Duy Khánh là một trường hợp hiếm hoi của nền tân nhạc Việt Nam khi vừa mới chân ướt chân ráo bước vào nghề ca hát đã với tay sang cả sáng tác. Mà Duy Khánh sáng tác rất hay, nhất là những nhạc phẩm viết về quê hương miền Trung (cụ thể là Quảng Trị và Huế).
Âm nhạc của Duy Khánh mang đậm dấu ấn âm hưởng dân ca miền Trung. Những sáng tác của ông khởi đầu từ thập niên 60 chan chứa nỗi niềm quê hương và được đón nhận nồng nhiệt.
Nếu chỉ nhắc đến các ca khúc viết về miền Trung nổi tiếng, thì có đến 10 ca khúc do Duy Khánh sáng tác. Trong đó có một chùm ca khúc bất hủ viết về xứ Huế mộng mơ.
Dưới đây, mời quý khán thính giả yêu nhạc Duy Khánh cùng Amnhac.net ngược dòng thời gian về thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước để thưởng thức những nhạc phẩm bất hủ về xứ Huế của Duy Khánh:
1. Ca khúc “Ai ra xứ Huế”
Đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Phạm Duy hoàn thành trường ca “Con đường cái quan”. Duy Khánh trở thành người đầu tiên tham gia hát trường ca này ở trong ba Hoa Xuân của Phạm Duy cùng với Thái Thanh, Thái Hằng, Kim Tước, Nhật Trường, Trần Ngọc (tức nhạc sĩ Tuấn Khanh). Trong phần 2 của trường ca này có đoạn khúc mang tên “Ai vô xứ Huế thì vô”.
Cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Duy Khánh đã có cảm tác để viết thành ca khúc với tự đề :Ai ra xứ Huế”. Trong ca khúc này, Duy Khánh có nhắc đến nhiều địa danh ở Huế như: sông Hương, núi Ngự, dốc Nam Giao, thôn Vỹ Dạ, cầu Trường Tiền, Bến Ngự…
“Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương”
2. Ca khúc “Bao giờ em quên”
“Bao giờ em quên” là ca khúc được Duy Khánh viết năm 1963 theo ý của bài thơ cùng tên in trong tập “Người yêu tôi khóc” (1958) của thi sĩ Thế Viên.
Ca khúc này được nhạc sĩ Duy Khánh viết khi người yêu của ông là nàng Kiều Oanh bỏ đi lấy chồng. Vì thế, lời bài hát như lời nhắn nhủ của tác giả đến người xưa: Dù đã sang ngang rồi nhưng hãy giữ mãi kỷ niệm đẹp từng có. Và ca khúc này cũng thấm đẫm hình ảnh đặc trưng của xứ Huế như sông Hương, núi Ngự:
“Hương Giang thuyền không chỗ đậu
Ngự Viên có bướm hoa vàng
Hay là hài xưa in dấu?
Đưa người đẹp ấy sang ngang”
3. Ca khúc “Sầu cố đô”
Khoảng một năm sau khi viết “Bao giờ em quên”, nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác thêm “Sầu cố đô” (có tên khác là “Không bao giờ em quên”. Cách đặt tên này mang hàm ý rằng, “Sầu cố đô” là phần kế tiếp của ca khúc “Bao giờ em quên”.
Nếu như “Bao giờ em quên” là lời người con trai gửi đến người yêu đã “sang ngang” lấy chồng, thì “Sầu cố đô” là lời hồi đáp của cô gái đó vẫn ở chốn quê nhà, mắt vẫn đang ngấn lệ và cô chưa lấy chồng. Cô vẫn tháng đợi năm chờ người con trai đi biền biệt chưa về:
“Chân thành gửi người anh nơi chốn xa
Đôi lời ấp ủ ngày qua
Người em gái nhỏ quê nhà
Mắt sầu vương ngấn lệ phồn hoa
Dù bao tháng đợi năm chờ
Lời thề xưa còn chưa xóa mờ”
4. Ca khúc “Biết trả lời sao”
“Biết trả lời sao” là phần thứ 3 trong loạt ca khúc “Sầu cố đô” và “Bao giờ em quên”. Ca khúc này là lời hồi đáp của chàng trai ở nơi biên thùy gửi về quê nhà cho người em gái để giải thích vì sao chàng đi lâu chưa về miền Trung.
Trong phần đề từ của ca khúc “Biết trả lời sao”, nhạc sĩ Duy Khánh cho biết, ca khúc này có âm hưởng từ bài hát “thương về miền Trung”.
“Có người gặp tôi hỏi sao lâu rồi không về thăm quê miền Trung
Dù thương vẫn thương nhưng non nước chưa yên lành
quê hương còn nghiêng ngả, biết trả lời sao?
Biết trả lời sao cho em ấm đôi vành môi khi gió mưa trong đời
mang bao ấm êm xa rồi, gieo bao tiếng ca u hoài
Những đêm canh dài, biết trả lời sao?”
5. Ca khúc “Nén hương yêu”
“Nén hương yêu” là nhạc phẩm do Duy Khánh viết lời, Châu Kỳ làm nhạc. Dẫu vậy, có thể xem, ca khúc này là phần cuối trong loạt ca khúc viết về xứ Huế của Duy Khánh: Bao giờ em quên – Sầu cố đô – Biết trả lời sao – Nén hương yêu.
Đây là ca khúc viết về chuyện tình của đôi trai gái thời loạn . Chàng trai ở nơi xa, trong một ngày vượt đường xa để về tìm lại, nhưng đã vĩnh viễn không thể nào gặp lại nữa.
“Tôi vượt đường xa xôi tìm em đã khắp nơi
Ra miền Thùy Dương xưa trăng nước còn mộng mơ
Nghe tiếng chuông chùa bên giòng Hương Giang lững lờ
Bến cũ cây đa nay còn thắm duyên tình xưa”.
Xem thêm: Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Lời đắng cho cuộc tình”: Bản “thất tình ca” dành cho mối tình si của danh ca Duy Khánh