Âm nhạc của Antonin Dvorak mang đến cho chúng ta những cảm giác thật gần gũi, thân thiết, những hơi thở ấm áp, bình dị của cuộc sống, những xúc cảm chân thành, đằm thắm, những nỗi nhớ thân thương, khắc khoải và da diết. Có thể nói, âm nhạc của Dvorak chân thật như một đứa bé, một đứa bé luôn mong mỏi được về bên người mẹ thân yêu. Tất cả những điều đó thể hiện trong âm nhạc của Dvorak ngay cả khi chúng được bao bọc bởi những sức mạnh trí tuệ, sự khoáng đạt, tầm vóc và lý trí xuất chúng của ông. Antonin Dvorak là tên tuổi lớn nhất trong lịch sử âm nhạc Czech, vượt trên Bedrich Smetana (người đã từng là bậc đàn anh của Dvorak) và Leos Janacek.Antonin (Leopold) Dvorak sinh vào ngày 8 tháng 9 năm 1841, ở làng Nelahozeves thuộc trung tâm xứ Bohemia.
Là con cả trong một gia đình nghèo có chín người con, người cha là chủ quán trọ kiêm nghề giết mổ gia súc, Antonin đã sớm phải làm việc phụ giúp cha. Với năng khiếu của mình, cậu đã có thể chơi violin để tiêu khiển cho khách. Học hết tiểu học, khi mới 12 tuổi Antonin được gửi đến Zlonice để học tiếng Đức theo mong muốn của cha để sau này nối nghiệp ông làm chủ quán trọ. Chính người thầy tốt bụng Antonin Liehmann đã phát hiện ra tài năng của Antonin và dạy cho cậu không chỉ tiếng Đức mà còn cả viola, organ, và piano đồng thời thuyết phục cha cậu để Antonin đi theo con đường âm nhạc.Dvorak hoàn thành việc học ở Prague Organ School vào năm 1859 và tham gia nhóm hòa tấu Komzak, nhóm này đã từng chơi trong các phòng hòa nhạc và các nhà khách ở Đức và Prague. Sau đó ông tham gia vào Prague Provisional Theatre Orchestra với tư cách bè trưởng bè viola. Dvorak làm việc ở đây trong 7 năm và trong những năm đầu mà Dvorak chơi ở dàn nhạc này, người nhạc trưởng không phải ai khác mà chính là Bedrich Smetana, nhà soạn nhạc danh tiếng của dân tộc Czech.
Vào đầu những năm 1860, Dvorak bắt đầu sáng tác. Rất nhiều những sáng đầu tay của Antonin Dvorak đã chưa bao giờ được biết đến, bởi vì…chính ông đã tự tay hủy chúng! Để tăng thêm thu nhập, Dvorak cũng dạy thêm âm nhạc, trong số những học sinh của ông có cô diễn viên trẻ xinh đẹp Josefina Cermakova mà ông đã đem lòng yêu. Tuy nhiên mối tình đã không thành. Một trong số không nhiều tác phẩm mà ông còn để lại trong thời kì sáng tác này là tập bài hát Cypress Trees (Cây bách) thể hiện sự đau khổ khi nàng kết hôn với người đàn ông khác. Tuy nhiên ông đã vượt qua cú sốc này và vào năm 1873 ông kết hôn với Anna Cermakova, em gái của Josefina (họ đã sống với nhau đến trọn đời). Một tác phẩm đáng chú ý khác của Dvorak cũng được sáng tác trong thời gian này là bản Giao hưởng số 1 giọng Đô thứ với tiêu đề “The Bells of Zlonice”.
Đầu những năm 1870, những tác phẩm của Dvorak đã trở nên nổi tiếng ở Prague. Trong đó ta có thể kể đến những tác phẩm như vở opera đầu tiên Alfred (1870) mà chính ông thừa nhận rằng chịu ảnh hưởng từ Wagner hay Giao hưởng số 3 giọng Mi giáng trưởng Op, 10 (1873), tác phẩm giành chiến thắng trong cuộc thi Austrian State Stipendium vào năm 1875. Chính những thành công này đã khiến ông từ bỏ việc chơi viola trong dàn nhạc để có thời gian tập trung vào công việc sáng tác. Ông đã đăng ký xin một khoản trợ cấp dành cho các nhạc sĩ nghèo. Một trong những thành viên của ủy ban âm nhạc ở Vienna đã quyết định ủng hộ việc trao trợ cấp cho Dvorak, người đó chính là Johahnnes Brahms. Nhà soạn nhạc kiệt xuất này đã sớm biết đến và đánh giá cao các tác phẩm của Dvorak. Brahms là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của Antonin Dvorak, không chỉ với tư cách một người bảo trợ mà còn với tư cách của một người bạn thân. Trong những năm này, Dvorak đã viết những Vũ khúc Slave nổi tiếng, những tác phẩm này đã lần đầu tiên đem lại danh tiếng cho ông ở nước ngoài.
Tên tuổi của Dvorak bắt đầu nổi lên ở Anh, đặc biệt là với bản cantata “Stabat Mater” của ông. Tác phẩm này dựa trên một chủ đề gốc Latin, được viết vào năm 1874, gắn liền với cái chết của đứa con gái mới sinh của Dvorak. Năm 1884, Dvorak được mời sang Anh để chỉ huy tác phẩm “Stabat Mater”. Ống sống tại đây cho đến tận năm 1891. Tại đây ông sáng tác rất nhiều tác phẩm cho thành phố Birmingham như cantata “The Spectre’s Bride” (1884) và Requiem Mass (1890); oratorio “St. Ludmilla cho thành phố Leeds” (1886) cũng như Giao hưởng số 7 giọng Rê thứ, Op. 70 (1885) và Giao hưởng số 8 giọng Son trưởng, Op, 88 (1888) cho Royal Philharmonic Society. Năm 1891, đại học danh tiếng Cambridge đã trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự về âm nhạc. Người Anh chỉ tán dương Dvorak như một nhà soạn nhạc Áo, nhưng là một người Czech yêu nước, ông đã quyết định quay trở về Prague.
Dvorak tiếp tục sống ở Prague, sáng tác và dạy học với tư cách là giáo sư sáng tác của nhạc viện Prague. Vào năm 1892, ông nhận được lời mời sang Mỹ của bà Jeannette Thurber, một người rất giàu có để làm giám đốc của National Conservatory of Music, New York, ngôi trường do chính bà sáng lập. Dvorak chấp nhận lời mời với một điều kiện: những sinh viên tài năng người Mĩ bản địa và người Mĩ gốc Phi không có khả năng đóng học phí thì được miễn giảm. Thurber đã đồng ý và Dvorak lên đường sang Mĩ.
Trong thời gian ở Mỹ, Dvorak nhận được mức lương cao hơn nhiều so với thời gian tại Prague và bên cạnh đó là sự tôn trọng và kính nể của giới âm nhạc non trẻ nước Mĩ. Và tại đây, Dvorak đã gặp Henry (Thacker) Burleigh, người sau này trở thành nhạc sĩ người Mĩ gốc Phi khá nổi tiếng. Dvorak đã dạy Burleigh sáng tác và ngược lại Burleigh ngồi hàng giờ hát cho Dvorak nghe những bài hát tôn giáo của người da đen Mĩ. Sau này Burleigh đã viết phần nhạc đệm cho những bài hát đó và nó thường được đem so sánh với những tác phẩm âm nhạc cổ điển châu Âu. Tuy công việc giảng dạy mệt nhọc nhưng Dvorak vẫn dành nhiều thời gian để sáng tác. Và chính tại đây những kiệt tác của ông đã ra đời đó là bản Giao hưởng số 9 giọng Mi thứ, Op.95 “Từ Thế giới mới” (1893), Tứ tấu đàn dây số 12 giọng Fa trưởng, Op, 96 “The American” (1893), Concerto cho Cello và dàn nhạc giọng Si thứ, Op.104 (1895)… Dù sống tại New York nhưng ông vẫn khôn nguôi nhớ về quê hương, Dvorak và gia đình sống trong một cộng đồng nhỏ người Czech ở Spillville. Chỉ ở được 4 năm, đến cuối năm 1894, Dvorak quyết định sẽ quay trở về quê hương Prague.
Trở về Prague đầu năm 1895, Dvorak lại tiếp tục giảng dạy ở nhạc viện Prague, đào tạo các nhà soạn nhạc tương lai. Nhạc sĩ nổi tiếng Josef Suk chính là học trò cưng và sau này trở thành con nuôi của Dvorak. Trong những năm cuối đời, Antonin Dvorak vẫn miệt mài sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm, trong đó có vở opera Rusalka nổi tiếng (1900). Dường như trong một tình trạng sức khỏe rất tốt, Dvorak qua đời đột ngột vào ngày 1 tháng 5 năm 1904, lúc này ông đang giữ chức giám đốc nhạc viện Prague. Ở một mức độ nào đó, nguyên nhân cái chết của Antonin Dvorak là một bí ẩn, có thông tin cho rằng ông bị chảy máu não vì lao động nghệ thuật quá hăng say. Ông được chôn tại nghĩa trang Vysehrad, Prague gần với ngôi mộ của Berdrich Smetana.
Âm nhạc của Antonin Dvorak giàu tính giai điệu, phong phú về cảm xúc và ở trình độ thẩm mỹ cao. Chất liệu mà ông thường sử dụng là những vũ khúc dân gian sinh đông và hấp dẫn, ông đã làm nổi bật vẻ đẹp của những vũ khúc trong hình thức cấu trúc âm nhạc chặt chẽ, quy mô và tinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn ở Mỹ, Dvorak vận dụng vô cùng xuất sắc âm nhạc dân gian của người da đen ở Mỹ (các giai điệu negro), chứng minh cho cả thế giới và đặc biệt là người da trắng thấy được văn hóa âm nhạc độc đáo và hấp dẫn của các dân tộc da đen. Có thể nói không quá lời rằng, chính Antonin Dvorak là người khai sáng cho xu hướng âm nhạc mới ở Mỹ, là người đỡ đầu cho nền âm nhạc Mỹ non trẻ.
Antonin Dvorak là một nhà soạn nhạc xuất sắc và toàn diện trong rất nhiều những thể loại, ông có nhiều giao hưởng nổi tiếng và được giới chuyên môn đánh giá rất cao như Giao hưởng số 5, số 7, số 8 và đặc biệt là Giao hưởng số 9 “From the new world”. Trong chuyến bay lịch sử lên mặt trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969 trên con tàu Apollo 11, Neil Amstrong cũng mang theo tác phẩm này. Với thể loại concerto, người ta có thể cảm thấy sự hoàn hảo ngay cả khi Dvorak chỉ sáng tác có 3 concerto, một cho piano, một cho violin và một cho cello. Cả ba concerto này đều là những tác phẩm xuất sắc và được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, bản Concerto cho cello của ông đã trở thành chuẩn mực trong danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ cello hàng đầu thế giới. Trong thể loại opera, Rusalka của ông cũng được đánh giá rất cao. Đối với âm nhạc thính phòng, Dvorak cũng để lại một di sản phong phú, ông có những tứ tấu dây rất tuyệt vời, những tam tấu, ngũ tấu và nhiều tiểu phẩm khác… Dvorak còn viết cả thơ giao hưởng, những vũ khúc Slave, Romance cho violin và dàn nhạc…
Là bạn thân của những nhân vật kiệt xuất như Tchaikovsky, Brahms…Dvorak cũng đã ít nhiều từng tiếp thu và chịu ảnh hưởng âm nhạc của họ, đặc biệt là Johạnnes Brahms. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy rất rõ ở Dvorak một tâm hồn âm nhạc rất riêng, rất vĩ đại, mang linh hồn của dân tộc Bohemia. Chính đặc điểm dân tộc trong âm nhạc đã khiến Antonin Dvorak trở thành một trong những tên tuổi nổi bật của thời kỳ Lãng mạn.
Nghe nhạc của Antonin Dvorak, chúng ta thấy yêu hơn và gắn bó hơn với quê hương, đất nước mình. Bởi, đó chính là sự đồng cảm, sự đồng cảm đặc biệt của âm nhạc, vượt qua mọi khoảng cách địa lý và những rào cản ngôn ngữ.
(Nguồn: nhaccodien.info)