Nhạc sĩ Doãn Mẫn là một trong những “cánh chim đầu đàn” của nền tân nhạc Việt Nam, là tấm gương mẫu mực về lao động nghệ thuật. Ông nổi tiếng nhất với ca khúc “Biệt ly”, một nhạc phẩm có sức sống mãnh liệt, được yêu thích hơn 80 năm qua.
Nhắc đến nhạc sĩ Doãn Mẫn, mọi người sẽ nhớ đến một người nhạc sĩ tài hoa, âm thầm cống hiến cho nghệ thuật. Ông không mưu danh bằng âm nhạc, với Doãn Mẫn âm nhạc như một nhu cầu tự thân và là niềm đam mê cháy bỏng. Bởi lẽ đó, mà ông không lấy số lượng làm trọng, thay vào đó ông chỉn chu trong từng lời ca giai điệu, để cho ra đời những nhạc phẩm tốt nhất, hay nhất.
Dù chỉ sáng tác vài chục ca khúc, nhưng bài hát nào của ông cũng được công chúng đón nhận, yêu thích. Những bài hát như Bến yêu đương, Biệt ly, Cô lái thuyền, Dũng tiến, Gió thu, Gió xa khơi,… đều để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhiều thế hệ yêu nhạc Việt.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Doãn Mẫn không chỉ sáng tác nhạc mà còn có khoảng thời gian giảng dạy Nhạc viện Hà Nội, viết sách và nghiên cứu âm nhạc suốt 20 năm. Trong một lần phỏng vấn trên báo Thanh Niên năm 2004, ông đã bày tỏ nỗi trăn trở của mình về bản sắc Việt Nam trong nhạc Việt thời kỳ mới.
“Nhạc trẻ bây giờ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nhạc ngoại lai. Điều đó không lạ vì thời chúng tôi cũng từng sáng tác tân nhạc theo mẫu nhạc mới như vậy. Trong buổi đầu “âm nhạc cải cách”, cũng thiếu gì nhạc sĩ bị ngợp, bị lai Pháp, rồi chắp vá theo kiểu đầu Ngô mình Sở. Có điều, những nhạc sĩ thời ấy như Văn Chung, Nguyễn Xuân Khoát… đều biết nhắc nhau giữ lòng quý trọng với những tinh hoa dân tộc dù chỉ là về hình thức. Điều quan trọng là âm nhạc phải mang nét đẹp dân tộc để người nghe biết rằng đó là ca khúc Việt Nam. Giờ ngẫm lại hóa ra, lứa chúng tôi thời ấy đã thấm nhuần ý thức dân tộc, đại chúng trước cả khi có Đề cương văn hóa năm 1943 cơ đấy. Bây giờ, người ta viết ca khúc dễ như ăn cháo vì chẳng cần bố cục gì, cứ pha tạp lung tung cũng cho ra một nhạc phẩm”, nhạc sĩ Doãn Mẫn nhận xét.
– Theo ông, đâu là lý do khiến ca sĩ trẻ hiện nay “ngại” hát nhạc tiền chiến?
“Vì nhạc tiền chiến không còn hấp dẫn với họ nữa và họ sợ hát không hay bằng những ca sĩ lớp trước. Phần đông ca sĩ trẻ hiện nay không đi sâu phân tích, tìm hiểu ý đồ của người sáng tác nhạc. Nên khi hát không diễn tả được tình cảm của ca khúc, nhất là trong hoàn cảnh đất nước hiện nay khác xa với thời trước. Ở đây, tôi không chỉ nói riêng đối với các bài tiền chiến mà cả các bài hát về cách mạng, các bài ca kháng chiến…”.
– Ông nghĩ gì về các ca khúc mang tính thời thượng “ồn ã đến, rồi lặng lẽ đi”?
“Về vấn đề này, tôi chỉ xin kể một câu chuyện. Vào khoảng năm 1938, khi ấy tôi và bốn bạn trẻ yêu nhạc đang tập làm tân nhạc nên có theo học một sĩ quan Pháp phụ trách dàn nhạc kèn quân đội Pháp, đóng trong thành cổ Hà Nội tên là Banal. Ông dạy chúng tôi hòa thanh và giảng những nguyên tắc chính về phối âm, phối khí. Học được 6 tháng thì ông ấy phải về Pháp nên chúng tôi không học nữa. Trước khi đi, ông có nhận xét về những ca khúc do chúng tôi sáng tác. Ông nói: “Các anh sáng tác theo đúng cấu trúc của các ca khúc châu Âu, từ cách lấy chủ đề đến các câu nhạc. Nhưng, khi nghe tôi lại thấy đây không phải là những bài hát châu Âu mà vẫn là của các anh!”. Ý của ông ấy là các bài hát vẫn có nét gì rất Việt Nam và ông ấy khuyên chúng tôi cứ nên làm như vậy!”
Dừng lại một chút, nhạc sĩ Doãn Mãi lại nói tiếp: “Hiện nay, nhiều bài của tôi được phối khí lại mà đến tôi còn chẳng nhận ra mình viết. Làm mới không có nghĩa là làm khác đi. Nửa thế kỷ rồi cũng trôi qua. Những giai điệu nào, đóng góp nào, những tác giả nào, con người nào còn lại?”.