HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ THẨM OÁNH
- Tên thật: Thẩm Ngọc Oánh
- Nghệ danh: Thẩm Oánh
- Ngày sinh: 1916 – 1996
- Quê quán: Hà Nội
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến, tình khúc 1954 – 1975
- Ca khúc nổi tiếng: Tôi bán đường tơ, Trung Nữ Vương, Xuân về,…
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Thái Thanh, Anh Ngọc, Kim Tước,..
- Thời gian hoạt động: 1938 – 1996
Nhạc sĩ Thẩm Oánh là ai?
Nhạc sĩ Thẩm Oánh tên thật là Thẩm Ngọc Oánh, sinh ngày 14/08/1916 tại Hà Nội, trong một gia đình danh gia vọng tộc. Hiệu thuốc nhà họ Thẩm ở Cửa Nam rất có tiếng, ngày toàn quốc kháng chiến, thuốc ở cửa hiệu đã giúp ích rất nhiều cho các chiến sĩ bám trụ thủ đô. Ngày nhỏ, ông được học vỡ lòng từ một thầy đồ. Cũng nhờ người thầy này mà ông biết chơi các loại đàn Đông phương. Sau này lớn lên, nhạc sĩ Thẩm Oánh tiếp tục học âm nhạc qua một số sách tiếng Pháp và ở trường Viễn Đông âm nhạc học.
Năm 18 tuổi, nhạc sĩ Thẩm Oánh bắt đầu dạy nhạc tại một số trường trung học thời đó như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương. Năm 1937, ông cùng một số người bạn thành lập nhóm nhạc Myosotis (Hoa Lưu Ly), có thể coi đây là ban nhạc tài tử đầu tiên tại Việt Nam gồm 9 thành viên gồm Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Trần Dư, Nguyễn Thiện Cơ,…
Năm 1945, nhạc sĩ Thẩm Oánh thành lập đài phát thanh Hà Nội thay cho đài của Pháp trước đó. Đến năm 1946, ông nhận chức Thư ký cho Đoàn Âm nhạc của Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam (cơ quan lập ra Trung Ương Nhạc viện Việt Nam). Tuy nhiên, trường này chỉ tồn tại một thời gian ngắn đến khi toàn quốc kháng chiến.
Năm 1945, nhạc sĩ Thẩm Oánh từng đứng ra cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp tổ chức phòng trà Quán nghệ sĩ ở bờ hồ Hà Nội.
Trong khoảng thời gian từ năm 1948 – 1954, nhạc sĩ Thẩm Oánh đảm nhiệm việc soạn nhạc cho Ban nhạc Việt của Đài phát thanh Hà Nội. Ông cũng là chủ bút nguyệt san Việt nhạc, trưởng ban Việt nhạc, rồi giám đốc Đài phát thanh Hà Nội và quy tụ nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tham gia gia như Minh Đỗ, Canh Thân, Nguyễn Thiện Tơ, Vũ Thành, Nguyễn Trần Du,… Nhạc sĩ Thẩm Oánh cũng từng đảm nhận vị trí Phó hội trưởng Việt Nam nhạc hội và Giám đốc trường ca vũ nhạc phổ thông.
Năm 1954, Thẩm Oánh chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông vừa làm hiệu trưởng Trường Âm nhạc – Kịch trường, vừa phụ trách văn nghệ cho Đài phát thanh Sài Gòn đến năm 1975. Khi ấy, uy tín của nhạc sĩ Thẩm Oánh rất lớn, có thể nói là vang dội khắp cả nước. Ông từng được mời đến hội quán Samipic đường Gallieni (Trần Hưng Đạo) để diễn thuyết về đề tài “Âm nhạc Việt Nam” bằng tiếng Pháp.
Năm 1991, nhạc sĩ Thẩm Oánh cùng gia đình sang Mỹ định cư.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh kết hôn với vợ là bà Tô Anh Đào, em họ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Hai người quen nhau vào năm 1938 qua sự giới thiệu của Dương Thiệu Tước. Sau đó 1 năm thì về chung nhà và có với nhau 1 người con trai tên là Thẩm Tô Nam từng theo học trường Chu Văn An Sài Gòn từ năm 1971 – 1973.
Tháng 5 năm 1993, nhóm Trưng Vương vùng Washington DC đã tổ chức một buổi đại nhạc hội với chủ đề “60 năm âm nhạc Thẩm Oánh” và cho phát hành tuyển tập “Nhớ Nhung” để vinh danh người nhạc sĩ đã tận tụy cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, cũng như để tri ân một vị giáo sư đáng kính giảng dạy âm nhạc trong nhiều năm tại các trường Trưng Vương, Chu Văn An và Nguyễn Trãi.
Vào ngày 02/01/1996, nhạc sĩ Thẩm Oánh qua đời để lại nhiều tiếc nuối, nhớ thương cho mọi người. Ông hưởng thọ 80 tuổi.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh – Chấp niệm với âm nhạc dân tộc
Nhạc sĩ Thẩm Oánh bắt đầu sáng tác vào năm 1938 với ca khúc đầu tay mang tên “Khúc yêu đương”. Khi vừa ra mắt, ca khúc này của ông đã được biểu diễn cùng bài hát của Dương Thiệu Vũ tại rạp Olympia trước buổi chiếu phim do Hội Ánh sáng tổ chức. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận định về ca khúc này như sau: “Nhạc điệu của bài này có phảng phất một nét nhạc ngũ cung mà tôi cho là gần gũi, tự nhiên nhất đối với lỗ tai người Việt chúng ta, đó là cung Đô Rê Fa Sol La”.
Vào những năm giữa thập niên 1930, thời kỳ sơ khai của tân nhạc Việt Nam chỉ xuất hiện lác đác vài bản nhạc. Lớp thanh niên khi ấy cũng chỉ biết đến những bài ca Pháp thịnh thành do danh ca Tino Rossi trình bày và hầu hết nhạc sĩ thời ấy sáng tác đều mang âm hưởng Tây phương. Trong bối cảnh hạn chế ấy, nhạc sĩ Thẩm Oánh là người tiên phong, sáng tác nhạc với lời ca thuần túy Việt Nam. Dù dùng ký âm của Tây phương để viết, nhưng ông cố gắng tìm cách thoát ra khỏi những âm hưởng tây phương để viết những ca khúc mang đậm âm hưởng ngũ cung. “Âm nhạc cải cách phải theo ý nhạc Việt nam và phải có cảm tưởng thuần túy Á Đông”, nhạc sĩ Thẩm Oánh từng tuyên bố trong một tờ báo.
Song song với việc sáng tác, nhạc sĩ Thẩm Oánh cũng đi sâu vào nghiên cứu âm nhạc, đặc biệt chú trọng vào hệ thống ngũ âm của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ qua các nét nhạc của ông.
Những bài hát như “Vương tơ”, “Bến cũ”, “Chiều đông”,… đều cho thấy nhạc sĩ Thẩm Oánh đã rất thành công trong việc đưa thể ngâm của hơi Bắc, Trung và Nam vào tân nhạc. Đặc biệt là “Vợ chồng Ngâu”, “Thiếu phụ Nam Xương” , hai ca khúc này của ông mang đầy âm hưởng ca trù thuần túy Việt Nam.
Giai đoạn 1938 – 1954, được xem là thời kỳ sung mãn nhất trong sáng tác của nhạc sĩ Thẩm Oánh, khi ông cho ra đời khoảng 1000 ca khúc. Những sáng tác tiêu biểu của ông trong giai đoạn này có thể kể đến là “Trưng Nữ Vương”, “Tôi bán đường tơ”, “Nhớ nhung”, “Xuân về”, “Trầm hương cũ”,…
Đặc biệt, trong giai đoạn 1953 – 1954 là khi tân nhạc đang sửa soạn bước vào thời kỳ phát triển tiếp theo, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã có hàng chục nhạc phẩm nằm trong cả hai xu hướng lúc bấy giờ là nhạc tình và nhạc hùng.
Âm nhạc của Thẩm Oánh có thể tóm tắt trong 4 đề tài gồm: tình khúc, nhạc hùng ca, nhạc Phật giáo và nhạc nhi đồng.
Một số tình khúc nổi tiếng của Thẩm Oánh có thể kể đến là “Xa cách muôn trùng”, “Chiều tưởng nhớ”,… Ông cũng là tác giả của những hành khúc quen thuộc như “Nhà Việt Nam”, “Trên đường xa”, “Việt Nam Hùng Tiến”, “Người Việt Nam xin đừng quên”,… và cả những sử ca hùng tráng như “Hùng Vương”, “Trưng Nữ Vương”,…
Nhạc sĩ Thẩm oánh cũng được giới mộ điêu ca tụng như người đi tiên phong trong lĩnh vực truyện ca với “Vợ chồng Ngâu”, “Thiếu phụ Nam Xương”,… và trong lĩnh vực nhạc kịch với vở Quán Giang Hồ, Bá Nha – Tử Kỳ, Đoàn kết là sức mạnh.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh và những nhạc phẩm đặc sắc nhất
Nhạc sĩ Thẩm Oánh là người có sức sáng rất lớn, sau hơn 60 năm cống hiến cho âm nhạc và nghệ thuật ông đã để lại kho tàng hơn 1000 bản nhạc. Nhưng những bản đắc ý và được phổ biến rộng rãi thì không quá vài chục bài.
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Thẩm Oánh: A Di Đà Phật, Bình Định Vương Lê Lợi, Bọt bèo, Chu Văn An hành khúc, Cái đinh, Cô hàng hoa, Chiều hè, Chiều tưởng nhớ, Chim gió tha phương, Giấc Hoàng Lương, Gió hoan ca, Gươm thần, Hồ xuân, Hồn xuân, Đào Thắm, Hương cốm, Hưng Đạo Vương, Khúc yêu đương, Mây trôi tới đâu, Mưa khuya, Nàng Bân, Ngàn cánh chim về, Người trai Việt nhớ chăng?, Ngược dòng, Nhà nông, Nhà Việt Nam, Nhạc canh trường, Nhạc thu, Nhạc xuân, Nhớ nhung, Suối huyền, Thời chinh chiến, Thiếu phụ Nam Xương, Trưng Nữ Vương, Tiền, Tiếng khóc trong phòng the, Trên mây, Tôi bán đường tơ, Tòa miếu cổ, Việt Nam hùng tiến, Vương tơ, Vợ chồng Ngâu, Xa cách muôn trùng, Xuân về,…
Nhạc sĩ Thẩm Oánh và những đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam
Nhạc sĩ Thẩm Oánh thuộc lớp nhạc sĩ lão thành, tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam thuở sơ khai. Đặc biệt hơn cả, ông chính là người định hướng và phát triển tân nhạc mang đậm nét Việt Nam. Thẩm Oánh cũng là một trong những thành viên lập nên ban nhạc tài tử đầu tiên tại Việt Nam, đó là ban nhạc Myosotis (Hoa Lưu Ly) tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ về tân nhạc trong quần chúng khi ấy.
Những đóng góp của nhạc sĩ Thẩm Oánh cho nền tân nhạc Việt không chỉ nặng về lượng với hơn 1000 ca khúc mà còn nặng về giá trị với những bản nhạc sống mãi với thời gian. Ông cũng được xem là người tiên phong trong lĩnh vực truyện ca và lĩnh vực nhạc kịch. Hơn thế nữa, người nhạc sĩ đa tài này còn là người đầu tiên có nhạc phẩm được ấn hành và bán tại Việt Nam. Ca khúc đầu tiên của Thẩm Oánh được đem in là “Đôi oanh vàng” với số lượng 500 bản và được bán với giá 10 xu một bản.
Ngoài việc sáng tác, nhạc sĩ Thẩm Oánh còn giữ nhiều chức vụ trong việc phát triển tân nhạc Việt như chủ bút báo Việt Nhạc, trưởng ban Việt nhạc rồi Giám đốc Đài phát thanh Hà Nội,… Trong 60 hoạt động nghệ thuật, ông cũng viết nhiều bài nghiên cứu, xã luận và nhiều lần diễn thuyết về âm nhạc trước công chúng. Năm 1955, nhạc sĩ Thẩm Oánh từng phát biểu về “Sức tiến triển của nền âm nhạc Việt Nam” trong Hội thảo Âm nhạc Khu vực của Đông Nam Á được bảo trợ bởi UNESCO và The International Music Council (Hội Nghị Âm Nhạc Quốc Tế).
Nhạc sĩ Thẩm Oánh từng giáo viên dạy nhạc tại nhiều trường ở Hà Nội và là giáo sư âm nhạc của trường Đại học Sài Gòn. Trong vai trò người “lái đò”, ông đã mở rộng thế giới âm thanh huyền diệu cho biết bao thế hệ học trò.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh – Phụng sự âm nhạc và nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng viết về nhạc sĩ Thẩm Oánh như sau: “Thẩm Oánh là người có biệt tài ăn nói khúc chiết, dịu dàng. Mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng đều mang dáng dấp trịnh trọng, nghiêm chỉnh. Nhạc sĩ Thẩm Oánh là một trong những người có đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc nước nhà. Ông chính là người đi tiên phong, sáng tác nhạc với lời ca, giai điệu thuần túy Việt Nam”.
Nhà văn Tạ Tỵ trong hồi ký “Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi” cũng đã dành cho người nhạc sĩ tài hoa Thẩm Oánh những lời nhận xét thân tình: “Thẩm Oánh trông bề ngoài lúc nào cũng chải chuốt, đỏm dáng như vừa ở tiệm cắt tóc về hoặc từ tiệm may ra. Dáng điệu đi đứng cứng ngắc như người gỗ. Nhưng Thẩm Oánh lại là con người rất lịch sự, ăn nói nhã nhặn dịu dàng chứ không kiêu căng, lố bịch như một số người xuất thân trong gia đình danh giá. Anh luôn giữ nụ cười khi xã giao để làm vui lòng người đối thoại”.
Qua những lời nhận xét ấy, có thể thấy nhạc sĩ Thẩm Oánh là một người nhạc sĩ vừa tài hoa, lại vừa đức độ nên rất được mọi người yêu thương kính mến. Điểm qua những tác phẩm nổi bật trong kho tàng âm nhạc của Thẩm Oánh, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra nhạc của ông không phải là loại nhạc để trình diễn. Thế nên, thời ấy rất ít có ca sĩ nào dám hát nhạc Thẩm Oánh trong các buổi đại nhạc hội. Có thể nói, nét nhạc Thẩm Oánh mang một sắc thái riêng biệt và chỉ thích hợp với vài lớp người thưởng ngoạn mà thôi.
Nhắc đến cái tên “Thẩm Oánh” thì ai cũng nhớ, một số nhạc phẩm của Thẩm Oánh thì ai cũng thuộc hoặc đã từng nghe qua. Thế nhưng, khi hỏi rõ về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông thì chẳng mấy người tỏ tường. Bởi lẽ, phần vì nhạc sĩ Thẩm Oánh thuộc lớp nhạc sĩ lão thành, phần khác là do ông sống tương đối khép kín, ít bạn cũng như ít khi tâm tình trò chuyện nên sau này chẳng có mấy thông tin về ông. Nhưng may thay, chúng ta vẫn còn có được một số nhân chứng như nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Hiền,… nên mới biết vài ba điều về người nhạc sĩ tài hoa ngút trời ấy, người dành cả cuộc đời mình để phụng sự cho âm nhạc và nghệ thuật.
Phỏng vấn nhạc sĩ Thẩm Oánh: Là người Việt phải viết và yêu nhạc Việt
Bài viết của nhạc sĩ Thẩm Oánh: Lược sử hình thành và phát triển tân nhạc Việt Nam