Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc “Về Với Cát Bụi”: Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó…
Trong nhạc vàng, có một ca khúc mang phảng phất triết lý Phật giáo, đó là bài hát Về Với Cát Bụi của nhạc sĩ Minh Kỳ được sáng tác vào thập niên 1960. Về sau này, nhiều trung tâm băng đĩa ghi nhầm tên bài hát thành Trở Về Cát Bụi.
Elvis Phương hát Về Với Cát Bụi
Theo quan điểm Phật giáo, con người từ hạt bụi mà tới, rồi sẽ trở lại thành cát bụi. Một kiếp phù sinh sẽ thoảng qua nhanh, và khi đó thì người giàu sang hay người nghèo khó trên đời này cuối cùng cũng sẽ thành cát bụi vĩnh hằng…
Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó.
Trời đã ban cho ta cám ơn Trời dù sống thương đau.
Mai kia chēt rồi trở về cát bụi giàu – khó như nhau.
Nào ai biết trước số phận ngày sau ông Trời sẽ trao.
Nếu thấu hiểu được ý nghĩa đó của cuộc đời, thì sẽ nhận ra rằng dầu là nhà lớn hay lầu vàng son, chức quyền cao sang hay ái tình phù du cũng nào còn ý nghĩa gì nữa, tất cả cũng sẽ tan theo cùng hư vô mà thôi:
Này nhà lớn lầu vàng son
Này lợi danh chức quyền cao sang.
Có nghĩa gì đâu sao chắc bền lâu
hay như nước trôi qua cầu.
Này lời hứa, này thủy chung,
Này tình yêu chót lưỡi đầu môi cũng thế mà thôi
Sẽ mất ngày mai như áng mây cuối trời.
Nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác ca khúc này khi ông đang cùng với nhạc sĩ Anh Bằng và Lê Dinh (nhóm Lê Minh Bằng) hợp tác với hãng dĩa Sóng Nhạc trong khoảng từ năm 1966 đến 1970. Sự hợp tác này đã mang lại những thành tựu rất to lớn không chỉ đối với nhóm Lê Minh Bằng và còn đối với cả dòng nhạc vàng miền Nam. Tuy nhiên trong quá trình hợp tác làm ăn, không tránh khỏi những hiểu lầm và trách móc giữa nhóm nhạc sĩ và ông chủ hãng Sóng Nhạc. Một trong những lần như vậy, nhạc sĩ Minh Kỳ đã sáng tác Về Với Cát Bụi, như là một lời nhắc nhở ông giám đốc hãng dĩa trong cách đối xử với anh em, bằng hữu và những người cùng làm việc chung.
Sống trên đời này tựa phù du có đây rồi lại mất.
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen.
Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em.
Người ơi nên nhớ cát bụi là ta mai này chóng qua.
Người nhớ cho ta là cát bụi trở về cát bụi
Người nhớ cho, xin người nhớ cho…
Đoạn cuối là lời gửi gắm, nhắc nhở rất ý nghĩa của tác giả. Sau này, nhạc sĩ Lê Dinh kể lại:
“Nhạc sĩ Minh Kỳ hờn giận, không nói ra mà chỉ bày tỏ bằng lời ca, nhưng ông chủ Sóng Nhạc không biết, tưởng đâu rằng nhóm Lê Minh Bằng viết bài “Về Với Cát Bụi” không phải để “nhắn nhủ” mình, mà là một bài ca nghiêng về giáo lý của nhà Phật, cuộc đời là hư không, khi nhắm mắt không đem theo được gì. Và ca khúc này được coi như một “lá thư ngỏ” gửi cho ông N.T.O, lại là một bài hát đem lại cho Minh Kỳ khá nhiều về tài chánh qua số đĩa hát tiêu thụ, với giọng ca thu đĩa lần đầu tiên của Elvis Phương và sau đó, tiếng hát của Thế Sơn làm sống lại ca khúc này ở hải ngoại”.
Thế Sơn hát
Ca khúc Về Với Cát Bụi này nổi tiếng đến nỗi có rất nhiều phiên bản nhạc chế trong dân chúng dựa theo giai điệu của bài hát để hát một cách vui vẻ mà hầu như ai cũng biết đến, nổi tiếng không kém phiên bản gốc. Thậm chí có người chỉ biết đến phiên bản chế mà không biết lời gốc.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn