Gustav Holst sinh ngày 21/9/1874 tại Cheltenham nước Anh, con trai lớn trong số hai người con của ông bà Adolph và Clara von Holst. Adolph là một nghệ sĩ piano tài năng, ông dạy đàn và chơi nhạc nhiều giờ đồng hồ trong ngày, nhiều khi xao lãng vợ và hai con. Gia đình Adolph là người gốc Thụy Điển. Một người trong số tổ tiên của ông đã từng phục vụ trong triều đình Nga với từ cách nhà soạn nhạc triều đình cho đến khi bị thất sủng và lưu đày tới nước Đức. Không lâu sau đó, cả gia đình di cư tới nước Anh. Mẹ của Holst, Clara, là một sinh viên piano của Adolph khi họ gặp nhau.
Bà cố nội của Clara đến từ Tây Ban Nha và là một nữ diễn viên. Bà sớm kết hôn với một người Ailen và chuyển đến sống ở đất nước này. Clara là một người phụ nữ ngọt ngào, dịu dàng và khiêm tốn nhưng không được khỏe mạnh. Bà mất sớm sau khi sinh đứa con thứ hai, khi đó Gustav mới lên tám tuổi. Chị gái của Adolph, Nina, được gửi đến để trông nom hai đứa trẻ, nhưng không may cô cũng bị piano làm xao lãng. Thời con gái, Nina đã từng trải những cánh hoa trên con đường mà Liszt đi qua.
Gustav là một cậu bé rất nhạy cảm và phần nào là một đứa trẻ bất hạnh. Đôi mắt của cậu rất yếu, nhưng không ai nhận thấy rằng cậu cần phải mang kính. Phổi của cậu bé cũng yếu và cũng chẳng có ai lo lắng cho bệnh hen của cậu. Cậu bé luôn phải ngừng nghỉ trong khi leo những bậc thang. Trong thời niên thiếu của mình, Gustav rất ghét phải chơi violin, nhưng lại yêu thích cây đàn piano, nhạc cụ mà cậu bắt đầu chơi ngay khi những ngón tay nhỏ bé có thể chạm đến phím đàn.
Năm 1885, Adolph tái hôn với một trong số những sinh viên khác của ông, Mary Thorley Stone và Gustav được gửi tới Trường Ngữ pháp Cheltenham. Cha cậu quyết định sẽ khiến cho con trở thành một nghệ sĩ piano giỏi, nhưng thậm chí khi tuổi còn nhỏ, Gustav đã đặp vấn đề với bệnh viêm dây thần kinh bàn tay. Nó làm cho những giờ thực hành dài trở thành một sự cố gắng quá sức. Khi cậu lớn hơn, Gustav thử sức đôi bàn tay mình tại các cuộc thi, nhưng cậu không giành được học bổng tới học trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia và nhiều trường cao đẳng khác của London.
Holst nhận được lời mời làm việc chuyên nghiệp đầu tiên năm 1893, anh chơi đàn organ tại Wick Rissington, một làng Cotswold nhỏ. Không lâu sau đó anh trở thành người chơi organ chính và chỉ huy dàn hợp xướng của nhà thờ cộng đồng tại Bourton-on-the-Water. Những kinh nghiệm đầu tiên này đã giúp nhà soạn nhạc trẻ tuổi nâng cao những hiểu biết về những hoạt động của một đội hợp xướng. Âm nhạc hợp xướng và truyền thống hợp xướng nước Anh tiếp tục là một phần quan trọng trong suốt phần đời còn lại Gustav Holst.
Lấy cảm hứng từ âm nhạc của Arthur Sullivan, năm 1892 Holst viết opera 2 màn, Lansdown Castle (Lâu đài Lansdown), vở này đã được diễn ở Cheltenham Corn Exchange năm sau đó. Mặc dù âm nhạc của chàng trai trẻ không tránh khỏi ảnh hưởng của Sullivan, buổi biểu diễn đã thành công rực rỡ với sự có mặt của nhiều nhà phê bình và thính giả. Adolph đã thực sự bị ấn tượng – ông vay mượn tiền để gửi Gustav tới trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia dưới hình thức chiêu sinh bình thường.
Tại trường cao đẳng, Holst học sáng tác với Charles Stanford. Mặc dầu anh thường bất đồng với những quan điểm của Stanford, Holst vẫn luôn kính trọng ông, đặc biệt về việc ông đã dạy anh cách để trở thành nhà phê bình của chính mình.
Một năm trước khi vào trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia, Gustav đã nghe opera Götterdämmerung của Richard Wagner do Gustav Mahler chỉ huy tại Covent Garden. Anh đã bị choáng ngợp bởi những ấn tượng tràn ngập. Được củng cố bởi tình bạn với một sinh viên ở trường cao đẳng, Fritz Hart, Gustav trở thành một người hâm mộ Wagner nồng nhiệt. Một lần sau khi nghe vở Tristan und Isolde trong phòng triển lãm, anh đã đi bộ cả đêm qua những đường phố của London trong tâm trí quay cuồng.
Một trải nghiệm mạnh mẽ khác là khi đang nghe Mass giọng Si thứ của Bach tại Liên hoan các đội hợp xướng lần thứ 3 ở Worchester năm 1893. Anh rất đỗi sửng sốt bởi những tác phẩm hợp xướng, chúng khiến anh cảm thấy như thể mình đang trôi bồng bềnh giữa những đám đông. Đó là một trong vài sự kiện âm nhạc đáng ghi nhớ trong thời thanh niên của Holst cho đến tận sau này. Chứng bệnh co cơ do viêm dây thần kinh ở tay phải đã vĩnh viễn khiến anh không thể trở thành một người chơi keyboard. Những bài tập kéo dài là không thể và anh buộc phải nhận thấy rằng mình không thể giữ vững được kỹ thuật chơi đàn lâu hơn nữa. Bởi vậy Holst quyết định thử sức với cây kèn trombone. Nó cho phép anh chơi trong các dàn nhạc và mang lại thu nhập hàng ngày. Đồng thời, kinh nghiệm này cũng sẽ có ích cho anh khi trở thành một nhà soạn nhạc. Có lẽ, anh cũng nghĩ rằng việc chơi kèn trombone thậm chí còn giúp ngực và phổi của anh khỏe mạnh hơn.
Là một sinh viên, Gustav Holst sống tiết kiệm. Anh không bao giờ hút thuốc hay uống rượu. Từ khi xa nhà anh đã ăn chay một cách nghiêm ngặt. Nhưng vào những năm 1980, ăn chay chưa được khuyến khích ở khu phòng trọ rẻ tiền như của anh. Từ khi anh không được cung cấp bữa ăn bổ dưỡng hoàn toàn, đôi mắt của anh trở nên rất yếu và bàn tay thì tiếp tục đau. Tuy vậy, cho dù với tất cả các vấn đề của cơ thể và bản chất cô độc và rụt rè vô cùng của mình, người ta vẫn thấy ở anh một mối quan tâm đầy hấp dẫn. Holst ghét các khuôn mẫu và thích những ý tưởng mà anh thấy kỳ lạ hoặc khôi hài. Anh yêu thích những tiếng cười giòn giã.
Gustav Holst mảnh khảnh và bị thiếu máu, tuy thế những chuyển động của anh rất nhanh nhẹn và anh thường đi bộ với những bước sải chân dài đầy năng lượng. Để tiết kiệm, Holst đi bộ hoặc đạp xe trên hầu hết quãng đường từ Cheltenham về trường. Hẳn là trông anh có vẻ kì cục với cây kèn trombone buộc chéo qua vai.
Không lâu sau khi nhận học bổng của trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia Holst đã viết vở opera đầu tiên thật sự của mình. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư dạy anh môn sáng tác, Charles Stanford, Holst viết nhạc cho libretto của Fritz Hart dựa trên một tình huống trong khi chơi bài kiểu Beau Brummel. Anh gọi nó là The Revoke (Lệch chất) và đánh số Opus 1. Stanford rất hứng thú với tác phẩm này và gần như đã định trình diễn nó tại nhà hát Opera Comique, Paris nơi một trong số những vở opera của ông đang công chiếu, nhưng The Revoka đã không bao giờ được trình diễn trước công chúng.
Vào mùa thu năm 1895, Gustav gặp Ralph Vaughan Williams lần đầu tiên. Đó là sự khởi đầu cho một tình bạn suốt đời. Nó cũng bắt đầu cho thói quen chơi những bản nhạc đang sáng tác dở dang của mình cho người kia nghe. Đôi khi họ đi bộ dọc theo khu mua sắm Chiswick hoặc dọc bờ dòng sông với những người bạn khác trong trường và bàn luận về thơ của Walt Whitman hoặc những tác phẩm về chủ nghĩa xã hội của William Morris.
Holst tham gia Câu lạc bộ Chủ nghĩa xã hội ở Hammersmith và nghe những bài giảng của Bernard Shaw. Anh chỉ huy Đội hợp xướng Chủ nghĩa xã hội của Hammersmith tại ngôi nhà của William Morris trong khu mua sắm. Và anh đem lòng yêu giọng nữ cao trẻ nhất trong dàn hợp xướng của mình là Isobel Harrison. Cô gái có mái tóc vàng và đôi mắt xanh xinh đẹp ấy đã thuyết phục được anh ăn uống đủ chất, cạo râu, và ăn mặc chỉnh tề hơn.
Một trong số những sáng tác đầu tiên thời sinh viên của Gustav Holst từ năm 1897 là Winter Idyll (Cảnh đồng quê Mùa đông). Ảnh hưởng của Wagner, Mendelsohn và Grieg có thể thấy rõ ràng. Bởi giờ đây anh đang chơi trombone trong dàn nhạc của nhà hát và chơi đàn organ ở một vài nhà thờ London. Mùa thu năm 1898, Đoàn opera Carl Rosa đề nghị anh một chân chơi kèn trombone đầu tiên và anh thôi học ở trường trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia một cách luyến tiếc. Tại Carl Rosa, Holst huấn luyện những người chơi độc tấu trombone trong các tiết mục mới. Nhờ chơi kèn trombone trong dàn nhạc, nên anh rất hiểu biết về dàn nhạc, điều này là một sự trải nghiệm vô giá cho một nhà soạn nhạc. Với tai nhạc trong tâm trí của anh, anh luôn nghe thấy hòa âm của bản nhạc ngay từ khi anh bắt đầu viết nó.
Năm 1895, lần đầu tiên Holst trở nên quan tâm đến triết học Hindu và văn học tiếng Phạn. Nó thôi thúc anh ngay lập tức phổ nhạc một số bản thánh ca từ những lời giảng của Rig Veda (Kinh Vệ Đà), bộ kinh quan trọng nhất trong đạo Hindu. Anh thấy những bản dịch bằng tiếng Anh của bộ kinh này mà anh tìm được cứng nhắc một cách tuyệt vọng, do vậy Holst quyết định học tiếng Phạn để có thể dịch những văn bản nhằm thỏa mãn niềm say mê của mình. Làm như vậy, anh tự mở ra cho mình một thế giới hoàn toàn mới.
Holst bắt đầu viết vở opera Sita vào năm 1899 dựa trên anh hùng ca Hindu về chàng Ramayana. Anh làm việc miệt mài cho đến năm 1906. Mặc dù nó không bao giờ được trình diễn lúc anh sinh thời nhưng anh đã học được những bài học lớn từ đó. Phong cách âm nhạc của anh trở nên có định hướng hơn. Năm 1900, Holst viết Giao hưởng Cotswold; đó là một khúc bi thương về những hồi ức về William Morris. Holst cũng hoàn thành bản Ave Maria, tác phẩm đầu tiên được xuất bản của anh. Năm 1903 anh viết thơ giao hưởng Indra, một bức chân dung sống động về thần Indra và cuộc chiến đấu của thần với hạn hán. Nhưng trước khi hoàn thành thơ giao hưởng, Holst kết hôn với Isobel vào năm 1901. Ngôi nhà đầu tiên của họ ở thị trấn Shepherds Bush.
Gustav Holst thừa kế một gia tài nhỏ khi cha mất, vì vậy anh và Isobel tới Berlin trong một kỳ nghỉ ngắn. Anh trở lại Luân Đôn và thề rằng sẽ từ bỏ cây kèn trombone để tập trung vào việc sáng tác. Giống như Edward Elgar trước đây, Holst đã đi đến thất bại đầu tiên. Anh viết nhiều bài hát hay nhưng chúng bị từ chối liên tục từ nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác. Vợ anh sao chép các bản nhạc của anh và may quần áo cho bạn bè cô để phụ giúp trong khi chờ đợi. Đúng lúc quyết tâm của Holst đang lung lay, anh được đề nghị thay cho một giáo viên dạy hát tại Trường Allen James ở Dulwich. Vaughan Williams cũng đóng vai trò trong việc giúp anh có công việc này. Sự nghiệp của Holst với vai trò giáo viên có tài đã bắt đầu.
Năm 1905, Holst được bổ nhiệm làm Giám đốc Âm nhạc tại Trường nữ sinh thánh Paul ở Hammersmith. Đó cũng là năm ông được đề nghị chỉ huy một tác phẩm mới có quy mô lớn viết cho giọng nữ cao và dàn nhạc của ông, The Mystic Trumpeter at Queens Hall (Người thổi kèn trumpet bí ẩn trong sảnh những nữ hoàng). “Người thổi kèn trumpet bí ẩn” dựa theo thơ của Walt Whitman thể hiện những ảnh hưởng mạnh mẽ của Wagner. Đây là một trong những tác phẩm cuối cùng mà Holst viết bị ảnh hưởng theo phong cách đó; ông đang trở nên quan tâm hơn đến những bài dân ca Anh. Tính đơn giản và hiệu quả của những giai điệu đã lôi cuốn ông. Tác động và ảnh hưởng của những bài dân ca cuối cùng đã xóa bỏ những dấu vết của Wagner ra khỏi tác phẩm của Holst.
Vào năm 1907, Holst hoàn thành việc viết nhạc cho vở Sita và đang bắt đầu làm việc với đội hợp xướng thứ nhất của Thánh ca hợp xướng từ kinh Vệ Đà. Ông cũng đang soạn bản Rhapsody Somerset cùng năm đó. Việc soạn nhạc trở nên dễ dàng hơn khi giờ đây họ có một ngôi nhà nhỏ ở Richmond. Vào những ngày cuối tuần, họ lui tới ngôi nhà nhỏ hai phòng trên đảo Sheppey hẻo lánh. Đó quả là một nơi tĩnh mịch và dễ chịu.
Holst được chỉ định làm Giám đốc Âm nhạc tại trường Cao đẳng Morley cho các nam nữ công nhân. Trước đó, họ chưa bao giờ bị quấy rầy nhiều như thế về âm nhạc. Những yêu cầu chính xác của ông đã khiến nhiều sinh viên bỏ học, nhưng thật tốt là vài sinh viên mới và nhiệt tình đã tham gia và khiến lớp học nhạc đạt được thành công nhất định.
Năm 1906 Holst chịu đựng một thất bại cay đắng khi ông không chiến thắng trong cuộc thi sáng tác, Giải thưởng Ricordi, với vở opera hao tổn nhiều tâm sức, Sita. Giáo viên soạn nhạc cũ của ông, Stanford, có thể là lý do khiến vở opera không giành được chiến thắng trong cuộc thi.
Sự chán nản và làm việc liên tục quá sức đã khiến Holst suy nhược đến mức bác sĩ của ông đã phải đề nghị ông đi nghỉ một thời gian ở vùng khí hậu ấm áp. Ông quyết định tới Algeria và xe đạp trên sa mạc. Sự trải nghiệm về một thế giới đầy màu sắc nơi đây đã mang đến cho ông cảm hứng về một bản hòa tấu cho dàn nhạc, Beni Mora. Khi nó được trình diễn lần đầu tiên ở nước Anh, một nhà phê bình đã than phiền : “Chúng ta không yêu cầu về những cô gái Biskra đang nhảy múa trong lâu đài Langham”. Có lần Vaughan Williams đã lưu ý rằng tác phẩm này nếu công diễn lần đầu ở Paris, nó đã làm cho tên tuổi của Holst được biết đến sớm 10 năm so với thành công của ông ở tổ khúc cho dàn nhạc The Planets (Những hành tinh).
Một lần nữa trong ngôi nhà của mình ở nước Anh, một Holst vừa được tiếp thêm sinh lực bắt đầu viết một opera Ấn độ khác mà ông đặt tên là Savitri. Đây chỉ là một tác phẩm nhỏ kéo dài hơn ba mươi phút một chút. Phần âm nhạc được viết cho ba giọng solo, một đội hợp xướng nhỏ sau sân khấu và một dàn nhạc thính phòng. Trong thời gian này, mối quan tâm của Holst với những văn bản tiếng Phạn đang ở đỉnh cao. Từ năm 1908 đến 1912, ông đã viết bốn bộ thánh ca từ kinh Vệ Đà, những bản thánh ca kinh Vệ Đà cho giọng hát và piano và bản hợp xướng quy mô lớn có tên The Cloud Messenger (Đám mây đưa tin).
Vào mùa hè năm 1911, dưới sự hướng dẫn của Gustav Holst, Trường cao đẳng Morley đã trình diễn lần đầu tiên vở The Fairy Queen (Nữ chúa tiên) của Henry Purcell, một tác phẩm từ thế kỷ thứ mười bảy. Bản tổng phổ đầy đủ đã bị thất lạc không lâu sau khi Purcell mất. Holst được phép để một vài sinh viên của trường Morley sao chép lại những phần thanh nhạc và dàn nhạc đầy đủ. Đó là một nhiệm vụ khổng lồ. Có tới 500 trang bản thảo và nó đã làm cho những người sao chép thiếu kinh nghiệm đó gần như mất một năm để chép chúng trong thời gian rảnh rỗi. Với Holst, buổi biểu diễn có lẽ là điều hào hứng nhất mà ông đã từng làm.
Buổi biểu diễn đầu tiên của vở “Đám mây đưa tin” diễn ra vào năm 1912. Nó không được thành công. Sự thất bại vở diễn mà ông chỉ huy đã làm ông rất phiền muộn. Ông tới Tây Ban Nha trong kì nghỉ cùng Balfour Gardiner, Clifford và Arnold Bax. Ở đó, Clifford Bax khuyến khích ông quan tâm tới Chiêm tinh và một thời gian sau thành công của tổ khúc cho dàn nhạc “Những hành tinh”, Holst giới thiệu thuật chiêm tinh cho những người bạn của ông “Thay thế cho thú cưng của tôi!”, như ông gọi.
Vào năm 1913, một khu vực mới dành cho âm nhạc tại trường St. Paul được mở rộng và ông được cấp một phòng thử âm thanh rộng rãi dành cho công việc sáng tác. Vào những ngày cuối tuần ông cũng dạy luôn ở đó, nhưng các ngày Chủ Nhật và ngày lễ ông dành hàng giờ để sáng tác ở đây. Tác phẩm đầu tiên ông viết tại căn phòng này có tên “Tổ khúc St. Paul”. Đó là khoảng thời gian mà Holst trở nên phấn khích quá mức với việc phát hiện lại những nhà soạn nhạc về thể loại madrigal nước Anh. Weelkes là nhà soạn nhạc được ông yêu thích trong số những nhà soạn nhạc thuộc vương triều Tudor (dòng họ làm vua nước Anh từ năm 1485 đến 1603) nhưng ông cũng say mê cả Byrd và Purcell.
Những sáng tác đầu tiên của ông sau sự bùng nổ Chiến tranh thế giới là Dirge for Two Veterans (Khúc bi ca dành cho hai cựu chiến binh) phổ thơ của Walt Whitman. Đó cũng là lời bình luận của ông vào năm xảy ra bi kịch. Vaughan Williams cũng phổ nhạc những lời thơ này và chúng có mặt trong tác phẩm “Dona Nobis Pacem” của ông.
Holst cũng đang bắt đầu viết tổ khúc “Những hành tinh”. Một vài đoạn hòa âm đã được phác thảo trong những ngày nghỉ cuối tuần dài tại ngôi nhà nhỏ ngoại ô của gia đình ông ở Thaxted, thị trấn Essex. Nhà thờ nhỏ ở Thaxted giống như một thánh đường, bên trong cực kỳ rộng rãi và sáng sủa. Holst mơ về một ngày lễ hội âm nhạc có thể được tổ chức tại đây. Ông cũng muốn đưa những học sinh của mình về từ Morley và St. Paul. Giấc mơ này đã thành hiện thực trong kỳ nghỉ cuối tuần của lễ Whitsun năm 1916, khi có bốn ngày nghỉ liên tục để ca hát và vui chơi, ngày lễ có thể được tổ chức một cách hợp thức ngay tại nhà thờ, hay tổ chức ngẫu hứng tại các ngôi nhà hoặc vùng quê. Như vậy, từ sự bắt đầu này, liên hoan lễ hội Whitsuntide đã trở thành một truyền thống.
Năm 1917, Holst viết bản thánh ca về Chúa Jesus dựa trên bộ sách Phúc âm ngụy tác. Với tính chu toàn thông thường của mình, Holst đã học đầy đủ tiếng Hy Lạp để dịch từ bản thánh ca gốc. Sau đó ông cân nhắc độ dài qua ý nghĩa của ca từ để giữ lại tinh thần của bài thơ càng nhiều càng tốt.
Holst được thông báo là không đủ tiêu chuẩn để phục vụ trong Thế chiến. Ông rất thất vọng bởi mình không thể đóng góp nỗ lực cho cuộc chiến. Em trai của ông, Emil, đã rời New York để gia nhập quân đội và Isobel thì lái xe tải chở những người lính bị thương tới bệnh viện. Vaughan Williams đang chiến đấu tại nước Pháp và những người bạn khác như George Butterworth thì đã hy sinh trên chiến trường.
Cuối cùng thì ông cũng có một cơ hội. Trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến, YMCA đề nghị ông vị trí người tổ chức sự kiện âm nhạc trong công tác giáo dục của họ cho quân đội vùng cận Đông. Ông bỏ chữ “von” trong tên của mình và đi thuyền đến Salonica, nhưng chỉ sau khi Balfour Gardiner tổ chức cho ông một buổi diễn riêng tác phẩm “Những hành tinh”, do Adrian Boult chỉ huy.
Holst trở về nhà giữa năm 1919 và sớm quay lại vị trí giảng dạy tại trường đại học cao đẳng văn chương và trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng Gia. Trở lại phòng thử âm thanh ở St. Paul, ông phổ nhạc Khúc tụng ca về cái chết của Walt Whitman cho hợp xướng và dàn nhạc.
Gustav Holst chỉ huy buổi biểu diễn đầu tiên tác phẩm The Hymn of Jesus (Tụng ca Chúa Jesus) năm 1920. Giống như tổ khúc ‘Những hành tinh”, buổi diễn rất thành công. Cuộc sống trở nên dễ chịu hơn vào cuối năm 1922. Lần đầu tiên trong đời Holst thu nhập hơn một nghìn bảng một năm. Tuy nhiên, ông không có tác phẩm lớn nào thành công hơn.
Đầu năm 1923, khi Holst đang chỉ huy một buổi diễn tập tại trường đại học cao đẳng văn chương, ông bị trượt khỏi bục và đập đầu về phía sau. Cú va đập có vẻ nhẹ nhưng nó xảy ra trong khoảng thời gian không may khi Holst thường cảm thấy thất vọng và làm việc quá sức. Tổn thương nặng hơn ông tưởng lúc đầu và phải mất nhiều năm sau ông mới có thể phục hồi sức khỏe sau những ảnh hưởng của tai nạn.
Vào khoảng thời gian Holst có vẻ phục hồi nhanh chóng vết thương ở đầu, ông nhận lời mời đến nước Mỹ để chỉ huy một liên hoan âm nhạc tại trường Đại học Michigan, Ann Arbor. Trong suốt cuộc hành trình, ông đã viết tổng phổ của bản Fugal Concerto cho flute, oboe và đàn dây.
Trong khi ở Mỹ, vở opera mới nhất của ông The Perfect Fool (Kẻ dại khờ hoàn hảo) đã được Nhà hát Opera quốc gia Anh trình diễn. Mặc dù phần âm nhạc cho ballet rất được yêu thích nhưng vở diễn đã thất bại bởi câu chuyện quá khó hiểu. Vài người trong số khán giả đã yêu cầu trả lại tiền. Holst bắt đầu mất tiếp cận với các thính giả của ông. Trong khi đó tại nước Mỹ, ông đang chìm đắm trong những lời ca ngợi.
Trở lại nước Anh, ông nhận được sự tung hô nhiệt liệt sau buổi biểu diễn “Những hành tinh”, nhưng nó không làm ông vui vẻ được. Trạng thái thần kinh của ông rất tệ và ông không thể ngủ mỗi đêm. Vào cuối thời kì đó, ông ở bên bờ của sự suy sụp thần kinh nghiêm trọng. Rồi một người đàn ông giàu có giấu tên đã tặng ông vài trăm bảng để về đêm ông có thời gian rảnh rỗi hơn để sáng tác.
Ông quyết định không dạy học trong vòng 3 tháng, lui về Thaxted và chỉ ở London mỗi tuần một ngày. Nhưng thực sự không hiệu quả, Holst không bao giờ là một người lười làm việc. Những dây thần kinh của ông trở nên tệ hơn thay vì tốt hơn lên, ông bắt đầu đau kinh khủng ở phía sau đầu. Thậm chí khi những cơn đau đã ngớt ông vẫn không thể chịu được bất cứ thứ gì chạm vào đầu, dù là mũ hay một chiếc gối. Tiếng ồn là một sự tra tấn cho ông; tiếng người nói chuyện, giao thông, tiếng vỗ tay. Ông bị những cơn ác mộng về việc viết lỗi hoặc sự sáng tạo khô cạn. Bác sĩ yêu cầu ông từ bỏ tất cả công việc để nghỉ ngơi trong một năm. Sau đó ông không thể trở lại dạy bất cứ một giờ dạy thông thường nào trừ khi phải dạy rất ít tại trường St. Paul, nơi ông tiếp tục dạy học ở đó cho đến cuối cuộc đời.
Holst sống gần một năm trong căn nhà tiện nghi trong giữa thành phố Thaxted. Ông sống một mình ngoại trừ một người chèo thuyền trong quân đội cũ đã trở thành đầu bếp của ông, người phục vụ và người bảo vệ. Ông viết Choral Symphony (Giao hưởng hợp xướng) và một vở opera mới, At the Boar’s Head (Trên đầu con lợn rừng), dựa trên những cảnh khôi hài về Falstaff béo trong vở kịch “Henry IV” của Shakespeare.
Đầu năm 1925, Holst đã đủ khỏe để trở lại London và hầu như ngay lập tức ông chìm đắm vào việc luyện tập cho vở At the Boar’s Head. Nhưng vở opera đã không được đón nhận, nó quá láu lỉnh. Khán giả cảm thấy bị lừa bởi ngay khi họ bắt đầu nắm bắt được giai điệu thì nó trượt ra khỏi họ và dệt thành những hình mẫu thay đổi không ngừng gây cản trở cho tai nghe. Và những diễn viên thì không thể đạt tới được sự phức tạp của âm nhạc và diễn xuất của họ.
Và sau đó Choral Symphony cũng thất bại. Người nghe cảm thấy khó khăn để thấy thích thú với trong tác phẩm. Đa số các nhà phê bình tấn công nó, chỉ trích sự hoang vu buồn tẻ thê lương và những hòa âm chao đảo lạnh lẽo của nó. “Holst đã trình diễn một quang cảnh u sầu của sự suy tàn không ngừng và đơn điệu”, một nhà phê bình nói. Holst không cảm thấy gì trước lời phê bình này, nhưng ông lo lắng khi Vaughan Williams viết và thú nhận rằng ông cảm thấy một sự ngưỡng mộ lạnh lẽo dành cho nó. Nó cần phải được chú ý, tất nhiên, mà cái gì có vẻ khó với thính giả vào những năm 1920 thì ngày nay được chấp nhận dễ dàng hơn và những bản thu âm hiện đại các tác phẩm của Holst từ thời kỳ này, giờ đây cho phép chúng ta đánh giá lại chúng một lần nữa.
Năm 1926 Holst thuyết trình tại trường đại học Liverpool và Glasgow. Bấy giờ ông có một ngôi nhà đẹp ở Thaxted, Brook End, nhưng ông chỉ thỉnh thoảng ở đó vào những dịp cuối tuần. Ông không nghỉ ngơi và dường như không có mong muốn về một ngôi nhà cố định. Ở London, ông cảm thấy hạnh phúc khi đi bộ một mình. Ông không viết một tác phẩm quy mô lớn nào vào thời gian này. The Golden Goose (Con ngỗng vàng) là vở ballet hợp xướng nhẹ nhàng thư thái. Một vở ballet khác, The Morning of the Year (Buổi sáng trong năm) thì có tính tham vọng hơn.
Vào mùa xuân năm 1927, người dân thành phố Cheltenham đã tổ chức liên hoan Holst, hai giờ cho âm nhạc bao gồm bản Rhapsody Somerset – bản nhạc không được trình diễn trong nhiều năm, và tất nhiên, tổ khúc giao hưởng “Những hành tinh” nữa.
Sau này, để giải thoát khỏi quá nhiều hào quang và danh vọng, ông thực hiện một chuyến du lịch đi bộ tới Yorkshire. Có thể thấy ông là một người đi bộ phi thường. Ông đã đi bộ trên hầu hết những miền quê nước Anh vào các mùa trong năm và trong mọi thời tiết. Ông cũng đã đi qua những vùng đất đai nổi tiếng của nước Ý, Pháp, Đức, Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia, ông cũng đã khám phá Istanbul và Athens trong những năm phục vụ trong chiến tranh. Khi ông đến thăm Chichester để thảo luận chi tiết về chương trình cho liên hoan Whitsuntide, ông cũng đi bộ qua Chichester từ Midhurst, và sau đó băng qua vùng đồi chăn thả đến Pulborough trước khi lên tàu trở về London. Một thói quen của ông là mang bảng giờ tàu trong một túi áo và bảng chi tiết tuyến đường xe bus trong túi bên kia.
Năm 1926 Holst đang thực hiện chuyến đi bộ trong vùng Dorset. Kết quả là ông cảm thấy hào hứng bắt tay vào việc viết Egdon Heath để tưởng nhớ Thomas Hardy. Nó bắt nguồn từ cảm hứng trong chương mở đầu tác phẩm Return of the Native(Sự trở lại của thổ dân) của Hardy và của làng quê trải dài hoang vu giữa Wool và Bere Regis. Âm nhạc mạnh mẽ và khắc khổ, và khi nó đứng thứ hạng đầu tại London tháng 2 năm 1928, hơn một tháng sau khi Hardy mất, thính giả rất không hài lòng. Nhưng Holst thản nhiên, như thường lệ. Lúc này, ông biết rằng đó là tác phẩm hay nhất ông từng viết
Tháng 10 năm 1927, Holst nhận được một lời mời từ tiến sĩ George Bell, tu viện trưởng Nhà thờ lớn Canterbury, để ông viết nhạc cho vở kịch The Coming of Christ (Sự xuất hiện của Chúa trời). Những năm sau đó, khi tiến sĩ George Bell trở thành tổng giám mục của Chichester, các lễ hội Whitsuntide vẫn được diễn ra ở Nhà thờ lớn của ông. Tại Chichester, họ đạt được vinh quang ngay tuần lễ đầu công chiếu ở Thaxted. Các sáng tác khác Holst thực hiện vào năm 1928 là Tổ khúc Moorside viết cho kèn đồng. Nó đã trở thành một tác phẩm để kiểm tra trong cuộc thi ban nhạc kèn đồng tại lâu đài Crystal năm đó. Những người chiến thắng là các thành viên ban nhạc Black Dyke Mills và một trong những người chơi kèn cornet trong ban nhạc là Harry Mortimer.
Tháng 3 năm 1929, Holst trở về từ chuyến đi nghỉ dài ngày ở Ý để tới nước Mỹ một lần nữa, nơi mà ông là vị khách danh dự trong dịp kỉ niệm lần thứ 21 Viện Nghệ thuật và Khoa học Mỹ. Ông đại diện cho nghệ thuật Anh. Ông cũng có một bài giảng về “việc giảng dạy nghệ thuật” tại trường đại học Yale. Trở về nhà, ông lại bắt đầu sáng tác, lần này là The Dream City (Thành phố Giấc mơ), bài đầu tiên trong chùm 12 ca khúc Humbert Wolfe. “Thành phố Giấc mơ” nói về những phần của London mà ông biết, về Kensington yêu dấu, ngọn đồi Richmond và Kew và những vệt đỏ tía trải dài của sông Thames.
“Thành phố Giấc mơ” được Dorothy Silk hát một cách tuyệt vời trong buổi công diễn lần đầu tại khán phòng lớn Wigmore, nhưng Holst ngồi im trong tuyệt vọng. Sau những bài hát, buổi hòa nhạc kết thúc với bản Ngũ tấu giọng Đô trưởng của Schubert. Sự ấm áp của bản nhạc đã khiến Holst như bắt đầu tan chảy. Theo lời của Imogen Holst: “Khi ông nghe nó, ông nhận ra rằng cái ông đã mất không chỉ là âm nhạc mà còn cả cuộc đời. Ông đã có thể trung thành với sự khổ hạnh của mình. Ông đã có thể làm ngập tràn mỗi ngày với những điều tốt lành và hài hước. Ông đã có thể viết nên thứ âm nhạc không sáo mòn, không vô nghĩa lẫn nhạt nhẽo. Và ông đã có thể mò mẫm giữa những ý tưởng lớn lao và thần bí. Nhưng ông đã lỡ mất sự ấm áp trong bản Ngũ tấu của Schubert.”
Năm 1930 bản Double Concerto đối âm và hai giọng cho 2 violin của Holst đã tạo nên những lời phê bình lẫn lộn. Nhận định của các nhà phê bình là “quá tri thức hóa” trong khi tờ Điện báo hàng ngày thì nói nó có những đặc tính nổi bật và những khoảnh khắc đẹp hiếm có. Nó hơi khó để trình diễn cho thính giả ngày nay và thực tế thì đó mà một tác phẩm lôi cuốn. Ông đã nhận được huy chương vàng của Hội yêu nhạc Hoàng gia sau buổi công diễn lần đầu Double Concerto.
Choral Fantasia đã thu hút sự chú ý kinh khủng của báo giới khi nó dẫn đầu tại Three Choirs Festival ở Gloucester năm 1931, tác phẩm cũng khiến Vaughan Williams xúc động.
Cũng trong năm 1930, Gustav Holst viết vở opera thứ mười ba của ông, cũng là vở opera cuối cùng. Một vở nhạc kịch thính phòng có tên là The Tale of The Wandering Scholar (Câu chuyện của học giả lang thang) phỏng từ một cuốn sách của nhà Trung cổ học Helen Waddell. Cũng vào năm đó tác phẩm nổi bật Hammersmith ra đời, nó nguyên là Prelude and Scherzo do Ban nhạc quân đội BBC đặt hàng.
Holst được mời thuyết trình về soạn nhạc tại Trường đại học Harvard trong sáu tháng đầu năm 1932. Một lần ở Mỹ, ông nhận làm một chương trình dài hơi về chỉ huy và thuyết trình, có một cuộc trò chuyện về nhà soạn nhạc Haydn mà ông yêu quý tại thư viện của Hội đồng thành phố Washington. Nhưng ngay lập tức sau đó, ông được đưa tới bệnh viện vì viêm dạ dày xuất huyết do loét tá tràng. Trở lại nước Anh, ông phục hồi khá tốt sau đợt nghỉ ngơi năm 1932. Ông uống rất nhiều sữa và đi bộ, như ông mô tả là thậm chí còn nhiều hơn so với với thời trung niên.
Tuy nhiên, năm sau đó, một lần nữa Holst lại quay trở lại với công việc. Ông viết Lyric Movement cho viola và dàn nhạc tặng Lionel Tertis, và viết The Brook Green Suite (Tổ khúc dòng suối xanh) tặng những học sinh trường St. Paul. Trong cả hai tác phẩm này ông đều quay lại phong cách dịu dàng và thanh thoát, những điều đã thiếu vắng trong âm nhạc của ông mười năm về trước. Vào cuối năm 1933, ông vào nhà an dưỡng và phải lựa chọn giữa một cuộc tiểu phẫu và một cuộc sống bị hạn chế về sau, hay một cuộc đại phẫu và sau đó có thể tự do làm điều mình muốn. Ông lựa chọn cách thứ hai. Cuộc giải phẫu dự định tiến hành vào mùa xuân tới.
Trong những tháng đầu tiên của năm 1934, Holst lắng nghe trên đài phát thanh những bản nhạc của ông và soạn khúc scherzo mà ông đã khởi thảo từ năm ngoái. Nó là một phần của một bản giao hưởng, nhưng không đã không còn thời gian viết tiếp những chương khác. Cuộc giải phẫu diễn ra vào tháng 5 và đã thành công, nhưng trái tim của ông không chịu đựng nổi sự căng thẳng. Gustav Holst mất hai ngày sau đó, ngày 25 tháng 5. Cùng năm đó, Elgar mấy ngày 24 tháng 2 và Delius cũng qua đời ngày mùng 10 tháng 6.
Sau cái chết của Gustav Holst, số buổi trình diễn tác phẩm của ông bị suy giảm rõ rệt. Nhưng tổ khúc giao hưởng “Những hành tinh” tất nhiên đã giữ vững danh tiếng của ông trên thế giới. Và phần lớn với những cố gắng không mệt mỏi của con gái ông, Imogen Holst và những công ty thu âm nhiệt tình như Lyrita, Chandos và Hyperion, thính giả ngày nay đã có thể đánh giá được gia tài lớn về âm nhạc mà ông để lại. Đóng góp của ông tới sự phát triển giáo dục âm nhạc trong trường học và giáo dục người trưởng thành cũng được thừa nhận rộng rãi.
Mặc dù ban đầu ông học tập tại trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia, nhưng chủ yếu ông tự học như một nhà soạn nhạc, học theo kinh nghiệm và dựa trên những tư duy sâu sắc của mình về nghệ thuật. Ông tránh những hệ thống có tính định kiến ràng buộc và lý thuyết hàn lâm. Ông đi theo con đường thực nghiệm của mình, kiên định tìm kiếm những âm thanh đúng. Đôi khi ông thành công, đôi khi không. Ông đã từ chối một giải pháp an toàn và dễ dàng.
Holst không thích sự bất thường và kiểu cách. Mặc dù ông vui vẻ một cách tự nhiên với những thành công nhưng ông cũng thận trọng với nó và không lảng tránh thất bại. Ông nói : “Nếu không ai thích tác phẩm của bạn, thì bạn phải tiếp tục làm việc cho mục đích của nó và bạn không bị nguy cơ để công chúng khiến bạn lặp lại chính mình”. Cá nhân Holst là một sự kết hợp đáng chú ý của những tính cách đối lập. Ông thân thiện, thích giao du, tụ tập, vui vẻ và ồn ào nhưng ông cũng cô độc, tách biệt và xa lánh. Ông mẫn cảm, sâu sắc và tháo vát nhưng ông dường như cũng khá ngây thơ trong cuộc sống và âm nhạc. Ông là một người làm việc thực tế nhưng ông đồng thời cũng mơ mộng và hão huyền. Có sự sáng sủa logic chắc chắn trong cách biểu đạt với khả năng tạo ra những hình thức đối âm phức tạp nhất ; và có cả sự sáng tạo phi lý và lãng mạn. Những điều trái ngược này trong tính cách ông được biểu hiện khá rõ trong âm nhạc.
Gustav không theo tôn giáo thông thường. Ông tin tưởng một cách mạnh mẽ vào những khả năng siêu phàm của con người, bên cạnh đó là sự hiểu biết sơ qua về chiêm tinh, ông bị ảnh hưởng mạnh bởi những lý thuyết tôn giáo phương Đông, đặc biệt là các học thuyết Dharma (Đạt-ma) và sự tái sinh.
Ông tin tưởng rằng bổn phận của một nhà soạn nhạc là đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về thực hành, và nếu âm nhạc là cần thiết cho các lớp học thì ông sẽ không do dự mang nó đến. Ông có vẻ dễ dàng viết các chuyển soạn thế tục từ những bài hát mừng lễ Noel hoặc những giai điệu thánh ca cũng như các tác phẩm lớn với sự biên soạn nghiêm túc mà không có bất kỳ cảm giác phi lý nào. Holst dành thời gian và sự quan tâm tới thể loại bài hát cho giọng ca và violin cũng nhiều như thể loại giao hưởng hợp xướng quy mô đầy đủ.
Gustav Holst mất sớm một cách bi thảm ở tuổi 59 lúc ông dường như đang bước vào một thời kỳ sáng tạo mới và sự ấm áp và thanh thoát xưa cũ đang trở lại. Đưa vào những kỹ thuật ông đã phát triển trong những năm 1920, người ta tự hỏi liệu còn điều gì mà ông có thể làm được nữa.
Imogen Holst, lẽ tất nhiên, là một chỉ huy xuất sắc, một học giả, giáo viên và nhà soạn nhạc theo cách riêng của bà. Những bản thu âm các tác phẩm của cha bà cho thấy sự nhiệt tình và cái rực rỡ nhịp nhàng vui tươi khó cưỡng lại. Từ khi thôi làm trợ lý cho Benjamin Britten năm 1964 đến khi bà mất vào năm 1984, hầu hết sức lực của bà đều dành để quảng bá cho sự hiểu biểt và phổ biến rộng hơn các tác phẩm âm nhạc của cha mình.
(Nguồn: nhaccodien.info)