VỀ CA KHÚC HAI VÌ SAO LẠC
- Tên ca khúc: Hai vì sao lạc
- Nhạc sĩ sáng tác: Anh Việt Thu
- Thể loại: Nhạc vàng
- Năm ra đời: Trước 1975
- Nằm trong album: TNCD435 – Nếu Anh Đừng Hẹn; TNCD602 – Nhịp Cầu Tri Âm; TNCD617 – Nếu Đời Không Có Anh; Thương Hoài… – Hoàng Lan, Kim Tuyến.
- Ca sĩ thể hiện tiêu biểu: Tuấn Vũ, Thanh Tuyền và Anh Khoa
Hai vì sao lạc và hoàn cảnh ra đời đầy bất ngờ
Trong số những ca khúc nổi tiếng của Anh Việt Thu không thể không nhắc đến “Hai vì sao lạc”. Ca khúc “Hai vì sao lạc” được đánh giá có giai điệu và lời ca hay, tình thứ. Bên cạnh đó có thêm chút hương vị lãng mạn của mùa Thu.
Thông thường, trong các ca khúc nhạc vàng, danh xưng phổ biến nhất là “anh và em” (đối với các bản tình ca tình yêu). Hoặc ít hơn có thể xưng “anh và tôi” trong các bài nhạc lính, khi hai người lính tâm sự với nhau. Nhưng ở “Hai vì sao lạc nhau”, Anh Việt Thu lại dùng “người và ta”: “Người về, người về đâu nhớ ta chăng…”.
Điều này khiến nhiều người lầm tưởng đây là ca khúc về tình yêu. Anh Việt Thu viết về cuộc chia tay trong đêm không trăng của hai người đưa tiễn nhau. Nhưng thực tế, đây không phải một bản tình ca viết về tình yêu nam nữ. Vậy, ca khúc nào đang nhắc đến câu chuyện nào, nhân vật nào?
Ca khúc “Hai vì sao lạc” viết cho ai?
Từ khi ra đời cho đến nay, “Hai vì sao lạc” thường xuyên xuất hiện trong các chương trình âm nhạc lớn nhỏ trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong chương trình “Chân dung cuộc sống mùa 3” (HTV1), danh ca Giao Linh đã chia sẻ những câu chuyện liên quan đến nhạc sĩ Anh Việt Thu.
Danh ca Giao Linh chia sẻ, những năm 1970 của thế kỷ trước, bà từng được nhạc sĩ Anh Việt Thu giúp tập nhạc. Khi tập nhạc cho Giao Linh thì rất tâm huyết, giúp bà lấy hơi, nhả chữ và sửa từng câu hát. Trong mắt bà, “cha đẻ” của “Hai vì sao lạc” là người hiền lành, kín tiếng, ít nói.
Danh ca Giao Linh cũng chia sẻ một câu chuyện liên quan đến ca khúc “Hai vì sao lạc”. Cụ thể, trong một lần đi biểu diễn, cha của nhạc sĩ Anh Việt Thu đã lên sân khấu gặp Giao Linh và nói: “Tôi có thể yêu cầu bài Hai vì sao lạc để nhớ đến con trai hay không?”. Khi đó, danh ca Giao Linh đã không ngần ngại nhận lời và trình diễn ca khúc này.
Cũng trong dịp đó, nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh – bạn thân của nhạc sĩ Anh Việt Thu chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác “Hai vì sao lạc”. Đây không phải là bài hát viết cho một người tình nào cả. Thực chất, đây là ca khúc viết về hai người em của nhạc sĩ Việt Thu: Huỳnh Hữu Phi Long và Huỳnh Hữu Phi Hùng. Năm đó, khi chứng kiến cảnh gia đình ly tán, người Bắc kẻ Nam, Anh Việt Thu đã không kìm được lòng mà sáng tác nên những lời ca đầy day dứt: “Người về, một mùa thu gió heo may/Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh/Đưa tiễn người một đêm không trăng…”.
Giải mã những bí ẩn bên trong ca khúc “Hai vì sao lạc”
Nhạc sĩ Anh Việt Thu có sinh quán ở Mỹ Tho, ông qua đời rất sớm khi mới 37 tuổi do bệnh tật. Vì vậy, hầu như không ai biết chính xác về hoàn cảnh sáng tác ca khúc của ông. Theo một số người bạn của Anh Việt Thu, thời trẻ, ông ở chung với một người bạn là thi sĩ Anh Phương (quê Sóc Trăng). Tình nghệ sĩ, tình đồng hương miền Tây đã gắn bó hai con người với nhau. Họ thân thiết như hình với bóng.
Một hôm nọ, gia đình đã gọi Anh Phương về quê để sinh sống và làm việc. Trong mấy ngày cuối tuần trước khi chia tay, hai người thường dẫn nhau đi chơi, tâm sự rất khuya mới về. Không biết sự tâm đắc và mật thiết giữa hai còn người như thế nào mà cả hai lại nghĩ rằng: “Hai người có lẽ là hai vì sao trên trời bị lạc xuống trần gian và vô tình gặp nhau”. Sau khi chia tay bạn thân, Anh Việt Thu đã sáng tác “Hai vì sao lạc” để tặng bạn. Nhạc sĩ ví mình và bạn như hai vì sao lạc nhau trên đường đời.
Nhưng lại có câu chuyện khác như đã chia sẻ ở bên trên, nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác ca khúc “Hai vì sao lạc” sau khi hai người em chia xa người Bắc kẻ Nam. Không ai có thể ngờ được, đó là buổi gặp nhau cuối cùng, vì chỉ hơn 1 tháng trước khi kết thúc cuộc chiến thì nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời (15/3/1975).
“Người về, một mùa thu gió heo may. Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh. Đưa tiễn người một đêm không trăng. Nói sao nên lời, lòng buồn như chiều rơi. Như trong đêm khuya những bước qua thềm gợi niềm nhớ vô vàng”.
Cuộc từ ly diễn ra trong đêm khuya thanh vắng, không trăng, chỉ có những vì sao trên trời, tự như những giọt lệ chực chờ rớt xuống. Tùng chiếc lá cuối thu khẽ khàng rơi, lao xao những nối buồng, bâng khuâng, bịn rịn. Thời gian, không gian, cảnh vật như ngưng lại, tê lặng trong khoảnh khắc chia ly.
“Người về, đường đi kết gió trăng sao. Người đi có biết chăng trong chiều nay bơ vơ. Nghe lá thu vàng rơi bâng khuâng. Bước chân ai về chừng thời gian ngừng trôi. Như quên đêm khuya để gió sương thêu thùa thầm làm ướt áo vai gầy”.
Câu hát “để gió sương thêu thùa thầm làm ướt áo vai gầy” với hai chữ “thêu thùa” vô cùng đắt giá và thi vị. Ấy vậy mà sau này có không ít ca sĩ hát nhầm thành “gió xuôi theo màu thầm làm ướt áo vai gầy”. Việc này đã làm mất đi chất thơ tuyệt mỹ của ca khúc.
“Người về chiều mưa hay nắng. Sao để khói làm chiều như se trùng màu không gian. Người về dòng sông thương nhớ. Để bến vắng con đò buồn mong người, người hay chăng?”.
“Người về” – hai chữ ấy được lặp đi lặp lại như mơ hồ, hư hư thực thực. Bởi người ở lại vẫn chưa thể chấp nhận được câu chuyện chia ly này. Dòng tâm sự trùng xuống, thê lương được khắc họa ấn tượng bằng một loạt hình ảnh, màu sắc đặc biệt của hoàng hôn: “Lòng buồn như chiều rơi”, “Sao để khói lam chiều như se trùng màu không gian”.
“Người là vì sao nhỏ bé. Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh. người về lòng ta thương nhớ. Ta khẽ hỏi đưa người về hay thầm người đưa ta”.
Những lời ca bay bổng, thắm thiết kéo người nghe chìm vào dòng chảy tâm trạng của người nghệ sĩ. Trong ước mơ phiêu bồng như vừa chợt vụt lên “người là vì sao nhỏ bé, ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh”. Giữa màu vàng u uẩn của bầu không gian, nhạc sĩ khéo léo điểm xuyến chút màu trời xanh xanh khiến bức tranh chia ly trở nên có hi vọng, bớt màu u ám hơn.
Có thể xem “Hai vì sao lạc” là một trong những ca khúc nhạc vàng có lời ca đẹp và thi vị nhất trong âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Anh Việt Thu đã thêu hoa dệt gấm bằng những từ ngữ đầy chất thơ, biến ca khúc trở thành bức tranh tuyệt mỹ.
Anh Việt Thu (tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, 1939 – 1975) là nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông bước chân vào sự nghiệp sáng tác từ rất sớm. Năm 1956, Anh Việt Thu đã có các tác phẩm đầu tay như Giòng An Giang, Đẹp Bạc Liêu…
Là một nhạc sĩ được đào tạo bài bản, tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, gia tài âm nhạc của Anh Việt Thu sẽ còn lớn lao hơn nữa nếu như ông không vắn số đột ngột qua đời vào năm 1975 do bạo bệnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng nhận xét rằng, nhạc sĩ Anh Việt Thu đã sáng tác âm nhạc bằng tâm hồn đôn hậu của người miền Nam, ít cầu kỳ, cả trong giai điệu lẫn ca từ. Có lẽ vì vậy mà nhạc của Anh Việt Thu dễ đi vào lòng người, nhanh chóng được đón nhận.