Bài phỏng vấn nhạc sĩ Lê Dinh lúc sinh thời do ký giả Bích Xuân thực hiện ở hải ngoại. Trong bài phỏng vấn này, ông đã chia sẻ về những sáng tác của mình và đưa ra nhận xét về dòng nhạc nhận xét về dòng nhạc trẻ hiện nay.
Dưới đây là bài phỏng vấn chi tiết:
Hầu hết khán giả đều biết nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu sáng tác từ năm 1956, nhưng ít ai biết rằng ông còn làm về ngành thông tin tại đài phát thanh trước năm 1975 và làm chủ bút tờ báo ở hải ngoại. Nhạc sĩ có thể chia sẻ thêm về điều này?
Khi chủ trương một tờ báo, tôi không có tham vọng to lớn, chỉ muốn là ngoài việc truyền tải thông tin về âm nhạc, thời sự, kiến thức phổ thông,… thì chính yếu là muốn nhắc lại cho các thế hệ sau biết những người đi trước trong lĩnh vực văn học, âm nhạc, nghệ thuật. Ngoài ra, còn là để giới thiệu, nâng đỡ những mầm non văn nghệ trên con đường họ đã chọn.
Ở hải ngoại, ngoài làm báo nhạc sĩ Lê Dinh còn sáng tác không?
Tôi vẫn sáng tác, nhưng so với trước năm 1975 thì rất ít vì ở đây còn rất nhiều thứ cần thì giờ để giải quyết và cơm áo gạo tiền ràng buộc không cho mình còn nhiều thời gian để sáng tác.
Tôi được biết nhạc sĩ Lê Dinh có những bản nhạc viết về quê hương rất tha thiết. Xin nhạc sĩ cho biết thêm về những ca khúc ấy!
Về những bản nhạc quê hương, không hiểu tại sao khi còn ở trong nước thì tôi không viết, nhưng giờ đây ở hải ngoại mới thấy thấm thía 2 từ “quê hương” và viết rất dễ, rất suôn sẻ, chẳng hạn như bài “Thương về Gò Công”
Nhớ nhung ôi thiết tha,
Vùng đất quê hương mình
Đẹp xinh như gấm hoa
Còn biết bao nhiêu tình
Ôi quê mình đẹp sao,
Gò Công xứng danh địa linh
Giồng Sơn Quy – đất lành bia đá còn ghi
Gò Công, ai về nhớ mãi trong lòng
Mênh mông đám lá
Tối trời mênh mông.
Gò Công đất quý là đây
Phong thủy hợp nhất nơi này quê tôi…
Theo nhạc sĩ, những bài nhạc trước năm 1975 có những đặc điểm gì giống và khác so với nhạc bây giờ?
Nhạc trước năm 1975 kỹ thuật không rắc rối, lời ca viết ra cũng đơn giản, bình dị, không cầu kỳ như nhạc sau năm 1975. Nhạc sau này kỹ thuật vững chãi hơn, hơi khó khăn hơn, có lẽ là do sống gần với nền âm nhạc của ngoại quốc. Lời ca của ca khúc cũng thay đổi nhiều do hoàn cảnh đang ở tạm nơi xứ người, mang thân phận ly hương.
Nhạc sĩ Lê Dinh có thể chia sẻ vài kinh nghiệm khi làm nhạc?
Nói về kinh nghiệm trong việc viết nhạc thì cứ viết nhạc nhiều từ từ kỹ thuật sẽ vững chắc hơn, không còn những lỗi ấu trí, những khiếm khuyết buồn cười nữa. Thông thường, những người viết nhạc từ 10 năm trở lên sẽ không còn vấp phải những lỗi lầm hay gặp nữa. Còn về phần hồn nhạc thì không ai giống ai, cũng không phải do kinh nghiệm mà có, bởi nó thuộc về thiên phú.
Nhạc sĩ có nhận xét gì về các ca sĩ hiện nay ở hải ngoại không?
Về nhạc hải ngoại hiện nay, với những ca sĩ trưởng thành từ trước năm 1975 thì họ vẫn giữ được phong độ, hát bằng tâm hồn mình. Còn một số ca sĩ trẻ mới lên thì một số hát bằng ngoại hình hơn là hát bằng cảm xúc trong tâm hồn. Những người này cần phải có vũ công múa may xung quanh mới hát được, trình diễn được. Và khán giản thì coi họ hát hơn là nghe họ hát.
Xin nhạc sĩ cho biết, tại sao bây giờ các nhạc sĩ thường chuộng sáng tác những ca khúc mang giai điệu “gào thét”?
Âm nhạc những năm sau này, nhất là âm nhạc trong nước, không phải là âm nhạc nữa… tôi cũng chẳng biết nên gọi đó là gì. Nghe loại nhạc chói tai này đang vui mình bỗng thấy bực tức ngang xương. Ca sĩ thì không gào thét không phải là ca sĩ, có thể gọi là “hét sĩ” thì đúng hơn. Tuy nhiên, nói thì nói như vậy nhưng trong nước vẫn có một số ít những bài rất dễ thương, đi vào lòng người như “Sông quê”, “Tiếng hát chim đa đa”,…
Bích Xuân