Ngoài “Hoàng Vân”, nhạc sĩ Lê Văn Ngọc còn một bút danh khác là “Y-Na”. Thế nhưng, bút danh “Y-Na” có nguồn gốc thế nào, ý nghĩa ra sao thì không phải ai cũng biết.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật: Lê Văn Ngọ) là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông phong phú và thành công với nhiều thể loại. Nhưng có lẽ nổi bật nhất là những ca khúc về ngành kinh tế và các địa phương.
Hơn 80 năm cuộc đời, nhạc sĩ Hoàng Vân sống trong căn nhà trăm tuổi trên phố Hàng Thùng – đây là nơi mà ông luôn tự hào là hiếm có ai sống trong phố cổ lâu đến như vậy. Khi còn khỏe, hàng ngày ông thường đi dạo bằng xích lô để tìm kiếm cảm hứng sáng tác.
Một lần nọ, ông tâm sự: “Một tháng tôi chi không biết bao nhiêu tiền cho xích lô. Tôi sống ở Hà Nội, mà sao tôi vẫn thấy nơi này đẹp quá, lạ quá. Cứ một thời gian ngắn ở Hà Nội lại có thêm một khu phố mới hoặc một con đường mới. Tôi thường ngồi xe vừa đọc truyện, vừa sáng tác… thú vị lắm”.
Ngoài âm nhạc, Hoàng Vân còn mê đắm bộ môn thư pháp, thích chơi đồ cổ và đọc sách. Ông là một trong những người Việt cuối cùng biết và viết được chữ Nho.
Ở căn nhà 14 Hàng Thùng còn có một “kỷ niệm” đặc biệt của nhạc sĩ Hoàng Vân, đó là bóng dáng của người vợ tào khang, đôn hậu. Người vợ Hà thành của cố nhạc sĩ cũng có liên quan mật thiết đến câu chuyện về bút danh “Y-Na” của Hoàng Vân.
Ông từng kể, người đó đã mang bút danh “Y-Na” đến với ông. Từ chiến khu trở về, anh lính trẻ đã thầm thương trộm nhớ thiếu nữ “lá ngọc cành vàng” tên Ngọc Anh. Năm ấy, họa sĩ Nguyễn Sáng cũng mê đắm bóng hồng này và quyết tâm theo đuổi. Chàng họa sĩ tài danh đã vẽ hai bức chân dung chị gái của Ngọc Anh – người đẹp Hà thành nổi tiếng thời bấy giờ để là cái cớ “tiếp cận” cô em. Cho đến nay, những bức chân dung đầy “chiến lược” này đều đã trở thành tác phẩm nổi tiếng và được “cộp” giá quốc tế lên đến vài trăm nghìn đô mỗi bức.
Năm ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn là anh lính nghèo mà bố mẹ của “nàng thơ” lại khó lắm. Vì thế, dù mê nàng nhiều lắm mà mãi chẳng dám đến chơi. Về sau, ông biết nàng Ngọc Anh biết chơi piano nên đã không ngần ngại phổ nhạc bài thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Thi với những ngôn từ tha thiết: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh, soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo Mây..”. Ông phổ nhạc xong thì ký tên trong ca khúc với bút danh “Y-Na” (có nghĩa là Yêu Ngọc Anh).
So với bút danh Hoàng Vân thì bút danh “Y-Vân” không được biết đến nhiều nhưng nó cũng gắn bó với một số nhạc phẩm của ông như: Tiếng cồng giải phóng – tiếng cồng chiến thắng”, Trên đường tiếp vận… Có một điều cũng ít người biết, tên con gái của vợ chồng cố nhạc sĩ Hoàng Vân là Y Linh – cũng vẫn còn dấu vết của mối tình sâu nặng này.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng từng kể về mối tình này. Ông chia sẻ, sau khi gửi tặng bản nhạc, ông đã lặng lẽ chờ đợi, có lúc tưởng như trái tim đã thổn thức, rã rời thì Tết năm đó, Ngọc Anh tìm đến phố Hàng Thùng, chúc Tết gia đình và gửi một món quà đặc biệt. Sau này, nhạc sĩ Hoàng Yên vẫn giữ chiếc hộp sơn mài bên trong có chiếc khăn choàng lụa tơ tằm rất dài, thêu tay đầy đủ cả bản nhạc mà ông đã tặng nàng.
Có không ít “lời đồn” cho rằng, sau món quà “độc nhất vô nhị” ấy, họa sĩ Nguyễn Sáng đã ý nhị rút lui khỏi đường đua chinh phục trái tim nàng thơ, còn nhạc sĩ Hoàng Vân thì đã hạnh phúc bên người con gái mà ông thương nhớ.
Chân dung người vợ tào khang của cố nhạc sĩ Hoàng Vân
Người vợ hiền của nhạc sĩ Hoàng Vân là Tiến sĩ Y khoa, bác sĩ Lê Thị Ngọc Anh, sinh ngày 12/2/1934 tại Hà Nội. Bà là một trong những nữ bác sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của ĐH Y sau hòa bình. Bà cũng là một trong những người bảo vệ luận án tiến sĩ Y khoa trong đợt đầu tiên Việt Nam tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ trong nước. Hai người về chung nhà vào năm 1961. Đó là năm bà ra trường và bắt đầu đi làm ở Bệnh viện Bạch Mai.
Cuộc hôn nhân của hai người luôn dâng trào hạnh phúc. Đối với ông, điều hạnh phúc nhất là được gặp gỡ và kết hôn với bà Ngọc Anh. Gần như cả cuộc đời, chẳng mấy khi ông bà to tiếng với nhau. Đôi khi chỉ cần ánh mắt, cử chỉ thôi là đã đủ hiểu nhau, đủ để yêu chiều nhau cho đến khi đầu bạc răng long.
Bà Ngọc Anh là người phụ nữ điềm đạm, chăm sóc nhạc sĩ Hoàng Vân từng bữa ăn, giấc ngủ đến những bài tập thể dục và những bài thuốc trên giường bệnh đến phút cuối đời.