Xa xứ từ năm 1962, gần 40 năm mới trở lại Việt Nam, khán giả quê nhà vẫn mở rộng vòng tay chào đón Bích Chiêu. Điều này khiến bà cứ xuýt xoa mãi: “Biết vậy mình về nước từ lâu rồi!”.
Ca sĩ Bích Chiêu là con gái nhạc sĩ Lữ Liên. Bà là chị cả trong gia đình nghệ thuật với các tên tuổi lừng lẫy như Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Lưu Bích…
Bích Chiêu nổi danh ở Sài Gòn vào từ thập niên 1950. Đến năm 1962 thì xuất ngoại lập nghiệp, kể như một ngôi sao thoát ly khỏi vòm trời ca nhạc của quê hương Việt Nam. Vì thời gian quá lâu và sự dịch chuyển trong cuộc sống cũng như sự nghiệp mà các bản thu âm của Bích Chiêu năm xưa không còn. Giọng ca của bà chỉ được lưu lại qua ký ức của những người từng sống ở Sài Gòn trên 60 năm trước.
Nhắc lại thời điểm xuất ngoại, Bích Chiêu nói, khi ấy không có nhiều người Việt được đi du học, nên khi có cơ hội thì bà đi ngay, với mong muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc thế giới, có cơ hội được gặp gỡ nhiều ca sĩ ngoại quốc, dù lúc đó bà đang đứng trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp.
Năm 1964, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng người Pháp – Jack Diável thực hiện cho bà một dĩa nhựa, khi đó bà được với thiệu với tên Bee Tchou, phát âm gần giống với nghệ danh chính thức Bích Chiêu. Lý do là người Pháp không thể phát âm Bích Chiêu nên gọi là Bee Tchou.
Cứ như thế, Bích Chiêu sống và miệt mài ca hát ở hải ngoại cho đến năm 2009 (gần 40 năm) bà trở lại Việt Nam. Khi ấy, cái tên Bích Chiêu vừa lạ vừa quen với khán giả trong nước. Tham gia chương trình “Hội ngộ Sài Gòn” ở Nhà hát TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Bích Chiêu khuấy động cả khán phòng với ca khúc “Ô mê ly”. Cái kiểu hát “Ô mê ly” vừa giống nhạc jazz vừa pha một chút opera không giống ai bằng một làn hơi mạnh mẽ nhưng vẫn có chút ngọt ngào của Bích Chiêu khiến người nghe vỗ tay liên hồi, hào hứng theo từng chỗ nhấn nhá. Chính ca sĩ Bích Chiêu cũng mê ly với không khí thưởng thức tuyệt vời ấy nên đã đặt tay lên ngực, miệng luôn trầm trồ: “Sao mà Việt Nam dễ thương quá!”.
Cũng trong đêm diễn đầy cảm xúc đó, khá giả vỗ tay không ngừng theo ca khúc “Nỗi lòng” mà ca sĩ Bích Chiêu trình bày một cách đầy lạ lẫm kiểu hài hước pha chút giận dỗi, xót xa… Nữ danh ca tâm sự: “Tôi hát bài này mấy trăm lần mà không lần nào hát giống lần nào. Tôi hát kiểu vui, buồn, giận, ghen… đều tùy thuộc tâm trạng của mình và không khí khán giả lúc đó”.
Trong chương trình “Mẹ – Cánh chim cô đơn” tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bích Chiêu đã thể hiện ca khúc “Tưởng rằng đã quên”, “Nỗi lòng”, “Unchained melody” có vẻ không hài hòa với không khí trầm buồn chủ đạo của đêm nhạc nhưng khán giả vẫn bị chinh phục bởi sự độc đáo trong tài năng và giọng hát luôn trào dâng sức sống cuồn cuộn của nữ danh ca lừng lẫy thập niên 1950.
Bích Chiêu cứ nghĩ khán giả chỉ nhớ đến mình qua ca khúc “Nỗi lòng” nhưng trong đêm diễn đó, nhà thơ Yên Chi ngồi cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức đã liên tục nhắc đến Bích Chiêu xưa với ca khúc “Đêm đông”, “Mùa hoa phượng”…
Khi Bích Chiêu ra về, có nhiều khán giả tìm đến bà nhắc lại hồi xưa bà hát ở đâu cũng có bố Lữ Liên đi cùng. Trong khi Bích Chiêu hát nhạc jazz, nhạc twist thì bố đệm bằng… đàn cò rất độc đáo.
Trước nhiệt tình của khán giả, Bích Chiêu ngơ ngẩn: “Sao tôi không về Việt Nam sớm hơn? Tôi không ngờ Việt Nam dễ thương quá!”.
Ca sĩ Bích Chiêu qua đời ngày 27/1/2022 tại tỉnh Orléans (Pháp), hưởng thọ 80 tuổi. Theo ca sĩ Lưu Bích (em gái Bích Chiêu), nữ danh ca và chồng của bà (ông Hải) mất cùng ngày. Nguyên nhân được cho là qua đời do đột quỵ và tuổi cao sức yếu – cả hai đều ngoài 80 tuổi.