VỀ CA KHÚC NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG
Tên ca khúc: Nỗi buồn hoa phượng.
Nhạc sĩ sáng tác: Thanh Sơn.
Thể loại: Nhạc trữ tình bolero.
Nằm trong album: Thanh Tuyền 4: Nỗi buồn hoa phượng (1984)
Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Thanh Tuyền.
Hoàn cảnh ra đời
Ca khúc Nỗi buồn hoa phượng được viết vào năm 1963, dựa trên mối tình học trò có thật của nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông kể rằng, đó là vào năm 1951, khi đó ông mới 13 tuổi, đang theo học trường trung học Hoàng Diệu (Sóc Trăng). Cùng lớp với ông là một cô bạn có cái tên rất đặc biệt, Nguyễn Thị Hoa Phượng, tính cách nhí nhảnh, dễ thương và tươi tắn như ngày hè. Cô là con gái của một gia đình công chức ở Sài Gòn tới Sóc Trăng làm việc.
Hai người bạn nhanh chóng thân thiết với nhau, và những rung động đầu đời là không thể tránh khỏi. Đáng tiếc, họ chỉ được học chung với nhau 2 năm, bởi sau đó nàng Hoa Phượng phải về lại Sài Gòn vì cha của cô được điều chuyển công tác. Trước khi đi, Hoa Phượng tìm gặp nhạc sĩ Thanh Sơn dưới sân trường rợp bóng cây và hoa, nhìn nhau mãi chẳng nói gì nhiều.
Nhạc sĩ Thanh Sơn nhớ lại: “Khi tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc thì nàng cúi xuống nhặt một cánh phượng trao cho tôi, nói: ‘Em tên là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…’. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau!”.
3 năm sau đó, ông rời quê hương xuống Sài Gòn, một phần để kiếm việc làm, phần nữa hi vọng tìm lại người thương. Năm 1959, ông đăng ký dự cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ” ở Đài phát thanh Sài Gòn, bắt đầu dùng nghệ danh Thanh Sơn từ đây. Ông chọn hát ca khúc “Chiều tàn” của nhạc sĩ Lam Phương, và đã xuất sắc đạt giải nhất, được tặng một cây đàn guitar cùng chiếc radio.
Sau đó, ông theo học nhạc sĩ Hoàng Trọng – “ông hoàng Tango” sau khi được bạn nhạc Tiếng Tơ Đồng mời về cộng tác. Ngoài ra, ông cũng được nhiều nơi mời diễn, và bắt đầu tập sáng tác nhạc từ đây. Tình học sinh là ca khúc đầu tay của ông, đáng tiếc không để lại nhiều tiếng vang.
Rồi tình cờ, vào buổi trưa nọ khi ông đi ngang qua một trường học, đúng mùa hoa phượng nở rực, những hồi ức về mối tình thuở học trò với cô bạn Nguyễn Thị Hoa Phượng ùa về. Đó cũng là lúc mà ca khúc Nỗi buồn hoa phượng ra đời.
Nhạc sĩ Thanh Sơn sau đó chia sẻ: “Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học trò rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy…
Bài hát lập tức được chấp nhận và mọi người yêu thích, làm động lực cho tôi chuyên tâm vào sáng tác. Có thể nói đó là ‘thời hoàng kim’của tôi, bởi tiền tác quyền lúc đó tôi nhận khoảng 6.000 đồng mỗi tháng. Nó không chỉ giúp gia đình tôi vượt qua nghèo khó mà sau đó tôi còn mua được nhà, xe, cưới vợ… Nói một cách nào đó, ‘hoa phượng’ là ân nhân của gia đình tôi”.
Nỗi buồn hoa phượng – Đau đáu mãi mối tình dang dở tuổi học trò
Những ca từ trong Nỗi buồn hoa phượng ngay lập tức khiến người nghe rung động, bồi hồi nhớ về những mối tình tuổi học trò đã qua. Ca khúc ấy ấp ủ những suy tư của một người trưởng thành khi hè về, nhớ
Những ca từ trong Nỗi buồn hoa phượng ngay lập tức khiến người nghe rung động, bồi hồi nhớ về những mối tình tuổi học trò đã qua. Ca khúc ấy ấp ủ những suy tư của một người trưởng thành khi hè về, nhớ nhung ngày tháng còn đi học. Bài hát sử dụng không ít hình ảnh đặc trưng của mùa hạ, khiến ai nấy nghe que đều không khỏi xúc động.
nhung ngày tháng còn đi học. Bài hát sử dụng không ít hình ảnh đặc trưng của mùa hạ, khiến ai nấy nghe que đều không khỏi xúc động.
“Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua, chứa chan tình thương”
Mỗi khi ngày hè đến, trong lòng ta lại đau đáu một nỗi buồn khó tả. Trong suốt 90 ngày của mùa hẹ, ta lại nhung nhớ về những ngày tháng xa xưa. Tuổi học trò đã qua rồi không thể trở lại, và mối tình chớm nở khi đó cũng đã vội kết thúc.
Nhạc sĩ Thanh Sơn xót xa: “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng/Biết ai còn nhớ đến ân tình không?”. Sau khi ra trường, ông đã về Sài Gòn, hi vọng tìm được hình bóng người xưa. Đáng tiếc, kể từ sau lần gặp cuối vào mùa hè rợp bóng phượng đỏ, cả hai hoàn toàn mất liên lạc. Cô gái với cái tên “Hoa Phượng” rất đỗi đặc biệt ngày đó, giờ chỉ còn tồn tại trong ký ức.
“Giã biệt bạn lòng ơi, thôi nay xa cách rồi kỷ niệm mình xin nhớ mãiBuồn riêng một mình, ai chờ mong từng dêm gối chiếc mối u hoài này anh có hay?”
Lòng ta ngổn ngang trăn trở, băn khoăn không biết rằng người ấy còn nhớ nhung chút kỷ niệm gì chăng? Liệu có những đêm trằn trọc, ôm gối nghĩ về những ngày tháng tuổi trẻ, về những mối tình học trò dở dang? Cũng chẳng biết người còn nhớ hay đã quên, hay người đang còn hay đã mất?
“Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm người xưa biết đầu mà tìm!”… Và cứ thế, mỗi khi mùa hè đến, sân trường lại rực rỡ hoa phượng đỏ thắm, ta lại nhớ tới người tình xưa đến nao lòng – ôi “Nỗi buồn hoa phượng”!
Nỗi buồn hoa phượng qua tiếng hát của Thanh Tuyền
Ca khúc Nỗi buồn hoa phượng ra đời cũng là lúc mà ca sĩ Thanh Tuyền – “chim sơn ca Đà Lạt” bắt đầu nổi tiếng. Khi giọng ca thánh thót, vang vọng như tiếng chuông của cô ngân nga Nỗi buồn hoa phượng, cả hai lập tức trở thành hiện tượng. Giai điệu bài hát đơn giản nhẹ nhàng, lời ca gần gũi mộc mạc, lại thêm tô điểm bởi giọng ca xuất sắc, nhanh chóng chiếm cảm tình khán thính giá.
Gần như trong số chúng ta ai cũng đã một lần có mối tình tuổi học trò, với những rung cảm đầu đời khó quên với một người bạn chung trường, chung lớp. Đó cũng là lý do ca khúc này dần trở nên bất hủ, và nó cũng gắn liền với bước ngoặt đổi đời của Thanh Tuyền.
Trong chương trình “Quê hương – giấc mơ” năm 2012, khi ấy ca sĩ Thanh Tuyền đã về Việt Nam biểu diễn và có hát lại ca khúc Nỗi buồn hoa phượng. Bà xúc động tâm sự: “Vừa về đến quê nhà, biết được hung tin anh Thanh Sơn qua đời, tôi bàng hoàng đau xót. 50 năm qua nhờ ca khúc Nỗi buồn hoa phượng của anh dành cho tôi mà khán giả đã thương mến tiếng hát của Thanh Tuyền cho đến ngày hôm nay. Sáng 9/4, thi thể của nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ mãi mãi nằm trong lòng đất lạnh. Tôi không thể tin được nỗi đau này”.
Nhạc sĩ Thanh Sơn (1938 – 2012) tên thật là Lê Văn Thiện, là một nhạc sĩ Việt Nam. Ông đặc biệt nổi tiếng từ thập niên 1960 với những sáng tác nhạc trữ tình bolero nói về tuổi học trò. Về sau, ông chuyển sang sáng tác những ca khúc về miền Tây Nam Bộ, với âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Thực ra, trước khi tập trung viết nhạc về những năm tháng thanh xuân, nhạc sĩ Thanh Sơn có sáng tác không ít ca khúc khác. Có điều, sau thành công của ca khúc đầu tay về tuổi trẻ – Tình Học Sinh (1961), có lẽ ông nhận ra mình thích nói về thời học sinh này và bắt đầu chuyển hướng. Liên tiếp sau đó, ông sáng tác nhiều ca khúc về tình yêu học trò, tất cả đều được yêu thích và mến mộ. Đó là Hạ buồn, là Ba tháng tạ từ, là Thương ca mùa hạ, và nổi tiếng nhất, chính là ca khúc Nỗi buồn hoa phượng.