VỀ NHẠC PHẨM ANH CHO EM MÙA XUÂN
- Nhạc sĩ sáng tác: Nguyễn Hiền
- Thể loại: Nhạc vàng
- Năm ra đời: 1962
- Hãng đĩa: Hãng đĩa Asia
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Lệ Thanh
“Anh cho em mùa xuân” ra đời đúng ngày Mùng 5 Tết
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng tâm sự về hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm “Anh cho em mùa xuân”. Đó là vào ngày Mùng 5 Tết năm 1962, ông đi làm trong không khí Tết vẫn tràn ngập phố phường. Khi đến sở, trên bàn làm việc có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ có tựa “Ngàn thương” gồm khoảng 40 bài của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn…
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền lần giở, đọc lướt qua từng bài thơ và dừng lại ở bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân”. Đây là bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc.
“Vậy là chỉ trong một buổi sáng hôm đó tôi đã phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành câu nhạc ‘Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ’, thấy rất ngọt nên cứ thế phát triển cả bài thơ thành một ca khúc”, nhạc sĩ Nguyễn Hiền chia sẻ.
Sáng hôm sau (tức Mùng 6 Tết năm 1962), có một nhà thơ trẻ xưng danh Kim Tuấn (1940 – 2003) đã đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Trong cuộc gặp gỡ, ông Tuấn có hỏi: “Tôi gửi cho nhạc sĩ tập thơ, không biết đã nhận được chưa?”. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đáp lời: “Tôi nhận được rồi và riêng bài ‘Nụ hoa vàng ngày xuân’ của Kim Tuấn, tôi đã phổ nhạc thành một ca khúc”.
Nghe đến đây, nhà thơ Kim Tuấn vô cùng kinh ngạc, nhưng sau đó thì rất hào hứng nghe nhạc sĩ Nguyễn Hiền thể hiện ca khúc được phổ nhạc từ thơ của mình.
Và trong ngày hôm đó, Giám đốc Hãng đĩa Asia cũng có mặt nên ông giao ca khúc cho ca sĩ Lệ Thanh thu đĩa. Sau đó là hát trên đài phát thanh.
Cũng từ cơ duyên đó mà sau này, nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhà thơ Kim Tuấn trở nên thân thiết, tạo ra mối duyên văn nghệ tốt đẹp. Mỗi lương duyên đó đẹp đẽ giống như cách mà tác phẩm nghệ thuật của hai ông đi vào lòng người suốt mấy chục năm qua.
“Anh cho em mùa xuân” – ca khúc hay nhất viết về chủ đề mùa xuân
Ca khúc “Anh cho em mùa xuân” phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” được xem là một trong những nhạc phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hiền và nhà thơ Kim Tuấn.
Đặc biệt, vào năm 2007, trong một cuộc bình chọn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ca khúc “Anh cho em mùa xuân” đã được bình chọn là ca khúc hay nhất. Đây cũng là nhạc phẩm được yêu thích nhất viết về chủ đề mùa xuân. Cho đến nay, ca khúc vẫn được nghe mỗi khi mùa xuân về.
Lúc sinh thời, nhà thơ Kim Tuấn cũng từng chia sẻ rằng, ông “tâm phục, khẩu phục” trước cách thay đổi chữ, không những lột tả được ý của tác giả mà còn làm thăng hoa thêm câu chữ. Người phổ nhạc vô cùng tài hoa trong việc đó.
Ví dụ như câu: “Bài thơ còn xao xuyến/ Nắng vàng trên ngọn cây”, câu sau được sửa thành “rung nắng vàng ban mai”. Thật khó mà tìm ra được một chữ nào hay hơn chữ “rung” để đi với “xao xuyên” trong câu hát của Nguyễn Hiền.
Hay như câu “Con chim mừng ríu rít” đã được đổi thành “bay chim lùa vạt nắng” để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ vừa giàu hình ảnh mà khi hát lên vẫn rất thơ mộng. Chữ “lùa” ấy vô cùng mới nhưng cũng vô cùng tinh tế. Ngày ấy, chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc.
Ngoài ra còn có câu “Ngoài đê diều thẳng cánh” đã được Nguyễn Hiền đổi thành “ngoài đê diều căng gió”. Câu “Câu hát hò vẳng đưa” đổi thành “thoảng câu hò đôi lứa”, câu “Trẻ đùa vui nơi nơi” đổi thành “trẻ nô đùa khắp trời”…
Cũng theo thi sĩ Kim Tuấn, trong “Nụ hoa vàng ngày xuân” không có câu nào nhắc đến nhạc nhưng khi Nguyễn Hiền phổ nhạc thì “nhạc chan hòa đây đó” và “nhạc thơ tràn muôn lối”. Mỗi câu mỗi chữ đều đầy nhạc và thơ. Thơ quyện trong nhạc, nhạc quấn lấy thơ. Nhạc và thơ, thơ và nhạc đã hòa làm một thành: “Anh cho em mùa xuân, nhạc thơ tràn muôn lối”.
“Anh cho em mùa xuân” và đôi lời bình phẩm ấn tượng
Nhà thơ Kim Tuấn sáng tác “Nụ hoa vàng ngày xuân” năm 1961, sau đó gửi cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Nội dung bài thơ như sau:
Anh cho em mùa Xuân.
Nụ hoa vàng mới nở.
Chiều đông nào nhung nhớ.
Đường lao xao lá đầy.
Chân bước mòn vỉa phố.
Mắt buồn vin ngọn cây.
Anh cho em mùa xuân.
Mùa xuân này tất cả.
Lộc non vừa trẩy lá.
Thơ còn thương cõi đời.
Con chim mừng ríu rít.
Vui khói chiều chơi vơi.
Đất mẹ gầy có lúa.
Đồng ta xanh mấy mùa.
Con trâu từ đồng cỏ.
Giục mõ về rộn khua.
Ngoài đê diều thẳng cánh.
Trong xóm vang chuông chùa.
Chiều in vào bóng núi.
Câu hát hò vẳng đưa.
Tóc mẹ già mây bạc.
Trăng chờ trong liếp dừa.
Con sông dài mấy nhánh.
Cát trắng bờ quê xưa.
Anh cho em mùa xuân.
Bàn tay thơm sữa ngọt.
Dải đất hiền chim hót.
Người yêu nhau trọn đời.
Mái nhà ai mới lợp.
Trẻ nô đùa nơi nơi.
Hết buồn mưa phố nhỏ.
Hẹn cho nhau cuộc đời.
Khi hoa vàng sắp nở.
Trời sắp sang mùa xuân.
Anh cho em tất cả.
Tình yêu non nước này.
Bài thơ còn xao xuyến.
Nắng vàng trên ngọn cây.
Ngày Mùng 5 Tết năm 1962, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã phổ nhạc “Nụ hoa vàng ngày xuân” thành ca khúc “Anh cho em mùa xuân”:
Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố, mắt buồn vịn ngọn cây
Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi.
Đất mẹ gầy có lúa, đồng ta xanh mấy mùa
Ngoài đê diều căng gió, thoảng câu hò đôi lứa
Trong xóm vang chuông chùa, trăng sáng soi liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh, cát trắng bờ quê xưa
Anh cho em mùa xuân, trẻ nô đùa khắp trời, niềm yêu đời phơi phới
Bàn tay thơm sữa ngọt, dải đất hiền chim hót, mái nhà xinh kề nhau
Anh cho em mùa xuân, đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó
Anh cho em mùa xuân, nhạc thơ tràn muôn lối.
So sánh bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” và nhạc phẩm “Anh cho em mùa xuân” thì thấy, nhạc sĩ Nguyễn Hiền không thay đổi nhiều về ca từ khi phổ nhạc. Bởi ông đã nhìn thấy chất nhạc có sẵn trong thơ. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền chỉ thay đổi một chút về ngôn từ, thêm xíu gia vị để cho phù hợp với nhịp điệu âm nhạc, làm cho bài ca trở nên tình tứ, thắm thiết hơn.
“Anh cho em mùa xuân/ Nụ hoa vàng mới nở…” – đó là lời ca miêu tả những ngày đầu xuân, đất trời chuyển mình thức giấc sau giấc ngủ đông. Những nụ hoa e ấp, chím chím trong màu vàng tinh khôi, không gian vẫn đượm hơi hướm của những ngày cuối đông bàng bạc, se lạnh. Lòng người cũng đổi sắc, chầm chậm chuyển sang sự vui tươi đầy sức sống của mùa xuân.
“Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố, mắt buồn vin ngọn cây” – bước chân của nhân vật tự sự cũng là bước chân của những người con xa xứ đang tất bật với mưu sinh nơi phố phường đô hội. Nhưng mùa xuân mới đã thấp thoáng ùa về khiến lòng người lao xao một nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cảnh sum vầy…
“Mắt buồn vin ngọn cây” – đây là một hình ảnh ẩn dụ rất đẹp, rất thơ, buồn mà không bi lụy, không suy sụp, cái buồn loáng thoáng, man mác cõi lòng.
Nhưng trong khoảnh khắc xuân sang đó, tác giả vẫn tìm thấy niềm hân hoan mới, lời thì thầm ngọt ngào của đôi tình nhân được kín đáo ẩn dưới lớp áo xuân: “Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá…”.
Sắc xuân nhè nhẹ đến, êm êm, xinh đẹp, lả lướt tựa như một mảnh lụa dịu dàng cuốn lấy tâm hồn người nghe, đưa về vùng quê mẹ hiền hòa: “Bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi”.
Lúc sinh thời, nhà thơ Kim Tuấn cũng từng chia sẻ về những lời thơ của mình: “Tôi viết ‘Nụ hoa vàng ngày xuân” để nhớ quê mẹ Hà Tĩnh. Đó là vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo, với ước mơ đất mẹ gầy có lúa. Vậy mà nhiều người hát sai, cứ đất mẹ gầy… cỏ lúa hoặc đất mẹ gầy cỏ úa hoặc đất mẹ… đầy cỏ lúa…”. Cũng theo Kim Tuấn, cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ ai lại mơ ước có thêm.
Ngoài ra, câu “đồng ta xanh mấy mùa” cũng là một ước mơ khác. Nhưng nhiều ca sĩ lại đổi thành “đồng xa xanh mấy mùa” hoặc “đồng xanh xa mấy màu”. Việc đổi câu từ sẽ làm mất hẳn ý nghĩa của nguyên tác.
Sự chỉn chu trong từng lời thơ đã thể hiện được tình yêu quê hương, xóm làng của ông Kim Tuấn. Tình yêu khiến cho bức tranh quê hương trong ký ức của một đứa con xa xứ hiện lên thật đẹp, thật thơ và thật nhân ái.
Nắm bắt được trọng tâm bài thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã tinh tế thêm thắt lời thơ một chút nhạc, một chút tình xuân, thêm “niềm yêu đời phơi phới” để thăng hoa xuân tình ý mộng đang rộn rã trong lòng nhà thơ Kim Tuấn. Từ đó dệt nên tấm thảm âm nhạc mượt mà từ ý thơ của Kim Tuấn.
Có thể nói “Anh cho em mùa xuân” sở hữu giai âm tình tự hòa quyện với lời ca giản dị, hiền hòa thuần Việt. Nhờ đó mà ca khúc đã có vị trí nhất định trong lòng công chúng trong suốt gần 60 năm qua.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền (1927 – 2005) là một con người tài năng. Năm 8 tuổi đã bắt đầu học nhạc; năm 18 tuổi có ca khúc đầu tay phổ từ bài thơ mang tên “Người em nhỏ” của người bạn tên Triệu Giang. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sử dụng thành thạo 8 loại nhạc khí như vĩ cầm, dương cầm, phong cầm. Ông từng làm nhạc trưởng ban nhạc Hotel de Paris ở Hà Nội.
Dòng nhạc của Nguyễn Hiền mang đậm tình tự quê hương. Ông sáng tác khá nhiều nhưng bản nhạc hay nhất có lẽ là “Anh cho em mùa xuân” (phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thi sĩ Kim Tuấn). Dù ra đời cách đây gần 60 năm nhưng “Anh cho em mùa xuân” vẫn được rất nhiều người yêu thích, kể cả giới trẻ hiện nay.