Nghệ sĩ Tú Trinh ngoài được biết đến là một trong những giọng đọc huyền thoại của nền phim ảnh Việt nam, còn là một nghệ sĩ cải lương, kịch nói gắn liền với ký ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ khán giả.
Người nghệ sĩ giấu mình trong gai góc
Tú Trinh tên thật là Hà Thị Thu Ba, sinh năm 1952 ở Sài Gòn trong một gia đình nghèo có 9 anh chị em. Cha bà là nhạc sĩ cổ nhạc Chín Trích, nằm trong nhóm “ngũ bá danh cầm” một thời của sân khấu cải lương Sài Gòn.
Tú Trinh bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật khi còn rất trẻ với đoàn cải lương Hồ Quảng, tại đây bà chuyên được giao phó cho các vai tỳ nữ trong các vở tuồng cổ của Đoàn đồng ấu Minh Tơ. Đến năm 13 tuổi, Tú Trinh thi đỗ vào lớp dự thính khoa Cải lương Trường quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn. Bà theo học tại đây đến hết cao đẳng thì dừng lại vì gia đình nghèo, không đủ điều kiện để học tiếp.
Ở lĩnh vực cải lương, Tú Trinh ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng qua các vai Thúy Liễu (Lan và Điệp), vai Dung (Tô Ánh Nguyệt), vợ Hoát (Trái tim trong nắng),…
Nhưng càng diễn Tú Trinh càng nhận thấy mình không có chất giọng ngọt ngào như những nữ diễn viên cải lương khá, khó theo nghề được. Thế là bà đành bỏ sân khấu cải lương chuyển sang kịch nói và lồng tiếng. Tú Trinh từ tâm sự rằng: “Nhờ bước chân vào nghề lồng tiếng sớm nên tôi học được cách thâm nhập vào mọi tính cách nhân vật. Bởi điều kiện cần và đủ để làm được nghề lồng tiếng chính là sự nhạy bén, biết nắm bắt tâm lý nhân vật”.
Thời ấy, phim Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ đâu đâu cũng vang lên chất giọng oanh vàng, diễn cảm của nữ nghệ sĩ Tú Trinh, đến độ chỉ cần bật tivi lên chưa cần xem, chỉ cần nghe những âm sắc đầu tiên khán giả đã vỗ đùi đen đét nhận ra Tú Trinh ngay.
Đến năm 1966, vai diễn bà hội đồng trong “Người đẹp Tây Đô” đã đưa tên tuổi của Tú Trinh lên một tầm cao mới và cũng từ đây bà luôn được gắt với hình ảnh người phụ nữ độc ác, cay nghiệt, tàn nhẫn, lẳng lơ đến mức chỉ cần nhìn thấy mặt là khán giả ghét cay ghét đắng. Ngoài bộ phim này, nghệ sĩ Tú Trinh còn góp mặt trong rất nhiều bộ phim khác với những vai diễn cực ấn tượng như: Lá sầu riêng, Đời vũ nữ, Áo lụa Hà Đông, Trưởng giả kén rể,…
Song song với việc tham gia đóng phim, Tú Trinh cũng thường xuyên góp mặt trong các vở kịch nói như: Cô lái xe và chiếc bình cổ, Tình nghệ sĩ, Những thước phim đời,…
Đằng sau lớp bọc nghệ sĩ là người phụ nữ dễ tổn thương
Năm 1979, nghệ sĩ Tú Trinh lập gia đình với nhạc sĩ Cao Phi Long, hơn bà một con giáo. Cả hai có tình cảm khi cùng cộng tác trong Đoàn kịch nói Kim Cương. Họ có với nhau một cô con gái rượu tên Khánh Hà, sinh năm 1983. Thế nhưng, sau đó không lâu cả hai quyết định đường ai nấy đi vì một số mâu thuẫn không giải quyết được. Dù phải chật vật kiếm sống, một mình nuôi con nhỏ nhưng Tú Trinh vẫn không có ý định đi thêm bước nữa.
Tú Trinh tuy nhiều lần chia sẻ mình có cuộc hôn nhân không trọn vẹn, thế nhưng mỗi khi ai đó nhắc về chồng cũ, bà vẫn khẳng định nếu quay lại bà vẫn chọn yêu và cưới người đàn ông đấy, bởi không ai hiểu bà hơn chồng cũ Cao Phi Long. Nghệ sĩ tú Trinh không hề hối hận về quyết định của mình năm xưa, bởi đó là lựa chọn đúng đắn vào thời điểm đó và bà tin rằng, mỗi quyết định đều có một ý nghĩa riêng trên hành trình cuộc đời, dù đúng hay sai.
Trên màn ảnh cay nghiệt là thế, nhưng ngoài đời thực, nghệ sĩ Tú Trinh cũng chỉ là người phụ nữ yếu mềm. Trong một lần phỏng vấn bà chia sẻ rằng: “Tôi vốn dĩ cũng yếu đuối lắm, yếu đuối vô cùng nên mới phải dùng cách ráng gồng mình lên để mạnh mẽ, gai góc, ngang ngạnh, khó chơi để bảo vệ mình và con. Riết rồi thành quen luôn!”.