CA KHÚC “HOA HỌC TRÒ”
Tên các khúc: Hoa học trò
Nhạc sĩ sáng tác: Anh Bằng
Phổ thơ: “Hoa học trò” của nhà thơ Nhất Tuấn
Năm phát thành: 1960
Lời bài hát và lời bài thơ “Hoa học trò”
Lời bài hát “Hoa học trò” do nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác năm 1960:
Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ anh rủ em ra
Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung.
Bây giờ còn nhớ hay không
Bây giờ còn nhớ hay không.
Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng tô hồng má em
Để cho em đẹp như tiên
Nhưng em không chịu sợ phải lên trên trời.
Sợ phải lên, sợ phải lên trên trời
Sợ phải lên, sợ phải lên trên trời.
Lên trời hai đứa hai nơi
Nhưng em chỉ muốn làm người trần gian
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng chừ hai đứa lỡ làng duyên nhau.
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm anh em biết tìm đâu bao giờ.
Bây giờ tìm kiếm em đâu
Bây giờ mình mãi xa nhau.
Lời bài thơ “Hoa học trò” của nhà thơ Nhất Tuấn:
Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung
Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng bôi hồng má em
– “Để cho em đẹp như Tiên!”
Em không chịu, sợ phải lên trên trời
– “Lên trời hai đứa đôi nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian”
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng
Bây giờ còn nhớ hay không
Đến người em nhận làm chồng? Mà thôi.
Hoàn cảnh ra đời bài thơ – nhạc nổi tiếng “Hoa học trò”
Bài thơ “Hoa học trò” của nhà thơ Nhất Tuấn được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng tên vào thập niên 1960. Bài hát này còn mang tên khác là “Bây giờ còn nhớ hay không”.
Vào thập niên 1960, ca khúc “Hoa học trò” là 1 trong những ca khúc học trò được giới học sinh, sinh viên yêu thích nhất, gợi lên mối tình đầu ngây ngô với những xao xuyến, rung động. Tình đầu là mộng ước, là giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời tuổi trẻ vừa chớm biết yêu.
Trong một dịp nói chuyện về bài thơ “Hoa học trò”, nhà thơ Nhất Tuấn có kể lại như sau: “Tôi viết bài thơ Hoa học trò vào thập niên 1960. Thành thật mà nói, tôi bị ảnh hưởng bởi mấy câu thơ của nhà thơ đàn anh – thi sĩ Nguyễn Tố. Cụ thể, tôi thích mất câu lục bát này của anh:
Nàng rằng hoa rụng mình ơi
Nhặt cho đầy giỏ rồi chơi vợ chồng
Thế mà khi tới loan phòng
Thì ai? tôi có là chồng nàng đâu…
Đọc những dòng thơ ấy tôi bỗng nhớ lại cái thuở ngày thơ bé cũng cùng đám bạn cả nam lẫn nữ xoa hoa râm bụt, hoa phượng vào má nhau cho đỏ, cho đẹp như cô dâu ngày cưới. Chỉ có vậy thôi. Rồi cái số của tôi là ngay từ những bài thơ đầu sáng tác, tự dưng ưa làm thơ mà nhiều xui xẻo khi đưa vào đoạn kết những bài thơ, để cho có vẻ lâm li bi đát buồn vơi trong các tập Truyện Chúng Mình của những ngày xa xưa đó lại có bài thơ Hoa học trò”.
Nắm bắt tinh thần và cảm xúc của bài thơ, nhạc sĩ Anh Bằng đã viết lại ca khúc “Hoa học trò” với giai điệu thiết tha, tiếc nuối, nhớ về kỷ niệm của tuổi hoa niên. Để đúng nhất với cảm xúc của bài thơ, nhạc sĩ Anh Bằng gần như giữ lại hết những câu thơ trong bài, chỉ sửa lại 2 câu kết. Thay vì “Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa/ Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng” thì ông đổi thành “Bây giờ tìm kiếm em đâu/ Bây giờ mình mãi xa nhau”. Tự hỏi và cũng tự trả lời, khiến người nghe cảm nhận rõ hơn về nỗi sầu chất ngất, tình học trò ngây thơ trong sáng, khó quên nhưng cũng rất khó thành.