Vinh quang
Ca sĩ Vũ Khanh (tên đầy đủ là Vũ Công Khanh) sinh năm 1954 tại Hà Nội trong gia đình Công giáo. Khi còn nhỏ, Vũ Khanh theo gia đình di cư vào Sài Gòn vì thế không có ký ức gì về quê nhà Hà Nội.
Vũ Khanh sinh ra trong gia đình có 11 người con. Ông là con út trong gia đình và cũng là người duy nhất theo con đường nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học khóa đầu tiên của ngành Kịch nghệ tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, cùng khóa với ca sĩ Sơn Ca.
Sau năm 1975, Vũ Khanh cùng cha vượt biên sang Mỹ. Việc đầu tiên khi đến Mỹ mà Vũ Khanh làm là đăng ký các lớp học, rồi thi vào ngành điện toán của ĐH San Jose. Ngoài giờ học, ông tham gia ca hát ở các tiệm ăn, quán cafe. Có khi Vũ Khanh vừa hát, vừa làm MC, vừa phụ bưng bê bàn, điều chỉnh âm thanh…
Năm 1979 là lần đầu tiên Vũ Khanh trình diễn ca khúc “Cô hàng nước” tại chương trình ca nhạc tổ chức trong khuôn viên trường đại học của ông. Giọng ca Vũ Khanh đã nhận được sự tán dương của hơn 5.000 khán giả có mặt ở đó.
Trong một lần tình cờ, tiếng hát Vũ Khanh lọt vào tai của nhạc sĩ Anh Bằng. Ngay lập tức, nhạc sĩ tài hoa này đã đưa ca khúc “Nỗi lòng người đi” cho Vũ Khanh hát. Từ đó, tên tuổi và giọng ca Vũ Khanh bắt đầu tỏa sáng và có chỗ đứng ở hải ngoại.
Năm 1982, sau khi lấy bằng đại học, Vũ Khanh dấn thân sâu vào con đường âm nhạc. Ông được trung tâm Làng Văn mời thu thanh, phát hành cuốn băng đầu tiên mang tên “Cây đàn bỏ quên”. Cuốn băng này đã được thành công ngoài mong đợi.
Năm 1983, ông được trung tâm Âm nhạc Diễm Xưa chào mời. Kể từ đây con đường ca hát chuyên nghiệp của Vũ Khanh mới bắt đầu. Đó là sự ra đời của cuốn album thứ hai “Gọi người yêu dấu”. Đây cũng là đĩa nhạc đánh dấu con đường bolero chính hiệu Vũ Khanh.
Cùng với trung tâm Diễm Xưa, Vũ Khanh cho ra mắt hơn 40 CD thu hút sự quan tâm của người nghe. Sở hữu gương mặt khả ái và giọng hát trầm ấm, ngọt ngào, Vũ Khanh ngày một thêm quyến rũ qua hàng chục ca khúc trữ tình. Không ai có thể quên được các ca khúc anh hát: Áo lụa Hà Đông, Ngậm ngùi, Thà như giọt mưa, Gọi em là đóa hoa sầu, Vết thương cuối cùng… Đặc biệt là các ca khúc: Cô hàng nước, Cô hàng cà phê, Cô hái mơ, Cô láng giềng, Cô Hồng, Cô Bắc kỳ nhỏ…
Suốt hơn một thập kỷ sau đó, CD của Vũ Khanh chiếm lĩnh thị trường và tạo nên cơn sốt trong làng nhạc hải ngoại. Nhưng con đường âm nhạc của ông lại bị đứt đoạn bởi cuộc sống bộn bề và những sa ngã…
Sa ngã
Có lẽ những thành công đến quá nhanh chóng và dễ dàng lại chính là liều thuốc độc đối với Vũ Khanh. Trong những năm tháng đứng trên đỉnh cao danh vọng, Vũ Khanh đã có một gia đình trọn vẹn cùng người vợ đầu và 2 cô con gái xinh đẹp. Nhưng ông biết cách giữ gìn hạnh phúc, lại sa đà vào ăn chơi trác táng.
Trải lòng tại “Sa mạc tình yêu” – show diễn xuyên Việt kỷ niệm 25 năm ca hát của Ý Lan – người đúng chung sân khấu với Vũ Khanh nhiều năm: “Tôi từng rượu chè, cờ bạc, đàn bà và thậm chí là ma túy. Tôi ăn chơi, thác loạn và làm bất cứ thứ gì nông nổi của tuổi trẻ. Ngồi chỗ này mình muốn ngồi chỗ kia, bị lôi cuốn vào những cuộc vui không lành mạnh, dẫn con người ta tới tội lỗi. Thí dụ trong một cơn say mất tự chủ, tôi đối diện bạn đời không còn lịch sự, mà lý do say thì không thể nào biện bạch”.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, cuộc hôn nhân đầu tiên rơi vào hố sâu khủng hoảng. Hai người ly hôn, gia đình tan vỡ, con cái thiếu vắng tình yêu thương trọn vẹn. Lúc này, Vũ Khanh cũng quay lưng lại với âm nhạc suốt mấy năm trời, bỏ lại tất cả hào quang rực rỡ.
Khi bước vào tuổi 40, Vũ Khanh như người chợt tỉnh cơn mơ. Ông quyết tâm quay lại với âm nhạc, lấy hai cô con gái làm niềm an ủi và động lực. Tiếng hát của Vũ Khanh lại trở lại, vẫn nồng nàn như thuở nào.
Nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều gian truân, nhọc nhằn khi Vũ Khanh sa vào lưới tình. Cuộc sống của ông chuyển sang một hướng khác. Năm 1996, Vũ Khanh sa vào lưới tình với cô luật sư Tammy Trần – người đã giúp ông trong một vụ kiện đình đám ở hải ngoại liên quan đến bản quyền âm nhạc. Sau khi kết hôn, người vợ kiên quyết không cho Vũ Khanh đi hát nữa, buộc ông tham gia các công việc tố tụng ở tòa án như một luật sư chính hiệu.
Bốn năm không được đi hát cũng là bốn năm Vũ Khanh tiếp xúc với bao thân phận éo le của tình duyên, hôn nhân đổ vỡ. Những nỗi buồn về tình yêu xâm chiếm tâm hồn ông. Sự chán ngán cuộc đời lại lần nữa ập đến, nhất là khi ông nhận ra sự cầm tù của cuộc hôn nhân thứ hai đã gợi lại quá khứ đen tối của Vũ Khanh.
Cuối cùng, ông quyết định ly hôn, quay trở lại với đam mê âm nhạc. Lúc này, Vũ Khanh nhận ra, chỉ có âm nhạc mới mang lại hạnh phúc cho ông. Nó như một sự cứu rỗi cuối cùng. Và cũng từ đó, ông sống trong cô đơn, tìm đến âm nhạc nhà thờ như một sứ mệnh đặc biệt trong đời ca hát của mình. Những bản thánh ca đem lại nguồn an ủi lớn cho cuộc sống cô đơn của Vũ Khanh. Ông đến với những đêm nhạc dành cho người nghèo, người cô đơn. ông đến với những số phận bần hàn để sưởi ấm tâm hồn chúng sinh, hòa nhập với họ như một sự chia sẻ nỗi khổ đau của con người. Giọng ca Vũ Khanh trước và sau những biến cố vẫn dịu dàng, nồng nàn, chan chứa nỗi niềm yêu thương cuộc đời.