Có không ít ý kiến cho rằng, ca khúc “Nửa hồn thương đau” là sản phẩm được viết sau nhiều năm đau đớn, giằng xé vì bị vợ – ca sĩ Khánh Ngọc phụ bạc. Sự thật là như thế nào?
CA KHÚC “NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU”
- Soạn nhạc: Phạm Đình Chương
- Viết lời: Thanh Tâm Tuyền (ý thơ), Tăng Cung Tiến
- Thể loại: Tình ca
- Năm ra đời: Đầu thập niên 1970
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thái Thanh
Sự thật về lý do nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết “Nửa hồn thương đau”
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một thành viên của gia đình Thăng Long – gia đình nghệ sĩ nổi tiếng với các tên tuổi như: ca sĩ Hoài Trung (Phạm Đình Viêm, anh trai), ca sĩ Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái, chị gái) và ca sĩ Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh, em gái). ông cùng các thành viên trong gia đình lập ra ban hợp ca Thăng Long – ban nhạc có ảnh hưởng khá lớn trong làng nhạc Sài Gòn thập niên 1950.
Không chỉ đóng vai trò ca sĩ, Phạm Đình Chương rất chăm sáng tác. Các tác phẩm của ông thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn, mang âm hưởng của miền Bắc như: Khúc giao duyên, Đước mùa, Xóm đêm, Đón xuân…
Thế nhưng sau cuộc hôn nhân với nữ minh tinh Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào 4 ca khúc: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.
Trong đó, có ca khúc “Nửa hồn thương đau” được sáng tác vào đầu thập niên 1970. Ca khúc này được làm nhạc chính trong phim “Chân trời tím”.
Theo Wikipedia, ca khúc “Nửa hồn thương đau” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác theo yêu cầu của ông Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công ty để dùng làm nhạc phim “Chân trời tím” do ông sản xuất. Phạm Đình Chương đã mượn 2 câu thơ của Thanh Tâm Tuyền để phổ nhạc cho ca khúc.
Cũng có thông tin cho rằng, Phạm Đình Chương sáng tác ca khúc này vì sự tan vỡ trong hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc khi phát hiện bà ngoại tình với anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên sau này con của Phạm Đình Chương là ca sĩ Phạm Thành khẳng định, đây là câu chuyện không có thật.
“Nửa hồn thương đau” mượn nhạc của Cung Tiến
Như đã chia sẻ, “Nửa hồn thương đau” được Phạm Đình Chương viết xong vào năm 1970 (10 năm sau khi chia tay ca sĩ Khánh Ngọc) tại Đêm Màu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của ông Quốc Phong. Toàn bộ bản nhạc do Phạm Đình Chương đặt lời. Chỉ có duy nhất hai câu cuối bài hát trích từ tác phẩm “Lệ đá xanh” (thơ Thanh Tâm Tuyền), nhạc Cung Tiến.
Khi được hỏi, vì sao chỉ còn hai câu chót mà “Nửa hồn thương đau” phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương đáp: “Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim cho phim ‘Chân trời tím’, Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho ‘Nửa hồn thương đau’ không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần ‘coda’ tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết thế nào cho hợp với nội dung bản nhạc. Nghĩ thời hạn ‘nộp bài’ còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Đêm màu hồng’ đòi nợ. Bảo là mọi chuyện đã sẵn sàng ekip quay đã ‘bấm máy’, chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi tối đa hai ngày. Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao khi ấy, trên nó chiếc piano của tôi lại cóp bài ‘Lệ đá xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa hồn thương đau’, thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là… ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cái ‘coda’ đó. Và tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến…”.
Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của Phạm Đình Chương, kể từ cuối thập niên 1950 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay thù oán…
Ca khúc “Nửa hồn thương đau” được du luận nhắc đến, bàn tán rằng, đó là những lời mà ông muốn gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ. Đỉnh đỉnh của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ như một lời tỏ tình dĩ vãng, nâng niu vết sẹo định mệnh:
“Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu?
Em ở đâu?”
Từ góc độ này, có ý kiến kết luận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và ăn ở với người, với đời…