HỒ SƠ – TIỂU SỬ NSƯT THANH NGA
- Tên thật: Juliette Nguyễn Thị Nga
- Nghệ danh: Thanh Nga.
- Ngày sinh: 31/07/1942 – Ngày mất: 26/11/1978.
- Quê quán: Tây Ninh.
- Nghề nghiệp: Nghệ sĩ cải lương, diễn viên.
- Danh hiệu (nếu có): Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT)
- Thời gian hoạt động: 1954 – 1978.
NSƯT Thanh Nga là ai?
NSƯT Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1942, mất năm 1978. Lúc sinh thời, bà được mệnh danh là “nữ hoàng sân khấu”, là nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và rất được yêu thích.
Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, rất nhiều người là nghệ sĩ nổi tiếng. Năm 1984, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT.
Tuy là một nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng cố NSƯT Thanh Nga không bao giờ tỏ vẻ kiêu kỳ, xa cách. Bà cư xử thanh lịch, nhẹ nhàng, luôn làm việc chuẩn chỉ, nên cả người thân, đồng nghiệp lẫn khán giả đều rất yêu mến. Cái chết tức tưởi của “hồng nhan bạc phận” này ở tuổi 36 khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, xót xa.
NSƯT Thanh Nga và đời tư hiếm ai hay
NSƯT Thanh Nga sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha bà là ông Nguyễn Văn Lợi, còn mẹ bà là Nguyễn Thị Thơ – thường được biết đến là “bà bầu Thơ”. Bà Thơ là trưởng đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga nức tiếng một thời.
Được biết, trong gia đình bà còn có nhiều nghệ sĩ có tiếng tăm lúc đó, chẳng hạn như cha dượng là nghệ sĩ đờn ca tài tử Năm Nghĩa, em trai cùng mẹ khác cha là diễn viên hài kịch – cải lương Bảo Quốc,… Con trai bà là Hà Linh, sau này cũng là danh hài khá nổi tiếng. Bà còn có 2 người cháu ruột là Hữu Châu (diễn viên) và Hữu Lộc (nghệ sĩ hài kịch).
Cố nghệ sĩ cải lương có hai đời chồng. Người chồng đầu tên là Nguyễn Minh Mẫn, từng làm sĩ quan chế độ cũ. Lần sau, bà làm vợ thứ (không chính thức) của ông Phạm Duy Lân, thường gọi Đổng Lân. Bà và ông Lân có với nhau 1 người con trai, hồi nhỏ gọi Cúc Cu, sau này là nghệ sĩ Phạm Duy Hà Linh.
Được biết, ông Lân vô cùng yêu thương, trân trọng vợ. Mỗi khi vợ đi diễn, ông đều có mặt để tháp tùng, chăm lo cho bà từng chút một. Ngược lại, Thanh Nga cũng là một người hết lòng vì chồng con, tận tình chăm sóc gia đình nhỏ.
Nghệ sĩ Kim Cương từng kể rằng: “Hầu như anh Lân tháp tùng bên vợ 24/24. Thậm chí, mỗi khi Thanh Nga tắm, ah lại đứng trước cửa nhà tắm chầu chực sẵn. Là bạn bè thân, chúng tôi hay trêu: ‘Ông cứ đi đi, Thanh Nga nó ở trong nhà tắm thì ai mà bắt cóc được. Anh Lân chỉ lặng lẽ nói: ‘Đứng đây để tiện có gì Nga kêu còn nghe, chứ đi xa lỡ có việc gì Nga kêu không nghe. Tôi chưa thấy người nào mà thương vợ như anh Lân”.
Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, NSƯT Thanh Nga bị sát hại đầy thương tâm. Lúc đó là đêm ngày 26/11/1978, bà vừa diễn xong vở cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” tại rạp hát Cao Đồng Hưng gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh, Sài Gòn lúc ấy. Gia đình bà lên đi xe ô tô về nhà, chồng bà là người cầm lái, ngồi kế là vệ sĩ – võ sư Nguyễn Văn Các, còn bà và con trai Hà Linh (5 tuổi) ngồi ghế sau.
Xe chạy về tới nhà ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1 lúc đó, vệ sĩ Các đang mở cửa thì bất ngờ một chiếc xe máy Honda xuất hiện, áp sát xe họ. Hai tên lạ mặt nhảy xuống, giơ súng ngắn P38 uy hiếp, khống chế. Hai kẻ này uy hiếp vợ chồng Thanh Nga, nói rằng muốn bắt cóc bé Cúc Cu. Lúc đó, Thanh Nga vội giấu con trai ra sau lưng, nằm đè lên để bảo vệ con. Cả hai vợ chồng đều chống cự, sau đó bị chúng liên tiếp nã đạn bắn chết. Sự ra đi của NSƯT Thanh Nga khi còn rất trẻ khiến người thân, đồng nghiệp và khán giả không khỏi bàng hoàng, xót thương.
NSƯT Thanh Nga và sự nghiệp nghệ thuật thành công rực rỡ
NSƯT Thanh Nga có một sự nghiệp nghệ thuật rất thành công, được khán giả vô cùng yêu mến lúc sinh thời. Bà được mệnh danh là “Nữ hoàng sân khấu”, thuộc “tứ đại mỹ nhân” ở Sài Gòn lúc bấy giờ, sánh vai cùng Kiều Chinh, Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng.
Nữ nghệ sĩ bắt đầu đi biểu diễn từ năm 10 tuổi. Lúc đó, bà ca vọng cổ phụ họa trên sân khấu Thanh Minh, do cha dượng là bầu gánh. Tuổi nhỏ nhưng tài năng có thừa, cái tên Thanh Nga được chú ý từ lúc đó.
Lên 12 tuổi, bà diễn vai bé “Nghi Xuân trong vở “Phạm Công – Cúc Hoa” và để lại nhiều dấu ấn. Đến năm 16 tuổi, bà đã là cái tên sáng giá trong làng cải lương miền Nam. Không chỉ sở hữu vẻ ngoài xinh xắn thùy mị, bà còn có chất giọng đặc biệt cùng phong cách diễn xuất hiếm có. Giới chuyên môn khi đó nhận xét rằng, giọng ca mùi mẫn, đầy cảm xúc của bà như hút hồn khán giả, khi thanh thoát, lúc lại day dứt, có thể vừa chân phương lại vừa bi ai. Đến giờ, về giọng hát và phong cách diễn của NSƯT Thanh Nga vẫn hiếm ai bì được, là chuẩn mực để thế hệ nghệ sĩ sau này học hỏi.
Trong một bài báo cũ năm 1956, những ngày tháng miệt mài rèn luyện kĩ năng của bà đã khiến nhiều người nể phục. Bài báo viết: “Thanh Nga mới 16 tuổi, là tuổi học và chơi. Thanh Nga vừa học vừa chơi, vì múa hát với em là một trò chơi mà cô bé ưa thích nhất. Chương tình mỗi ngày của cô bé là đây:
Sáng 8 giờ – 9 giờ học vũ với Vũ Lợi, người điều khiển ban vũ Thanh Minh. Ngày ngày em gặp các bạn trong ban, nào Hoa, A, Búp, Thuận và Hoàng, người chị dâu của em trong những vũ khúc như ‘Mai Quế’, ‘Cô gái xuân’,…
Học buổi sáng để tối đêm ‘hành’ trên sân khấu. Có khi Thanh Nga vũ chung với chị em trong ban, có lúc lại vũ cặp với Vũ Lợi hay Vũ Thìn – anh ruột của em, hoặc có lúc vũ một mình như trong vũ trống, lối vũ Trung Hoa do một Huế kiều dạy em. Bàn tay dẻo, bước chân đều, giọng hát trong và cao, nhất là khuôn mặt rất ăn ánh đèn nên trong mọi vũ khúc, Thanh Nga trở thành một bông hoa duyên dáng làm cho mọi cặp mắt đều hướng về em.
Học vũ cũng để phục vụ cho đoàn. Học ca vọng cổ cũng để phục vụ cho đoàn.
Buổi chiều từ 3 giờ – 4 giờ em học Anh ngữ, nhưng từ 5 giờ – 6 giờ Thanh Nga lại học ca vọng cổ với Út Trọng, là tay đờn kìm điêu luyện của Thanh Minh. Hát cho đúng nhịp, cho giọng ăn với tiếng đàn là việc khó. Thanh Nga đang cố gắng làm tròn công việc ấy và em đã theo đuổi 9 năm nay, nghĩa là em đã lên sân khấu từ lúc 7 tuổi với vai Nghi Xuân trong ‘Phạm Công – Cúc Hoa’, với vai Lệ Sương trong ‘Đàn ó biển’ với 3 câu vọng cổ rất mùi mà Thanh Nga vẫn còn nhớ mãi”…
Thập niên 1960 – 1970 là thời điểm sự nghiệp nghệ thuật của bà đạt đến đỉnh cao. Lúc đó, bà bắt đầu được gọi là nữ hoàng sân khấu cải lương, liên tục gặt hái những giải thưởng danh giá. Không ít vở cải lương do bà diễn đã đi vào hàng “bất hủ”, chẳng hạn như “Tiếng trống Mê Linh”, “Nửa đời hương phấn”, “Bên cầu dệt lụa”, “Phụng Nghi đình”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tiếng sóng Tiêu Tương”…
Giọng ca của “nữ hoàng sân khấu” phảng phất tư vị trầm buồn man mác, nhưng lại có thể linh hoạt biến đổi qua từng vai diễn. Khi thì nghe nũng nịu nữ tính, khi lại oai phong dõng dạc. Mỗi khi bà xuất hiện trên sân khấu, khán giả lại phải thở dài xuýt xoa, không ngờ có người “tài sắc vẹn toàn” đến mức ấy, vừa duyên dáng quý phái vừa tài năng thượng thừa.
Thanh Nga nổi tiếng đến mức, bà bầu Thơ đã quyết định đổi bảng hiệu đoàn Thanh Minh thành Thanh Minh – Thanh Nga. Cái câu “thanh minh thanh nga” bắt đầu xuất hiện từ đó, ý nói rằng “Chuyện đã rõ mười mươi, sao còn phải thanh minh thanh nga gì nữa”.
Sự nghiệp của NSƯT Thanh Nga không dừng lại ở đó, bởi sau này bà còn lấn sân sang ca hát và diễn xuất. Nói về âm nhạc, bà có kỹ năng thượng thừa, nên việc hát tân nhạc như là một cuộc “dạo chơi”. Bà phát hành một số ca khúc, tiêu biểu nhất là bài hát “Mưa rừng”. Đó là một sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Anh, viết “đo ni đóng giày” cho giọng hát của nữ ca sĩ cải lương nức tiếng.
Không chỉ tỏa sáng trên sân khấu cải lương, bà còn là nữ minh tinh điện ảnh thành công hết mực. Thời kỳ đỉnh cao, tên tuổi của NSƯT Thanh Nga cũng phải “một chín một mười” với các nữ minh tinh nức tiếng nhất Sài Gòn. Bà đảm nhiệm nhiều vai chính trong các cuốn phim nhựa, tiêu biểu nhất là “Nắng chiều”, “Lan và Điệp”, “Xa lộ không đèn”, “Loan mắt nhung”,…’
Năm 1958, nữ nghệ sĩ giành giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong vở “Người vợ không bao giờ cưới”. Đến năm 1966, bà đạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở “Sân khấu về khuya”.
Năm 1969, NSƯT Thanh Nga là đại diện nữ diễn viên duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ. Năm 1971, bà là một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á châu ở Đài Bắc. Năm 1974, bà giành giải Nữ diễn viên chiếm nhiều cảm tình nhất và Nữ diễn viên thể hiện bi kịch xuất sắc nhất tại Liên Hoan Phim Châu Á lần thứ 20 với vai cô gái Huế trong “Nắng chiều”. Năm 1984, theo Quyết định số 44-CT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 25/01/1984, Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho Thanh Nga.
NSƯT Thanh Nga và cái chết đầy tức tưởi qua hồi ức của con trai
Nhắc đến NSƯT Thanh Nga, người ta không khỏi xót xa trước cái chết tức tưởi của bà. Trong chương trình “Người kể chuyện đời”, nghệ sĩ Hà Linh, con trai bà đã có những chia sẻ về khoảnh khắc ám ảnh đấy.
Ông kể: “Sau vụ nổ lựu đạn ở rạp hát, mẹ bị ghim 2 mảnh vỡ trên người nhưng chưa lấy ra được. Bà ngoại có cử hai người đi theo mẹ cho yên tâm. Hôm đó mẹ diễn xong, được đưa ra xe hơi, chạy tới ngã sáu thấy có xe hơi chạy theo nhưng sau đó chiếc xe rẽ hướng khác. Cả nhà cũng nhẹ nhõm đùa rằng chiếc xe này theo mình nãy giờ may mà không có chuyện gì.
Nhưng khi còn cách nhà khoảng 200m, một chiếc xe gắn máy chạy tới mở cửa xe, kéo một chú bảo vệ ra ngoài rồi chĩa súng vào chú ấy. Sau đó họ kéo tôi ra ngoài, mẹ giằng co giữ tôi lại còn bố thì bảo: Có chuyện gì vào nhà rồi nói chuyện.
Bố tôi chỉ nói thế chứ không có dấu hiệu phản kháng, nhưng họ quay súng bắn bố tôi. Mẹ thấy vậy thì nói với tôi: Bố chết rồi mẹ con mình chết theo luôn. Họ nghe thấy vậy, quay súng bắn mẹ tôi rồi bỏ đi. Tôi ngồi sau lưng mẹ nên không sao. Họ bắn mẹ tôi xong thì quay xe bỏ đi luôn”.
Khi mất, NSƯT Thanh Nga chỉ mới 36 tuổi, lại đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Linh cữu vợ chồng bà được quàn tại Hội Văn học nghệ thuật TP.Sài Gòn (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM). Người hâm mộ ở khắp mọi nơi đã đổ về thắp hương vĩnh biệt, đứng tràn cả ra đường Tú Xương – Trương Định… Giờ động quan, giới nghệ sĩ cải lương rơi nhiều nước mắt nhất, để khóc một tài hoa từng làm rạng rỡ nền vọng cổ nói chung. Đám tang Thanh Nga là một đám tang đông đảo người đưa tiễn nhất Sài Gòn (TP.HCM) thời ấy.
Sau khi vụ án xảy ra, Công an TP.HCM đã lập chuyên án TN.11 để điều tra, Các trinh sát tinh nhuệ được huy động, lực lượng chủ công là các chiến sĩ thuộc đội SBC (săn bắt cướp) của thành phố. Trong quá trình điều tra về vụ giết hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga thì ở thành phố lại xảy ra vụ bắt cóc con trai bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ. Lần theo vụ án này và vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương năm 1977, đội điều tra đã phát hiện được nhiều manh mối quan trọng.
Đến tháng 4/1979, vụ án đã tìm được hung thủ. Thủ phạm là Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức, đều được mang ra xét xử và nhận án tử hình. Theo đó, mục tiêu ban đầu của hai kẻ ác là em trai bà – NSƯT Bảo Quốc. Kế hoạch của họ là bắt cóc con trai của ông để tống tiền. Nhưng rồi, chúng thấy rằng gia đình ông có 4 người con mà tiền của không nhiều, nên quyết định chuyển hướng sang nhà bà Thanh Nga.
2 tháng trước khi tiến hành vụ bắt cóc – sát hại kinh hoàng, Tân cùng đồng bọn thường phục sẵn ở các rạp hát nơi NSƯT Thanh Nga biểu diễn. Nhưng do khán giá lúc nào cũng tụ tập đông đúc, nên chúng quyết định đổi kết hoạch. Cuối cùng, hai kẻ này quyết định mai phục tại nhà riêng của bà, chọn thời điểm đêm khuya và gây ra vụ thảm sát kinh hoàng trên. Khai nhận hành vi phạm tội, tên Tân cho biết, chúng chỉ định bắt cóc bé Hà Linh để tống tiền nhưng do vợ chồng NSƯT Thanh Nga chống cự quyết liệt quá nên chúng đã bắn chết cả hai.
Các vai diễn, màn trình diễn nổi bật của NSƯT Thanh Nga
Các tiết mục cải lương
- Bên cầu dệt lụa (vai Quỳnh Nga)
- Bông hồng cài áo (vai Nga)
- Chuyện tình 17 (vai Loan)
- Chuyện tình An Lộc Sơn (vai Dương Thái Chân)
- Con gái chị Hằng (vai Trinh)
- Đoạn tuyệt (vai Loan)
- Đời cô Lựu (vai Kim Anh)
- Đôi mắt người xưa (vai Diệp Thúy)
- Hoa Mộc Lan tùng chinh (vai Hoa Mộc Lan)
- Mưa rừng (vai K’Lai)
- Người vợ không bao giờ cưới (vai Sơn nữ Phà Ca)
- Nửa đời hương phấn (vai The/Hương)
- Phụng Nghi Đình (vai Điêu Thuyền)
- Sân khấu về khuya (vai Giáng Hương)
- Sông dài (vai Lượm)
- Tấm lòng của biển (vai Thanh)
- Thái hậu Dương Vân Nga (vai Dương Vân Nga)
- Tiếng hạc trong trăng (vai Xuyên Lan)
- Tiếng trống Mê Linh (vai Trưng Trắc)
Các tiết mục ca cổ
- Bà mẹ Hòn Đất
- Bao giờ em lấy chồng
- Bông sen
- Cánh hoa thời loạn
- Cay đắng tình đời
- Cô gái xuân
- Dưới bóng từ bi
- Hai lối mộng
- Hoa mua trắng
- Hồi chuông Thiên Mụ
- Mái tóc thề
- Mưa rừng
- Người chồng lý tưởng của em
- Người đến rồi đi
- Người mẹ đào hầm
- Người mẹ miền nam
- Quả tim bất diệt
- Thành Đô ơi giã biệt
- Tình thơ mộng
- Truyện Tình Lan và Điệp
- Xích lại gần anh tí nữa
Các bộ phim của NSƯT Thanh Nga
- Bụi Phấn Hồng
- Đôi mắt người xưa
- Đứa Con Trong Lửa Đỏ
- Hai chuyến xe hoa
- Lan và Điệp
- Loan mắt nhung
- Một Thoáng Đam Mê
- Mùa thu cuối cùng
- Năm vua hề về làng
- Nắng chiều
- Người cô đơn
- Quái nữ Việt Quyền Đạo
- Sau giờ giới nghiêm
- Sợ Vợ Mới Anh Hùng
- Thương muộn
- Tìm lại cuộc đời
- Triệu phú bất đắc dĩ
- Vết thù trên lưng ngựa hoang
- Xa lộ không đèn