CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA MOZART (1756-1791)


“Âm nhạc của Mozart thuần khiết và đẹp đến mức người ta có cảm giác rằng ông chỉ đơn giản là tìm thấy nó, lấy nó ra một cách tự nhiên và nguyên vẹn như thế nó vốn đã tồn tại như một phần cái vẻ đẹp sâu kín của vũ trụ đang chờ được khám phá.” – Albert Einstein

Amadeus Mozart (1756-1791)

Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27/1/1756 ở Salzburg, vào thời điểm đó gia đình cậu đang ở trong thời kỳ tương đối sung túc. Cha cậu, ông Leopold, là một nghệ sỹ vĩ cầm có tiếng làm việc trong Nhà thờ của Tổng giám mục ở Salzburg, ông có đủ khả năng để đảm bảo cuộc sống tương lai cho Maria Anna và Wolfgang, hai đứa trẻ duy nhất còn sống sót trong số sáu đứa trẻ mà vợ ông, bà Anna Maria đã sinh cho ông. Điều quan trọng hơn cả là, ông đã có thể đem đến cho những người trong gia đình ông một mái ấm hạnh phúc đầy tình yêu thương và sự chiều chuộng mà Wolfgang tỏ ra cần có ngay lúc đó. Nhìn bề ngoài, Wolgang có vẻ là một cậu bé nhút nhát, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết, Wolfgang đã bộc lộ một năng khiếu âm nhạc bẩm sinh từ khi còn rất nhỏ tuổi. Ngay khi nhận ra được tài năng của con trai, ông Leopold đã rất nhanh chóng bồi dưỡng, đào tạo cậu một cách chặt chẽ và bài bản. Ông đã dạy con trai chơi violin và piano, và đã giữ một vai trò quan trọng trong những sáng tác đầu tiên của cậu, đưa cậu đến với những phòng khách sang trọng mà ở đó cậu được chào đón bởi các quý bà ngưỡng mộ tài năng phi thường của cậu. Một điều may mắn là, việc xuất hiện trước công chúng sớm như vậy đã không làm ảnh hưởng đến phẩm chất cá nhân đẹp đẽ trong con người cậu bé nhỏ tuổi; cậu vẫn luôn luôn giữ được sự duyên dáng và trong sáng rất tự nhiên của mình.

Ông Leopold đã bắt đầu những hành trình lưu diễn với hai đứa trẻ của mình từ rất sớm. Đầu năm 1762, khi Wolfgang chỉ mới vừa tròn 6 tuổi, gia đình Mozart đã thực hiện một cuộc hành trình vòng quanh châu Âu. Chị gái của Wolfgang, Maria Anna, người mà cậu vẫn gọi một cách thân thương là Nannerl, vốn là một nghệ sỹ piano rất giỏi. Họ đã cùng biểu diễn với nhau một vài lần ở Munich trong suốt thời gian lễ hội hóa trang trước trước lễ bầu cử hoàng tử Maximillian, đó là những buổi biểu diễn được đón nhận rất nồng nhiệt. Gia đình Mozart chuyển đến Vienna vào tháng 9 năm 1762. Chúng ta có thể biết được điều đó từ một số bức thư của Leopold, nữ hoàng Maria Theresia đã mời gia đình âm nhạc đễn Schonbrunn thậm chí trước cả khi họ xin được tiếp kiến bà.

Vào tháng 6 năm 1763, gia đình Mozart khởi hành từ Salzburg, bắt đầu một hành trình rất dài, phải mất đến 3 năm. Khi trở về Munich, nơi mà họ đã từng được chào đón tại cung điện, họ chuyển đến Augsburg, nơi này đối với họ cũng chẳng hứng thú gì lắm. Tuy nhiên, ở Frankfurt, năm buổi biểu diễn trước công chúng của hai nhạc công trẻ tuổi đã thu hút được một lượng khán giả khổng lồ. Sau thời gian ở Đức, gia đình chuyển đến Brussels và rồi, vào tháng tư năm 1764, họ đến London. Buổi biểu diễn tiếp kiến George III của Wolfgang cũng thành công và ấn tượng chẳng kém gì khi cậu ở Paris một vài tháng trước đó. Ở London, cậu bé Mozart nhỏ tuổi đã có dịp được gặp gỡ với Johann Christian Bach, con trai của Johann Sebastian Bach, và được nghe âm nhạc của ông. Họ trở thành những người bạn thân và âm nhạc của Johann Christian đã có một ảnh hưởng quan trọng đến các sáng tác của Wolfgang. Cậu đang viết các giao hưởng và các sonata cho violin và piano, ngay sau đó là những vở opera đầu tiên, La finta semplice (1768), một vở opera buffa, và cũng trong năm đó là vở singspiel Bastien und Bastienne.

Sau một kỳ nghỉ ngắn, họ lại bắt đầu những hành trình mới, lần này là đến Italy, “trái tim con chan chứa niềm vui – Mozart viết vào ngày 13/12/1769 – cuộc hành trình này thật sự vui vẻ”. Đi qua Brenner Pass vào đất Ý và sau một thời gian ngắn ở Rovereto cùng một buổi hòa nhạc thành công tại Accademia Filharmonica ở Verona, Wolfgang cùng với bố đến Milan, ở đó, giữa những nhân vật tiếng tăm khác, họ đã gặp một trong những nhạc công nổi tiếng nhất thời đó, Giovanni Battista Sammartini. Tứ tấu đàn dây đầu tiên của Mozart, đề ngày 15/3/1770 tại Lodi, đã được viết trong giai đoạn này.

Tiếp theo, họ đến các thành phố khác của Italy: Bologna, Florence, Rome và Naples, Ở Bologna, cậu đã nhận được sự chỉ dạy rất bổ ích từ Padre Martini, và khi đến Rome, cậu đã được Pope Clement XIV trao giải thưởng The Order of the Golden Spur.

Quay lại phía bắc, Mozart đã cho trình diễn một vở opera được sáng tác vội, Mitridate, rè di Ponto, tại Teatro Ducale ở Milan vào 26/12/1770. Tuy không phải là một đỉnh cao, nhưng vở opera lại là một tác phẩm mang đầy đủ truyền thống Italy, và cũng nên nhớ rằng lúc đó Mozart mới chỉ 14 tuổi.

Gia đình Mozart trở về Salzburg, nhưng không lâu sau, đến giữa năm 1771, họ quay trở lại Italy một lần nữa. Vở opera của Wolfgang, Ascanio in Alba, được trình diễn vào ngày 17/10 tại Teatro Ducale ở Milan, tiếp sau đó là Lucio Silla vào ngày 26/12/1772 vẫn tại Teatro Ducale. Thành công của vở opera này đã đặt dấu mốc cho sự thắng lợi của cậu trong lần thứ ba lưu diễn tại Italy.

Người bảo trợ của Leopold và Wolfgang, tổng giám mục Sigismund, chết vào tháng 12 năm 1771 ngay sau khi họ trở về Áo và người kế nhiệm ông đã đem đến những thay đổi cho sự nghiệp của họ. Tổng giám mục mới Hieronymus, bá tước Colloredo, ít dung thứ cho sự vắng mặt của các nhân viên của mình bằng người tiền nhiệm, và cũng không chấp nhận lắm việc gia đình Mozart đi lưu diễn trong thời gian dài, một công việc cần thiết cho sự nghiệp âm nhạc của họ. Tuy nhiên, Wolfgang đã sáng tác một vở opera ngụ ngôn, Il sognor di Scipione (Giấc mơ của Scipio) tỏ lòng tôn kính với lễ phong tổng giám mục mới, và ông tổng giám mục đã thưởng cho cậu bằng việc nhận cậu làm Konzertmeister, tức là nghệ sỹ violin chính ở Salzburg, một chức vụ mà cậu gần như đã nắm giữ trong suốt 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, cậu vẫn được cho phép thực hiện một số hành trình lưu diễn ngắn, vào năm 1773 cậu đã tới Vienna cùng với bố. Sau khi từ chức trợ lý tổng giám mục vào tháng 9 năm 1777, Wolfgang đến Augsburg và Mannheim, và năm 1778 đến Paris, ở đó, lần đầu tiên trong đời anh có được cảm giác là một nghệ sỹ tự do.

Tuy nhiên, sự thành công của anh vẫn chưa được toàn diện và to lớn lắm. Những năm này là những năm khó khăn đối với nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ trình diễn trẻ tuổi. Vào năm 1775 anh đã có được thành công khi vở La finta giardiniera được trình diễn ở Munich, và ngay sau đó là vở Il re pastore, với phần lời của Pietro Metastasio, diễn ở tòa nhà tổng giám mục Salzburg. Ở Paris năm 1778, nhà soạn nhạc 22 tuổi được ủy nhiệm viết phần âm nhạc cho vở ballet Les petits riens, nhưng sự thành công tiếp theo đã không đến với anh, thay vào đó là một tin buồn, người mẹ thân yêu của anh qua đời. Anh trở về Salzburg vào giữa tháng giêng năm 1779, một chàng trai chán nản và bất mãn, mặc dù đã trưởng thành hơn, đã nhận thức được giá trị thực sự cũng như sự phong phú hơn về khả năng cảm xúc và trí tuệ của mình.

Một tia hy vọng lại lóe lên vào tháng 10 năm 1780 khi Mozart, bây giờ lại là trợ lý của bá tước Colloredo, được bổ nhiệm viết một vở opera vũ hội hóa trang cho Munich, và kết quả là Idomeneo được trình diễn vào ngày 29 tháng 1 năm 1781 tại nhà hát cung điện Munich. Tác phẩm này được mô tả là “mới và đặc biệt”, nó là một thành công lớn. Sự ngưỡng mộ của công chúng và sự thắng lợi của tác phẩm này đã níu chân Mozart, anh đã không trở về Salzburg ngay lập tức, điều này đã làm ông tổng giám mục nổi giận. Tình trạng bất ổn này cuối cùng được giải quyết vào 16/3/1781, khi Mozart mãi mãi từ bỏ công việc trợ lý tổng giám mục. Kể từ thời điểm đó, nhà soạn nhạc không chỉ được giải phóng khỏi sự gò bó luôn làm anh cảm thấy ngột ngạt mà còn thoát ra khỏi sự bảo vệ đùm bọc quá mức của người cha. Anh rời Salzburg và ngay lập tức lao vào cuộc sống náo nhiệt ở thành Vienna, ở đó anh đã nghĩ rằng có thể dễ dàng tìm được một công việc theo kiểu “nghệ sỹ tự do”. Với hy vọng là mình sẽ có nhiều học sinh, anh đã sáng tác một số lớn các tác phẩm dùng để dạy học, tin chắc rằng anh sẽ được bổ nhiệm viết ít nhất một vở opera mỗi năm, cũng như được mời biểu diễn ở nhiều buổi hòa nhạc. Anh cũng chắc chắn rằng anh sẽ không gặp trở ngại khi xuất bản các sáng tác của mình. Lúc đầu thì dường như mọi chuyện có vẻ tốt đẹp, nhưng năm 1786 đã là năm bắt đầu cho sự suy sụp của Mozart.

Thành công của Seraglio đã làm Mozart rất tự tin. Anh nhanh chóng làm lễ với cưới Constanze Weber vào ngày 4/8/1782, không để ý đến sự phản đối kiên quyết của người cha. Tuy nhiên, Wolfgang đã có rất nhiều việc để làm, và khi ông Leopold đến thăm đôi vợ chồng trẻ ở Vienna vào mùa đông năm 1785, ông đã có thể cảm thấy yên tâm về những gì mà cậu con trai của mình dường như đang làm. Các tác phẩm của Wolgang đang được xuất bản và Wolfgang có nhiều học sinh.

Tuy nhiên, cuộc sống ổn thỏa này đã không kéo dài được bao lâu. 1786 chính là năm ra mắt vở opera Le nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), với phần lời của Lorenzo da Ponte, vở opera được trình diễn lần đầu tiên tại Hoftheater ở Vienna. Tác phẩm khá là thành công, nhưng tầng lớp quý tộc ở Vienna lại không hiểu được chủ đề của nó. Các nghệ sỹ thì vẫn bị xem như những người làm công, những người không bao giờ được khuyến khích vượt qua những giới hạn nhất định trong công việc của họ. Với việc đưa hình ảnh của một con người bình dân, Figaro, vào trong nghệ âm nhạc nghệ thuật hàn lâm, Mozart đã tạo ra một hiệu ứng mang tính thách thức đối với cái xã hội thời đó. Kể từ đó, theo một nghĩa nào đó, chính vở opera này đã đánh dấu điểm khởi đầu cho quá trình suy sụp của sự nghiệp người nhạc sỹ trong mắt công chúng thành Vienna thời bấy giờ.

Tuy nhiên, vở Le nozze đã nhận được một sự chào đón khác hẳn khi nó được trình diễn tại nhà hát Quốc gia ở Prague, ở đó giới quý tộc Đức-Tiệp rất có hứng thú với chủ nghĩa dân tộc. Sự thắng lợi của Le nozze lại được tiếp nối bởi một vở opera nữa, cũng thành công không kém, Don Giovanni, được trình diễn lần đầu tiên vào 29/10/1787. Những năm tháng mà Mozart ở Prague có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông, sự ngưỡng mộ và quý trọng của công chúng ở đây đối với ông đã bù đắp lại những thất vọng cay đắng mà ông từng phải hứng chịu trước đây trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, mọi chuyện đã kết thúc ở đó, ông buộc phải quay trở về Vienna để tìm việc làm.

Năm 1788, Mozart viết xong bản Concerto cho Piano giọng Rê trưởng (K. 537). Mãi cho đến ngày 15/10/1790 nó mới được trình diễn ở Frankfurt để chào mừng lễ trao vương miện cho Leopold II, và người ta gọi nó là Concerto “Đăng quang”.

Bản Concerto cho Piano cuối cùng của ông, Si giáng trưởng, K.595 được viết vào đầu năm 1791, nổi tiếng với cảm xúc hài hòa của chủ nghĩa cổ điển, cũng giống như tất cả các tác phẩm mà Mozart đã sáng tác trong năm cuối cùng này của cuộc đời ông.

Các giao hưởng được viết trong những năm cuối cùng này cũng cực kỳ xuất sắc. Trong khi chuẩn bị đến Prague để trình diễn vở Le nozze vào tháng 12/1786, Mozart đã viết bản Giao hưởng bất hủ số 38 giọng Rê thứ, K.504 thường được gọi là Praguehay Sinfonia senza minuetto (Giao hưởng không có điệu minuet). Tiếp theo là Giao hưởng số 39 giọng Mi giáng trưởng, K. 543, Giao hưởng số 40 giọng Son thứ, K.550, và cuối cùng là Giao hưởng số 41 giọng Đô trưởng, K.551, Jupiter.

Năm 1789 có lẽ là năm khó khăn nhất của Mozart. Tình trạng tài chính của ông tồi tệ đến mức, ông buộc phải đi kiếm từng đồng để sống. Mọi chuyện dường như chỉ khá hơn một chút vào cuối năm khi ông dời đến Berlin, hy vọng tìm được công việc ở chỗ hoàng đế Wilhelm Friedrich II, nhưng công việc thành ra lại chỉ là nhận viết 6 Tứ tấu và 6 Sonata đơn giản cho Piano, những việc mà thậm chí ông đã không bao giờ hoàn thành. Ông cũng đã đến Dresden, Leipzig và Prague, nhưng chẳng nhận được hợp đồng nào có thể giúp ông thoát khỏi tình trạng tài chính tồi tệ cả.

Sau khi trở về Vienna năm 1789, ông đã tặng hoàng đế Joseph II một vở opera buffa mới, Così fan tutte, vẫn với phần lời của Lorenzo da Ponte. Nó được trình diễn ngày 26/1/1789 tại Burgtheater, nhưng cái chết ngay sau đó của hoàng đế, này 20/2 đã khiến các nhà hát ở Vienna phải tạm ngừng hoạt động, chính điều đó (cho dù là vô tình) đã giết chết ngay từ đầu một tác phẩm xuất sắc của Mozart. Vở opera đã được ghi nhận, nhưng trong nhiều năm, nó đã không được trình diễn lại lần nào ở Vienna cả.

Một cơ hội quan trọng khác dường như đến hơi muộn vào năm 1790, khi một ông bầu tên là Salomon, đi ngang qua thành Vienna, đề nghị với Mozart một hợp đồng ở London 6 tháng và 6 buổi hòa nhạc ngoài trời có bán vé ở Ansterdam. Tuy nhiên, những lời mời này lại trùng đúng vào thời điểm sức khỏe của Mozart bắt đầu suy sụp.

Prague cũng mời Mozart sáng tác một vở opera trang trọng để kỷ niệm lễ đăng quang của Leopold II, trở thành vua xứ Bohemia. Kết quả là, vở La clemenza di Tito, được sáng tác chỉ trong bốn tuần, được trình diễn ở Prague ngày 6/9/1791 và đã không đạt được sự chấp nhận của hoàng cung, mặc dù các buổi trình diễn sau này thường là rất thành công.

Mozart đã quay trở lại Vienna để tham gia chỉ đạo diễn tập cho một vở opera khác mà ông đã làm việc với nó trong suốt những tháng trước đó, Die Zauberflöte (Cây sáo thần), một tác phẩm lấy cảm hứng từ bài thơ của Wieland với phần lời của ông bầu E.J. Schikaneder. Buổi biểu diễn đầu tiên ngày 30/9/1791 tại Theater auf der Wieden ở Vienna không thể gọi là một thắng lợi, tuy nhiên, vở Die Zauberflöte đã nhanh chóng trở thành vở opera thành công nhất của ông.

Mozart lúc này đã đi gần đến những năm tháng cuối đời. Khuôn mặt xanh xao và thân hình phờ phạc đã báo hiệu một cái chết không thể tránh khỏi đang đến rất gần. Chính bản thân ông cũng nhận ra điều này. Ông đã viết những dòng này vào ngày 7/9/1791: “Tôi vẫn tiếp tục sáng tác, bởi vì như vậy sẽ làm tôi ít mệt hơn là không làm gì cả… tôi cảm thấy giờ khắc của tôi sắp tới; tôi sắp chết… nhưng cuộc sống đã thật là tuyệt diệu”. Mozart mất ở Vienna vào ngày 5 tháng 12 năm đó, có lẽ là vì bị nhiễm trùng nội tạng. Họ đã chôn cất ông trong một nhà mồ tập thể, và hài cốt của ông cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
“Tôi vẫn tiếp tục sáng tác”, Mozart đã nói điều đó trong cái năm cuối cùng của cuộc đời, và đó cũng chính xác là những gì ông đã làm. Cho dù ông đã kiệt sức, nhưng ông không bao giờ mất đi niềm đam mê viết nhạc. Trong một bức thư mà cô em vợ của ông, Sophie Weber, viết năm 1825, có đoạn: “Sussmayr ở bên cạnh Mozart. Khúc Requiem được trải ra trên giường và Mozart thì đang giải thích cho anh ta nghe xem anh ta phải hoàn tất nó như thế nào sau khi ông qua đời”. Requiem là tác phẩm vĩ đại cuối cùng của Mozart và là một trong những tác phẩm âm nhạc tế lễ xuất sắc nhất của lịch sử âm nhạc nhân loại. Có một chút bí ẩn xung quanh sự ra đời của tác phẩm này, khi Mozart nhận viết nó cho một người hảo tâm giấu tên. Mozart đã chấp nhận đề nghị này với 50 đồng ducat. Tuy nhiên, việc sáng tác nó đã làm ông hao tổn rất nhiều sức lực, và ông đã qua đời mà không biết được người khách hảo tâm của mình là ai.
Ngày nay, chúng ta đã biết được nhân vật bí ẩn này là ai, thực tế thì đó chính là bá tước Franz von Walsegg, ông này đã mua các tác phẩm không được xuất bản để giả mạo đó là những sáng tác của chính ông ta. Về sau, ngày 14/12/1793, người đàn ông kỳ cục này đã chỉ huy buổi trình diễn đầu tiên tác phẩm Requiem của Mozart dưới mái vòm nhà thờ Wiener Neustadt Cistercian ở Vienna, trên trang bìa của tổng phổ có ghi “do bá tước Walsegg sáng tác”.

Mozart đã không bao giờ hoàn thành Requiem của ông. Nó được viết nốt bởi người học trò Franz Xavier Sussmayr, một người có đức tính khiêm tốn, ông đã thêm vào các phần còn thiếu và soát lại nhiều bản thảo đã có. Sự hoàn chỉnh của ông có vẻ như là trung thành với toàn bộ những dự định của Mozart, có lẽ là bởi vì Sussmayr đã rất kề cận bên người thầy của mình trong những ngày cuối cùng.

Ngoài Requiem, Mozart còn viết một số lớn các tác phẩm tế lễ, hầu hết đều trong giai đoạn ông làm việc ở Salzburg. Chúng bao gồm khoảng 15 khúc Mass, Litany, Vesper và Offertory. Là một sự thu gọn các thành quả của ông về âm nhạc tôn giáo từ 1785 cho đến suốt một vài năm tiếp theo, Mozart đã ngày càng tập trung đến âm nhạc Tam điểm, hầu như ngay khi sự bốc đồng tôn giáo mà ông chưa bao giờ có thể diễn tả một cách đầy đủ trong âm nhạc tế lễ được lái sang khuynh hướng mới này. Mozart đã trở thành một hội viên của hội Tam điểm vào năm 1784. Ban đầu, Mozart cũng ít quan tâm đến hoạt động của hội này, nhưng khi công chúng trở nên thờ ơ với tác phẩm của ông, ông mới thấy rằng sự hỗ trợ tài chính mà các hội viên hội Tam điểm có thể mang lại cho ông là rất có ích. Các sáng tác của ông trong giai đoạn này bao gồm cantata Dir, Seele des Weltalls (K.429), trình diễn khi Mozart được bầu vào hội Tam điểm, cantata Die Maurerfreude (K.471) trình diễn ngày 24/4/1785, cantata Maurerische Trauermusik (K.477), trình diễn ngày 17/11/1785, và bản cantata cuối cùng, Masonic Cantata (K.623) được Mozart hoàn thành vào tháng 11/1791.

Bài thánh ca nhỏ giọng Rê trưởng Ave verum corpus, K.618 của ông là một tác phẩm rất đáng được đặc biệt nhắc đến. Đây là một tuyệt tác được viết từ mùa hè năm 1791 ngay trước khi ông bắt đầu viết Requiem. Nó được sáng tác cực kỳ nhanh để dùng làm âm nhạc cho lễ hội Corpus Christi tại nhà thờ St Stephen ở Baden. Mặc dù chỉ có 46 ô nhịp, bài thánh ca nhỏ nhắn này vẫn kết hợp được tính nghiêm trang với tính đơn giản đến lạ thường, và đây có lẽ là một sự thể hiện rất tiêu biểu cho “tính đơn giản” kỳ diệu trong tác phẩm của Mozart, thiên tài âm nhạc có một không hai.

Di sản âm nhạc thính phòng của Mozart thực sự là khổng lồ, hầu hết là các tác phẩm được nhận viết cho những vị trưởng giả hoặc những người bảo trợ có địa vị cao. Nhạc thính phòng của Mozart bao gồm các divertimento, serenade, norturne và các vũ điệu dành cho hội hóa trang vốn rất thịnh hành ở thời kỳ đó. Một ví dụ nổi tiếng là bản Serenade giọng Son trưởng, Eine kleine Nachtmusik (Một khúc nhạc đêm nhỏ) viết cho dàn dây, K.525, hoàn thành vào 19/8/1787, một tác phẩm thông minh và tươi tắn mang một sự duyên dáng và hấp dẫn được điều chỉnh đôi chút với chủ đích là để tiếp cận sát với hình thức bề ngoài của nó. Bản divertimento nổi tiếng Ein Musikalischer Spass (Một trò vui âm nhạc), K.522 được viết trước Serenade chỉ một thời gian ngắn, có lẽ là tiểu phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Trong suốt thời kỳ này ông cũng hoàn thành một số lớn lied cho giọng hát và piano, bao gồm Abendempfindung, K.523, An Cloe, K.524 và Das Veilchen), K.476 dựa trên các câu thơ của Geothe. Lied cuối cùng này là rất đáng chú ý bởi vì nó đã vượt ra khỏi các quy tắc được chấp nhận trong nền thanh nhạc thế kỷ 18. Mozart đã rút ra được những thành ngữ mới từ nhạc kịch của thời ông và thêm vào một chức năng diễn tả mới cho lied, việc làm này đã được tiếp tục phát triển bởi Franz Schubert trong thế kỷ tiếp theo.

Nhiều Lieder khác đã được sáng tác sau khi Mozart được bổ nhiệm làm “Nhà soạn nhạc hoàng cung” ở Vienna (một cái mác nghe rất kêu mà thực ra chỉ có nghĩa rằng ông phải viết một số lượng nhất định các điệu nhảy mỗi năm cho các buổi khiêu vũ và hội họp ở cung điện). Ngoài sáu bản Tứ tấu dây nổi tiếng đề tặng Haydn và các tác phẩm khác được viết cho Frederick Wilhehm của nước Phổ, các tác phẩm thính phòng xuất sắc nhất bao gồm ngũ tấu dây Son thứ năm 1787, Ngũ tấu Clarinet năm 1789 mà vẻ đẹp của giai điệu được gắn liền với bản Concerto cho Clarinet giọng La trưởng, K.622, viết năm 1791. Cũng không nên bỏ sót các Sonata cho violin và piano của ông đó là những hình mẫu tuyệt vời của thể loại sonata đối với một trong những yêu cầu khắt khe nhất của sự phối hợp nhạc cụ.

Số lượng tác phẩm khổng lồ của Mozart cũng bao gồm các tác phẩm viết trong giai đoạn vô cùng nghèo túng của ông, là những tác phẩm thành công trong việc điều hòa giữa tính phù phiếm cốt yếu của mục đích với cái độc đáo phi thường của tư tưởng. Vì vậy, Mozart vĩ đại có thể viết nhạc cho những cây đàn ống cơ học dựng trong lòng những cái đồng hồ, như bản Fantasia nổi tiếng giọng Pha thứ, K. 608 sáng tác ngày 3/3/1790 hay bản Andante, K. 616 viết ngày 4/5 cùng năm. Cũng có cả âm nhạc cho kèn acmônica thủy tinh, một nhạc cụ làm bằng thủy tinh điều chỉnh ở nhiều âm độ, sẽ “hát lên” khi người chơi chà xát những đầu ngón tay ẩm ướt quanh miệng kèn. Bản Adagio và Rondo, K. 617 là một kiệt tác cho nhạc cụ này hoặc là một “phương tiện”. Chưa hết, khi đã cất được gánh nặng nghèo khó, mặc dù ngắn ngủi, sự vĩ đại của ông tự nó lại được xác nhận đầy đủ và ở giai đoạn cuối của cuộc đời, ông đã đạt được sự thể hiện tuyệt vời nhất trong các tác phẩm thanh nhạc vĩ đại như Le nozze di Figaro (1786), Don Giovanni (1790) và Die Zauberflöte (1791, năm ông mất). Ngoại trừ Requiem, âm nhạc của Mozsart đặc biệt vui vẻ và dường như không hề báo hiệu cái chết của ông, không kể ý nghĩa gián tiếp rằng cái chết mang đến sự giải thoát khỏi những lo âu của đời người.

Xuất bản phẩm trọn vẹn các tác phẩm của Mozart lần đầu tiên, dựa theo danh mục thời gian sưu tập năm 1862 của nhà âm nhạc học Ludwig Kochel (tên ông này được ghi đại diện là “K” ngay trước số tác phẩm), được in tại Leipzig giữa năm 1877 và 1905.

(Nguồn: nhaccodien.info)





Sưu tầm

Các bài viết khác:
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA DANH CẦM AGUSTÍN BARRIOS MANGORÉ
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA DANH CẦM AGUSTÍN BARRIOS MANGORÉ
[ad_1] Agustín Barrios Mangore (1885 – 1944) CHƯƠNG 1 Thời thơ ấu Năm 1885, Barrios được sinh ra tại một thị trấn nhỏ yên tĩnh của San Juan Bautista ở...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA JOHANN SEBASTIAN BACH (1685-1750)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA JOHANN SEBASTIAN BACH (1685-1750)
[ad_1] Nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach đã có những đóng góp to lớn cho kho tàng âm nhạc của nhân loại. Nhạc của Bach đã tạo nên...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770-1827)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA LUDWIG VAN BEETHOVEN (1770-1827)
[ad_1] Là người đại diện cuối cùng của trường phái cổ điển thành Vienna, nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven đã có những đóng góp vĩ...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ISAAC ALBENIZ (1860-1909)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ISAAC ALBENIZ (1860-1909)
[ad_1] Isaac Manuel Francisco Albéniz sinh ngày 29/5/1860 tại Camprodon, khu tự trị Catalan, Gerona phía Bắc Tây Ban Nha. Từ nhỏ cậu bé đã nổi tiếng là thần đồng...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA HEITOR VILLA LOBOS (1887-1959)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA HEITOR VILLA LOBOS (1887-1959)
[ad_1] Heitor Villa-Lobos sinh ngày 5 tháng 3 năm 1887 tại Laranjeiras gần Rio de Janeiro, Brazil trong một gia đình yêu nhạc. Mẹ ông, bà Noêmia, chăm sóc và...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA FERNANDO SOR (1778-1839)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA FERNANDO SOR (1778-1839)
[ad_1] Nhà soạn nhạc và nghệ sĩ guitar người Tây Ban Nha Fernando Sor (14/2/1778 – 10/7/1839) có lẽ là người có công lớn nhất trong việc đưa cây guitar...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA FRANCISCO TARREGA (1852-1909)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA FRANCISCO TARREGA (1852-1909)
[ad_1] Francisco de Asís Tárrega Eixea sinh ngày 21 tháng 11 năm 1852. Cha cậu, Francisco Tárrega Tirado, là một nhân viên soát vé, và mẹ cậu, Antonia Eixea, là...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ANDRES SEGOVIA (1893-1987)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ANDRES SEGOVIA (1893-1987)
[ad_1] Andrés Torres Segovia, tước hiệu Salobreña, là nghệ sĩ guitar cổ điển lừng danh người Tây Ban Nha. Ông được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc hiện đại xem...

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA JULIAN BREAM (1933-2020)
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA JULIAN BREAM (1933-2020)
[ad_1] “Sẽ là không đúng nếu quy việc bùng nổ của niềm yêu thích cây đàn guitar cổ điển cho mình Julian Bream vào thời điểm hiện tại”, Tony Palmer...

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP GUITAR CỦA DANH CẦM BARRIOS MANGORE
PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TẬP GUITAR CỦA DANH CẦM BARRIOS MANGORE
[ad_1] Agustín Pío Barrios (5/5/1885 – 7/8/1944), còn được gọi là Agustín Barrios Mangoré là nhà soạn nhạc – nghệ sĩ guitar người Paraguay, ông được xem là “một trong...

Ads Bottom