Ca khúc “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” của nhạc sĩ Anh Bằng gợi cho tôi ấn tượng về trách nhiệm, về thái độ của con người đối với muôn loài và với thiên nhiên. Một ca khúc cho thấy tính nhân bản và tâm lượng lớn của Anh Bằng.
Một người thợ săn âm thầm mang súng lang thang vào rừng .
Bầu trời bình minh muôn ngàn tia nắng sớm xuyên màn sương.
Một vài cụm mây như chùm hoa trắng bay trong trời xanh,
Rất xinh và rất xinh.
Kìa một bầy nai vương sừng ngơ ngác phóng nhanh vào rừng .
Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi.
Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây.
Chim chết chim lạc bầy
Ngay hôm sau cũng nơi này
Chim đang kêu vang gọi bầy .
Nào ngờ bên gốc cây
Người thợ săn hôm trước
Núp thân sau lùm cây.
Chim yên tâm sống vô tình,
Yêu thương nhau trên đầu cành .
Đạn vụt bay đến nhanh
Cả bầy chưa tung cánh
Xác rơi trên đất lành .
Rồi người thợ săn âm thầm mang súng mang chim trở về .
Lề đường bầy chim không thù không oán hót cho người nghe .
Rượu nồng thịt thơm bao người nâng chén no say đùa vui
Đâu biết chim ngậm ngùi
(Lời ca khúc “Người thợ săn và bầy chim nhỏ”)
Ca khúc này của nhạc sĩ Anh Bằng là một nhạc phẩm được kể chuyện theo thứ tự, lớp lang. Từ ca từ thứ nhất tới ca từ cuối cùng, người ta không thấy sự xuất hiện của một danh từ trừu tượng hay một ngôn ngữ bác học nào. Thậm chí, nó cũng không thấp thoáng ít nhiều hình ảnh trừu tượng hay khơi gợi về một triết lý thâm sâu bí hiểm nào đó. Nhưng không vì thế mà độ sâu, sức chấn động tự thân của ca khúc “Người thợ săn và bầy chim nhỏ” của Anh Bằng bị giảm sút cường độ ý nghĩa, nếu không muốn nói là ngược lại.
Tôi không biết ca khúc này của nhạc sĩ Anh Bằng có được thính giả đón nhận như ca khúc “Đêm nguyện cầu” hay không. Riêng tôi, mỗi lần nghe ca khúc này đều không tránh khỏi nghĩ ngợi.
Trong phiên khúc một, Anh Bằng đã mở ra một cảnh tượng thanh bình, chan chứa an lạc với câu: “Bầu trời bình minh muôn ngàn tia nắng sớm xuyên màn sương/ Một vài cụm mây như chùm hoa trắng bay trong trời xanh…”. Làm nền cho sự xuất hiện của phiên khúc hai “Kìa một bầy nai vương sừng ngơ ngác phóng nhanh vào rừng/ Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi…”. Và bất thình lình, hình ảnh người thợ săn hiện lên lạnh lùng, đầy tương phản: “Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây…”, dẫn tới kết thúc đương nhiên: “Chim chết chim lạc bầy!”.
Chỉ với hai phiên khúc khởi đầu, nhạc sĩ Anh Bằng đã tài tình xây nên một kịch bản hai mặt của thiên đường và địa ngục, đầy bất ngờ, thình lình, như bên này bên kia của một cái chớp mắt.
Nhưng bi kịch không dừng lại ở đó. Thảm họa thường dành cho nó cái quyền được lặp đi lặp lại, cái quyền đi tới, nới rộng… “Ngay hôm sau cũng nơi này/ Chim đang kêu vang gọi bầy/ Nào ngờ bên góc cây/ Người thợ săn hôm trước/ Núp thân sau lùm cây”. Trong khi đó “Chim yên tâm sống vô tình/ Yêu thương nhau trên đầu cành/ Đạn vụt bay đến nhanh/ Cả bầy chưa tung cánh/ Xác rơi trên đất lành”.
Những câu trong bài hát khiến người nghe liên tưởng đến thực tế đời sống trong chiến tranh, “bầy chim nhỏ” không phải là những binh lính nơi trận tuyến, mà chính là dân lành, là phụ nữ, là trẻ thơ. Tất cả họ chỉ có một mơ ước, một khát khao duy nhất đó chính là được sống bình yên trong yêu thương và đùm bọc. Nhưng bi kịch đã tìm tới họ dù trong tay họ chẳng có lấy một khẩu súng…
Có những em bé chưa kịp lớn, những người trẻ chưa kịp sống như “cả bày chưa tung cánh” đã phải chịu cảnh “xác rơi trên đất lành”.
Theo một số nhà nghiên cứu về ảnh hưởng chiến tranh đối với dòng tân nhạc miền Nam 20 năm thì ca khúc “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” của nhạc sĩ Anh Bằng là một trong những ca khúc mang nhiều tính nhân văn nhất.
Ngoài ra, ca khúc này của Anh Bằng còn rất thành công ở dạng kể chuyện đơn giản. Ca từ không cầu kỳ, không hoa mỹ, sâu xa. Vì thế mà khi đến với người nghe, nó có thể ở lại một cách tự nhiên, lâu dài.