debussy và Ravel. Lutoslawski đã sáng tác gần 20 tác phẩm quan trọng cho dàn nhạc, bao gồm bản Giao hưởng số 3 (1982), tác phẩm đem lại cho ông giải thưởng Grawemeyer Award và tác phẩm cuối cùng,Giao hưởng số 4 (năm 1992). Lutoslawski có nhiều tác phẩm đặc sắc cho các nghệ sỹ solo như Dietrich Fischer – Dieskau (Les espacess du sommeil), Heninz và Ursula Holliger (concerto cho oboe và harp), Anne –Sophie Mutter, Mstislv Rostropovich (cello concerto), Krystian Zimmerman (piano concerto). Ông viết: “Sự mới mẻ là tiêu chuẩn của các tác phẩm nghệ thuật trong thời đại phát triển quá nhanh này. Sự tìm kiếm của tôi trên cánh đồng của ngôn ngữ âm nhạc không phải là mục đích cho sự cách tân. Tôi tìm kiếm thật nhiều yếu tố kỹ thuật, thứ có thể giúp tôi sáng tác và trong nhiều tác phẩm, tôi mong chờ vào những giá trị cuối cùng, điều mà không phải ngay lập tức ai cũng đón nhận”.
Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, Lutoslawski từng nói rằng ông kế tục di sản tinh thần của Debussy, Ravel, Stravinsky và Bartok hoặc các nhà soạn nhạc đề cao yếu tố duy cảm trong âm nhạc. Lutoslawski còn cho rằng ông không bị hấp dẫn bởi quan điểm của trường phái Vienna gồm những nhà soạn nhạc như Schonberg, Berg và Webern. Dẫu vậy ông vẫn thử nghiệm kỹ thuật âm nhạc 12 âm trong cuộc đời sáng tác của mình. Âm nhạc của ông là kiểu mẫu về sự cân bằng giữa hình thức và nội dung, giữa trí tuệ và xúc cảm. Sự hoàn hảo trong âm nhạc của Lutoslawski đã đem lại vị thế vững chắc cho ông giữa các nhà soạn nhạc vĩ đại của thế kỷ 20.
Ngoài sáng tác, Lutoslawski còn tham gia dàn dựng và chỉ huy. Ông bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này kể từ năm 1963, với việc chỉ huy chính tác phẩm của mình, “Ba bài thơ của Henri Michaux” soạn cho hợp xướng và dàn nhạc (viết năm 1961-1963). Ông đã rất thành công với vai trò nhạc trưởng, đi tới các quốc gia Pháp (năm 1964), Czechoslovakia (1965), Hà Lan (1969), Na Uy, Áo (1969), chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng lớn như Los Angeles Philhamornic, San Francisco Symphony, BBC Symphony, London Sinfonietta, Archestre de Paris… Kể từ năm 1990, cuộc thi quốc tế mang tên ông, Lutoslawski international competition dành cho các nhà soạn nhạc đã được khởi xướng tại Warsaw. Tháng 4-1993, ông được vinh dự nhận giải “Nobel của âm nhạc”, giải Polar Music Prize tại Stockholm và giải thưởng âm nhạc của Hội Âm nhạc hoàng gia Anh tại London. Năm 1994, ông nhận được giải thưởng cao quý nhất của đất nước Ba Lan, giải thưởng Đại bàng trắng.
Lutoslawski là thành viên danh dự của Hội âm nhạc quốc tế đương đại, Tiến sỹ danh dự của nhiều học viện âm nhạc tại Ba Lan và nhiều nước khác như Krakow, Warsaw, Torun, Chicago, Glasgow, Cambridge, Durham, Cleveland và thỉnh giảng tại các trường âm nhạc Tanglewood, Darlington, Essen, Copenhagen, Stockholm…
Lutoslawski qua đời ngày 7-2-1994 và được chôn cất tại nghĩa trang Powazki và hai tháng sau, người vợ yêu quý của ông vì đột qụy sau cái chết của chồng, cũng từ giã cõi đời vào ngày 23-4.
(Nguồn: nhaccodien.info)