Trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2014, ca sĩ Tuấn Ngọc thẳng thắn chia sẻ, từ chối hát và không dám hát nhạc “tục ca” của nhạc sĩ Phạm Duy.
Danh ca Tuấn Ngọc sinh ra ở Đà Lạt trong gia đình có cha là nghệ sĩ Lữ Liên. Các anh chị em của Tuấn Ngọc như Khánh hà, Lưu Bích, Bích Chiêu, Anh Tú đều là ca sĩ. Từ bé, ông đã rất yêu thích âm nhạc.
Năm 6 tuổi, Tuấn Ngọc vào Sài Gòn tham gia đội văn nghệ. Đến năm 13 tuổi hát nhạc Mỹ. Năm 17 tuổi,ông hát trong ban nhạc Blackcap và chính thức bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Năm 1975, Tuấn Ngọc rời Việt Nam sang Mỹ định cư và tiếp tục sự nghiệp âm nhạc. Nhiều năm sau, ông nên duyên và kết hôn với Thái Thảo (con gái cố nhạc sĩ Phạm Duy). Cũng nhờ mối duyên lành với Thái Thảo mà Tuấn Ngọc có cơ hội được đến gần hơn với nhạc sĩ Phạm Duy và âm nhạc của Phạm Duy. Tuấn Ngọc cũng là một trong số những ca sĩ được thể hiện nhiều nhạc phẩm bất hủ của Phạm Duy.
Khi nhắc đến bố vợ của mình, danh ca Tuấn Ngọc luôn nói, “đối với tôi, ông là người nhạc sĩ vĩ đại nhất”. Năm nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, đối với thân quyến và đối với riêng Tuấn Ngọc, đó là sự mất mát rất lớn. Nhưng đó chỉ là vấn đề về mặt tình cảm, còn vấn đề nghệ thuật thì không có sự thay đổi nhiều, bởi Phạm Duy đã để lại một kho tàng âm nhạc quá lớn.
Cũng theo danh ca Tuấn Ngọc, ông và bố vợ rất hợp nhau. Bởi tính ông khôi hài mà bố vợ lại thích những người khôi hài.
“Trong âm nhạc, tôi và bố vợ hiểu nhau lắm nên tôi cứ sống sao cho vui thôi là được. Mà cũng có nhiều người hỏi tôi một cách nghiêm trang, anh đến với gia đình một nhân tài như Phạm Duy, anh thấy như thế nào? Tôi bảo, tôi thích làm con rể nhạc sĩ Phạm Duy bởi từ ngày tôi làm con rể ông, tôi không phải trả tiền bản quyền âm nhạc”, Tuấn Ngọc chia sẻ.
Mặc dù được hát “free” nhạc của bố vợ nhưng danh ca Tuấn Ngọc chưa từng thử sức với thể loại nhạc mà lúc sinh thời nhạc sĩ Phạm Duy gọi là “tục ca”. Vì sao vậy?
Trong bài phỏng vấn năm 2014, danh ca Tuấn Ngọc đã thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này. Ông nói: “Đó là nhạc mà tôi từ chối hát. Tôi không dám hát vì có thể đầu óc tôi chưa phóng khoáng bằng bố vợ tôi. Phạm Duy là người không thích ngồi yên với những gì mình đã có mà thích khai sáng những gì mới lạ vì như vậy mới là nghệ sĩ còn đi theo sở thích của khán giả thì không phải nghệ sĩ”.
Nói thêm một chút, trong gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy, “tục ca” có lẽ là chủ đề ít được phổ biến nhất dù những gì ông đề cập đến trong mảng này đều gắn liền với hiện thực xã hội một thời. Theo ca sĩ Ánh Tuyết, trong mảng “tục ca”, Phạm Duy đã khéo léo dùng âm nhạc làm phương tiện phản ánh quá thật thực trạng đời sống, xã hội bằng phong cách trào lộng, lối châm biếm riêng có. Ai hiểu thì mới cảm thấu, còn không thì khó lòng chấp nhận. Ông viết từ rất lâu rồi nhưng vì lột tả quá trần trụi nên người ta khó chấp nhận, chứ đời thật con người ta ăn nói và làm tục hơn thế nữa.
Khi nhắc đến việc “tục ca” của Phạm Duy khó để ra mắt công khai hơn những ca khúc được coi là không hợp thời về mặt chính trị chẳng hạn, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng, đúng là như vật. Ông nói: “Chỉ khi nào người Việt Nam cởi bỏ hết đạo Khổng đi. Bây giờ chúng ta vẫn bị ám ảnh nghìn đời về đạo Khổng thì rất khó trong vấn đề này. Ngay cả những người ở nước ngoài đâu phải ai cũng biết hết về Phạm Duy cũng như Trịnh Công Sơn. Họ vẫn có những thắc mắc rất bề ngoài, thì đó là trách nhiệm của người nghiên cứu. Nói tóm lại cuối cùng nó vẫn là gia tài của dân tộc mình. Mình phải nghiên cứu”.
Lúc sinh thời, Phạm Duy cũng từng thẳng thắn nhìn nhận đã có nhiều người “chê tục ca” vì nó đi tới chỗ “nhảm nhí trong nghệ thuật”. Nhưng ông cũng vạch ra lý do: “Họ không biết cặn kẽ nội dung của nó”.