Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là “cha đẻ” của các bài hát chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật cao và giá trị lịch sử: Thanh niên hành khúc, Lên đàng, Hồn tử sĩ, Giải phóng miền Nam.
Âm nhạc là thứ vũ khí lợi hại cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta trong chặng đường cách mạng bi tráng, hào hùng. Trên mặt trận đấu tranh bằng âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chính là “ngọn cờ đầu”, có đóng góp quan trọng, to lớn. Những sáng tác của của ông thấm đã khí thế thời đại, như lời hiệu triệu thúc giục tinh thần đấu tranh trong nhân dân.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng là người tiên phong sử dụng thể loại hành khúc – một thể loại từ âm nhạc phương tây. Với thể loại này, ông đã thai nghén ra nhiều bản chính ca xuất sắc, có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật và tính thời đại, lịch sử rất cao.
Dưới đây, Amnhac.net xin giới thiệu đến quý độc giả, quý khán thính giả yêu nhạc Lưu Hữu Phước top 4 ca khúc chính ca tiêu biểu của ông:
Bài hát “Thanh niên hành khúc”
“Thanh niên hành khúc” là sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ban đầu, bài hát này có tên tiếng Pháp là “La Marche des Étudiants” ra đời cuối năm 1939. Ca khúc tiếng Pháp do Lưu Hữu Phước sáng tác nhạc, Mai Văn Bộ đặt lời Pháp với mục đích để làm bài hát chính cho Câu lạc bộ Học sinh (Scholar Club) Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký và nhanh chóng trở ca khúc chính thức của học sinh miền Nam.
Đến năm 1941, Tổnng hội Sinh viên Đông Dương chọn bài hát này làm bài hát chính thức. Nhân sự kiện này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết lại lời Việt với tên gọi “Tiếng gọi thanh niên”. Bài hát được chia làm 3 phần:
– Lời 1 do Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước soạn năm 1941 (trước 1945, chỉ hát bí mật).
– Lời 2 là “Tiếng gọi sinh viên” do Lê Khắc Thiều và Đặng Ngọc Tốt soạn cuối năm 1941 (xuất bản năm 1943 rồi bị cấm).
– Lời 3 do Hoàng Mai Lưu soạn vào tháng 4/1945, xuất bản trong những ngày tiền khởi nghĩa tháng 8/1945.
“Thanh niên hành khúc” từng bị VNCH tự ý lấy, sửa chữ lời để biến thành bản quốc ca với tên gọi “Tiếng gọi công dân”. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng vô cùng bức xúc với việc này. Suốt từ năm 1949 đến năm 1975, ông đã phản đối kịch liệt việc sử dụng trái phép tác phẩm của ông để làm “quốc ca” cho các chế độ ở Sài Gòn. Phải đến sau năm 1975, bản gốc của bài hát mới chính thức được lưu hành tại Việt Nam dưới tên “Tiếng gọi thanh niên” hay “Thanh niên hành khúc”.
Bài hát “Lên đàng”
“Lên đàng” (Lên đường) được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác vào năm 1944. Sau đó, bài hát được phổ biến rộng rãi đến thế hệ thanh thiếu niên và học sinh và trở thành bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Trước năm 1976, bài hát này là bài hát chính thức của Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh.
Bài hát “Lên đàng” thể hiện rõ phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943. Bài hát như một lời thúc giục mạnh mẽ thế hệ thanh niên Việt Nam tham gia cách mạng, cứu nước, giải phóng dân tộc.
“Lên đàng” được đánh giá là bài hát chính ca tiêu biểu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Bài hát này cũng giúp cố nhạc sĩ ghi dấu ấn đậm nét trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Bài hát “Hồn tử sĩ”
Khi vừa sáng tác ra ca khúc này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đặt tên là “Hát Giang trường hận”. Bài hát sử dụng nhịp điệu trầm hùng, gợi nhớ đến công ơn, sự hi sinh của Hai Bà Trưng trong kháng chiến chống ách đô hộ của nhà Hán.
Đến năm 1944, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vào Nam theo yêu cầu của Mặt trận Việt Minh. Ông tham gia vận động phong trào “Xếp bút nghiên” của sinh viên 3 miền Nam – Trung Bắc để tham gia hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, khi tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập, ông trở thành thủ lĩnh phong trào. Đến tháng 8/1945, ông tham gia giành chính quyền tại Sài Gòn.
Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông được phân giữ chức Giám đốc phòng xuất bản Nam Bộ cho đến tháng 5/1946. Trong thời gian này, ông cùng Hồng Lực (một người đồng nghiệp) sửa chữa lại bài hát “Hát Giang trường hận”. Bài hát được đổi tên thành “Hồn tử sĩ” để tưởng nhớ và chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Bài hát “Hồn tử sĩ” được sử dụng trong các buổi tang lễ đưa tiễn các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Bài hát cũng được sử dụng trong nghi thức lễ tang chính thức của nhà nước Việt Nam hiện nay.
Bài hát “Giải phóng miền Nam”
Bài hát “Giải phóng miền Nam” ra đời do nhu cầu tìm kiếm về một bài hát chính thức dành cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (thành lập năm 1960). Nhóm nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng được Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam “chọn mặt gửi vàng” để sáng tác bài hát chính cho mặt trận.
Sau khi nhận được lời đề nghị, bộ ba Huỳnh – Mai – Lưu đã nhanh chóng bắt tay vào sáng tác. Mai Văn3 Bộ và Huỳnh Văn Tiểng phác thảo ca từ của bài hát, còn Lưu Hữu Phước viết phần nhạc. Chỉ trong một tuần, ca khúc “Giải phóng miền Nam” ra đời.
Sau vài lần sửa chữa ca từ cho phù hợp với yêu cầu cách mạng, bài hát “Giải phóng miền Nam được phổ biến rộng rãi trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam và các đoàn văn công Giải phóng.