Thái Thanh (tên thật là Phạm Thị Băng Thanh) sinh năm 1934 tại Hà Nội, trong gia đình nghệ thuật (chị gái là danh ca Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Hoài Trung, chị dâu là ca sĩ Khánh Ngọc…).
Thái Thanh bắt đầu sự nghiệp cầm ca từ khi mới 13 – 14 tuổi. Ban đầu, bà đi hát với chị gái Thái Hằng ở các phòng trà. Đến năm 1951, chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh và đi hát chuyên nghiệp.
Thái Thanh sở hữu giọng ca nội lực, âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao. Vì thế, thể loại nhạc bà hát rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, Thái Thanh là người ham học hỏi. Không chỉ học từ các anh chị trong gia đình, bà còn tự học, tự trau dồi các kiến thức âm nhạc cho mình. Sự khổ luyện ngày đêm đã đem đến cho bà danh xưng “đệ nhất danh ca” của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình ca miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Minh chứng rõ ràng nhất cho danh xưng “đệ nhất danh ca” của Thái Thanh chính là những lời nhận định từ các nhà phê bình, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng:
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
“…Rồi mấy tuần sau đó, tại đường Doudeauville Ba Lê, họp mặt với các bạn sinh viên bên đó, tôi được vặn cho nghe vài bản nhạc Việt Nam của ban Thăng Long trình diễn. Và trong một giây phút nào đó, nghe giọng cô Thái Thanh, tôi bỗng thấy hiện ra rõ rệt tất cả những cordes vocales nơi cổ họng của cô ca sĩ nổi tiếng mà tôi rất ưa chuộng. Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia”, trích “Nẻo về của ý”.
Nhạc sĩ Phạm Duy
“Thái Thanh khởi sự làm mê hoặc lòng người bằng giọng hát hãy còn rất mỏng của cô bé 17 tuổi. Bước vào nghề hát ở tuổi dậy thì, dù chẳng theo học một lớp dạy hát nào, Thái Thanh rất thông minh để không phát âm theo kiểu rung mạnh (giọng lồng ngực) như Minh Đỗ hay kiểu đổ hột (giọng cổ họng) như Ái Liên. Thái Thanh có lối hát rất Việt Nam, nghĩa là nhấn giọng vào từng chữ, giống như lối hát dân ca, hát chèo, hát chầu văn. Giọng cô là giọng Thương Huyền được tăng trưởng vì bao trùm 2 bát độ đứng giữa 2 giọng nữ cao và nữ trung, nghĩa là có rất nhiều khả năng hơn tất cả các nữ ca sĩ đương thời. Hát Tình Ca, Tình Hoài Hương của tôi âm vực rất rộng, tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt trầm (sòn) hoặc rất cao (són) của hai nhạc phẩm này. Từ đó trở đi, đa số ca khúc của tôi đều dựa vào khả năng giọng hát Thái Thanh. Giọng hát Thái Thanh, một giọng hát diễm tuyệt: Tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước”.
Nhà nghiên cứu Thụy Khê
“Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ. Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ. Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tê buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống”.
Nhạc sĩ – nhà văn Nguyễn Đình Toàn
Nhà văn Mai Thảo
“Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh hai mươi năm nay là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng. Đã là một giòng sông đầy, nó vẫn còn là cái thánh thót, cái trong vắt của một giòng suối, nước reo thủy tinh, sỏi lăn trắng muốt. Như một bông hoa không nở và tàn trong một buổi sáng, mà hoa đã mãn khai, vẻ hàm tiếu vẫn còn. Tiếng hát trẻ trung vĩnh viễn, không tuổi, không quá khứ là vì nó tạo mãi được cho người nghe cái cảm giác mát tươi đầu mùa như vậy. Cái não nùng, cái thê thiết rũ rượi là những cái làm già. Thái Thanh không hát cái chết bao giờ, trong cả những ca khúc nói về cái chết. Tiếng hát không bao giờ là một tiếng khóc, nó là đời sống, tiếng cười, và mặt trời. Những cái đen, những cái tối, gì là vũng lầy, gì là vực thẳm, ở ngoài tiếng hát Thái Thanh”.
Nhà văn Hồ Trường An
“Tiếng hát của Thái Thanh trong và tỏa ngời ánh sáng. Bản chất giọng hát của nàng là kim cương quý báu: Âm lượng dồi dào, âm sắc bén ngót và ngọt ngào, làn hơi dũng mãnh, phong phú… Giọng hát đó cộng thêm sự diễn tả truyền cảm đã làm nên một tên tuổi Thái Thanh”.
Ca sĩ Quỳnh Giao
“Thái Thanh có tiếng hát đẹp, như trường hợp của Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu từng chữ, với âm sắc hoàn toàn Việt Nam. Cái “hồn Việt” chúng ta nói đến trong tiếng hát của bà được bắt gặp trước tiên ở cách hát cho rõ lời. Cũng vì vậy, đòi Thái Thanh hát nhạc ngoại quốc là chưa bắt được cái “thần” của bà. Thái Thanh là người hoàn toàn Việt Nam từ cốt tủy, và hát hay nhất các ca khúc về mẹ”…