Là tác giả của Symphonie Espagnole nổi danh dành cho violin và dàn nhạc, một tác phẩm quyến rũ người nghe bằng sự du dương và niềm đam mê tuyệt vời, Édouard Lalo là một nhà soạn nhạc lớn của Pháp vào thế kỷ 19 với các sáng tác dành cho dàn nhạc và hoà tấu thính phòng, trong thời điểm mà phần lớn những nhạc sĩ khác dành nhiều sự quan tâm cho âm nhạc sân khấu. Ngoài Symphonie Espagnole, ông còn một số tác phẩm đáng quan tâm khác, dù ít được biết đến nhưng không có nghĩa không có giá trị về mặt nghệ thuật. Ta có thể kể đến bản giao hưởng giọng Son thứ, hay bản Concerto cello giọng Rê thứ đầy cảm xúc mãnh liệt, sử dụng khéo léo khả năng biểu cảm của nhạc cụ và một số tác phẩm khác.
Édouard-Victoire-Antoine Lalo sinh ngày 27/1/1823 tại Lille, cực Bắc nước Pháp trong một gia đình quân nhân có nguồn gốc Tây Ban Nha. Có lẽ đó chính là nguồn cảm hứng để Lalo sau này sáng tác ra tác phẩm để đời Symphonie Espagnole. Ngay từ nhỏ, cậu bé Édouard đã bộc lộ khả năng âm nhạc của mình. Năm 1823, khi 10 tuổi, cậu học violin và cello tại Nhạc viện Lille. Mặc dù vậy, cha cậu đã phản đối ý định trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp của con trai mình dẫn đến việc năm 16 tuổi, Édouard đã trốn nhà lên Paris để theo học violin tại Nhạc viện Paris. Những thầy giáo của cậu tại đây là Pierre Baillot và sau đó là François-Antoine Habeneck. Édouard kiếm sống bằng cách chơi đàn và dạy lại những người khác. Năm 1843, nghệ sĩ piano Julius Schulhoff đã đề nghị cậu theo học sáng tác.
Trong giai đoạn này, Lalo bắt đầu sáng tác những tiểu phẩm dành cho violin và piano như Fantasie Originale, Op. 1, Allegro maestoso, Op. 2, 2 Impromptu, Op. 4 và 2 Impromptu, Op. 8. Bên cạnh đó, ông cũng viết một số ca khúc và từng gửi 2 ca khúc của mình cho Hector Berlioz, một trong những nhân vật được kính trọng bậc nhất tại Pháp thời bấy giờ. Lalo yêu thích âm nhạc thính phòng. Vào những năm 1850, Lalo trở thành một thành viên quan trọng của phong trào phục hưng âm nhạc thính phòng tại Pháp. Thời kỳ này, ông đã sáng tác hai tam tấu piano, cho thấy sự hứng thú và thành thạo đáng kể về hình thức này. Trong thời kỳ đầu, ông đã sáng tác hai bản giao hưởng nhưng đều chưa được công diễn và bản thảo bị thất lạc. Năm 1855, Lalo là một trong những người sáng lập ra nhóm tứ tấu đàn dây Armingaud, nhóm nhạc có mong muốn quảng bá âm nhạc của Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Robert Schumann và Felix Mendelssohn. Lalo chơi viola và sau đó là violin 2 trong nhóm. Clara Schumann và Camille Saint-Saëns từng biểu diễn cùng họ với tư cách nghệ sĩ piano. Năm 1859, ông sáng tác một tứ tấu đàn dây, tác phẩm đã nâng cao tầm vóc của Lalo với tư cách một nhà soạn nhạc các tác phẩm hoà tấu thính phòng. Nhóm tứ tấu thường biểu diễn tại nhà của Lalo vào tối thứ sáu hàng tuần. Ngoài ra, nhóm còn tham gia vào các chương trình hoà nhạc được tổ chức tại các phòng khách trên khắp Paris.
Năm 1865, Lalo kết hôn lần thứ hai với ca sĩ giọng nữ trầm Julie Bernier de Maligny. Bà trở thành người biểu diễn hàng đầu các ca khúc của ông. Sau khi cưới Jullie, phong cách sáng tác của Lalo dường như chuyển sang một hướng khác. Cũng giống như nhiều nhà soạn nhạc đồng nghiệp, Lalo cũng muốn sáng tác cho sân khấu, điều trở nên rất phổ biến thời bấy giờ tại Pháp. Bên cạnh đó, bà Julie chính là người đã khuyến khích chồng mình quan tâm nhiều hơn tới opera. Năm 1866, ông bắt đầu sáng tác vở opera đầu tiên của mình, Fiesque, dựa trên vở kịch Fiesco của Friedrich Schiller. Được hoàn thành hai năm sau đó, ông gửi vở opera tham gia một cuộc thi do Théâtre-Lyrique tổ chức nhưng không giành được giải và bị Nhà hát Opera Paris từ chối công diễn tác phẩm này. Tức giận, Lalo đã tự bỏ tiền túi ra xuất bản tác phẩm của mình. Vở opera gần như đã chìm vào quên lãng và chỉ mới được biểu diễn lần đầu vào ngày 16/6/2007 tại Nationaltheater, Mannheim. Mặc dù vậy, Lalo đã sử dụng chất liệu trong vở opera này để đưa vào một số sáng tác sau của mình như Divertissement cho dàn nhạc (1872) hay Giao hưởng giọng Son thứ (1886).
Đầu thập niên 70 của thế kỷ 19, Société nationale de musique được thành lập. Đây là một tổ chức có chức năng thúc đẩy âm nhạc Pháp và cho phép các nhà soạn nhạc Pháp đương thời trình diễn các tác phẩm của mình ở nơi công cộng. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Lalo tiếp tục nguồn cảm hứng của mình với các sáng tác dành cho dàn nhạc. Lalo nhận được sự ủng hộ từ Charles Gounod, người đánh giá cao âm nhạc của ông. Với Lalo, sẽ không là quá khi nói rằng “cuộc sống bắt đầu ở tuổi 50”. Những tác phẩm tuyệt vời nhất của ông được ra đời trong khoảng thời gian này. Cũng trong giai đoạn đó, không khí âm nhạc tại Paris có sự thay đổi đáng kể. Một làn sóng các nhạc công trình diễn nhạc cụ điêu luyện đổ về thủ đô nước Pháp, trong đó có nghệ sĩ violin tài năng người Tây Ban Nha Pablo de Sarasate. Khi Sarasate và Lalo gặp nhau, một phản ứng hóa học đặc biệt đã xảy ra, bởi vì nhà soạn nhạc người Pháp đã nhanh chóng được truyền cảm hứng để sáng tác ra các tác phẩm âm nhạc phù hợp với kỹ năng trình diễn phi thường của Sarasate. Nhìn theo cách nào đó, chính nguồn gốc gia đình của Lalo với xuất xứ từ Tây Ban Nha đã tạo nên một sợi dây liên kết đặc biệt với Sarasate và niềm đam mê tiềm ẩn đối với những điều tuyệt vời đã được đánh thức với tình bạn mới tìm thấy này. Năm 1874, Bản Concerto violin, Op. 20 của Lalo được Sarasate trình diễn lần đầu tiên. Ngay sau đó nhà soạn nhạc đã sáng tác tác phẩm tuyệt vời nhất sự nghiệp mình, bản Symphonie Espagnole, Op. 21 đầy màu sắc và biến ảo dành tặng cho người nghệ sĩ tài danh này. Chính Sarasate đã công diễn lần đầu tiên tác phẩm vào ngày 7/2/1875 tại Paris.
Mặc dù có tên gọi là Symphonie Espagnole (Giao hưởng Tây Ban Nha) nhưng thực chất, về hình thức nó gần gũi với thể loại concerto hơn. Tác phẩm có 5 chương, có nhiều đoạn thể hiện đòi hỏi trình độ kỹ thuật siêu việt cho violin độc tấu – một điều vô cùng phù hợp với tài năng của Sarasate, bản nhạc dường như được sinh ra để thể hiện tinh thần và cá tính của nghệ sĩ violin xuất sắc này. Chương nhạc mang màu sắc âm nhạc Tây Ban Nha, độc đáo và phong phú, là dấu ấn sâu sắc của tác phẩm. Cùng với vở opera Carmen của Georges Bizet, đây là một trong những tác phẩm của các nhà soạn nhạc Pháp nhưng chứa đựng những nét âm nhạc cá tính và đặc trưng Tây Ban Nha nổi tiếng nhất. Tháng 3/1878, Peter Ilyich Tchaikovsky được học trò mình là nghệ sĩ violin Iosif Kotek tới thăm. Kotek đã giới thiệu cho Tchaikovsky một số tác phẩm mới của các nhà soạn nhạc châu Âu, trong đó có Symphonie Espagnole. Tchaikovsky tỏ ra đặc biệt thích thú với tác phẩm này và dường như chính nó là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bản Concerto violin duy nhất của mình. Ông đã viết cho Nadezhda von Meck vào ngày 15/3/1878: “Tôi đã nhận được rất nhiều niềm vui từ tác phẩm này. Nó có rất nhiều sự tươi mới, nhẹ nhàng, nhịp điệu đầy kích thích và giai điệu được hoà âm xuất sắc và tuyệt đẹp. Tác phẩm cho thấy một mối quan hệ tuyệt vời với những bản nhạc khác mà tôi quen thuộc từ trường phái Pháp mới (mà Lalo là một thành viên). Như Léo Delibes, như Bizet, ông ấy cũng không theo đuổi chiều sâu, nhưng cẩn thận tránh xa lối mòn, tìm kiếm những hình thức mới và chú ý nhiều tới vẻ đẹp âm nhạc hơn là tuân theo những truyền thống xưa cũ, đối lập với những người Đức”.
Năm 1876, Lalo sáng tác bản Concerto cello với sự cộng tác từ nghệ sĩ cello người Bỉ Adolphe Fischer. Tác phẩm được công diễn vào năm 1877 tại Cirque d’Hiver, Paris với Fischer là nghệ sĩ độc tấu. Đây là cũng một tác phẩm xuất sắc khác của Lalo, đóng góp vào danh mục các concerto cello ít ỏi thời kỳ Lãng mạn. Đến lúc đó mới chỉ xuất hiện các tác phẩm của Robert Schumann, Saint-Saëns và ngay sau đó là Những biến tấu trên chủ đề Rococo của Tchaikovsky. Âm nhạc cũng gợi lên màu sắc của đất nước Tây Ban Nha, mang tính hướng ngoại và khoa trương mạnh mẽ. Mặc dù là nhà soạn nhạc người Pháp nhưng ông luôn tỏ ra yêu thích âm nhạc Đức. Phong cách sáng tác cho dàn nhạc của Lalo cho thấy ông hoà hợp với những gì diễn ra ở Đức hơn tại quê hương, điều này cũng giúp phân biệt Lalo với những nhà soạn nhạc Pháp cùng thời. Trong những sáng tác thời kỳ đầu, những nhà phê bình âm nhạc nhận ra bóng dáng của Schumann và Carl Maria von Weber mặc dù vẫn thể hiện được những nét độc đáo của riêng Lalo.
Năm 1875, Lalo bắt tay vào sáng tác vở opera thứ hai của mình, Le Roi d’Ys, dưới sự khuyến khích của Gounod. Cốt truyện được dựa trên truyền thuyết Breton về thị trấn Ys, thủ phủ của vương quốc Cornouaille. Đây là tác phẩm phức tạp và đầy tham vọng nhất của Lalo. Vai chính Margared được Lalo nhắm cho người vợ của mình, Julie. Tuy nhiên, cả Théâtre-Lyrique và Nhà hát Opera Paris đều từ chối dàn dựng vở opera này mặc dù một số trích đoạn của vai Margared đã được Julie biểu diễn. Tác phẩm chỉ được công diễn lần đầu tiên vào ngày 7/5/1888 tại Salle du Châtelet với sự dàn dựng của Opéra comique và được biểu diễn tới 100 lần ngay sau đó. Như một sự đền bù cho Lalo, Nhà hát Opera Paris đã đề nghị ông sáng tác một vở ba lê. Trong 2 năm 1881-1882, Lalo đã viết Namouna, sự căng thẳng đã khiến ông bị đột quỵ và liệt nửa người vào ngày 10/12/1882. Buổi ra mắt tác phẩm diễn ra vào ngày 6/3/1883 và nhận được nhiều bình luận trái chiều. Các khán giả chủ yếu la ó tác phẩm, nhiều khả năng do cách bố trí dàn nhạc quá dàn trải, cả trên sân khấu và trong lô dành cho khán giả. Trong những buổi sau đó, khi chúng được đưa hết xuống dưới hố nhạc, các lời ca thán đã giảm dần. Một số nhà phê bình chỉ trích tác phẩm mang phong cách Richard Wagner, một nhà soạn nhạc mà Lalo rất yêu thích. Tuy nhiên, sau đó những nhà soạn nhạc như Claude Debussy, Gabriel Fauré hay Emmanuel Chabrier là tỏ ra yêu thích tác phẩm. Debussy cho biết: “Trong số quá nhiều vở ballet ngu ngốc, có một kiệt tác: Namouna của Édouard Lalo. Chúng tôi không biết sự hung dữ của người điếc đã chôn vùi nó sâu đến mức không còn ai nói về nó nữa… Thật buồn cho âm nhạc”.
Bản giao hưởng giọng Son thứ được Lalo sáng tác trong giai đoạn 1885-1886 là sáng tác dành cho dàn nhạc cuối cùng được ông hoàn thành. Nó được công diễn lần đầu vào ngày 7/2/1887 tại Paris dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Charles Lamoureux và Concerts Lamoureux. Trong thế kỷ 20, nhạc trưởng Thomas Beecham tỏ ra rất yêu thích tác phẩm này và thường xuyên biểu diễn nó. Ngày 1/1/1889, Lalo được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, một phần thưởng xứng đáng cho tài năng và những đóng góp của ông đối với âm nhạc Pháp.
Édouard Lalo qua đời tại Paris vào ngày 22/4/1892 ở tuổi 69, để lại một số tác phẩm còn dang dở, trong đó có vở opera La Jacquerie, sau này được Arthur Coquard hoàn thành. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Père Lachaise. Nhà âm nhạc học Georges Servière trong cuốn tiểu sử về ông năm 1925 đã nhận xét vinh quang của Lalo là ông đã đưa “một tia sáng mặt trời vào âm nhạc Pháp, mang đến niềm vui, cuộc sống và sự dịu dàng giản dị của những xúc cảm và niềm đam mê cháy bỏng mà không hề có sự nhục dục bất thiện nào”.
(Nguồn: nhaccodien.info)