Lúc sinh thời Phạm Đình Chương cho rằng, ông tâm đắc nhất không phải là những ca khúc nổi tiếng mà là các bài hát được phổ nhạc từ thơ Thanh Tâm Tuyền.
Thơ tự do không còn là điều gì quá xa lạ với những người yêu thơ ngày nay. Nhưng vào thời điểm 60 năm trước, khi nền văn học nghệ thuật chịu ảnh hưởng nhiều từ thơ văn tiền chiến thì hầu như quan niệm thơ tự do khá xa lạ. Ngày ấy, thơ phải có vần điệu, phải có câu cũ rõ ràng,
Trong bối cảnh đó, dòng thơ Thanh Tâm Tuyền giống như một cơn gió lạ làm thay đổi diện mạo của văn học miền Nam từ giữa thập niên 1950.
Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Với Nguyên Sa, thơ tự do là thơ phá thể, trong khi Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn, thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do mà cao điểm sẽ là thơ văn xuôi”.
Còn nhà phê bình Đặng Tiến nhận định: “Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu hay bài thơ: Loại trừ vần, không theo nhịp của ngô ngữ, xáo trộn thanh điều bằng trắc, muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra ‘diễn ca’, còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới”.
Về phần mình, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền cho rằng: “Thơ không vần, không điệu, thơ xuôi nếu quả thật là thơ – nghĩa là đạt được đến ngôn ngữ màu nhiệm không chỉ chuyên chở ý tưởng mà còn ám ảnh vang vọng mãi trong tâm hồn – thì sớm muộn người đọc cũng tìm thấy và quen dần với một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp ở một trình độ nghệ thuật cao hơn đối với nhịp điệu đơn giản rút gọn…”.
Những vần thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền đã thu hút nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Ông đã quyết định đặt bút phổ nhạc. Lúc sinh lời, khi nói về quyết định phổ nhạc cho thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có chia sẻ: Những bài hát mà ông tâm đắc nhất không phải là những bài hát nổi tiếng như “Xóm đêm”, “Hội trùng dương”, “Ly rượu mừn, “Nửa hồn thương đau”, “Người đi qua đời tôi”… mà là những ca khúc tương đối kén khán giả, ít người biết tới, đó là những bài được phổ từ thơ Thanh Tâm Huyền như: Đêm màu hồng, Dạ tâm khúc, Bài ngợi ca tình yêu.
Ba ca khúc này tuy cùng tác giả và được phổ từ thơ của cùng một thi sĩ, nhưng lại mang những màu sắc khác nhau. Bài “Ngợi ca tình yêu” nồng thắm tình yêu và nhiệt huyết của tuổi trẻ; “Dạ tâm khúc” thì lại nhuốm màu khắc khoải và một chút tuyệt vọng; “Đêm màu hồng” thì ngược lại, là nụ cười bình yên của một người hạnh phúc trong giai đoạn chín muồi của kiếp người.
Đặc biệt, cả hai ca khúc “Đêm màu hồng” và “Bài ngợi ca tình yêu” đều được phổ từ cùng một bài thơ mang tên “Bài ngợi ca tình yêu” của Thanh Tâm Tuyền.
Cũng từ ca khúc “Đêm màu hồng”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã dùng nó đặt tên cho phòng trà “Đêm màu hồng” của mình nằm ở tầng trên của khách sạn Catinat (đường Tự Do). Bởi theo quan điểm của ông, “Đêm màu hồng” là ca khúc hay và ông rất tâm đắc. Phòng trà “Đêm màu hồng” cũng là nơi ghi dấu ấn về những đêm diễn đầy nhiệt huyết của ban hợp ca Thăng Long.
Ngoài 3 ca khúc trên, bài hát “Nửa hồn thương đau” cũng được giới thiệu là nhạc Phạm Đình Chương, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Nhưng sự thật là Phạm Đình Chương chỉ mượn ý của 2 câu thơ trong bài thơ “Lệ đá xanh” của Thanh Tâm Tuyền để viết thành nhạc chứ không phải là cả bài thơ.
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (1936 – 2006) tên thật là Dzư Văn Tâm. Ông được biết đến với những cách tân thơ ca đầy táo bạo.
Năm 16 tuổi (1952), Thanh Tâm Tuyền dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội).
Năm 1956, lúc tròn 20 tuổi, ông đã nổi tiếng với tập thơ Tôi không còn cô độc, và năm 1957, lúc 21 tuổi, với tiểu thuyết Bếp lửa (viết năm 1954) “mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết”.
Thanh Tâm Tuyền có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam giai đoạn 1956-1975 và cả những năm về sau này.
Thanh Tâm Tuyền qua đời vào lúc 11 giờ 30 ngày 22 tháng 03 năm 2006, khi mới bước vào tuổi 70.
Thơ ca của ông đã được Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng như: Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh, Nửa hồn thương đau.