Ở thập niên 1950, ban hợp ca Thăng Long nổi đình nổi đám ở Sài Gòn với các tên tuổi: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm, 1920-2002) Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái, 1927-1999) Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh, 1934-2020) và Hoài Bắc. Trong số đó có Phạm Đình Chương vừa đóng vai trò ca sĩ và nhạc sĩ.
Ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác năm 1953 đã được in trên số Tết Giáp Ngọ năm 1954 của báo Đời Mới. Cùng năm đó, “Ly rượu mừng” được ban hợp ca Thăng Long đưa lên sân khấu biểu diễn và ngay lập tức trở thành bài hát viết về mùa nổi tiếng bậc nhất.
Cùng với sự nổi tiếng của ban nhạc gia đình, câu chuyện đời tư của các thành viên cũng được công chúng rất chú ý. Một trong những sự kiện nổi đình nổi đám liên quan đến ban hợp ca Thăng Long vào năm 1953 là việc ca – nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hôn với nữ ca sĩ Khánh Ngọc (Hàn Thị Lan Nam). Sau đám cưới tốn nhiều giấy mực của báo giới, ban hợp ca Thăng Long được bổ sung thêm một thành viên có quan hệ gia đình, đó là Khánh Ngọc (trước đó có Thái Hằng, Phạm Duy cũng có góp mặt trong hoạt động của ban Thăng Long).
Đầu thập niên 1950, ban hợp ca Thăng Long nổi đình nổi đám với “nước đi” táo bạo dám trình diễn theo hình thức phụ diễn ở rạp chiếu bóng. Tiếp đó, họ tiến hành tổ chức những đêm Đại nhạc hội tại các rạp từng được xem là “lãnh địa” của cải lương. Chưa hết, họ “Bắc tiến” trình diễn ở Hà Nội và được khán giả trẻ hết sức đón nhận.
Phải công nhận rằng, ở thập niên 1950, khó có ban nhạc nào thành công và đắt show diễn như ban hợp ca Thăng Long. Nhưng sự sôi nổi ấy kéo dài không quá lâu. Đầu thập niên 1960, một sự cố đau lòng diễn ra trong nội bộ gia đình họ Phạm đã làm rúng độ giới nghệ thuật Sài Gòn. Báo giới khi ấy đã tốn không ít giấy mực để đưa tin.
Nhắc về biến cố trong hôn nhân của Phạm Đình Chương và vợ cũ Khánh Ngọc, biên tập viên Minh Đức (chương trình Chân dung cuộc tình tập 12) cho biết: Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc từng là cặp đôi khiến nhiều người ngưỡng mộ. Phạm Đình Chương đã sáng tác nhiều bài hát tặng Khánh Ngọc, cũng chính giọng hát của Khánh Ngọc đã đưa các nhạc phẩm của ông thăng hoa, đến gần công chúng.
Khánh Ngọc là nữ ca sĩ kiêm diễn viên xinh đẹp, nóng bỏng. Bà mang khí chất của người phụ nữ phương Tây hiện đại, luôn nổi bật trước đám đông. Khi Phạm Đình Chương phát hiện chuyện tình cảm ngoài luồng giữa vợ và anh rể – nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã rất đau khổ và dạy dứt. Đau khổ vì là người ở giữa, bị giằng xé, phản bội trong cuộc tình của hai người thân trong gia đình. Cuối cùng, ông chọn cách chia tay.
Cuộc đời Phạm Đình Chương bước sang một giai đoạn khác. Ông sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên lạc, chỉ tiếp xúc giới hạn với một vài bằng hữu thân thiết. Gia đình Phạm Duy cũng rời đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan để về cư xá Chu Mạnh Trinh.
Cụ thể, từ thập niên 1960 về sau, Hoài Bắc – Phạm Đình Chương sáng tác ít hơn, nếu có thì cũng là các ca khúc u sầu như: Người đi qua đời tôi, Khi cuộc tình đã chết hay Nửa hồn thương đau. Dư chấn của thảm kịch hôn nhân đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong thời gian khá dài. Ông chỉ sáng tác “Nửa hồn thương đau” sau đó đúng 10 năm (1970) và được giới thiệu trong cuốn phim điện ảnh “Chân trời tím” qua tiếng hát Thái Thanh, được lồng vào phần trình diễn của minh tinh Kim Vui trong phim.
Cũng từ vụ lùm xùm hôn nhân của Phạm Đình Chương, ban hợp ca Thăng Long không còn hoạt động sôi nổi nữa. Tuy nhiên, họ vẫn thu băng dĩa và trình diễn ở phòng trà Đêm màu hồng do Phạm Đình Chương mở ở hotel Catinat có 2 mặt tiền đường, số 69 Tự do và số 36 Nguyễn Huệ.
Năm 1976, Hoài Trung cùng nghệ sĩ Vũ Huyến (tức nhạc sĩ Vũ Minh, tác giả ca khúc “Cô hàng nước” cũng là thành viên ban AVT hải ngoại) và cô cháu ruột Mai Hương thành lập ban Thăng Long hải ngoại. Từ ba người của ban hợp ca Thăng Long xưa, giờ chỉ còn lại một mình Hoài Trung cùng với 2 thành viên mới. Họ tụ họp lại tạo nên ban hợp ca Thăng Long “mới”, trình diễn các ca khúc gắn liền với tên tuổi, nổi bật nhất là ca khúc “Ngựa phi đường xa”. Ở ca khúc này, Hoài Trung trình diễn tuyệt kỹ tiếng ngựa hí rất hay đã từng khiến khán giả Sài Gòn vỗ tay ầm ầm.
Năm 1979, khi Hoài Bắc sang Mỹ, nghệ sĩ Vũ Huyến trở lại ban AVT, nhường lại vị trí thành viên ban Thăng Long cho Phạm Đình Chương. Năm 1991, Phạm Đình Chương qua đời. Năm 2002, Hoài Trung qua đời. Năm 2020, Thái Thanh – linh hồn của ban Thăng Long qua đời. Tháng 11/2020, cô cháu gái nhà họ Phạm – Mai Hương – thành viên ban Thăng Long hải ngoại qua đời. Tất cả những người tạo lập nên ban nhạc huyền thoại năm xưa đã trở thành người thiên cổ nhưng tên tuổi và những đóng góp của họ thì vẫn trường tồn với thời gian.