Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một nhạc sĩ lớn, ông sáng tác đa diện và ở mặt nào cũng có những tác phẩm đặc sắc, đóng góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng âm nhạc của Phạm Đình Chương vẫn xanh và bóng mát vẫn tỏa, âm điệu vẫn còn vang vọng trong tâm hồn của những người yêu nhạc.
Ngoài vai trò là một nhạc sĩ, Phạm Đình Chương còn là một ca sĩ nổi tiếng được biết với đến với nghệ danh Hoài Bắc khi hát trong Ban hợp ca Thăng Long.
Dưới đây là top 10 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, những ca khúc này đã theo năm tháng trở thành những bản tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt.
Thuở ban đầu
Trong danh sách những tình khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta thường nhắc đến “Thuở ban đầu”. Đây là bài tình ca hiếm hoi được cố nhạc sĩ sáng tác trước năm 1954, cụ thể là vào năm 1953, đây là năm ông kết hôn với vợ là ca sĩ Khánh Ngọc.
Đúng như tên gọi, bài hát “Thuở ban đầu” mang giai điệu nhẹ nhàng với phần ca từ trong trẻo, tươi sáng của mối tình vừa chớm nở. Từng câu hát được nhấn nhá nhẹ nhàng, lột tả tâm trạng nhớ nhung, bồn chồn của chàng trai khi yêu. Tuy không phải là ca khúc đặc biệt nhất, nhưng “Thuở ban đầu” lại chính là ca khúc ngọt ngào và nhẹ nhàng nhất trong gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa – Phạm Đình Chương.
Tiếng dân chài
“Tiếng dân chài” là một trong những ca khúc đầu tiên được viết trong sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ra đời từ những năm đầu của thập niên 1950.
Bài hát có phần giai điệu rộn ràng, vui nhộn như tiếng hân ca của người cần lao miền biển hăng say lao động hàng đêm dưới ánh trăng để mang về khoang cá đầy vào mỗi sớm mai. Giai điệu của bài hát có lúc thì dặt dìu, có khi lại khoan thai như nhịp chèo thuyền, lắm lúc lại dồn dập như tiếng sóng xô bờ.
Nửa hồn thương đau
“Nửa hồn thương đau” là sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương dựa trên ý thơ của Thanh Tâm Tuyền vào đầu thập niên 1970. Bài hát này là 1 trong top 10 ca khúc hay nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, rất được yêu thích qua tiếng hát của danh ca Thái Thanh.
Đây là một ca khúc buồn, rất buồn, được Phạm Đình Chương viết từ những đau thương bản thân phải chịu đựng khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ. Nhân vật trong bài hát mang một nỗi sầu sâu thẳm, tâm hồn dường như đang chết lịm, cố nhắm mắt để quên đi, nhưng càng nhắm lại chỉ càng nhớ nhung vời vợi.
Xóm đêm
Trong thập niên 1950, ca khúc “Xóm đêm” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một trong ba bài hát nổi tiếng nói về tầng lớp lao động bình dân. Bài hát như một bức tranh tả thực về khung cảnh Sài Gòn bên cạnh phồn hoa rực rỡ là những cảnh đời nghèo khó, khốn khổ.
Bài “Xóm đêm” được sáng tác vào thời điểm âm nhạc của Phạm Đình Chương vẫn còn rực rỡ, tươi sáng nên dù viết về cảnh đời khó khăn bài hát vẫn tràn ngập niềm tin yêu vào cuộc sống.
Người đi qua đời tôi
10 năm sau cuộc hôn nhân tan vỡ với ca sĩ Khánh Ngọc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã quay trở lại với con đường sáng tác với nhạc phẩm mang tên “Người đi qua đời tôi”. Bài hát này được phổ từ bài thơ “Thơ cũ của nàng” của thi sĩ Trần Dạ Từ.
Mộng dưới hoa
“Mộng dưới hoa” được xem là bản tình ca có nội dung đẹp và lãng mạn nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong những ca khúc hay nhất của ông. Cái đẹp và lãng mạn của bài hát này được thừa hưởng từ bài thơ thời tiền chiến của nhà thơ Đinh Hùng.
Bài hát “Mộng dưới hoa” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác vào năm 1957, khi đó ông đọc tập thơ “Đường vào tình sử” của Đình Hùng thì thấy bài “Tự tình dưới hoa” rất hay và có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ. Thế rồi những giai điệu bất chợt vang trong đầu ông rồi bật ra thành những nốt nhạc trên giấy.
Đêm nhớ trăng Sài Gòn
Những người ly hương, xa xứ có lẽ ai cũng sẽ thấy xúc động khi nghe ca khúc “Đêm nhớ trăng Sài Gòn” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ thơ của thi sĩ Du Tử Lê.
Bài hát là một trong những ca khúc hay nhất của Phạm Đình Chương nói về nỗi cô đơn, hiu quanh của một người rời xa quê hương cố xứ. Bài hát được thể hiện đầy cảm xúc qua giọng hát của những danh ca hàng đầu như Thái Thanh, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Ý Lan,…
Trường ca Hội trùng dương
Trường ca “Hội trùng dương” là một trong những tuyệt tác của nền tân nhạc Việt Nam. Bài hát được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết về đất nước Việt Nam gấm hoa qua ba bài hát nói về sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long. Theo như lời cố nhạc sĩ chia sẻ, để có thể hoàn thiện bài trường ca này ông đã phải tốn mất 4 năm.
Trường ca “Hội trùng dương” được sáng tác vào năm 1954 khi đất nước bị chia cắt, đứng trước khung cảnh đau lòng đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã sáng tác ra bài hát này với ước muốn nói lên tâm tư của những dòng sông trôi về biển mẹ. Tâm sự của mỗi dòng sông cũng chính là tâm sự của những người dân về nỗi khó khăn và sự can trường trong đấu tranh với nạn ngoại xâm.
Đôi mắt người Sơn Tây
Ca khúc “Đôi mắt người Sơn Tây” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ “Mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của thi sĩ Quang Dũng.
Ở miền Nam thời đấy, ca khúc này vô cùng nổi tiếng bởi tiếng hát của danh ca Thái Thanh và Duy Trác. Từng lời ca tiếng hát đều toát lên vẻ đẹp đượm buồn thời tao loạn.
Đón xuân
“Đón xuân” được xem là một trong những khúc xuân ca bất hủ của âm nhạc Việt Nam. Bài hát này của Phạm Đình Chương là khúc hát ca ngợi mùa xuân, tình xuân đầy ngọt ngào, tươi trẻ và lãng mạn.
Qua tiếng hát của danh ca Thái Thanh, ca khúc “Đón xuân” ngay từ khi ra đời đã được nhiều thế hệ yêu nhạc yêu thích, khen ngợi.
Tổng hợp