HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ NGỌC BÍCH
- Tên thật: Nguyễn Ngọc Bích
- Nghệ danh: Ngọc Bích, Kim Ngọc
- Ngày sinh: 1924 – 2001
- Quê quán: Hà Nội
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc tiền chiến, tình khúc 1954 – 1975
- Ca khúc nổi tiếng: Mộng chiều Xuân, Trở về bến mơ, Đôi chim giang hồ,…
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Tâm Vấn, Anh Ngọc,…
- Thời gian hoạt động: 1947 – 2001
Nhạc sĩ Ngọc Bích là ai?
Nhạc sĩ Ngọc Bích tên thật là Nguyễn Ngọc Bích, sinh năm 1924 tại Hà Nội. Cha ông là Nguyễn Huy Bằng, một bác sĩ thú y, một người có tài chơi được rất nhiều loại nhạc cụ cổ truyền như đàn bầu, tỳ bà, tam thập lục,… Thuở nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc, nên năm lên 10 tuổi đã được gia đình cho đi học ký âm với thầy Nguyễn Văn Thông cùng với Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Văn Ngạc, Nguyễn Hiền,… Sau đó, ông được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ hướng dẫn thêm về sáng tác.
Tốt nghiệp tiểu học, nhạc sĩ Ngọc Bích đậu vào trường Bưởi. Trong cùng năm đó, ông được tham dự đơn ca ở Nhà hát lớn Hà Nội, xuất hiện trong chương trình ca nhạc giữa các màn kịch cho nhạc sĩ Thẩm Oánh phụ trách.
Năm 1942, khi vừa vào năm 2 bậc cao đẳng tiểu học, Ngọc Bích quyết định rời trường Bưởi để theo con đuổi con đường âm nhạc. Sau đó, ông gia nhập vào ban nhạc, chơi đàn tại vũ trường Takara ở khu Khâm Thiên (tiệm khiêu vũ đầu tiên chơi nhạc sống tại Hà Nội thời ấy). Đến năm 1943, ông cùng một ban nhạc lớn sang Côn Minh biểu diễn cho lực lượng Đồng Minh.
Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Ngọc Bích cùng người bạn học là nhạc sĩ Nguyễn Hiền tham gia kháng chiến chống Pháp tại Liên khu 3. Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy có kể lại, khoảng thời gian ở Lào Cai, ông có cùng nhạc sĩ Ngọc Bích chơi nhạc và hát tại quán Biên Thùy.
Năm 1947, nhạc sĩ Ngọc Bích mới bắt đầu sáng tác, khởi sự với những bài tình ca viết theo điệu swing và blues mới lạ. Trong những năm đầu thập niên 1950, những bài hát của nhạc sĩ Ngọc Bích được phát trên Đài phát thanh Hà Nội như “Hương tình”, “Trở về bến mới”,… rất được yêu thích qua tiếng hát của Tâm Vấn.
Năm 1949, nhạc sĩ Ngọc Bích rời bỏ kháng chiến trở về Hà Nội. Năm 1954, theo làn sóng di cư từ Bắc vào Nam, ông cũng vào Sài Gòn sinh sống. Ban đầu, ông làm việc tại các nhà hàng có ca nhạc, sau đó để tránh bị gọi đi lính, ông xin đồng hóa vào quân đội, phục vụ tại Đài phát thanh Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, nhạc sĩ Ngọc Bích tiếp tục sáng tác, chơi nhạc cho các ban nhạc thuộc đài phát thanh Pháp Á, đài phát thanh Sài Gòn và chơi cho các vũ trường, sân khấu đại nhạc hội,…
Năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Bích rời Việt nam, tới Hoa Kỳ, định cư tại miền Nam Cali. Tại đây, ông tham gia nhóm AVT hải ngoại do nghệ sĩ Lữ Liên đứng đầu. Sau đó, vào năm 1976, ban AVT cùng Thúy Liễu (vợ nghệ sĩ Lữ Liên) thành lập ban thoại kịch Gió Nam, cùng với đoàn nghệ sĩ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sang châu Âu và nhiều nước trên thế giới biểu diễn.
Năm 1988, khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền đến Hoa Kỳ, thì nhạc sĩ Ngọc Bích kết hợp cùng Nguyễn Hiền và một số người bạn nữa lập ra Saigon Band để chơi nhạc với tham vọng vực dậy sinh hoạt âm nhạc có tính chính quy ở nơi đất khách.
Năm 2001, nhạc sĩ Ngọc Bích qua đời tại Mỹ vì cơn nhồi máu cơ tim. Ông qua đời một tuần sau khi đến dự đám tang của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Thông tin về đời tư của nhạc sĩ Ngọc Bích không được chia sẻ nhiều, chỉ biết ông lập gia đình với ca sĩ Lệ Nga và có với nhau một người con trai tên Kim Ngọc.
Đôi nét về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Bích
Nhạc sĩ Ngọc Bích bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi ấy ông 23 tuổi. Ông khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của mình với những ca khúc trữ tình, viết theo điệu swing và blues, hai thể điệu được coi là rất mới lạ trong thời điểm đó.
Vào những năm đầu thập niên 1950, qua giọng ca của ca sĩ Tâm Vấn trên đài phát thanh Hà Nội, những bài hát như “Hương tình”, “Trở về bến mơ”,… của nhạc sĩ Ngọc Bích rất được yêu thích và đón nhận, đặc biệt là thanh niên thời ấy.
Nhạc sĩ nguyễn Hiền từng chia sẻ, thời kỳ kháng chiến chống Pháp là khoảng thời gian nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác được nhiều ca khúc có giá trị nhất, đặc biệt là những tình khúc như: “Khúc nhạc chiều mơ”, “Bông hoa rừng”, “Lời hẹn xưa”, “Thuở trăng về”, “Bến đàn xuân”, “Đôi chim giang hồ”, “Dưới trăng thề”,…
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng cho biết rằng, cùng với điệu swing và blues, nhạc sĩ Ngọc Bích đã sáng tác những bài hát phục vụ kháng chiến như “Say chiến công”, “Bà già giết giặc”,… Những bài hát mang tính tuyên truyền, kích động lòng yêu nước này được mọi người đón nhận nồng nhiệt.
Dù được xem là một trong số những người du nhập 2 thể điệu swing và blues rất sớm và nền tân nhạc Việt, nhưng ở một mặt nào đó, nhạc sĩ Ngọc Bích cũng là một trong những người chủ trương tránh né đối đa những quãng cách mang tính tây Phương trong âm nhạc của mình. Ông luôn cố gắng gìn giữ, duy trì bản sắc Việt Nam trong những nhạc phẩm của mình, không để chúng nghiêng nặng về khuynh hướng tây phương.
Nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác rất đa dạng, với nhiều thể loại khác nhau. Nhưng dù là bài hát nào, ông cũng đều rất cẩn trọng, quan tâm về cách sử dụng các âm giai, cung bậc sao cho thích hợp nhất, để đem đến cho khán giả bài hát tốt nhất, hay nhất, hoàn hảo nhất.
Nhìn lại chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Bích, ta có thể chia thành 2 giai đoạn rõ rệt, trước và sau năm 1954.
Sau năm 1954, ông vào miền Nam sinh sống và tiếp tục sáng tác, hoạt động âm nhạc tại đây. Giai đoạn này, ông tham gia vào đài phát thanh quân đội Việt Nam Cộng Hòa nên đa số những bài hát ông sáng tác đều để phục vụ cho quân đội. Trong số những bài nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác vào giai đoạn này như “Nắng mới”, “Tiếng hát bình minh”, “Đón gió mới”,… nổi tiếng nhất có bài “vè Bảo Đại”. Bài hát này sau khi Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống thì Ngọc Bích cùng nhà văn Thanh Nam đã sửa lại thành bài “Suy tôn Ngô Tổng thống”.
Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, giai đoạn huy hoàng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ ngọc Bích vẫn là những năm trước 1954 với 2 thể loại chính là tình khúc và ca khúc phục vụ cho nhu cầu chính trị giai đoạn đó.
Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Ngọc Bích
Hiện nay, chưa có một con số thống kê cụ thể về số lượng tác phẩm do nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác.
Một số nhạc phẩm nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác riêng: Anh nghiện súng, Bà già giết giặc, Bản đàn xưa, Bến đàn xuân, Bến nhạc lòng, Bộ đội tập bò, Đêm trăng xưa. Đôi chim giang hồ, Đón gió mới, Dưới trăng thề, Giấc mơ ngàn, Gió mùa chinh phu, Hồn theo gió, Hương tình, Hương lan, Khát vọng tình thương, Khúc nhạc chiều mơ, Khúc nhạc tương tư, Lời hẹn xưa, Mơ về sông Hương, Mộng chiều xuân, Mộng ngày xanh, Một đêm vui, Nắng mới, Nhịp xe hoàng hôn, Nhớ xuân, Nhắn gió xuân, Thu về, Thuở trăng về, Tiếng hát bình minh, Tiếng hát chiều thu, Tiếng vọng chiều rừng,…
Nhạc phẩm sáng tác chung: Chiều tàn trong mắt em (Ngọc Bích – Mai Trung Tĩnh), Con đò đưa xác (Ngọc Bích & Nguyễn Văn Đức), Chờ một kiếp mai (Xuân Tiên & Ngọc Bích), Ru hồn cố nhân (lời Thanh Nam), Suy tôn Ngô Tổng thống (lời Thanh Nam),….
Trong đó, nổi tiếng nhất chính là ca khúc “Mộng chiều xuân” được nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác trong đầu thập niên 1950. Bài hát là tiếng tơ lòng tha thiết của người con trai dành cho người con gái trong mộng.
“Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
Vui nguồn sống mơ những ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ…”
Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Ngọc Bích
Nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác không nhiều, nhưng những bài hát của ông đều có sức sống mãnh liệt, trở thành những bản nhạc bất hủ trong lòng người yêu nhạc Việt.
Ông cũng được xem là một trong những người mang điệu swing và blues phổ biến vào thời kỳ bình minh của làng tân nhạc Việt. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những ca khúc có tính tuyên truyền kích động lòng yêu nước của ông đã trở thành những giai điệu bất tử, góp phần vào sự thành công của cuộc kháng chiến.
Âm nhạc của Ngọc Bích – Ôm hoài những mộng mơ dang dở
Nhắc đến âm nhạc của nhạc sĩ Ngọc Bích, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn có nhận xét: “Nhạc của Ngọc Bích là biểu tượng cho tuổi trẻ thành thị một thời, cái thời mà ông gọi là “chiến chinh” nhưng vẫn “ngát hương thanh bình”.
Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng từng nhấn mạnh với mọi người rằng: “Bạn ông, nhạc sĩ Ngọc Bích là một người rất cẩn trọng trong lĩnh vực sáng tác và luôn cố gắng duy trì bản sắc Việt Nam trong âm nhạc của mình”.
Là một người tài hoa trong sáng tác, được nhiều nhạc sĩ cùng thời đánh giá cao qua nhiều tác phẩm. Nhưng trong đời thường, những người quen biết Ngọc Bích đều có chung một nhận xét rằng: “Bản chất ông là người lặng lẽ khép kín!”.
Quả thật là như vậy, lúc sinh thời, vì là người có tài, lại sớm nổi tiếng nên nhạc sĩ Ngọc Bích được rất nhiều bóng hồng săn đón. Ấy vậy mà, những tình khúc của ông luôn đau đáu sự tan vỡ trong tình yêu, với những ca từ não lòng như: “Hay đớn đau vì câu hẹn kiếp sau/ Trăng ứa màu lệ dâng ướt ngàn sao”.
Không ai có thể biết được, cũng như lý giải được vì sao người nhạc sĩ tài hoa này lại mang tâm trạng như vậy vào âm nhạc. Nhưng dù đó có là gì, mỗi khi nhắc đến Ngọc Bích, ta lại sẽ nhớ mãi những mộng chiều xuân…