CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ARTHUR HONEGGER (1892-1955)


Arthur Honegger sinh ngày 10 tháng 3 năm 1892 tại Le Havre. Cha mẹ của Honegger đều là người Thụy Sĩ. Cha của Honegger đã rời Thụy Sĩ vào những năm 1870 và chuyển tới khu kiều dân Thụy Sĩ ở cảng Le Havre, nước Pháp. Ông quay lại Thụy Sĩ để cưới Julie Ulrich vào tháng 5 năm 1891. Đôi vợ chồng cư trú tại Le Havre cùng gia đình cho đến năm 1913 khi họ nghỉ hưu và trở về Thụy Sĩ. Người con cả trong số 4 người con, Arthur Honegger, được học violin và hòa âm (với R.-C. Martin) khi còn bé ở Le Havre. Sau đó Honegger trải qua 2 năm học tập tại Nhạc viện Zürich nơi ông học cùng các giáo viên Friedrich Hegar (sáng tác), Willem de Boer (violin) và Lothar Kempter (lý thuyết). Cũng tại đây, ông đã khám phá âm nhạc của Wagner, Strauss cũng như Reger và chúng có tác động sâu sắc đến ngôn ngữ âm nhạc của Honegger. Vào năm 1911, Arthur Honegger ghi tên vào học Nhạc viện Paris. Việc phải đi lại tuần hai lần tới Paris bằng tầu hỏa không phải là một cản trở với Honegger, một người rất say mê đường sắt. Một niềm say mê nữa của ông là thể thao, đặc biệt là bóng bầu dục và những chiếc xe tốc độ, nhất là chiếc xe Bugatti yêu quý của ông. Khi gia đình ông quay về Thụy Sĩ năm 1913, ông định cư tại Montmartre, ở lại đó cho tới lúc qua đời. Trong thời gian 7 năm là sinh viên tại Nhạc viện Paris, ông đã học cùng Capet (violin), Gédalge (đối âm và phức điệu), Widor (sáng tác và phối khí dàn nhạc), d’Indy (chỉ huy), Emmanuel (lịch sử) và những giáo viên khác. Bạn đồng môn của ông gồm Tailleferre, Auric, Ibert (người mà ông cộng tác trong 2 tác phẩm quy mô lớn vào những năm 1930) và Milhaud (người trở thành bạn thân của ông). Âm nhạc của Arthur Honegger đến với công chúng lần đầu tiên tại Paris vào tháng 7 năm 1916.

Arthur Honegger (1892-1955)

Sau mối quan hệ với ca sĩ giọng soprano Claire Croiza mà kết quả là một cậu con trai, Honegger kết hôn với nghệ sĩ piano Andrée ‘Vaura’ Vaurabourg vào ngày 10 tháng 5 năm 1926. Honegger là người đồng sáng lập Trung tâm âm nhạc và kịch nghệ Độc Lập, ông đã gặp Vaurabourg tại các buổi hòa nhạc của trung tâm tại Salle Oedenkoven. Vì Honegger cần một nơi tuyệt đối tĩnh mịnh để sáng tác, đôi vợ chồng đã sinh sống tách biệt trong phần lớn đời sống hôn nhân. Họ chỉ chung sống một thời gian ngắn ngủi (1935 – 1936) sau khi Vaurabourg bị thương nặng vì một tai nạn ô tô và trong những năm cuối đời Honegger khi mà ông quá ốm yếu không thể sống một mình được. Vaurabourg là một nghệ sĩ piano xuất sắc và đã trở thành một trong những giáo viên dạy hòa âm, đối âm và phức điệu được đánh giá cao nhất tại Paris (Boulez cũng là học trò của bà). Honegger coi trọng những ý kiến về âm nhạc của bà hơn ý kiến của mọi người khác. Bà thường đồng hành với chồng trong những chuyến lưu diễn khắp châu Âu và châu Mĩ, chơi bè piano trong các tác phẩm thính phòng, đệm piano cho các ca khúc và chơi các tác phẩm cho piano độc tấu của chồng.

Mặc dù Honegger là một thành viên của Nhóm những người trẻ mới và về sau là thành viên Nhóm Sáu, giữa ông và những thành viên khác là một mối quan hệ bạn hữu thú vị hơn là nguyên tắc thẩm mỹ chung của nhóm mà ông luôn từ chối. Trong khi ông rõ ràng được lợi từ việc quảng bá rộng rãi theo Nhóm Sáu, ngôn ngữ âm nhạc độc đáo của ông đã được ngợi khen rộng rãi ngay cả trước khi nhạc nền mà ông viết cho vở kịch Le roi David (Vua David, 1921) của René Morax khiến ông nổi danh thế giới. Loạt tác phẩm tính kịch quy mô lớn và những tác phẩm giao hưởng ông sáng trong 30 năm tiếp theo đã nâng ông lên thành một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất của thế hệ mình. Hầu như mọi tác phẩm âm nhạc của Honegger đều được thu âm lúc ông sinh thời. Ông cũng có những đóng góp tiên phong và lớn lao cho sự phát triển của âm nhạc trong phim (43 phim) và cho chương trình của đài phát thanh (8 chương trình).

Nhóm Sáu Người, của Jacques-Émile Blanche (1922)

Đối với Honegger, cảm hứng sáng tác thường được khơi dậy từ những nguồn ngoài âm nhạc mặc dù âm nhạc của ông thường ít mang tính chương trình. Các tác phẩm thời sinh viên của ông đôi khi thể hiện ảnh hưởng nổi bật từ Debussy và Ravel nhưng ông đã sớm tìm thấy một ngôn ngữ âm nhạc riêng. Tác phẩm cho dàn nhạc thành công đầu tiên của ông, thơ giao hưởng Le chant de Nigamon (Tiếng hát của Nigamon, 1917) dựa theo một tình tiết rùng rợn trong Le souriquet của Gustave Aimardin (vị tộc trưởng Nigamon cất tiếng hát khi ông bị kẻ thù thiêu sống), đã bộc lộ chiều hướng tự nhiên của Honegger đối với âm nhạc kịch tính. Cũng được sáng tác trước Le roi David là một số lượng lớn đáng ngạc nhiên những tác phẩm thính phòng gồm 2 violin sonata (1918 và 1919); Viola Sonata (1920) và Cello Sonata (1920). Nhạc nền cho vở kịch Le dit des jeux du monde (1918) gồm những sáng tác đối âm phức tạp gợi nhắc tới những tương đồng với ngôn ngữ âm nhạc của Schoenberg trong các tác phẩm được sáng tác ngay trước thế chiến thứ nhất, đặc biệt là Pierrot lunaire. Hai tác phẩm cho dàn nhạc của ông, Pastorale d’été (1920) và Horace victorieux (1921), có sự tương phản rõ rệt: tác phẩm đầu êm ái, thanh thản và trữ tình trong khi tác phẩm sau đồ sộ, phức tạp và mạnh mẽ.

Oratorio Le roi David (1921, sửa chữa năm 1923), ở phiên bản gốc là 27 tiết mục nhạc nền cho vở kịch Kinh thánh của Morax, được soạn trong 2 tháng, giữa tháng 2 và tháng 4 năm 1921. Buổi công diễn lần đầu vở kịch (11/6/1921) được nối tiếp bằng 11 buổi diễn nữa. Phản ứng thiện chí từ khán giả và các nhà phê bình đã khuyến khích Morax và Honegger thực hiện một phiên bản hòa nhạc quy mô lớn hơn, âm nhạc không thay đổi trừ việc được phối lại. Với lời dẫn kết nối các tiết mục do Morax viết, “bản giao hưởng Kinh thánh” này được trình diễn rộng rãi. Ở Paris, những buổi diễn liên tiếp hàng đêm kéo dài đến 3 tháng. Tác phẩm đã đảm bảo cho danh tiếng quốc tế của Honegger và ông mau chóng được gán cho cái tên “Vua Arthur”. Một loạt tương quan về giọng điệu và chủ đề đã thống nhất tác phẩm mà tác động kịch tính được đảm bảo bằng mối liên hệ có kiểm soát chặt chẽ giữa những đỉnh điểm xúc cảm kịch tính và nhạc tính. Về sau Honegger soạn nhạc nền cho Judith, một vở kịch Kinh thánh khác của Morax. Lần này âm nhạc cũng được phối lại thành một opéra sérieux (một loại opera) năm 1925 và một action musicale (ca kịch hành động) năm 1927 cho phòng hòa nhạc. Cũng như trong Le roi David, ngôn ngữ âm nhạc về cơ bản là có điệu tính và nổi bật bằng sự thống nhất và gắn kết. Sự đa dạng về phong cách có trong cả hai tác phẩm, với những ảnh hưởng từ thánh ca Gregoria và thánh ca Tin Lành tới nhạc jazz. Nhưng Honegger thường xuyên sử dụng đối âm phức tạp và việc ông chú trọng tới sự cân đối và cấu trúc là những gợi nhắc không ngừng tới cả quãng thời gian dài ông nghiên cứu kỹ thuật lẫn sự ác cảm của ông đối với việc thử nghiệm sáng tác.

Thành công của vở operetta Les aventures du roi Pausole (Những cuộc phiêu lưu của Pausole, 1929–30) là một hiện tượng với hơn 500 đêm diễn sau buổi công diễn lần đầu  tại Bouffes-Parisiens. Tổng phố là sự pha trộn thú vị của những gì hay nhất từ các phong cách operetta của Chabrier, Gounod, Lecocq, Messager và Offenbach đã khiến cả công chúng lẫn giới phê bình ngạc nhiên về sự hòa hợp tuyệt đối của nó. Họ không thể đánh giá ngay rằng Honegger thời kỳ đầu tiên đã có thể phô bày tài năng thật sự rõ ràng đến thế trong thể loại này.

Sáng tác giao hưởng của Honegger gồm 5 bản giao hưởng và 3 chương nhạc giao hưởng. Trong số đó, Pacific 231 được soạn năm 1924 là một minh chứng cho niềm đam mê xe lửa của Honegger. Ông từng thú nhận: “Tôi luôn yêu say đắm các đầu máy xe lửa. Với tôi chúng là những sinh vật sống và tôi yêu chúng tựa như những người khác yêu phụ nữ hay yêu ngựa.”Pacific 231 chỉ là tiêu đề phụ còn tên thực sự của tác phẩm là Chương nhạc giao hưởng No. 1Pacific 231 mô tả các chuyển động cơ giới của một đoàn tầu hiệu Pacific 231. Tác phẩm này gây xúc động mạnh mẽ vào ngày 8 tháng 5 năm 1924 tại Paris trong buổi công diễn đầu tiên. Nó khởi đầu cho một xu hướng sáng tác mang tính cơ giới, một xu hướng ảnh hưởng tới ngay cả những tên tuổi lớn như Prokofiev trong bản giao hưởng No. 2 rồi tới nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Paris ít tiếng tăm hơn là George Antheil trong tác phẩm huyên náo Ballet méchanique.

Trong thế chiến thứ hai, Honegger giảng dạy tại Ecole Normale de Musique và viết phê bình âm nhạc theo một phong cách riêng cho Comoedia. Những năm 1940 chứng kiến một sự tăng cường gắn bó của ông với Thụy Sĩ: ông có thêm nhiều chuyến đi tới đất nước này và viết nhiều tác phẩm hơn cho những liên hoan và biểu diễn của người Thụy Sĩ, trong số đó có Paul Sacher và các dàn nhạc của nhạc trưởng này tại Basle và Zürich. Sau khi bị một cơn nhồi máu cơ tim ở Mĩ (tháng 8/1947), sức khỏe tồi tệ đã khiến hoạt động âm nhạc của ông bị hạn chế rất nhiều. Tình trạng suy yếu của ông được phản ánh rõ ràng bằng một giọng sắc sảo trong 2 cuốn sách Incantation aux fossiles (Thần chú của những hóa thạch, 1948) và Je suis compositeur (Tôi là nhà soạn nhạc, 1951) cũng như trong bài diễn văn The Musician in Modern Society (Nhạc sĩ trong xã hội hiện đại) mà ông đọc trong một hội thảo UNESSCO năm 1952. Ông nhận được nhiều vinh dự, trong đó có việc được bầu vào Viện hàn lâm Pháp (1938); là thành viên nước ngoài tại Viện hàn lâm Mỹ thuật Pháp; là chủ tịch Liên đoàn quốc tế SACEM và nhận được bằng tiến sĩ danh dự từ trường Đại học Zürich (1948).

Arthur Honegger, người cạnh tranh với Francis Poulenc làm thành viên thành công nhất của Nhóm Sáu, qua đời ngày 24 tháng 11 năm 1955 tại Paris. Tại lễ hỏa táng, thành tựu của ông được Jean Cocteau tổng kết: “Arthur, cậu đã xoay xở để đạt được sự kính trọng trong một thời đại thiếu tôn trọng. Cậu kết nối kỹ năng của một kiến trúc sư thời Trung cổ với sự đơn giản của một thợ thủ công khiêm tốn của thánh đường.”

(Nguồn: nhaccodien.info)





Sưu tầm

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Nhà cách mạng nhiệt huyết, “cha đẻ” của những bản hùng ca giải phóng
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Nhà cách mạng nhiệt huyết, “cha đẻ” của những bản hùng ca giải phóng
[ad_1] HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ LƯU HỮU PHƯỚC Tên thật: Lưu Hữu Phước Bút danh: Huỳnh Minh Siêng, Long Hưng, Anh Lưu, Hồng Chí Năm sinh - năm...

Cuộc đời kỳ lạ của ca sĩ Vũ Khanh: Vinh quang và sa ngã!
Cuộc đời kỳ lạ của ca sĩ Vũ Khanh: Vinh quang và sa ngã!
[ad_1] Vinh quang Ca sĩ Vũ Khanh (tên đầy đủ là Vũ Công Khanh) sinh năm 1954 tại Hà Nội trong gia đình Công giáo. Khi còn nhỏ, Vũ Khanh...

Phỏng vấn nhạc sĩ Lê Dinh: Ca sĩ ngày nay gọi là “hét sĩ” thì đúng hơn!
Phỏng vấn nhạc sĩ Lê Dinh: Ca sĩ ngày nay gọi là “hét sĩ” thì đúng hơn!
[ad_1] Bài phỏng vấn nhạc sĩ Lê Dinh lúc sinh thời do ký giả Bích Xuân thực hiện ở hải ngoại. Trong bài phỏng vấn này, ông đã chia sẻ...

Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Vũ Khanh
Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Vũ Khanh
[ad_1] Vũ Khanh là một trong những ca sĩ hải ngoại nổi tiếng, với nhiều ca khúc "để đời" rất được khán giả yêu thích. Nguồn: Internet Vũ Khanh tên...

“Cánh thiệp đầu xuân” của Lê Dinh – Minh Kỳ: Khúc hoan ca mừng mùa xuân mới
“Cánh thiệp đầu xuân” của Lê Dinh – Minh Kỳ: Khúc hoan ca mừng mùa xuân mới
[ad_1] CA KHÚC "CÁNH THIỆP ĐẦU XUÂN” Sáng tác: Lê Dinh – Minh Kỳ Thể loại: Nhạc trữ tình Năm ra đời: 1963 Thể hiện: Lệ Thanh, Thanh Thúy, Giao...

Nhạc sĩ Thẩm Oánh: Suốt đời phụng sự cho nghệ thuật
Nhạc sĩ Thẩm Oánh: Suốt đời phụng sự cho nghệ thuật
[ad_1] HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ THẨM OÁNH Tên thật: Thẩm Ngọc Oánh Nghệ danh: Thẩm Oánh Ngày sinh: 1916 - 1996 Quê quán: Hà Nội Nghề nghiệp: Nhạc...

“Sông quê” – nhạc phẩm đầu tiên đưa Phi Nhung đến với khán giả yêu nhạc
“Sông quê” – nhạc phẩm đầu tiên đưa Phi Nhung đến với khán giả yêu nhạc
[ad_1] Sau 5 năm lăn lội với nghề (làm ca sĩ hát lót, đi bán dĩa nhạc dạo để quảng bá tên tuổi), Phi Nhung lần đầu tiên được giới...

Nhạc sĩ Lê Dinh: Tâm tình mộc mạc gửi vào những nốt nhạc mê say
Nhạc sĩ Lê Dinh: Tâm tình mộc mạc gửi vào những nốt nhạc mê say
[ad_1] Để vinh danh và tưởng nhớ nhạc sĩ Lê Dinh với hơn 40 cống hiến nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ đã cùng nhau tổ chức một đêm nhạc để...

Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Elvis Phương
Top 5 ca khúc hay nhất của ca sĩ Elvis Phương
[ad_1] Ca sĩ Elvis Phương là một trong những giọng ca rất được yêu thích thập niên 1960-1970, và đây là top 5 ca khúc hay nhất của ông. Nguồn:...

Nhạc sĩ Trúc Hồ: “Như Quỳnh là ca sĩ mà nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần”
Nhạc sĩ Trúc Hồ: “Như Quỳnh là ca sĩ mà nửa thế kỷ mới xuất hiện một lần”
[ad_1] Trong mắt nhạc sĩ Trúc Hồ, Như Quỳnh không chỉ có giọng ca đẹp, vóc dáng xuất sắc mà còn giỏi múa, ăn ảnh, bắt camera, trình diễn rất...

Ads Bottom