HỒ SƠ – TIỂU SỬ NGHỆ SĨ NĂM SA ĐÉC
- Tên thật: Nguyễn Kim Chung.
- Nghệ danh: Năm Nhỏ, sau là Năm Sa Đếc.
- Ngày sinh: 24/03/1907 – 26/01/1988.
- Quê quán: Sa Đéc, Đồng Tháp.
- Nghề nghiệp: Nghệ sĩ cải lương và tuồng, diễn viên điện ảnh.
- Danh hiệu (nếu có): Không.
- Thời gian hoạt động: 1928 – 1987.
Nghệ sĩ Năm Sa Đéc là ai?
Nghệ sĩ Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung, sinh năm 1907, mất năm 1988, hưởng thọ 80 tuổi. Bà là một trong nữ nghệ sĩ cải lương và tuồng nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu mến.
Ban đầu, nữ nghệ sĩ đi hát cho một đoàn hát bội với biệt danh Năm Nhỏ. Về sau, do trùng tên với một nghệ sĩ khác là con dâu của đoàn hát, bà đổi tên thành Năm Sa Đéc.
Nghệ sĩ Năm Sa Đéc từng được mệnh danh là một trong ngũ trân châu của nghệ thuật tuồng cổ. Ngoài ra, bà cũng tạo nhiều dấu ấn khi lấn sân sang kịch nói và điện ảnh.
Nghệ sĩ Năm Sa Đéc và những điều ít người biết về đời tư
Những ngày thơ ấu của bà Năm Sa Đéc
Nghệ sĩ Năm Sa Đéc tên thật là Nguyễn Kim Chung, là người con thứ 5 trong gia đình đông con. Cha của bà là Hương cả Nguyễn Duy Tam, cũng là người sáng lập ra gánh hát bội đầu tiên ở Sa Đéc “Thiện Tiền Ban”. Được biết, 3 người con lớn của ông Cả Tam do khó nuôi nên mất sớm, ngoài Nguyễn Kim Chung còn có con trai nữa tên Nguyễn Duy Cang (còn gọi Sáu Biết).
Vợ chồng ông Hương cả vốn vô cùng yêu thích hát bội, nên đã quyết định đặt tên con là Kim Chung. Cái tên ấy được đặt theo tên của Năm Chung, một cô đào hát bội nức tiếng lúc bấy giờ.
Trong cuốn sách về cuộc đời của bà Năm Sa Đéc do nhà văn Thiện Mộc Lan viết, nguồn gốc cái tên đã được bật mí. Theo đó, nữ nghệ sĩ cho biết: “Do cha mẹ tôi thích hát bội nên khi sanh tôi ra, đặt cho tôi tên Kim Chung là để nhắc nhở đến tên tuổi một cô đào hát bội nổi danh ở Mỹ Tho là cô Năm Chung. Mới 6-7 tuổi, tôi đã mê coi hát bội.
Anh Tư tôi, vì quá thương em, với lại ảnh cũng mê coi hát, nên đêm nào cũng cõng tôi đi coi hát ‘đáo lệ’ ở đình làng. Đến khi ba tôi lập gánh, tôi cũng năn nỉ ba má cho học hát. để làm đào. Má tôi có lẽ bị ảnh hưởng nặng nề cái câu ‘con theo hát bội, mẹ liều con hư’ nên bà phản đối quyết liệt. Riêng ba tôi, chắc có ‘tâm hồn nghệ sĩ’nên ông nói nhẹ nhàng hơn là ‘để tao tính coi…'”.
Thế là, ước mơ đi làm đào hát cải lương của cô gái nhỏ Kim Chung cũng thành hiện thực. Ông Cả Tam thương con, nên tạo điều kiện cho con gái diễn nhiều vở kịch trong gánh hát mình thành lập.
Đường tình duyên lận đận của nữ nghệ sĩ cải lương
Phải nói rằng, tuy có sự nghiệp thành công rực rỡ, nhưng bà Năm Sa Đéc lại lận đận trong chuyện tình cảm. Bà có tới hai đời chồng, nhưng lại chưa một lần có cơ hội mặc áo cô dâu.
Vốn là nghệ sĩ nổi tiếng, bà được nhiều người yêu mến, cũng có vài mối tình đầu đời. Có nguồn tin nói rằng, nữ nghệ sĩ từng hẹn hò với “kép đẹp” Hai Thành nhưng sau đó sớm chia tay. Còn để nói về những chuyện tình được nhiều người biết đến, phải nhắc tới ông Đốc phủ sứ Đặng Ngọc Chấn và học giả Vương Hồng Sển.
Năm 1939, Năm Sa Đéc và ông Đặng Ngọc Chấn, một Đốc phủ sứ lúc bấy giờ nên duyên. Cả hai ở bên nhau một thời gian, rồi có với nhau một đứa con trai tên Nguyễn Ngọc Đặng. Sau vài năm chung sống, cả hai đường ai nấy đi. Về người con trai, sau này ông Đặng trở thành diễn viên khá nổi tiếng, từng đóng nhiều phim như: “Hòn Đất”, “Bầu trời cho chim câu”, “Ngỡ ngàng”, “Giai điệu xanh”,…
Cô Nguyễn Thị Thanh Loan, cháu ngoại ông Sáu Cang – tức em ruột bà Năm Sa Đéc sau này có hé lộ nguyên do cuộc chia tay. Cô cho biết, họ có nhiều mâu thuẫn, nhưng chủ yếu xuất phát từ quan niệm… “xướng ca vô loài”. Sau khi chia tay ông Chấn, bà Năm đưa con khăn gói lên Sài Gòn sinh sống.
Tại đây, bà gặp gỡ và nên duyên với học giả nổi tiếng Vương Hồng Sển. Năm 1947, người đàn ông ấy có mối hờn riêng, bỏ quê nhà Sóc Trăng lên Sài Gòn sinh sống. Ông định bụng “trả thù”, nhưng tình cờ thế nào lại gặp bà Năm Sa Đéc.
Ông Sển về sau có kể: “Năm ở một chòi lá, mướn mỗi tháng 3 đồng; tôi thì không nhà lại thêm tánh quân tử Tàu, nên cũng chẳng có gì… Rồi Năm sanh một trai, cha già con muộn, tôi mừng quá. Hai nỗi khổ gặp nhau. Tôi làm khai sanh và giao kết với nhau: còn thương thì ở, hết thương thì đường ai nấy đi, không có gì bận bịu, cũng không nhắc đến việc gì khác ngoài cái nghĩa tào khang”.
Thế là, bà Năm Sa Đéc lên xe đò lần hai, chỉ tiếc là không có đám cưới rình rang nào, cũng không có cơ hội diện váy cưới. Bà và nhà chơi cổ ngoạn này có một cậu con trai tên Vương Hồng Bảo, sinh năm 1950. Có nguồn tin nói, về sau ông Sển trúng xổ số, mua được một căn nhà khang trang, đặt tên là “Vân Đường Phủ”.
Cuộc hôn nhân ấy kéo dài tới lúc bà mất, nhưng cũng không hẳn là hạnh phúc viên mãn. Theo một số chia sẻ của người thân, rằng sau khi có con trai ruột, ông Sển có sự “phân biệt đối xử” với con riêng của vợ. Nên là, để có tiền nuôi con, nữ nghệ sĩ phải tăng cường đi diễn. Không chỉ biểu diễn trên sân khấu cải lương, tuồng, bà còn đi diễn kịch nói, đóng phim,…
Vì không có hôn thú, bà không được coi là vợ hợp pháp của ông Sển. Trong cuốn sách về cuộc đời bà, tác giả có nói rằng bà Năm từng hỏi ý chồng: “Mình già rồi, nên bàn với gia tộc lo mộ phần cho tôi với ông”, thì nhận được câu trả lời: “Thôi thì sau này, quê tôi, tôi về, còn bà thì về quê bà”. Năm 1988, bà Năm mất, chồng bà khi ấy đã giữ đúng lời “cam kết” là đưa vợ về an táng tại Tân Khánh Đông, Sa Đéc.
Nghệ sĩ Năm Sa Đéc và sự nghiệp nghệ thuật rực rỡ
Suốt cuộc đời mình, bà Năm Sa Đéc đã hết lòng cống hiến cho sân khấu nghệ thuật, từ cải lương, tuồng, hát bội đến kịch nói, điện ảnh. Ban đầu, bà đi diễn theo gánh hát Thiện Tiền Ban của cha, dùng nghệ danh là Năm Nhỏ.
Tuy chỉ mới 7-8 tuổi, nhưng Năm Nhỏ đã “lóc cóc” theo gánh hát này đi biểu diễn khắp vùng quê nghèo ở miền Nam. Cha của bà là một người khó tính, ông vừa là ông bầu, vừa là thầy tuồng, lại kiêm thêm vai đạo diễn, dạy cách diễn xuất, xướng âm. Năm Nhỏ cứ thế lớn lên trong cái “nôi” nghệ thuật như thế, là một diễn viên thanh sắc lưỡng toàn của đoàn hát. Gánh hát bội Thiện Tiền Ban ngày càng nổi tiếng, đi đến đâu cũng được bà con đón nhận nhiệt liệt.
Sau này, ông Nguyễn Duy Tam qua đời, một thời gian sau thì gánh hát cũng rã theo. Năm Nhỏ thọ tang ba cha xong, thì lại tiếp tục gắn bó với nghề ca hát. Bà tham gia vào gánh hát bội Phước Thắng lớn nhất vùng Chợ Lớn bấy giờ của bà bầu Ba Ngoạn.
Với chất giọng thiên phú, lối diễn thuyết phục, Năm Nhỏ liên tục gặt hái thành công, được khán giả yêu mến vô cùng. Qua các vai diễn như “Đào Tam Xuân” trong ở tuồng “Đào Tam Xuân”, hay “Lữ Phụng Tiên” trong tuồng “Phụng Nghi Đình”, nữ nghệ sĩ nhanh chóng lọt vào hàng “ngũ châu” của hát bội lúc ấy.
Lại nói, nghệ danh Năm Nhỏ của bò “đụng hàng” với một cô đào hát bội nổi tiếng khác, cũng nằm trong “ngũ châu”. Đó là cô Năm Nhỏ tên thật là Huỳnh Thị Tân (SN 1895, Cần Thơ), là ngôi sao sáng của gánh hát bộ Ba Ngoạn, cũng là con dâu của bà bầu này. Cuối cùng, bà quyết định đổi nghệ danh thành Năm Sa Đéc, là cái tên gắn liền với quê hương.
Vào đầu thập niên 1930, hàng loạt đoàn cải lương ra đời, thu hút nhiều sự chú ý. Phong cách trình diễn mới lạ, lại thêm quy mô lớn, cải lương dần “thống lĩnh” thị trường nghệ thuật lúc ấy, khiến hát bội dần suy thoái. Ban đầu chỉ ở miền Nam, nhưng cải lương lan rộng ra tới miền Trung, miền Bắc, nơi nào cũng si mê nghệ thuật cải lương. Thời điểm đó, có vô số đoàn cải lương nức tiếng ra đời như Đồng Bào Nam, Bầu Bòn, Huỳnh Kỳ, Song Phụng,… cùng hàng loạt nghệ sĩ tài hoa như Hai Cúc, Phùng Há, Tư Sạn, Hai Xiêm, Hải Giỏi, Bảy Cam, Năm Châu,…
Theo xu thế, Năm Sa Đéc cũng dần rời xa nghề hát bội, chuyển sang hát cải lương. Cũng có nơi nói rằng, bà chuyển sang hát cải lương vì đã bỏ đi nghệ danh cũ. Khi tham gia các gánh hát cải lương, bà Năm Sa Đếc thường đảm nhận các vai nữ võ tướng, tham gia vô số gánh hát nổi tiếng.
Từ gánh Trần Đắt đến Phụng Hảo, đoàn nào có mặt cô Bảy Phùng Há kiểu gì cũng có cô Năm Sa Đéc tham gia. Trong cuốn sách viết về cuộc đời bà, tác giả Thiện Mộc Lan có ghi: “Cô Bảy Phùng Há đã khéo chọn lựa người để tạo thế mạnh về lực lượng đào kép biết ca cũng như biết diễn. Cô Bảy đặt trọn niềm tin ở cô Năm Sa Đéc”.
Trong suốt sự nghiệp, bà Năm Sa Đéc đã đóng không ít những vở cải lương để đời. Nhưng với giới mộ điệu, vai diễn đáng nhớ nhất của bà là bà Phán Lợi, trong vở Đoạn tuyệt (phóng tác theo tác phẩm cùng tên của tác giả Nhất Linh). Bà thường diễn vở này trên sân khấu đại ban Thanh Minh – Thanh Nga, được ký giả thời ấy khen ngợi là “chưa ai thủ diễn vai này hay bằng”.
Ngoài ra, bà Năm Sa Đéc cũng lấn sân sang lĩnh vực kịch nói và điện ảnh. Một số bộ phim tạo tiếng vang của nữ nghệ sĩ là “Lệ đá”, “Con ma nhà họ Hứa”, “Cho đến bao giờ”, “Mùa nước nổi”, “Con thú tật nguyền”, “Nơi bình yên chim hót”,… Khi chuyển sang đóng phim, bà cũng đã bắt đầu đứng tuổi, nên thường đảm nhiệm các vai diễn người mẹ.
Năm 1987, bà Năm Sa Đéc đóng phim “Phù sa”, vào vai bà Hai Lành. Khi quay xong một cảnh phim ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp, bà dự định về thăm quê nhà Sa Đéc. Thế nhưng, tài xế lại đi nhầm đường, thẳng tới phà Mỹ Thuận mới nhận ra. Ông đành xin lỗi nữ nghệ sĩ, hẹn lần sau sẽ đưa bà về thăm quê. Nào ngờ, khi về Sài Gòn, sức khỏe bà sao sút sau một cơn bạo bệnh rồi qua đời.
Nghệ sĩ Năm Sa Đéc và những vở tuồng, cải lương từng tham gia
Nghệ sĩ Nam Sa Đéc đã tham gia biểu diễn nhiều vở tuồng, cải lương nổi tiếng, chưa kể còn nhiều bộ phim điện ảnh. Dưới đây là một số vai diễn đắt giá trong sự nghiệp nghệ thuật của bà:
Vai diễn trong các vở cải lương, tuồng
- Đào Tam Xuân trong vở Đào Tam Xuân
- Lữ Phụng Tiên trong vở Phụng Nghi Đình
- Hồ Nguyệt Cô trong vở Tiết Giao đoạt ngọc
- Vở Ngũ biến báo phu cừu
- Vở Địch Thanh
- Vở Lá sầu riêng (kịch nói)
- Bà Phán Lợi trong vở Đoạn tuyệt
Vai diễn trong các bộ phim điện ảnh
- Má Phi trong phim Chân trời tím (năm 1971)
- Phim Lệ đá (năm 1971)
- Phim Sóng tình (năm 1972)
- Phim Con ma nhà họ Hứa (năm 1973)
- Phim Cho đến bao giờ (năm 1983)
- Phim Con thú tật nguyền (năm 1984)
- Phim Mùa nước nổi (năm 1985)
- Phim Nơi bình minh chim hót (năm 1986)
- Phim Phù sa (năm 1987)
Năm Sa Đéc và nỗi oan “con buôn” khó thanh minh
Cách đây nhiều năm, công chúng không khỏi xôn xao trước thông tin nghệ sĩ Năm Sa Đéc từng bán hủ tiếu, bánh bao, mở một quán ăn nhỏ ở quê hương. Có người nói rằng, bát hủ tiếu bà Năm nấu đậm đà vị quê nhà Sa Đéc, do hủ tiếu được chế biến từ bột xứ quê.
Tuy nhiên, theo lời đính chính của chị Nguyễn Thị Thanh Loan, cháu ngoại ông Sáu Cang, em ruột bà Năm Sa Đéc, đây là thông tin sai sự thật. Chị chia sẻ: “Quán Hủ tiếu và bánh bao này là của ông Cả Cần. Người này nhận ngoại tôi (tức bà Năm Sa Đéc) làm má nuôi nên tôi kêu bằng cậu Ba. Vì vậy lúc mới khai trương quán không thu hút được nhiều khách hàng. Ông Cả Cần mời ngoại đứng tên quán. Thỉnh thoảng, những hôm hát xong sớm, hay đi đóng phim ở đâu đó về ngang, ngoại có ghé quán trước là đãi ăn uống, sau là để quảng bá…”.
Ông Cả Cần tên thật là Trần Phấn Thắng, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Công thức nấu hủ tiếu, làm bánh bao hoàn toàn là từ Mỹ Tho, chứ không phải là ở Sa Đéc. Sau năm 1975, gia đình ông Thắng sang nước ngoài định cư, quán ăn hủ tiếu Năm Sa Đéc được một người bà con quản lý, duy trì.
Anh Thái Thanh Sang, cháu ruột bà Năm cũng chia sẻ thêm, cả gia đình từ xưa đến nay không có ai hành nghề buôn bán, chứ đừng nói là mua bán hay sản xuất hủ tiếu. Anh cho biết: “Các con cháu của bà Năm Sa Đéc ngày nay không có ai nối nghiệp của bà, cũng không ai sinh sống ở quê. Người con trai cả của bà là cậu Đặng cũng đã qua đời, chỉ còn vợ con cậu Đặng hiện sống ở Sài Gòn. Căn nhà to rộng, cổ kính với 3 gian, 2 chái bát dần trên một khu đất rộng cạnh bên con đường nhỏ Cái Bè – Cai Khoa của ông Cả Tam không còn, do giặc Tây đốt rụi hồi năm 1954”.