Trước khi vào miền Nam sinh sống và nên duyên vợ chồng với ca sĩ Thúy Nga, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng có mối tình đậm sâu với ca sĩ Tân Nhân. Nhưng sau đó vì hoàn cảnh đất nước cả hai đã phải xa cách nhau, người Nam kẻ Bắc.
Ngày Hoàng Thi Thơ một mình vào Nam sinh sống, ông không hay biết rằng trong bụng Tân Nhân khi ấy đã có giọt máu của mình. Người con trai – kết quả của mối tình lãng mạn ấy sống cùng mẹ trên đất Bắc, ban đầu tên ông được đặt theo học mẹ là Trương Nguyên Việt, sau đó lại được đổi tên thành Lê Khánh Hoài theo họ của người cha kế. Sau này, khi được gặp lại cha ruột, ông lại được đặt thêm một cái tên khác là Hoàng Hữu Hoài. Ngoài ra, ông còn có bút danh Triệu phong và Châu La Việt khi viết báo.
Sau nhiều oan trái, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng biết được thông tin về người con trai ruột trên đất Bắc. Nhưng do hoàn cảnh trái ngang, cả hai không thể gặp mặt nhau. Mãi đến năm 1994, sau 40 năm xa cách, hai cha con Hoàng Thi Thơ mới có cuộc gặp mặt đầu tiên.
Dưới đây là đoạn hồi ức mà ông Lê Khánh Hoài ghi lại cảm xúc của mình trong lần đầu được gặp người cha ruột:
Chỉ còn lại giây lát nữa thôi, tôi sẽ được gặp cha tôi, người cha mà từ khi sinh ra trên cõi đời này tôi chưa một lần biết mặt. Người cha mà trong tiết hát của mẹ tôi có cả tình yêu xen lẫn nỗi đau.
Thấy thông báo ở sân bay Tân Sơn Nhất có máy bay hạ cánh, trái tim tôi như đang được xoa dịu. Một tay tôi phải đặt lên lan can để có thể đứng vững. Chờ đợi 40 năm, từ lúc tôi còn là một bào thai nằm trong bụng mẹ nơi cánh rừng kháng chiến, lúc ấy cả mẹ và ba tôi đều là những nghệ sĩ kháng chiến. Rồi ba tôi nôn nao đột ngột, bỏ lại sau lưng tất cả. Từ cái đợt dòng sông Hiền Lương chia cắt đôi miền, ngay giữa quê bà và mẹ tôi – Quảng Trị và bàn chân mồ côi của tôi chập chững những bước đầu tiên ngay nơi vết thương chia cắt. Cũng đôi chân ấy, tôi băng băng trên những con dốc Trường Sơn khi tôi là một chiến sĩ và tôi lại thuộc về chiến tuyến bên kia.
40 anwm, bao “can qua gió thổi”, nhưng rồi cũng có lúc này đây, như lời bài hát mẹ thường hát ru tôi:
“Đến mùa xuân, trong ấm ấm
Cha con về, cha con về
Con nắm tay cha
Dòng khách bước ra, mắt tôi dán vào cửa sổ, rồi ba tôi cũng xuất hiện. Chưa một lần gặp ông nhưng tôi biết ngay đó chính là ba tôi. Ông ấy dường như có cảm giác, nhìn về phía sau và lao đến bên tôi, ôm lấy tôi. Tôi cũng ôm choàng lấy ba, nghe trên tóc mình, vai mình những dòng nước mắt cháy bỏng. Nước mắt của ba hay tôi thế nhỉ? Hay nước mắt của bà con họ Hoàng đang bao kín xung quanh, ai cũng khóc khi chứng kiến cuộc gặp gỡ cha con này.
Không nói một lời, không một âm thanh nào kể cả nhịp đập, tất cả tạm dừng trong những dòng nước mắt.
“40 năm, ba ơi, đây là lần đầu tiên trong đời con có một người đàn ông để tựa vào. Đây là lúc dòng sông Hiền Lương không còn bước qua giấc ngủ mồ côi của con nữa. Đây cũng là lúc không còn chiến tuyến bên này hay bên kia nữa. Chỉ còn là cha con mình, cha con mình, ba nhỉ…”.
Và đêm ấy, lần đầu tiên trong đời, hai cha con tôi được ở bên nhau.
Sau khi đóng cửa phòng, ba quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng xúc động: “40 năm qua ba đã sinh ra con mà không được nuôi con. Hãy nói thật với ba, giờ con muốn điều gì nhất ở ba?’.
Một chút nước mắt lăn ra trên má tôi. Từ đó đến nay cũng hơn nửa đời người có mấy ai hỏi tôi như thế.
Thấy tôi im lặng, ba lại nhỏ nhẹ: “Hãy nói đi. Bây giờ con muốn nhất điều gì ở ba? Ba có thể chăm sóc gì cho con? Ba đã chuẩn bị vững chắc 40 năm nay rồi…”.
Lời của ba chân thành, để đáp lại tôi cũng phải hết sức chân thành: “Con chỉ muốn ở ba 1 điều thôi ba ạ và ba phải hết sức lực thông cảm con mới nói”.
“Con hãy nói đi, bao giờ ba cũng yêu thương con, cảm thông với con”, ba gật đầu.
Tôi cầm tay ba: “Ba ơi, dù trước đây hay bây giờ, chính kiến ba ra sao, hoàn cảnh ba thế nào con cũng chỉ xin ba một điều là ba hãy luôn đứng về phía nhân dân ba nhé!”.
“Sao con?”, ba tôi giật mình. HÌnh như ba không tin những lời nói ấy là của tôi, không tin là tôi sẽ nói như vậy, không tin với một cuộc đời đã quá nhiều bất hạnh mà tôi lại chỉ đòi hỏi và mong muốn một điều như thế.
“Đúng thế ạ! Con chỉ mong muốn duy nhất điều ấy thôi”
Có lẽ giờ ba đã tin thật rồi. Mặt ông nhăn lại, đôi bàn tay ông xòe rộng: “Con hãy hiểu rằng, ngay trước đây và bây giờ, những sản phẩm âm nhạc do ba sáng tác chỉ để ca ngợi quê hương, ca ngợi đất nước, ca ngợi dân ta thôi con ạ!”.
“Con tin”, tôi thành thật nói, vì tôi cũng đã nghe qua nhiều bài hát của ông: “Nhưng dẫu sao con cũng muốn tâm sự như thế với ba. Đúng như lời ba nói, 40 năm qua ba đã sinh ra con mà không được nuôi con… con lớn lên được như ngày hôm nay là nhờ ông bà, bố mẹ con. Nhưng trước hết là nhờ ở nhân dân và bạn bè con ba ạ!”.
Sống mũi tôi cay cay, ghìm giọng lại đôi chút, tôi nói tiếp: “Ngay để có ngày con tìm được ba thế này thì ít nhất cũng có 2 người lính của con đã chết thay cho con…”.
Đọc thêm: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và mối tình đầu bi thương bị vĩ tuyến chia cách
Nghe tôi nói thế ba lại thêm một lần nữa bàng hoàng và tôi kể cho ông nghe những điều ông không thể ngờ tới. Và cũng trong đêm đó, tôi đã kể cho ba nghe chuyện một người tên Hữu Chính, cùng là học sinh phổ thông, cùng lên đường vào mặt trận một ngày. Có một đêm tôi trực chiến, bỗng dưng nó nằng nặc đòi lên mặt đường trực thay tôi. Tôi từ chối thế nào cũng không được nên đành phải đồng ý. Đó là một đêm ác liệt chưa từng thấy, bắt đầu bằng một chiếc nhãn OV10 đến bắn khói, rồi hàng đàn phản lực lao đến kinh thiên động địa. Nằm dưới hầm mà lòng tôi rối bời như lửa. Cho đến lúc hàng loạt đạn cấp cứu của quân ta bắn lên, tôi biết chuyện rồi nên lao ngay lên mặt đường. Tôi đến nơi thì thấy Hữu Chính nằm đó, máu me đầy người, mắt chớp chớp nhìn tôi. Tôi bàng hoàng ôm lấy Chính, kêu lên. Như nhận ra tôi, nó thều thào bảo: “Tao đi đây, bạn phải sống để gặp ba bạn. Tao biết đêm nay ác liệt lắm, thằng nào lên mặt đường cũng chỉ có chết mà thôi… mà tao sống từ nhỏ với cha tao rồi còn mày thì chưa”.
Những lời Chính nói như từng nhát dao đâm vào tim tôi. Thì ra là vậy, vốn là một chiến sĩ thông minh, thấy không khí yên tĩnh từ chiều tới hoàng hôn đã khiến Chính linh cảm thấy đây là sự im lặng trước cơn bão, đêm nay ắt có biến. Chính thân với tôi, biết tôi thiếu tình cảm gia đình và khao khát một cuộc gặp gỡ với người cha chưa một lần gặp mặt ra sao nên nó tình nguyện lên mặt đường trực thay tôi.
Nếu còn sống thì nó sẽ tiếp tục chiến đấu, còn nếu chết cũng là chết thay tôi để tôi có một ngày được gặp lại cha mình, dù Chính thừa biết cha tôi đang ở chiến tuyến bên kia. Nhưng tình bạn và lòng nhân ái của một người lính đã vượt qua tất cả, nó làm cái điều mà tôi chẳng bao giờ ngờ tới được. Như bao nhiêu người dân bình thường khác cũng đã sẵn lòng cưu mang, chăm sóc tôi bao năm qua, cho tôi lớn lên, dù ai cũng biết rõ cha tôi đang ở chiến tuyến bên kia…
“Tao đi đây. Hãy sống để gặp ba mày Hoài nhé. Tao thương mày lắm”, đó là những lời cuối cùng Chính nói với con, nói xong nói nhẹ nhàng nhắm mắt ba ạ…
Lúc tôi kết thúc câu chuyện, ba tôi ngồi im như một bức tượng. Gió bên ngoài thổi vào rất mạnh mà ông chẳng hay biết.