CA KHÚC “TRÊN NGỌN TÌNH SẦU”
- Tên ca khúc: Trên ngọn tình sầu
- Thơ: Du Tử Lê
- Phổ nhạc: Từ Công Phụng
- Thể loại: Tình ca
- Năm ra đời: 1969
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Ý Lan
Ca khúc “Trên ngọn tình sầu” ra đời trong hoàn cảnh nào?
Khán thính giả thuộc thế hệ 5X, 6X, 7X có lẽ không ai không biết đến nhà thơ Du Tử Lê. Ông là một trong số ít thi sĩ có số lượng tác phẩm được phổ nhạc lên đến hàng trăm ca khúc. Trong đó, nhạc sĩ Anh Bằng và Từ Công Phụng phổ nhiều nhất với con số trên dưới 50 ca khúc (mỗi nhạc sĩ). Riêng Từ Công Phụng có một tác phẩm phổ thơ Du Tử Lê vô cùng thành công, đó là ca khúc “Trên ngọn tình sầu”.
Theo thông tin từ website Du Tử Lê, Linh hồn của ca khúc “Trên ngọn tình sầu” cô giáo Lê Huyền Châu (cháu ruột của Giáo sư Lê Ngọc Trụ). Có thể coi Huyền Châu là mối tình đầu của Du Tử Lê. Họ không thể đi đến hôn nhân được vì sự khác biệt giữa hai gia đình Nam – Bắc. Năm 1975, nhà thơ Du Tử Lê sang Mỹ định cư, còn Huyền Châu ở lại Việt Nam. 26 năm sau (1991), ông về thăm lại người yêu cũ và có ý định đưa Huyền Châu đi. Nhưng vì cha mẹ già, Huyền Châu từ chối.
Phải đến cuối đời, nhà thơ Du Tử Lê mới tiết lộ những uẩn tình phía sau bài thơ “Trên ngọn tình sầu”: “Tôi có thói quen ghi lại thời gian hoàn tất bài thơ, thậm chí tôi còn đem thời điểm ra đời của bài thơ vào ngay tựa đề của một số bài thơ nữa. Cho nên, khi tôi đặt tựa đề 67, khúc thêm cho Huyền Châu, thì ’67, Khúc thêm cho Huyền Châu’ là con số viết tắt của năm 1967. Bài thơ tám chữ này sau đó được nhạc sĩ Từ Công Phụng soạn thành ca khúc, với tự đề mới: Trên ngọn tình sầu”.
Nhắc về hoàn cảnh ra phổ nhạc bài thơ “67, Khúc thêm cho Huyền Châu”, báo Thanh Niên có thuật lại lời của nhà thơ Du Tử Lê như sau: “Thời điểm bài thơ chuyển thể thành ca khúc là năm 1969. Người đưa tập thơ Tay gõ cửa đời của tôi cho nhạc sĩ Từ Công Phụng và Nguyễn Thiệp, làm cùng phòng tôi. Thiệp bảo Phụng về một “bài thơ hay và lạ lắm…”. Phụng đã phổ nhạc ngay bài thơ ấy.
Một buổi sáng, Phụng rủ tôi và Thiệp ra café La Pagode, hát cho chúng tôi nghe và yêu cầu tôi chọn cho ca khúc một tựa đề khác, không quá riêng tư như tựa đề đầu tiên. Nhìn mấy cây cổ thụ trên đường Lê Thánh Tôn, nhớ những ngày buồn bã vì chuyện Huyền Châu, qua bao nhiêu năm tháng nắng mưa một mình, và tôi chọn Trên ngọn tình sầu cho bài thơ ở dạng ca khúc”.
“Trên ngọn tình sầu” là một trong những nhạc phẩm hay nhất của nhạc sĩ Từ Công Phụng, được phổ nhạc từ khổ thơ 8 chữ của Du Tử Lê. Nhiều ý kiến cho rằng Từ Công Phụng đã nắm bắt được cái “hồn” của bài thơ rồi phổ thành nhạc phẩm mà trong đó không còn chút dấu viết nào là phổ từ thơ nữa.
Màn kết hợp tuyệt hảo giữa thi ca và âm nhạc
Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng rất nhiều khán thính giả vẫn cảm thấy ấm áp, say mê khi nghe “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng. Và ca khúc trở nên hoàn hảo hơn qua tiếng hát của ca sĩ Ý Lan.
“Trên ngọn tình sầu” đã khiến những kỷ niệm thời trẻ ùa về. Tất cả những kỷ niệm đó là vô giá, hòa quyện với nhau, đan xen với nhau: hạnh phúc và khổ đau – gặp gỡ rồi ly biệt cùng bao nghịch lý khác nữa…
Điều gì đã làm cho kỷ niệm thêm vô giá, có lẽ là ly biệt. Là khoảnh khắc muốn rời đi nhưng không thể đi, là khoảnh khắc những yêu thương dần xa vời:
“hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiếu ngói xám
trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
lá oan khiên lả tả mái hiên người”
Bầy sẻ cũ đã đến bờ sông – nơi buổi đầu của hai người hò hẹn làm chứng cho cuộc tình. Rồi vào một buổi chiều mưa mau, mái xám rêu xanh, trời êm cao chân nhỏ – bày sẻ đã cùng chết theo cuộc tình và buồn đến nỗi con dễ nhỏ cũng phải tự tử giữa đêm.
Tất cả chỉ còn là hắt hiu, cô quạnh… Tác giả Du Tử Lê đã dùng gam màu buồn xanh rêu, xám để diễn tả cái vô cùng vô tận của nỗi buồn. Cùng với giai điệu trầm bổng ở âm vực rộng, nhạc sĩ Du Tử Lê đã lột tả được hết nỗi buồn, nỗi đau xót xa của một tình yêu đã lìa xa.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng đã rất thành công khi đưa ý tưởng của Du Tử Lê trở thành ca khúc bất hủ. Khi phổ nhạc, ông đã sửa lời, thêm và bớt cho phù hợp với giai điệu và được sự góp ý của vài người bạn ông đã đặt tên là “Trên ngọn tình sầu thay cho tựa bài thơ “67, Khúc thêm cho Huyền Châu”.
Dưới đây Amnhac.net xin trích dẫn nguyên văn bài thơ “67, Khúc thêm cho Huyền Châu” và ca khúc “Trên ngọn tình sầu” để quý khán thính giả dễ hình dung:
67, KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU
hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiếu ngói xám
trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
cây mộng nởtừng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh
môi thâm khô từ thưở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngón hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa theo ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lòi ai say cho trời đất lại gần
kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người
tôi èo uột từ những người cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm nhớ thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên
(Du Tử Lê – Năm 1967)
CA KHÚC “TRÊN NGỌN TÌNH SẦU”
Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
Từ những ngày con nước về
Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
Tay vuốt mặt không cùng
Bầy sẻ cũ hom hem
Chiều mái xám rêu xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không về trên dòng sông tội lỗi
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định hôn người
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa
Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người
Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quen
(1969)