Phạm Duy (1921 – 2013) là nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam. Ông được đánh giá là người nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam với kho tàng âm nhạc đa dạng về thể loại, trong đó có nhiều ca khúc trở nên kinh điển, quen thuộc với người Việt. Phạm Duy cũng là nhạc sĩ yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc. Vì thế, ông thường sử dụng những yếu tố thuộc nền tảng của âm nhạc cổ truyền kết hợp với những kỹ thuật, cấu trúc của nhạc hàn lâm phương Tây để tạo nên phong cách riêng với nhiều tác phẩm mang tính đột phá, giàu hình ảnh…
Bên cạnh sự nghiệp âm nhạc rực rỡ, nhạc sĩ Phạm Duy còn được nhắc đến là “con bướm đa tình”, ông yêu khám sớm và yêu nhiều. Ông yêu cho đến khi mỏi cánh thì dừng chân, lập gia đình với danh ca Thái Hằng – con gái của gia đình Thăng Long.
Gia đình Thăng Long là cụm từ dùng để chỉ gia đình cụ Phạm Đình Phụng. Cụ từng trải qua 2 đời vợ. Người vợ đầu sinh được 2 con trai là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viên (ca sĩ Hoài Trung) cùng 1 người con gái nhưng yểu mệnh qua đời khi tản cư lên Sơn Tây. Người vợ sau của cụ Phụng sinh được 3 người con là: Trưởng nữ Phạm Thị Quang Thái (tức danh ca Thái Hằng), con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương (ca sĩ Hoài Bắc) và con gái út là Phạm Thị Băng Thanh (danh ca Thái Thanh).
Nhạc sĩ Phạm Duy quen biết gia đình Thăng Long từ dạo còn tản cư ở Chợ Đại – Cống Thần (Hà Đông, năm 1947). Sau đó, họ cùng về Liên khu VI ở Chợ Neo (Thanh Hóa, đầu năm 1949). Sau 6 tháng quen biết, Phạm Duy chính thức hỏi cưới Thái Hằng. Ông bà Thăng Long đồng tình ủng hộ. Phạm Duy chính thức trở thành con rể gia đình Thăng Long.
Năm 1949, các thành viên trong gia đình Thăng Long thành lập ban hợp ca Thăng Long với 3 cái tên chủ chốt: Ca sĩ Hoài Bắc, danh ca Thái Thanh và ca sĩ Hoài Trung. Ngoài 3 cái tên này, thỉnh thoảng ban hợp ca Thăng Long cũng có sự góp mặt của danh ca Thái Hằng, ca sĩ Khánh Ngọc (vợ ca sĩ Hoài Bắc) và nhạc sĩ Phạm Duy. Ban đầu, nhạc sĩ Phạm Duy đóng vai trò ca sĩ trong hợp ca Thăng Long.
Tháng 6/1951, đại gia đình Thăng Long quyết định di cư vào Sài Gòn. Tại đây, ban hợp ca Thăng Long hoạt động sôi nổi. Lúc này, danh ca Thái Hằng bận con nhỏ nên không thể theo hát cùng ban nhạc, mà chỉ thỉnh thoảng góp mặt. Thương tự là Khánh Ngọc – vợ ca sĩ Hoài Bắc. Như vậy, nòng cốt của ban nhạc vẫn chỉ có 3 người: Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh.
Khi ban hợp ca Thăng Long hoạt động sôi nổi trong Sài Gòn thì Phạm Duy đóng vai trò là nhạc sĩ của ban nhạc cùng với Phạm Đình Chương. Hai người tạo ra nguồn nhạc phong phú để ban hợp ca Thăng Long thả sức thăng hoa trong các phòng trà, tụ điểm âm nhạc lớn nhỏ tại Sài Gòn.
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đóng vai trò khá lớn trong sự thành công của ban hợp ca Thăng Long giai đoạn thập niên 1950. Trong “Hồi ký Phạm Duy” tập 3, cố nhạc sĩ có viết: “Ban Thăng Long được các hãng đĩa trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Tôi cũng được mời hát vào dĩa microsillon 45 tours những bài Buồn Tàn Thu, Gánh Lúa… và còn giữ được kỷ niệm đó cho tới bây giờ. Tôi cũng được hãng dĩa trả tiền tác giả rất sòng phẳng. Ngoài ra, tôi có thêm tiền tác quyền của các nhà ấn hành bản nhạc như THẾ GIỚI ở Hà Nội, TINH HOA ở Huế, SỐNG CHUNG và Á CHÂU ở Saigon. Lúc đó các học sinh rất thích làm collection những bản nhạc được in ra với khổ to như sách học trò hoặc với khổ nhỏ bằng nửa bàn tay, có tranh vẽ loè loẹt kiểu hoa hoè hoa sói, có thêm ảnh tác giả và ca sĩ trẻ măng, đẹp đẽ. Nghề ấn hành bản nhạc càng ngày càng khuếch trương với sự thành lập của cái tôi gọi là chợ trời âm nhạc. Các nhà xuất bản AN PHÚ, MINH PHÁT trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ rồi ấn hành bản nhạc và bày bán trên quầy đặt tại vỉa hè, không cần cửa hàng to lớn. Tân Nhạc, vào thời này, mang tính chất bình dân, người khó tính gọi là nhạc vỉa hè, nhạc máy nước, người thức thời gọi là nhạc thời trang (!), nhạc thương phẩm. Sau một thời gian ổn định cuộc sống và phát triển nghề nghiệp (từ đài phát thanh qua hãng đĩa), với kinh nghiệm đi hát với gánh cải lương trước đây, tôi tạo ra lối hát phụ diễn chiếu bóng. Có thêm sự cộng tác của Lê Thương, Trần Văn Trạch. Tại vài rạp cinéma, trước khi chiếu phim chính, chúng tôi ra mắt khán giả bằng mục attractions sur scène với chương trình tạp lục gồm vài tiết mục nho nhỏ như đơn ca, hợp ca, ca hài hước…
Về phần nhạc mục (répertoire) ban THĂNG LONG đã có một số bài rất ăn khách do tôi soạn từ trước như Nương Chiều, Gánh Lúa hay mới soạn như Tình Ca, Tình Hoài Hương… Ngoài ra những bài như Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, Đợi Anh Về của Văn Chung, Được Mùa, Tiếng Dân Chài của Phạm Đình Chương cũng được hát trước màn ảnh. Chúng tôi khai trương lối phụ diễn chiếu bóng này tại rạp Nam Việt đường Chaigneau, Chợ Cũ. Và thành công ngay. Rạp Văn Cầm Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và rạp Thanh Bình ở khu Chợ Thái Bình tuần tự mời chúng tôi tới trình diễn. Trước kia, khán giả tới nghe tôi hát nhạc cải cách trong gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU phải ngồi chung với những người chỉ thích nghe Hát Cải Lương. Bây giờ khán giả hoàn toàn là người thích Tân Nhạc và vì sự thẩm âm của dân có Tây học này Tân Nhạc phải có những bài mang nhạc tính Âu Tây. Tôi vốn chủ trương dân nhạc thì từ nay trở đi, loại dân ca của tôi cần được cải tiến”.
Ban hợp ca Thăng Long đứng trên đỉnh cao sự nghiệp cho đến đầu thập niên 1960 thì một sự cố đau lòng xảy ra trong nội bộ gia đình Thăng Long làm rúng động báo giới Sài Gòn. Vụ việc này có thể ai cũng đã rõ nên xin không nhắc lại. Chỉ biết rằng, sau tai tiếng này, cuộc đời Phạm Đình Chương bước sang giai đoạn khác. Ông sống khép kín, ít tiết xúc với mọi người. Trong khi đó, đương sự là Phạm Duy cũng cùng vợ con rời đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan về cư xá Chu Mạnh Trinh.