Âm nhạc của Nguyễn Trung Cang chất chứa sự thở than trước nhân tình thế thái trái ngược hoàn toàn với âm nhạc tươi sáng của người bạn thân Lê Hựu Hà.
Nguyễn Trung Cang là một trong những nhạc sĩ tiên phong trong phong trào nhạc trẻ đầu thập niên 1970. Ông cùng người bạn thân thiết Lê Hựu lập ra ban nhạc Phượng Hoàng với khát khao “phá cách” nhạc trẻ từ trước đến nay (1971) để “trong tương lai loại nhạc trẻ Mỹ, Ăng lê sẽ nhường chỗ cho nhạc trẻ Việt Nam đúng với tình ý Việt Nam”.
Trong và sau thời kỳ gắn bó với ban nhạc Phượng Hoàng, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã chắp bút rất nhiều ca khúc nhạc trẻ nổi tiếng như: Thương nhau ngày mưa, Bước tình hồng, Mặt trời đen, Còn yêu em mãi… Các ca khúc này đều được thể hiện thành công bởi giọng ca Elvis Phương.
Dưới đây, Amnhac.net xin giới thiệu đến công chúng yêu nhạc 3 ca khúc hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang:
1. Ca khúc “Thương nhau ngày mưa”
“Thương nhau ngày mưa” là ca khúc Nguyễn Trung Cang sáng tác khi còn gắn bó với ban nhạc Phượng Hoàng. Ca khúc này được thể hiện thành công qua giọng ca Elvis Phương (giọng ca chính của ban nhạc).
“Thương nhau ngày mưa” được đánh giá là ca khúc ít sầu nhất của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Giai điệu của ca khúc này trong sáng, thánh thiện như những cơn mưa chiều, phù hợp với tâm hồn tuổi trẻ đầy hoa mộng vừa chạm ngõ yêu thương. Thập niên 1970, ca khúc này được ví von như hiện tượng làm chao đảo cả giới nhạc trẻ.
Đây cũng là nhạc phẩm đánh dấu sự thăng hoa đầu tiên của Nguyễn Trung Cang với âm nhạc. Ông đã đem ca khúc này đi rong ruổi khắp nơi cùng ban nhạc Phượng Hoàng. Những tiếng ngắt dứt khoát của điệu show rock và những trần tình chắp vá, không đầu không cuối của một tình yêu trai trẻ đã làm nên tuyệt tác để đời.
2. Ca khúc “Bâng khuâng chiều nội trú”
Nếu “Thương nhau ngày xưa” là ca khúc ít sầu nhất thì “Bâng khuâng chiều nội trú” bài hát ám nhất trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ của một nữ sinh trường Tư pháp thành phố Sài Gòn mà bạn trai cô gái chính là bạn thân của Nguyễn Trung Cang.
Mối quan hệ bắc cầu này đã trở thành nguồn cảm hứng và chất liệu để Nguyễn Trung Cang chắp bút viết nên “Bâng khuâng chiều nội trú”. Ca khúc được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới dội lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng ca khúc ra đời trước năm 1975. Thực tế, nó được sáng tác vào năm 1981.
Vào thời điểm đó, những ca khúc như “Bâng khuâng chiều nội trú” không thể có chỗ đứng trên sâu khấu do tính dễ bị quy là tiểu tư sản của nó. Vậy nên, mãi sau này khi Nguyễn Trung Cang đã trở thành người thiên cổ thì ca khúc mới được phổ biến và trở nên nổi tiếng qua giọng ca Tuấn Ngọc.
3. Ca khúc “Còn yêu em mãi”
“Con yêu em mãi” là ca khúc gắn với khoảng thời gian cuối đời đầy đau đớn của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Đây là lời tự sự của chàng nhạc sĩ si tình dành tặng cho người vợ yêu quý.
Dẫu xa mặt cách lòng nhưng tâm trí của ông luôn hướng về gia đình, về người vợ tào khang. Những ca từ trong “Còn yêu em mãi” giống như lời tự sự, giãi bày nỗi nhớ nhung khuôn nguôi: “Dù có cách xa mỏi mòn, mà những yêu dấu còn mãi. Sưởi ấm xác thân héo gầy, tình yêu như gió đem mây, gọi mưa giăng kín khung trời…”.
Có một vài ý kiến cho rằng, ca khúc này giống như lời tiên tri của Nguyễn Trung Cang về số mệnh của ông. Bởi chỉ vài tháng sau khi hoàn thành ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã chết vì kiệt sức. Và bản nhạc này được người bạn thân Lê Hựu Hà chuyển ra hải ngoại cho vợ ông.