Ryoji Matsuoka là một trong những bậc thầy làm đàn guitar nổi tiếng ở Nhật chuyên sản xuất và gia công dòng đàn Classic (đàn gắn dây nylon). Chính vì thế, đàn do Matsuoka làm ra rất được ưa chuộng bởi cộng đồng yêu đàn guitar nhờ chất âm chuẩn, độ vang lâu và độ bền tuyệt vời đã được chứng nhận qua thời gian hơn 50 năm nay.
Ryoji Matsuoka xuất thân là nhạc công chơi Guitar nổi tiếng ở Nhật. Với lòng đam mê nhạc cụ nói chung, guitar nói riêng. Hưởng ứng làn sóng Guitar mới du nhập vào Nhật từ nước Mỹ xa xôi vào những năm đầu thập niên 1930, cũng như bao thanh niên tiêu biểu yêu đàn Guitar khác ở Nhật (Kohno, Sadao Yairi, …) cùng thời, ông bắt đầu nghiên cứu sản xuất đàn guitar vào năm 1946 nhưng chỉ là gia công. Mãi đến 1960, Ông mới chính thức thành lập công ty sản xuất đàn mang thương hiệu là chính tên của mình. Đến năm 1986, Ryoji Matsuoka mặc dù vẫn còn trong ban quản trị của công ty nhưng nhường lại việc điều hành chính cho người con trai tên Toshiaki Matsuoka.
Trong suốt một thập kỷ từ 1960 đến 1970, Matsuoka hầu như chỉ sản xuất gia công những model cao cấp cho thương hiệu đàn Aria (do ông Shiro Arai làm chủ) và cả gia công một số dòng đàn cho thương hiệu Ibanez nhưng chủ yếu là dòng đàn Acoustic (đàn gắn dây sắt).
Từ sau 1970 Matsuoka mới chính thức bắt đầu sản xuất những cây đàn Classic mang thương hiệu Ryoji Matsuoka với ba phân khúc: Concert Series, Artist Series và Artisan Old World Series (là dòng cao cấp nhất). Ký hiệu mà Matsuoka đặt lên sản phẩm của mình, chúng ta có thể tạm nhận biết qua hai giai đoạn chính là từ 1971 đến 1980 với các model mang số No.20 đến No.80 (tôi vẫn nhận thấy một vài cây Matsuoka vẫn mang số hiệu No sau giai đoạn này – có thể giai đoạn này, các cây đàn Matsuoka mang số hiệu No là thời gian cực thịnh được sản xuất) và giai đoạn sau 1980 với các model có kí hiệu thêm chữ M thay cho ký hiệu số, từ M20 đến M300.
Giai đoạn 1971 – 1980. Các sản phẩm của Matsuoka bao gồm:
Concert Series: No.20, No.25, No.30, No.40
Artist Series: No.50, No.60
Artisan Old World Series: No.70, No.80 với cấu hình All Solid, top là Cedar cao cấp và hông lưng là Brazilian Rosewood (còn có tên Jacaranda – đây là gỗ được đánh giá là hay nhất để làm đàn guitar, gỗ này cũng là loại gỗ đắt nhất trong các loại gỗ làm đàn và hiện đã bị cấm khai thác), cần đàn từ Mahogany với “double ebony reinforced” (sau cần đàn là hai đường cẩn gỗ màu đen như mun, dấu hiệu này chỉ xuất hiện trên những cây đàn giá trị cao mà chúng ta vẫn nhận thấy được cho tới tận bây giờ).
Giai đoạn từ 1980 về sau. Các sản phẩm của Matsuoka được kí hiệu với chứ M phía trước (một số model có kí hiệu MH, MG):
Concert Series: các model M20, M25, M30, M40
Artist Series: các model M50, M60
Artisan Old World Series: ban đầu sản xuất các model M70 M80 (vẫn còn là Laminated Indian Rosewood Back & Sides). Sau đó từ 1980 đến những năm thập niên 1990 thì cho ra đời dòng cao cấp hơn từ Model M100, M150, M200 đến cao cấp nhất là M300. Trong đó M200 M300 có cấu hình cao cấp nhất giống như No.70 và No.80 là All Solid với Top Cedar và Hông Lưng Brazilian Rosewood.
Như vậy, ta có thể nói ở tầm sơ cấp thì các model No.20 No.30 sẽ tương đương với các Model M20 M30. Nhưng ở phân khúc cao cấp nhất thì No.70 No.80 sẽ không tương đương với M70 và M80 mà sẽ tương đương với M200 M300 đều được làm từ gỗ cao cấp nhất là Brazilian Rosewood (M70 M80 vẫn còn là Laminated Indian Rosewood). Và có thể nói model No70-No.80 và M200-M300 là những model hội tụ những gì tinh túy nhất của hãng đàn Ryoji Matsuoka. Vì vậy, những bạn nào sỡ hữu được cây đàn mang số hiệu trên thì xin chúc mừng!!!
Matsuoka Vintage là dòng đàn khá hiếm ở Việt Nam nhưng rất được người chơi đàn guitar tin dùng vì âm thanh đạt chuẩn bởi bậc thầy và độ bền đã được chứng thực bởi thời gian. Các model cao cấp nhất từng về Việt Nam là No.70, No.80 và M100, MH150. Còn dòng cao cấp như M200 M300 thì người Nhật vẫn còn giữ lại nên chưa nhập về Việt Nam dưới dạng đàn Vintage.
Chính vì vậy Matsuoka No.80 càng có giá trị ở Việt Nam nên có nhiều nơi bán làm giả nhãn của model này bằng phước thức đơn giản là xóa chữ M trong model M80 để biến thành model No.80. Do đó để phân biệt No.80 thật thì cây đàn phải làm bằng gỗ Brazilian Rosewood, cần đàn có hai đường cẩn gỗ, viền chỉ cạnh với hoa văn đặc biệt, nhãn đàn là nhãn giấy ngã màu hơi vàng và có chữ kí mực xanh (nếu nhãn màu trắng chữ kí mực đen thì chắc chắn đây là nhãn giả từ các model khác).
Hy vọng với chút kiến thức trên, có thể giúp các bạn yêu đàn Matsuoka có thể chọn cho mình một cây đàn Matsuoka chính hiệu. Hãy đến những hiệu đàn uy tín hoặc cá nhân uy tín để rước được một em Matsuoka chính hiệu từ bậc thầy nổi tiếng.
(Nguồn: Nghia Le – vintagejapaneseguitar.blogspot.com)