Bài phỏng vấn dưới đây có thể coi là cuộc nói chuyện chính thức và cuối cùng của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, được thực hiện năm 1998 – một năm trước khi ông qua đời.
Trong cuộc phỏng vấn này, nhạc sĩ Lê Uyên Phương cũng giãi bày về cái tên khiến nhiều người nhầm lẫn của mình. Mọi người hay gọi ông với tên Lộc, nhưng thật ra không phải “tên mình là Lê Minh Lập, sinh ngày 2/2/1942 tại Đà Lạt”. Theo ông kể, vì sinh ra vào thời ly loạn nên giấy tờ hộ tịch bị thất lạc, Lê Uyên Phương phải đôi lần làm lại giấy khai sinh. Và mỗi khi làm khai sinh mới là mỗi lần tên ông được viên chức hộ tịch viết sai. Ban đầu tên khai sinh của ông là Lê Minh Lập, sau đổi thành Lê Minh Lộc, rồi lại thành Lê Văn Lộc. Từ đó ông thôi không đổi nữa, giữ tên Lê Văn Lộc làm tên chính thức trên giấy tờ. Và một điều đặc biệt nữa là họ Lê không phải là họ chính thức của ông.
“Ông già tôi chịu chơi lắm” – nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã nói về cụ thân sinh của mình như vậy. Theo lời ông kể, ngày xưa cha ông mang họ Phan, người gốc Quảng Nam. Năm 9 tuổi ông bỏ nhà đi nên không nhớ rõ song thân mình – tức là ông bà nội của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Đến khi bố ông 60 tuổi, có người từ Quảng Nam vào tìm người để ký bán đất cho chính phủ xây phi trường thì ông mới biết bố ông từ họ Phan đổi thành họ Dương (họ Phan là gốc, nhưng thời ấy do cuộc cách mạng Phan Bội Châu nên nhiều người sợ mang họa đã chủ động đổi họ của mình), trong khi đó bố ông lúc bỏ nhà ra đi đã tự đổi thành họ Lê.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương cũng chia sẻ về nghệ danh Lê Uyên Phương như sau: “Phương là tên má tôi, Công Tôn Nữ Phương Nhi, từ chữ Phương đó mình lấy làm tên Phương cho mình, còn Lê là họ ông già, còn Uyên là tên người con gái mình gặp, cứ vậy ghép lại thành nghệ danh Lê Uyên Phương.
Sau này gặp gỡ Lâm Phúc Anh, hai đứa cùng đi hát, khi đó bà ấy còn chưa có nghệ danh và không muốn lấy tên thật của mình. Ngay cái bữa đầu tiên đi hát tại quán Thằng Bờm mình đã cắt cái tên của mình ra cho bà ấy làm nghệ danh. Cho nên khi viết nhạc mình lất là Lê Uyên Phương, còn khi trình diễn hai người sẽ giới thiệu là Lê Uyên và Phương”.
Ông và ca sĩ Lê Uyên gặp nhau như thế nào?
Hồi đó mình ở gần nhà bà Uyên, mình ở số nhà 22, bà ấy ở nhà 18 đường Võ Tánh, Đà Lạt. Mình gặp bà ấy thì thấy vậy thôi, chẳng còn gì hết. Bà ấy học ở trường Franciscaine. Mình tìm hiểu rồi quen biết vậy thôi chứ không có gì đặc biệt… Nói như vậy chứ thật ra mình chưa tán bà ấy bao giờ hết. Nhưng có điều là khi gặp bà ấy mình hứa liền, bà ấy gặp mình cũng hứa liền. Cái đó là cái đặc biệt, nghĩa là chịu nhau ngay từ đầu. Tính ra lúc đầu bà ấy chỉ coi mình như người anh thôi, còn hỏi ý kiến của tôi về những người theo đuổi. Hồi đó có tất thảy 3 người, bà Uyên nhờ mình chọn 1 người, mình nghe hỏi thì cũng chọn… và cuối cùng thì câu chuyện vậy đó. Nó tới thì phải tới thôi.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương lập gia đình với ca sĩ Lê Uyên (Lâm Phúc Anh) vào năm 1968, sau 15 năm chung sống cả hai có với nhau 2 cô con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên Mỹ. Khoảng năm 1984-1985, cả hai chính thức chia tay sau nhiều năm gắn bó đồng hành.
Sau khi tan vỡ, hai người sống với nhau như thế nào?
Vẫn tốt đẹp, không có điều gì hết. Nghĩa là đồng ý với nhau ở chỗ không sống cùng nhau nữa là xong. Mọi sự điều không có gì ghê rợn hết.
Khi chúng tôi chia tay, con tôi nó hỏi là lỗi ba hay lỗi má vậy? Ai bỏ ai vậy? Tôi nói với nó là cả hai người. Lý do là cuộc đời luôn đưa ra những thử thách, nếu người kia không thoát được cái thử thách đó bởi vì người này đã không giúp cho người kia thoát được cái thử thách ấy thì cả hai người đều có lỗi, không phải lỗi của riêng ai cả. Cái thách thức đó của cuộc sống là điều anh phải vượt qua. Cái lỗi ở đây là lỗi của mình không vượt qua được cái thách thức ấy. Đã sống với nhau là phải hỗ trợ lẫn nhau, không hỗ trợ đủ thì rớt thôi.
Về tình cảm của hai người sau khi đổ vỡ thì sao?
Không có ai thân với bà ấy như tôi với bà ấy hết. Bà ấy cũng không coi ai thân trong đời bà ấy như đối với tôi. Không có chuyện gì mà bà Uyên không hỏi tôi hết. Chúng tôi như hai người bạn, cái gì cũng chia sẻ cho nhau cả.
Cái chết đối với ông có quan trọng không?
Ngày xưa thì quan trọng lắm, nhưng bây giờ tôi không biết có đủ chân thành để nói không hay là có thật sự tin chắc điều đó không. Bây giờ tôi thấy rằng nếu mình sợ mất đi cái gì đó thì là mình sợ chết. Bây giờ tôi thấy nếu hỏi tôi chết đi thì điều gì làm tôi nuối tiếc nhất, thì nói thật tôi không tìm thấy điều đó. Tôi nghĩ là tôi cũng sợ chết, sợ như ngày xưa vậy đó. Nếu nói là tôi không sợ chết thì tôi không tin tưởng là tôi nói thiệt hay nói giả, tôi không biết điều đó.
Nhiều khi tôi ngồi tôi tự hỏi tại sao mình sợ chết? Chỉ vì lý do là mình sợ mất những cái mình đang có hoặc là có nhiều điều mình phải làm mà chưa làm được. Mình nghĩ là nếu bây giờ mình không làm được điều đó thì chắc mình ân hận lắm. Cái chết cướp đi của mình cái điều đó.
Bây giờ tôi nghĩ rằng mình thực sự đâu cần làm cái gì nữa đâu. Tôi thấy tôi không cần phải làm cái gì đó thật sự khủng khiếp, tôi không tìm thấy cái đó. Tôi cũng không tìm thấy cái gì để mà chết đi mình phải hối tiếc, không có gì để tôi hối tiếc hết. Tôi nghĩ con tôi bây giờ nó cũng có cuộc đời riêng của nó, người từng là vợ của tôi cũng có cái đời sống của họ.
Tôi nghĩ rằng cuộc đời này không có cái gì là vĩnh viễn cái. Cái gì cũng có cái lúc của nó. Tuổi trẻ tôi đã có rồi, nghĩ lại thì thấy tuổi trẻ ấy thật tuyệt vời. Tôi đã có tình yêu rồi, tình yêu này tình yêu khác. Tôi có một giây phút này giây phút khác. Bây giờ khi nhìn lại tôi không nghĩ mình phải sợ mất cái gì đâu!
Thế ông có nuối tiếc điều gì trong đời không?
Không, tôi không nuối tiếc gì hết! Bây giờ tôi không nghĩ là cái đó phải như thế này như thế nọ. Không, tôi không nghĩ như vậy! Với tôi không có cái gì đúng đắn cả. Nó phải như vậy, nó như vậy rồi. Tôi chỉ thấy có điều này thôi, tôi sợ một ngày nào đó khi tôi mở mắt ra tôi nhìn và tôi thấy không còn cái gì đẹp hết, không muốn khám phá gì hết, không muốn viết nhạc làm nhạc nữa… tôi chỉ sợ cái đó thôi!\
Nhà báo Trường Kỳ – 1998