HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ ĐAN TRƯỜNG
- Tên thật: Ngô Đức Vân Quỳnh
- Nghệ danh: Đan Trường
- Ngày sinh: 1919 – 2011
- Quê quán: Bắc Giang
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, diễn viên, xướng ngôn viên
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến
- Ca khúc nổi tiếng: Trách người đi
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Khánh Ly, Sĩ Phú, Mai Hương,…
- Thời gian hoạt động: 1943 – 2011
Nhạc sĩ Đan Trường là ai?
Nhạc sĩ Đan Trường tên thật là Ngô Đức Vân Quỳnh , sinh năm 1919 tại làng Đạo Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cha ông là cụ Ngô Phấn Dung, là một thầy đồ nổi tiếng, cũng là một thầy lang bốc thuốc.
Ngay từ thuở nhỏ, nhạc sĩ Đan Trường đã bộc lộ năng khiếu đàn nhạc vượt trội nên được nhận tham gia vào dàn nhạc bát âm của làng. Ông chơi được rất nhiều loại nhạc cụ như đàn nhị, mandolin, đàn bầu, sáo.,…
Năm 16 tuổi, Đan Trường xuống học tại trường Bonnal (nay là trường Ngô Quyền) ở Hải Phòng. Đây là ngôi trường nổi tiếng, được rất nhiều thi nhân văn sĩ theo học như Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi,…
Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Đan Trường sang Pháp du học. Đây cũng là khoảng thời gian ông sáng tác bài “Trách người đi” rất được yêu thích. Tại Pháp, ông nhận làm thông ngôn cho những người lính thợ ở nhà máy chế tạo thuốc súng tại cảng Marcril thuộc TP. Saintien.
Khi phát xít Đức tấn công Pháp, chính phủ Pháp đầu hàng, đơn vị của nhạc sĩ Đan Trường bị bắt làm tù binh. Không chịu được cảnh đói rét, những người tù binh, trong đó có nhạc sĩ Đan Trường phá rào trại tù, chạy vào rừng rồi gia nhập đội ngũ du kích do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo. Trong một trận tấn công quân Đức, đội trưởng đội du kích Pháp không may tử trận, Đan Trường đảm nhận chức đội phó lên chỉ huy đánh tiếp và giành chiến thắng. Qua trận tấn công này, ông thức thức đảm nhiệm vị trí đội trưởng, dẫn dắt đội du kích đến khi phát xít Đức đầu hàng vào tháng 9 năm 1945.
Do có thành tích trong kháng chiến chống phát xít Đức, những người lính Pháp gốc Việt trong đó có nhạc sĩ Đan Trường được nhà nước Pháp trân trọng, cho phép tự lựa chọn, hoặc hồi hương, hoặc ở lại Pháp sinh sống, làm việc. Và nhạc sĩ Đan Trường quyết định ở lại Pháp. Do khá giả tiếng Pháp, nên ông xin học một lớp ngắn hạn về phát thanh, sau đó xin vào làm việc và trở thành thư ký tòa soạn tại một kênh phát thanh tiếng Việt trên đài Phát thanh Paris cho đến năm 1982 mới về hưu.
Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Đan Trường còn nhận viết kịch bản và làm diễn viên phim truyền. Năm 1953, ông viết kịch bản và diễn vai đầu bếp trong phim “Giá hạnh phúc”. Năm 1954, ông nhận đóng vai một sĩ quan Việt Minh trong một bộ phim Pháp có tên “Pháo đài của những thằng điên”,…
Sau khi về hưu năm 1982, nhạc sĩ Đan Trường chuyển tới vùng Bretagne, nước Pháp để sống. Ly hương nhiều năm nhưng nhạc sĩ Đan Trường vẫn nặng lòng với quê hương, đất nước. Những năm cuối đời, mỗi dịp Tết đến xuân về, ông đều hăm hở trở về quê hương thăm mồ mả ở Bắc Ninh, thăm quê mẹ ở Gia Lâm – Hà Nội, thăm quê cha tại làng Đạo Ngạn ven bờ sông Cầu thơ mộng,… Về quê ông được gặp lại bạn bè, người thân, được cháu chắt tổ chức mừng thọ và được xem hát quan họ nhiều lần. Nhạc sĩ Đan Trường từng nói rất muốn về sống tại Việt Nam, nhưng hoàn cảnh không cho phép.
Tháng 1 năm 2011, ông qua đời tại Bretagne, Pháp, hưởng thọ 92 tuổi.
Đôi nét về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Đan Trường
Nhạc sĩ Đan Trường bắt đầu sáng tác vào năm 1943, khi ông 24 tuổi. Trong các sáng tác của ông, nổi tiếng nhất là bài “Trách người đi” được ông viết bên Pháp rồi gửi về Hà Nội. Bài hát được Đan Trường sáng tác từ nỗi đau của mối tình đầu lỡ dỡ năm 19 tuổi ở Việt Nam do bị gia đình nhà gái ngăn cấm. Kể từ khi ra mắt, bài hát đã gây được tiếng vang lớn, tên tuổi của nhạc sĩ Đan Trường cũng được biết đến nhiều từ ca khúc này.
Tuy cuộc đời nhạc sĩ Đan Trường chìm nổi, thăng trầm như một cuốn tiểu thuyết, nhưng người nghệ sĩ đa tài này lại sống rất giản dị, lúc nào cũng gắn mình với cây đàn vĩ cầm để vừa chơi, vừa sáng tác âm nhạc. Sinh và và lớn lên ở vùng quê quan họ nên những bài hát của nhạc sĩ Đan Trường luôn chứa đựng hình ảnh làng quê với miếng trầu, bến đò, ánh trăng,… vô cùng thân thuộc, gần gũi.
Đan Trường sáng tác không nhiều, nhưng những nhạc phẩm của ông rất được công chúng yêu thích và được nhiều ca sĩ trình bày. Như tình ca “Trách người đi” của ông đã được nhiều thể hiện ca sĩ thời tiền chiến trình diễn, như ca sĩ Bích Thuận đã trình diễn rất thành công trên kênh tiếng Việt của Đài phát thanh Paris. Cũng cùng khoảng thời gian ấy, ca sĩ Ngọc Anh và Ngọc Long cũng lấy bài hát này làm bài “tủ” trong lúc đi diễn trên sân khấu. Sau đó lần lượt các ca sĩ như Mai Hương, Duy Trác, Thanh Lam, Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú,… cũng đã nhiều lần thu âm và biểu diễn. Ngoài ca khúc này, những bản tình ca khác của nhạc sĩ Đan Trường cũng được nhiều người biết đến và được in thành ấn phẩm như “Chiếc áo the thâm tàng” đã được ca sĩ Vũ Huyến trình diễn trên Đài Pháp Á ở Hà Nội.
Vào tháng 4 năm 2009, nhạc sĩ Trần Quang Hải (con trai Giáo sư Trần Văn Khê) và nhóm nghệ sĩ việt kiều tại Paris đã vinh danh những cống hiến của nhạc sĩ Đan Trường trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật tại Pháp.
Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Đan Trường
Nhạc sĩ Đan Trường sáng tác khá ít, chỉ khoảng vài chục bài trong suốt quãng đường làm nghệ thuật của mình.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến là: Trách người đi, Chiếc áo the thâm tàn, Cảnh làng quê, Miếng trầu duyên, Biệt quê, Ba cô xinh xinh, Đêm vắng đò xuôi, Ông đồ Hành, Trăng mờ miếu cũ, Đêm vắng xuôi đò,…
Trong đó, nổi tiếng nhất chính là ca khúc “Trách người đi” thuộc thể loại nhạc tiền chiến. Kể từ khi ra mắt, bài hát này đã khiến bao thế hệ thanh xuân Việt Nam khắc ghi trong lòng giai điệu đẹp nhưng buồn đến ứa nước mắt này:
“Sương lam tuôn rơi hắt hiu trên cành thông sáng reo vi vu
Khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ
Người đi phương xa đâu ngờ
Miền quê ai đang mong chờ
Đau đớn xót thầm từ ngày biệt ly…”