Khoảng giữa thập niên 1950, danh ca Thanh Hằng (NSUT Lê Hằng sau này) là bóng hồng nổi danh trong những tình khúc bất hủ của chàng nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc Kỳ – Đoàn Chuẩn. Câu chuyện về mối tình câm lặng của Thanh Hằng với Đoàn Chuẩn đã trở thành một huyền thoại văn nghệ. Bởi cả hai chưa từng chính thức lên tiếng nói về cuộc tình này, mãi đến tận năm 2009, thông qua chương trình “Người kể chuyện tình và chân dung cuộc tình” của Đài truyền hình Vĩnh Long, bí mật mới được bật mí từ chính người trong cuộc.
Danh ca Thanh Hằng tên thật là Lê Lệ Hảo, sinh năm 1935 tại Hà Nội. Bà là một nữ ca sĩ xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn, nổi danh trong suốt 2 thập niên từ 1950 – 1960. Nói về vẻ đẹp và sự nổi tiếng của Thanh Hằng, nhiều người yêu nhạc Hà Nội vẫn rỉ tai nhau rằng, thuở trước mỗi khi có tên Thanh Hằng trên băng rôn là khán giả sẽ đến xem đông tới cháy vé. Vì lẽ đó mà bà được không ít công tử Bắc Kỳ thời ấy si mê theo đuổi, trong đó có cả chàng nhạc sĩ hào hoa Đoàn Chuẩn.
Có rất nhiều giai thoại theo kiểu “Công tử bạc liêu đốt tiền nấu trứng để lấy lòng người đẹp” được mọi người thêu dệt xung quanh cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và cả mối tình này. Trong đó, nổi tiếng nhất là giai thoại “chơi ngông” của vị công tử họ Đoàn. Để tranh giành đưa đón người đẹp với một công tử Hà thành khác, ông đã cho người chạy hai chiếc xe hơi đến chặn đầu, chặn đuôi xe của người kia, còn mình thì ung dung lái xe đi đón người đẹp.
Một giai thoại khác cũng đình đám không kém, đó là trong một lần ngẫu hứng đưa Thanh hằng đi chơi biển Đồ Sơn. Trong khi người khác để xe hơi trên bờ biển rồi đi bộ xuống thì Đoàn Chuẩn lại đánh xe ra tận mép nước chỉ vì câu nói vu vơ của nàng: “Ước gì chỉ cần bước chân ra khỏi xe là em có thể chạm ngay vào những con sóng”. Sau khi bị ban quản lý nhắc nhở vì vi phạm chỗ kinh doanh của người bản xứ, Đoàn công tử không ngần ngại trả lời: “Xe chiếu bóng đến đâu thì tôi trả tiền đến đó”.
Những giai thoại này không biết thực hư thế nào, nhưng đã gọi là “giai thoại” thì chỉ 3 phần thật, 7 phần hư, nên mọi người nghe qua cũng xem như câu chuyện vui của giới nghệ sĩ một thời.
Mãi tận sau này, sau nhiều lần lảng tránh, không thừa nhận mối tình với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn danh ca Thanh Hằng cuối cùng cũng lên tiếng bộc bạch lòng mình: “Ngày ấy, tôi biết anh Đoàn Chuẩn yêu mình và tôi cũng có tình cảm, nhưng không thể tiến tới được vì anh có vợ con rồi. Về các bài hát anh viết có hình ảnh tôi trong đó như “Tà áo xanh”, “Lá đổ muôn chiều”, “Chiếc lá cuối cùng”, “Bài ca bị xé”,… tôi cũng biết đó chính là câu chuyện của hai người. Vì thế mà sau này có nhiều người đề nghị tôi cũng không hát. Tôi biết những bài hát ấy viết về mình, giờ mình lại hát hóa ra là tự ca ngợi chính mình à. Nên thôi cứ để cho người khác hát!”.
Về bài hát nối tiếng “Tà áo xanh”, danh ca Thanh hằng cũng nói đúng là mình hay mặc áo xanh và trong một lần đến nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chúc Tết cùng nhiều nghệ sĩ khác, bà bước ra ban công nhìn xuống dưới sân, bất chợt thốt lên: “Ô mùa xuân rồi mà sao lá vẫn rơi, thế là thế nào nhỉ?”. Câu nói này sao đó đã được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đưa vào bài:
“Anh còn nhớ em nói rằng
“Sao mùa xuân lá vẫn rơi?
Sao mùa xuân lá vẫn bay?
Có trời nào không mây
Có tình nào không phai?”.
Danh ca Thanh Hằng trong lần trò chuyện chia sẻ ấy cũng lên tiếng xác nhận câu chuyện từng được coi là “màn đánh ghen” huyền thoại, đó là việc vợ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã đến gặp bà nói chuyện về cuộc tình tay ba của 3 người. Thanh Hằng nói: “Đúng là bà ấy có đến gặp tôi, bà ấy nói giữa hai chị em mình có một người phải hy sinh thôi. Thì tôi chấp nhận hy sinh, vì ông ấy có vợ con rồi, tôi không thể tiến tới được”.
Nhắc đến câu chuyện này, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là nhạc sĩ Đoàn Đính cũng từng kể lại như sau: “Cha tôi từng yêu một cô ca sĩ nổi danh xinh đẹp nhất đất Hà Thành lúc đó tên là Thanh Hằng và từng viết đến 6 bài hát tặng nàng. Mẹ tôi hay chuyện đang ở Hải Phòng lập tức đi ô tô lên Hà Nội. Ai cũng tưởng sẽ có một cuộc đánh ghen lớn nổ ra, nào ngờ mẹ tôi gặp xong chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?”. Thanh Hằng trả lời có. Rồi bà nói tiếp: “Em yêu anh Chuẩn 1 thì chị yêu ảnh 10, chị sẵn sàng nhường anh Chuẩn cho em, em trót yêu anh nhà chị thì em cố yêu nốt 6 đứa con của anh ấy nhé!”. Thế là Thanh Hằng tỉnh mộng trả mẹ tôi tất cả thư từ của hai người và xé những bài hát được cha tôi tặng. Cũng vì thế mà cha tôi mới viết ca khúc “Bài ca bị xé”. Sau khi khi nhận được tin Thanh Hằng đi lấy chồng, ông còn viết và gửi cho bà ấy ca khúc “Lá đổ muôn chiều”. Trong bài hát này, ở lời đền cha tôi có ghi là: Viết tại 63 Lý Thường Kiệt và 46 Hàng Cót (Rạp Đại Đồng). Không kìm nổi sự xúc động và nhớ vô cùng”.
Sau sự kiện “đánh ghen” chấn động ấy, cả hai không còn qua lại với nhau nữa. Nhưng theo lời kể của tác giả Nguyễn Trương Quý trong cuốn “Một thời Hà Nội hát” thì sau khi chấm dứt tình yêu, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và nữ danh ca Thanh Hằng vẫn coi nhau là những người bạn, thỉnh thoảng vẫn thư từ, tin tức cho nhau. Thậm chí, ông còn giữ một tấm ảnh của nữ ca sĩ khi đã lớn tuổi.
Sau năm 1954, danh ca Thanh Hằng ở lại Hà Nội và đổi nghệ danh thành Lệ Hằng và chuyển sang hát dòng nhạc cách mạng. Với dòng nhạc mới bà, bà được yêu thích mến mộ với ca khúc “Trước ngày hội bắn” và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Còn về phía nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, cho đến cuối đời ông vẫn sống bình yên bên người vợ tảo tần cùng với 6 người con của mình.
Để kết lại cho câu chuyện phiếm tản mạn về thiên tình sử giữa nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và danh cha Thanh hằng, xin phép mượn lời của người nhạc sĩ tài hoa ấy trong những giây phút cuối của cuộc đời: “Rời những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại”.