Christoph Willibald (von) Gluck sinh ngày 2 tháng 7 năm 1714 và hai ngày sau được làm lễ đặt tên tại Erasbach (hiện nay là một quận của Berching, Baravia). Gluck là con trai cả trong số 9 người con của Alexander Johannes và Maria Walburga (trong đó chỉ nuôi được 4 trai và 2 gái). Cha ông là một nhân viên quản lý rừng (gia đình bên nội có truyền thống làm nghề này). Năm 1917, gia đình của Gluck chuyển về sống ở Bohemia, nơi cha ông tiếp tục làm nhân viên quản lý rừng một vài năm cho một số người chủ khác nhau, trước khi chính thức chuyển về làm trạm trưởng trạm quản lý rừng cho hoàng thân Philipp Hyazinth von Lobkowitz vào năm 1727. Không có nhiều thông tin về những năm đầu đời và nền giáo dục mà Gluck đã được tiếp nhận. Theo một người bạn thuê cùng phòng trọ với Gluck ở Paris sau này thì người thầy dạy âm nhạc đầu tiên của ông (ngoài một số bài học âm nhạc khác ở trường học) là họa sĩ J.C. von Mannlich, một nam sinh tại Bohemia. Với Mannlich, Gluck đã được hướng dẫn về âm nhạc, học cách chơi một số nhạc cụ và hát theo cách đồng ca của nhà thờ.
Tuy vậy, có lẽ vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề quản lý rừng, Gluck luôn được cha ông hướng nghiệp theo nghề này, nên trong những năm đầu đời, sự nghiệp âm nhạc của ông luôn không được gia đình ủng hộ. Nói về quãng thời gian đó, sau này Gluck có viết lại :”Cha tôi là một nhân viên quản lý rừng và ông muốn tôi tiếp bước ông làm công việc đó. Vào thời của tôi, âm nhạc đang là một thứ mốt thịnh hành. Thật là không may, bản thân tôi lại vô cùng yêu thích môn nghệ thuật này, và dường như tình cảm mãnh liệt ấy đã làm cho tôi nhanh chóng có những thành công bất ngờ trong việc học âm nhạc, tôi có thể dễ dàng chơi được một vài loại nhạc cụ trong một thời gian ngắn. Vì thế, tôi gần như quyết định cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho âm nhạc và bỏ lại tất những suy nghĩ về nghề quản lý rừng ở phía sau”. Và nếu bản tự thuật của Gluck đáng tin cậy thì ông đã bỏ nhà ra đi : ”Vào một ngày đẹp trời, với một vài groschen trong túi, tôi bí mật trốn bố mẹ và lang thang trên con đường dẫn tới Vienna. Tôi kiếm thức ăn và phòng ở bằng giọng hát của mình. Vào chủ nhật và những ngày nghỉ thì tôi đến chơi với dân làng tại nhà thờ…” Đối với Gluck, những quyết định ngày ấy của ông dường như có chút sai lầm. Tuy vậy, Gluck vẫn không thể đến ngay thành phố Vienna mà ông hằng mơ ước, nơi đầu tiên mà ông đặt chân đến ngoài quê nhà là Prague, nơi mà ông phải đến để học môn toán và logic vào năm 1731. Không có thông tin nào khác về khoảng thời gian này, ngoài việc ông đã rời Đại học Prague mà không nhận bằng tốt nghiệp.
Gluck đến Milan vào năm 1737, cũng có một vài tài liệu cho rằng Gluck đã đến Vienna trước năm 1736 (mà chính xác hơn là vào năm 1734), tuy vậy đó chỉ là phỏng đoán chứ không thật sự có những bằng chứng xác đáng. Tại nước Ý, Gluck đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình một cách đúng nghĩa. Tìm được một vị trí trong dàn nhạc của thành phố Milan, ông đã đi sâu vào lĩnh vực opera. Những bài học sáng tác đầu tiên của ông đã được nhà soạn nhạc khá nổi tiếng vào thời đó là Giovanni Battista Sammartini hướng dẫn và những tác phẩm đầu tiên của ông đã thật sự thành công. Vở opera đầu tay của ông, Artaserse, được trình diễn lần đầu vào ngày 26/12/1741, khi ông 27 tuổi. Vở này cùng với những vở tiếp theo do ông sáng tác được coi là những hình mẫu cổ truyền của opera seria.
Ngay sau những thành công ban đầu ấy, Gluck đã có những dự tính mới cho những chuyến hành trình mới ở châu Âu. Ngày 7/01/1746, La Caduta de’ Giganti được công diễn tại London, ngày 4 tháng 3 cũng cùng năm này vở Artamene cũng được ra mắt công chúng. Tuy vậy chuỗi 2 tác phẩm này không đem lại cho Gluck nhiều thành công như ông hy vọng. Cũng trong năm này, Gluck đã sáng tác được 6 bản trio sonata, những tác phần lớn ra đời ở nước Ý. Sau đó, Gluck đã tham gia vào một đoàn lưu diễn opera do Pietro Mingotti đứng đầu. Những đoàn opera kiểu như thế thường phải rong ruổi tới các thị trấn để biểu diễn chứ không có nhà hát cố định. Vở opera đầu tiên của Gluck do đoàn Mingotty biểu diễn đã ra mắt tại một đám cưới kép của nhà cầm quyền Saxony ở Dresden vào ngày 29/06/1747. Vào sinh nhật của Maria Theresa, đoàn này đã biểu diễn tác phẩm La Semiramide riconosciuta (14/05/1748). Một năm sau đó, La contesa de’ numi được biểu diễn tại cung điện hoàng gia tại Copenhagen. Và vào ngày 15/09/1750, Gluck làm lễ kết hôn với Maria Anna Bergin tại một nhà thờ Thánh Ulrich ở thành phố Vienna. Lúc đó Gluck 36 tuổi và cô dâu thì mới vừa tròn 18. Với địa vị và thân thế của người vợ, vốn là con một gia đình thương gia giàu có ở Vienna, Gluck đã có thể bắt đầu độc lập về mặt kinh tế.
Cuối cùng Gluck cũng đã thật sự đặt chân lên thành phố mơ ước của mình, Vienna, khi ông trở thành Kapellmeister (chức chỉ huy dàn nhạc). Tại Vienna, Gluck đã sáng tác Le Cinesi cho kỳ festival năm 1754 và La Danza vào sinh nhật của hoàng đế Leopold II một năm sau đó. Sau khi vở opera Antigono được trình diễn vào tháng 2 năm 1756, Gluck được giáo hoàng Benedict XIV phong tước Knight of the Golden Spur. Và cũng bắt đầu từ đó, Gluck thường hay sử dụng những tên hiệu như Ritter von Gluck hay Chevalier de Gluck sau mỗi tác phẩm của mình.
Sau đó, Gluck quay lưng lại với opera seria Ý và bắt đầu viết những tác phẩm opéra comique. Vào năm 1761, Gluck cho ra đời vở opera gây nhiều chấn động Don Juan với sự cộng tác của biên đạo múa Gasparo Angiolini. Đỉnh cao nhất trong loạt opera comique của Gluck có lẽ là La rencontre imprévue được ông sáng tác vào năm 1764. Đến lúc này ông đã có những ý tưởng đầu tiên trong việc cải cách thể loại opera.
Gluck đã có một thời gian dài tìm hiểu về những vấn đề cơ bản về mặt hình thức cũng như nội dung của opera. Ông nghĩ cả hai thể loại opera của Ý lúc này (opera buffa và opera seria) đã đi lạc quá xa những gì opera nên có. Chúng có vẻ mất tự nhiên, nghệ thuật hát trong opera seria quá chú trọng hình thức mà không có chiều sâu, nội dung thì cũ kĩ và không có chút gì thú vị. Opera buffa thì đã đánh mất đi sự trong sáng vốn có, nó thật sự là đã quá nhàm chán, sự lặp lại một số những kỹ thuật làm cho chúng trở nên quá khuôn mẫu. Và cũng trong thể loại opera seria, các ca sĩ, những người quan trọng nhất trên sân khấu, thì quá cầu kì trong việc thể hiện giọng hát của mình, làm cho khán giả chẳng tài nào mà nhận ra được gia điệu chính trong vở opera. Gluck muốn đưa opera về đúng với bản chất của nó, tập trung vào tính kịch cũng như là cảm xúc của con người và khiến cho phần nhạc và phần lời có tầm quan trọng ngang bằng.
Ở Vienna, Gluck đã tìm được những người bạn có cùng tư tưởng với mình, Giacomo Durazzom, lãnh đạo nhà hát hoàng gia và rất thích âm nhạc sân khấu Pháp ; librestist Ranieri de’ Calzabigi, người muốn loại bỏ sự thống trị của Mestastasian opera seria ; biên đạo múa Gasparo Angiolini và Gaetano Guadagni – người huấn luyện các castrato của London. Kết quả đầu tiên trong những nỗ lực cải cách opera của Gluck là vở ballet được viết lại Don Juan, nhưng một tác phẩm quan trong hơn xuất hiện ngay sau đó. Vào ngày 5/10/1762, Orfeo ed Eucridice được trình diễn lần đầu tiên, Gluck viết phần nhạc còn phần lời là của Calzabigi. Phần vũ điệu được Angiolini chuyển soạn và vai chính do Guadagni đảm nhiệm. Tác phẩm thể hiện những bước đầu trong cải cách opera của Gluck và vở này chưa bao giờ ra khỏi danh mục opera chuẩn mực. Ý tưởng của Gluck là làm cho tính kịch của tác phẩm trở nên quan trọng hơn những ca sĩ ngôi sao đang biểu diễn nó và loại bỏ những phần recitative khô khan làm đứt quãng diễn biến. Gluck và Calzabigi tiếp tục cộng tác trong các vở Alceste (1767) và Paride ed Elena (1770), thậm chí họ còn đẩy những cách tân đi xa hơn nữa.
Gluck bắt đầu phổ biến ý tưởng của mình ở nước Pháp. Dưới sự bảo trợ của người học trò, Marie Antoinette, người đã kết hôn với nhà vua tương lại của Pháp, vua Louis XVI, vào năm 1770, Gluck đã kí hợp đồng sáu vở sân khấu với người quản lý của Paris Opéra. Gluck bắt đầu bằng vở Iphigénie ed Aulide (công diễn ngày 19/04/1774). Những cuộc tranh luận lớn đã diễn ra một cách vô cùng gay gắt, thậm chí gần như một cuộc chiến, điều chưa từng thấy ở thủ đô của nước Pháp từ thời kì Querelle des Bouffons (cuộc tranh cãi giữa hai trường phái opera Pháp và Ý giữa những năm 1752-1754). Những đối thủ của Gluck đã mời nhà soạn nhạc hàng đầu Ý là Niccolò Piccinni đến Paris để phát biểu về những ưu thế của Neapolitan opera và cả đô thành lúc ấy gần như bị chìm đắm trong cuộc tranh luận giữa trường phái Gluck và trường phái Piccinni. Hai nhà soạn nhạc gần như không tham gia vào trong cuộc cãi vã đó, tuy vậy, khi Piccinni được mời viết opera Roland dựa trên bản libretto mà được biết Gluck cũng đang dựa vào để viết opera, Gluck đã hủy tất cả những gì mà ông ta đã viết cho vở Roland tới lúc đó.
Vào ngày 2/08/1774, phiên bản tiếng Pháp của Orfeo ed Eucridice được công diễn, nhân vật chính được chuyển từ giọng castrato thành giọng tenor. Lần này tác phẩm của Gluck đã nhận được những phản ứng tốt hơn từ công chúng thành Paris. Cũng năm ấy, Gluck trở về Vienna nơi mà ông được bổ nhiệm làm nhà soạn nhạc của Hoàng gia. Nhưng năm tiếp theo, nhà soạn nhạc Gluck, lúc này đã nổi tiếng thế giới, đi lại giữa Paris và Vienna. Vào ngày 23/4/1776, phiên bản tiếng pháp của Alceste cũng ra mắt.
Gluck cũng viết các vở Armide (1777), Iphigénie en Tauride (1779) và Echo et Narcisse cho Paris. Trong thời gian diễn tập cho vở Echo et Narcisse, Gluck gánh chịu cơn đột quỵ đầu tiên. Vì vở opera là một thất bại hoàn toàn, Gluck quyết định trở về Vienna.
Tại Vienna, Gluck viết thêm được một vài tác phẩm nhỏ khác nhưng ông sống một cuộc sống gần như của một người đã giải nghệ. Năm 1781, ông cho ra đời phiên bản tiếng Đức của Iphigénie en Tauride và được công chúng thành Vienna hưởng ứng vô cùng nhiệt liệt.
Vào ngày 15/11/1787, ở Vienna, Gluck bị một cơn đột quỵ nữa vào qua đời vài ngày sau. Vào một buổi tưởng niệm năm sau đó (ngày 8/04/1788), người bạn và người học trò Salieri của ông đã chỉ huy De profundis của Gluck và một bản requiem do một nhạc sĩ người Ý có tên là Jommelli sáng tác. Giống như những nhạc sĩ và họa sĩ danh tiếng khác, Gluck được chôn cất tại Matzleinsdorfer Friedhof. Cho đến khi nghĩa trang này được chuyển thành công viên vào năm 1923, di hài Gluck được chuyển về lăng mộ ở Vienna Zentralfriedhof.
Kho tàng mà Gluck để lại cho nhân loại gồm khoảng 35 opera hoàn chỉnh, một vài vở ballet và tác phẩm khí nhạc khác. Những cải cách của Gluck đã gây ảnh hưởng nhiều đến Mozart, đặc biệt là opera Idomeneo (1781). Gluck đã để lại phía sau một đoàn môn đệ đông đảo ở Paris, những con người lừng lẫy trong giới âm nhạc Pháp suốt thời kì cách mạng và Napoleon mà điển hình là Salieri cùng những tên tuổi khác như Sacchini, Cherubini, Méhul, Spontini. Một trong những người hâm mộ Gluck nổi tiếng nhất chắc hẳn là Hector Berlioz, tác giả của opera thiên anh hùng ca Les Troyens, tác phẩm được coi như là đỉnh cao nhất theo truyền thống Gluck. Tuy rằng Gluck không viết opera nào bằng tiếng Đức, nhưng những hình mẫu của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến những trường phái opera Đức, đặc biệt là Weber và Wagner, những người mà quan điểm về tính kịch của âm nhạc không hề tách rời khỏi những ý tưởng của Gluck.
(Nguồn: nhaccodien.info)