CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ALBAN BERG (1885 – 1935)


Alban Maria Johannes Berg sinh ngày 9 tháng 2 năm 1885 tại Vienna trong một gia đình có bốn người con. Bố ông, Conrad Berg là một thương gia chuyển đến sống tại Vienna từ năm 1867 còn mẹ ông, Johanna Anna Berg, là một người Áo chính gốc. Berg học bài học piano đầu tiên với cô giáo dạy trẻ của gia đình.

Alban Berg (1885 – 1935)

Năm Berg lên 5 tuổi, bố ông đột ngột qua đời vì bệnh tim và việc kinh doanh của gia đình rơi và tay người lạ. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn và phải nhờ đến sự hào phóng của người chú thì Berg mới được tiếp tục việc học của mình.

Ngay từ nhỏ Berg đã đặc biệt quan tâm đến âm nhạc và văn học nhưng phải đến năm 18 tuổi ông mới quyết định theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc. Năm 1902 ông có con với Marie Scheuchl, một người giúp việc trong gia đình Berg và chính người phụ nữ này là cảm hứng để Berg viết nên tác phẩm cuối đời mình, bản Violin Concerto. Là người luôn khát khao sáng tạo và tự tìm tòi nên Berg phần nào sao nhãng việc hoc tập ở lớp, kết quả thi của ông rất kém cộng với sự thiếu thốn tình cảm, Berg định tự vẫn nhưng không thành.

Tháng 10 năm 1904 ông vào làm việc tại văn phòng chính phủ với ý định trở thành một công chức nhà nước. Nhưng tâm trí Berg lúc nào cũng hướng đến âm nhạc, trong phòng làm việc của ông treo đầy chân dung của các tác giả mà ông yêu thích: Beethoven, Ibsen, Mahler và Brahms.

 Thời kỳ này Arnold Schoenberg đang ở Vienna, kiếm sống bằng cách chuyển soạn các bản nhạc và dạy sáng tác. Schoenberg đã bắt đầu nổi danh là một nhà cách mạng trong âm nhạc với các tác

phẩm GurreliederVerklärte NachtPelleas und Melisande. Tình cờ đọc đuợc quảng cáo dạy học của Arnold Schoenberg, chú của Berg đã gợi ý ông đến học với nhạc sỹ này.

Arnold Schoenberg đã chấp nhận dạy Berg mà không nhận tiền công bởi ông nhận thấy trong Berg một cá tính cũng như trí thông minh khác thường. Các sáng tác ban đầu của Berg được Arnold Schoenberg nhận xét là chưa có tư duy khí nhạc, vẫn còn nặng tư duy ca khúc và lúc này Berg vẫn chưa thể sáng tác được cho các nhạc cụ, thậm chí cả việc phát triển một chủ đề đơn giản. Song dưới sự chỉ dạy của Arnold Schoenberg, Berg nhanh chóng học được các kỹ thuật sáng tác và đã có những tác phẩm đáng chú ý. Mở đầu là “Seven early songs” viết cho piano, tác phẩm cho thấy Berg đã vận dụng một cách thành thục kỹ thuật phát triển chủ đề theo phương pháp hết sức “nghiêm khắc” của thầy mình. Không lâu sau Alban Berg đã có tác phẩm đánh số đầu tiên của mình và đó cũng là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của ông, Piano sonata Op. 1. Sonata này được Berg viết vào năm 1908, có thời lượng khoảng 11 phút, thể hiện rõ ảnh hưởng của Schoenberg trong cách phát triển chủ đề cũng như cấu trúc: các chủ đề của sonata này gần giống với các chủ đề của “Chamber Symphony số 1” và Berg cũng dùng cách phát triển nhiều chủ đề từ một chủ đề mà Schoenberg dùng. Bản sonata một chương này được Berg viết theo hình thức sonata kinh điển, cái khác biệt chính của sonata này là Berg đã sử dụng gam một cung và các hợp âm hiện đại một cách khéo léo khiến tác phẩm vừa rất hài hòa vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn kế thừa các sáng tác của thời kỳ trước.

Năm 1909, Berg viết tác phẩm đánh số thứ hai của mình Vier Lieder, Op. 2 viết cho piano và giọng soprano. Tác phẩm gồm 4 bài hát viết trên lời thơ của Hebbel và Mombert cho thấy rõ sự trưởng thành trong kỹ thuật sáng tác cũng như tư duy nghệ thuật, đây cũng là các sáng tác cuối cùng mà Berg viết cho giọng hát và piano.

Năm 1914, lần đầu tiên Berg được xem vở kịch Wozzeck của nhà văn Georg Büchner và ông đã quyết định chuyển thể nó thành một vở opera. Ông ngay lập tức viết phác thảo cho opera này nhưng do đang bận với “3 tác phẩm viết cho dàn nhạc Op.6” nên Berg chỉ hoàn thành một phần nhỏ. Vào tháng 8 thì đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra, Berg gia nhập quân đội Áo và phục vụ trong trại huấn luyện. Nhưng vì lý do sức khỏe nên Berg được chỉ định làm cảnh vệ  ở Vienna và sau đó là làm trong văn phòng của bộ chiến tranh. Mặc dầu hết sức bận với công việc ở văn phòng nhưng Berg vẫn dành thời gian cho sáng tác.

Kết thúc chiến tranh, Berg rời quân đội và đứng ra quản lý Hiệp hội biểu diễn âm nhạc tư nhân (Society for Private Musical Performance) một tổ chức mà Schoenberg sáng lập ở Vienna nhằm đưa các sáng tác của các nhạc sỹ đương đại đến với công chúng. Các buổi hòa nhạc này thường tổ chức ở quy mô nhỏ, hạn chế với giới phê bình và các tác phẩm mới thường được tập luyện rất cẩn thận trước khi biểu diễn. Cũng chính nhờ scandal trong  buổi biểu diễn Five Orchestral Songs, Op.4 do Schoenberg chỉ huy ngày 31/3/1913 tên tuổi của Berg trở nên nổi tiếng ở Vienna.

Buổi biểu diễn, bao gồm toàn các tác phẩm mới của Schoenberg, Anton Webern và Mahler, đã làm khán giả mệt mỏi và khi đến tiết mục của Berg thì khán giả thể hiện sự quá khích một cách kịch liệt và phải có sự can thiệp của cảnh sát thì cuộc ẩu đả trong khán phòng mới chấm dứt. Cũng phải nói là do tác phẩm viết cho giọng soprano lại hát bởi giọng tenor cộng thêm phần chỉ huy không thật tốt của Schoenberg làm cho Berg cảm thấy chán nản và ông không bao giờ viết tác phẩm nào theo thể loại này nữa.

Tháng 1 năm 1923, Berg cho xuất bản phần thanh nhạc của vở Wozzeck và vài tuần sau ông bắt tay vào viết tác phẩm mới của mình, “Chamber Concerto”. Tác phẩm gồm ba chương này mang đậm ngôn ngữ của trường phái 12 âm và có chủ đề là các nốt nhạc lấy từ các ký tự trong tên của ba thầy trò: Arnold Schonberg, Anton Webern, Alban Berg (cách lập chủ đề này lập lại trong khá nhiều sáng tác khác của Berg và là thủ pháp khá phổ biến của các nhạc sỹ trường phái 12 âm cũng như trường phái tối giản – minimalism sau này). Tháng 4 cùng năm, Berg có hợp đồng với Universal Edition để xuất bản Op. 6 và Wozzeck. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập của nhà xuất bản này, Berg sáng tác Schliesse mir die Augen beide dựa trên thơ của Theodor Storm gồm hai tập, một tập ông đề tặng Helene Nahowski, người vợ tương lai của mình. Cũng trong giai đoạn này Berg đem lòng yêu Hanna Fuchs-Robettin, một người họ hàng với bạn thân nhất của ông là Alma Mahler Werfel. Chính tình yêu đó là cảm hứng để Berg viết một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình “Lyric Suite”.

Alban Berg cùng chị gái và các anh trai

Có người coi “Lyric Suite” như là một vở opera mà Berg viết cho cuộc  tình không thành của mình. Sau này người ta phát hiện Berg có đưa tặng Hanna bản nhạc kèm với phần lời dựa trên thơ của Baudelaire viết cho giọng soprano mà ông định kết hợp với phần nhạc của chương cuối cho thấy sự đau khổ về mối tình không thành và âm hưởng của toàn bộ tác phẩm vang lên các nốt nhạc lấy từ các ký tự trong tên của hai người ghép lại, Alban Berg và Hanna Fuchs. “Lyric Suite” lần đầu được trình diễn tại Vienna vào ngày 8 tháng 1 năm 1927 và  một năm sau đó “Seven Early Songs” cũng lần đầu tiên được công diễn.

Ngày 26 tháng 10 năm 1928, Berg có cuộc gặp gỡ quan trọng với người vợ của nhà văn Frank Wedekind để xin phép chuyển thể bộ đôi kịch Lulu (gồm hai vở Thổ địa và Chiếc hộp của Pandora) thành vở opera cùng tên của mình sau này. Giai đoạn từ 1924 đến 1933, Berg không phải lo lắng về tài chính nữa, sự thành công của vở opera giúp ông kiếm được khá nhiều tiền (vở opera này được trình diển trên 17 thành phố của Đức và được biểu diển trên nhiều trung tâm âm nhạc của thế giới).

Tuy nhiên vở opera Lulu cũng chịu sự gièm pha của khá nhiều nhà phê bình lúc bấy giờ, nó bị cho là không phản ánh đúng tính cách của người Đức và bản thân Berg khi trả lời phỏng vấn cũng cho rằng thành công của mình vẫn chỉ bó hẹp trong nước Đức mà thôi. Năm 1933 cùng với sự nổi lên của phe cực hữu ở Đức mà sau này phát triển thành đảng Quốc xã, tình hình xã hội ở Đức trở nên u ám, các tác phẩm của Berg ít được biểu diễn và  Berg tạm dừng viết Lulu để bắt tay vào viết hai tác phẩm theo yêu cầu là “Der Wein” và Violin Concerto. “Der Wein” là một concert aria cho giọng soprano và dàn nhạc, viết theo yêu cầu của ca sĩ giọng soprano Ruzena Herlinger dựa trên bài thơ “Die Blumen des Bösen” của Charles Baudelaire. Còn bản concerto viết cho violin của Berg có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và bản thân Berg cũng không đuợc nghe bản nhạc này biểu diễn một lần nào lúc sinh thời.

Tháng 8 năm 1935 chỉ vài ngày sau khi hoàn thành Violin Concerto, Berg bị nhiễm khuẩn và biến chứng thành áp xe. Mặc dầu vậy Berg vẫn cố hoàn thành phần nhạc cho “Lulu suite” bao gồm các phần nổi bật của vở opera. Trở lại sau khi điều trị sức khỏe ở Carinthia Berg và được nghe “Lulu suite” trình diễn lần đầu ở Vienna, chỉ một tuần sau đó ông qua đời vào ngày 23 tháng 12 năm 1935 khi mới 50 tuổi.

Opera Lulu được trình diễn lần đầu tại Zurich vào ngày mùng 2 tháng 6 năm 1937. Tại buổi biểu diễn này chỉ có 2 màn được biểu diễn còn màn 3 được thay thế bởi phần nhạc mà Berg đã viết trong “Lulu suite” chưa hoàn thành, chính vì vậy mà nó phá vỡ cấu trúc của toàn bộ vở opera này. Sau nhiều lần sửa chữa thất bại vở opera này đã được Nhà hát opera Paris biểu diển thành công lần đầu tiên và nó cùng với Wozzeck trở thành những  tác phẩm opera tiêu biểu của thế kỷ 20. Cả hai vở opera này không chỉ giàu cảm xúc mà nó còn là một cột mốc trong lịch sử phát triển của opera, nó đánh dấu sự phát triển của opera sau thời kỳ của Wagner khi mà vai trò của âm  nhạc và kịch đạt đến sự cân bằng. Opera “Lulu” được dàn dựng ngày nay đa số dựa trên bản hoàn thiện của Cerha nhưng vẫn có một số đạo diễn và bản thân người vợ góa của Berg vẫn muốn Lulu giữ nguyên cấu trúc 2 chương như nhà soạn nhạc đã hoàn hiện.

Chỉ với hơn hơn một chục tác phẩm nhưng Berg để lại dấu ấn của mình trong lịch sử âm nhạc bằng tài năng khác thường. Âm nhạc của ông phản ánh thế giới nội tâm đầy phức tạp của con người thế kỷ 20 và con đường âm nhạc của ông biểu hiện cho ý chí, khát vọng tìm đến cái đẹp.

(Nguồn: nhaccodien.info)





Sưu tầm

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Nhà cách mạng nhiệt huyết, “cha đẻ” của những bản hùng ca giải phóng
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Nhà cách mạng nhiệt huyết, “cha đẻ” của những bản hùng ca giải phóng
[ad_1] HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ LƯU HỮU PHƯỚC Tên thật: Lưu Hữu Phước Bút danh: Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí Năm sinh - năm...

Cuộc đời kỳ lạ của ca sĩ Vũ Khanh: Vinh quang và sa ngã!
Cuộc đời kỳ lạ của ca sĩ Vũ Khanh: Vinh quang và sa ngã!
[ad_1] Vinh quang Ca sĩ Vũ Khanh (tên đầy đủ là Vũ Công Khanh) sinh năm 1954 tại Hà Nội trong gia đình Công giáo. Khi còn nhỏ, Vũ Khanh...

Phỏng vấn nhạc sĩ Lê Dinh: Ca sĩ ngày nay gọi là “hét sĩ” thì đúng hơn!
Phỏng vấn nhạc sĩ Lê Dinh: Ca sĩ ngày nay gọi là “hét sĩ” thì đúng hơn!
[ad_1] Bài phỏng vấn nhạc sĩ Lê Dinh lúc sinh thời do ký giả Bích Xuân thực hiện ở hải ngoại. Trong bài phỏng vấn này, ông đã chia sẻ...

Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Vũ Khanh
Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Vũ Khanh
[ad_1] Vũ Khanh là một trong những ca sĩ hải ngoại nổi tiếng, với nhiều ca khúc "để đời" rất được khán giả yêu thích. Nguồn: Internet Vũ Khanh tên...

“Cánh thiệp đầu xuân” của Lê Dinh – Minh Kỳ: Khúc hoan ca mừng mùa xuân mới
“Cánh thiệp đầu xuân” của Lê Dinh – Minh Kỳ: Khúc hoan ca mừng mùa xuân mới
[ad_1] CA KHÚC "CÁNH THIỆP ĐẦU XUÂN” Sáng tác: Lê Dinh – Minh Kỳ Thể loại: Nhạc trữ tình Năm ra đời: 1963 Thể hiện: Lệ Thanh, Thanh Thúy, Giao...

Nhạc sĩ Thẩm Oánh: Suốt đời phụng sự cho nghệ thuật
Nhạc sĩ Thẩm Oánh: Suốt đời phụng sự cho nghệ thuật
[ad_1] HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ THẨM OÁNH Tên thật: Thẩm Ngọc Oánh Nghệ danh: Thẩm Oánh Ngày sinh: 1916 - 1996 Quê quán: Hà Nội Nghề nghiệp: Nhạc...

“Sông quê” – nhạc phẩm đầu tiên đưa Phi Nhung đến với khán giả yêu nhạc
“Sông quê” – nhạc phẩm đầu tiên đưa Phi Nhung đến với khán giả yêu nhạc
[ad_1] Sau 5 năm lăn lội với nghề (làm ca sĩ hát lót, đi bán dĩa nhạc dạo để quảng bá tên tuổi), Phi Nhung lần đầu tiên được giới...

Nhạc sĩ Lê Dinh: Tâm tình mộc mạc gửi vào những nốt nhạc mê say
Nhạc sĩ Lê Dinh: Tâm tình mộc mạc gửi vào những nốt nhạc mê say
[ad_1] Để vinh danh và tưởng nhớ nhạc sĩ Lê Dinh với hơn 40 cống hiến nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ đã cùng nhau tổ chức một đêm nhạc để...

Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Elvis Phương
Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Elvis Phương
[ad_1] Ca sĩ Elvis Phương là một trong những giọng ca rất được yêu thích thập niên 1960-1970, và đây là top 5 ca khúc hay nhất của ông. Nguồn:...

Nhạc sĩ Trúc Hồ: “Như Quỳnh là ca sĩ mà nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần”
Nhạc sĩ Trúc Hồ: “Như Quỳnh là ca sĩ mà nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần”
[ad_1] Trong mắt nhạc sĩ Trúc Hồ, Như Quỳnh không chỉ có giọng ca đẹp, vóc dáng xuất sắc mà còn giỏi múa, ăn ảnh, bắt camera, trình diễn rất...

Ads Bottom