Trang chủ
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và ca khúc “Trăng Mờ Bên Suối” – Tuyệt phẩm lãng mạn dành cho mối tình đầu
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh năm 1930, có nhiều sáng tác nổi tiếng từ trước năm 1954, nhưng khi nhắc đến Lê Mộng Nguyên, ai cũng đều nghĩ đến bài hát đầy lãng mạn thời tiền chiến là “Trăng Mờ Bên Suối”.
Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên còn là một giáo sư, tiến sĩ Luật và Khoa Học Chính trị, được bầu vào Hàn lâm Viện Khoa học Hải ngoại của Pháp. Một điều bất ngờ nữa là mặc dù nhạc của ông được hát và yêu thích ở trong nước suốt hơn 70 năm qua, nhưng cũng trong 70 năm đó, ông chưa từng về Việt Nam một lần nào, kể từ khi sang Pháp du học năm 1950. Lê Mộng Nguyên còn là em ruột của người đạo diễn nổi tiếng miền Nam trước 1975 là Lê Mộng Hoàng, tác giả của cuốn phim nhựa Nắng Chiều với sự tham gia của đôi diễn viên tài hoa Hùng Cường – Thanh Nga.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên tự học nhạc từ khi còn nhỏ, học đánh đàn mandoline với một người bạn học cùng lớp, sau đó còn học thêm guitar và violon. Ông sáng tác ca khúc đầu tay Xuân Tươi vào năm 15 tuổi ký bút hiệu là Lan Đào. Ngoài ra ông còn là tác giả của bài Mừng Khánh Đản, được sáng tác theo đề nghị của Thượng tọa Minh Châu vào năm 1948, nhân dịp khánh thành Chùa Từ Đàm.
Ca khúc nổi tiếng và được yêu thích nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên là Trăng Mờ Bên Suối, được viết năm 1949 khi ông mới 19 tuổi. Bài hát nói lên nỗi lòng của tác giả khi nhớ người yêu, nhớ sông Hương núi Ngự trước khi lên đường sang Pháp du học vào năm 1950.
Trong một bức thư trả lời một người bạn, Lê Mộng Nguyên viết: “Bài trăng mờ bên suối viết ngày 13 tháng 11 năm 1949 (tôi còn giữ bản thảo), một buổi chiều không mưa ở nhà một mình tôi ở Huế (đường Gia Long), với cây lục huyền cầm Y Pha nho, vừa nhạc vừa lời song song với nhau, rất mau lẹ (từ 20 đến 30 phút là xong), trong một cuốn vở có phân ly (papier millimétré) đầy ký chú những bài học Lý Hóa ở trường Khải Định”.
Bối cảnh của bài hát là ở “bên suối”, nhưng kỳ thực là tác giả viết bên bờ sông Hương và tưởng tượng đến khung cảnh lãng mạn bên dòng suối róc rách. Có lẽ nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã linh tính về một sự đau khổ trong tương lai vì phải rời xa quê cha đất tổ trong năm sau đó (1950). Thời điểm viết bài hát, nhạc sĩ đang hẹn hò với cô gái Huế người hoàng tộc đương tuổi dậy thì, hai người thường hẹn hò gặp gỡ bên bờ sông Hương, ngay trước cổng trường Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế) và Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà Trưng), là 2 trường nam sinh và nữ sinh nổi tiếng nhất của xứ Huế, cũng là khởi nguồn của nhiều mối tình thơ mộng năm xưa.
Với trí tưởng tượng phong phú của một chàng nhạc sĩ 19 tuổi, nên những lần được gặp nhau bên bờ sông Hương những lúc chiều vàng khi vào trong bài hát đã trở thành sự gặp gỡ cuối cùng bên bờ suối vắng dưới ánh trăng mờ, ngay cả hoa lá cũng động lòng nức nở khóc nỗi chia ly.
Lời hát của Trăng Mờ Bên Suối cổ điển và lãng mạn, khá giống với bài hát Suối Mơ trước đó của nhạc sĩ Văn Cao.
TRĂNG MỜ BÊN SUỐI
Lê Mộng Nguyên
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào?
Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy?
Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà.
Suối mơ, lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng người phương xa trong khói điêu tàn?
Suối ơi, vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh
Nào những lúc trên thuyền say sưa nhìn trăng vừa lên
Ai hay chia lìa, sương khói biên thùy
hiu hắt người đi sa trường xa
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ.
Ngọc Hạ hát
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên kể lại: “Tôi vừa viết xong bài hát thì anh Lê Mộng Hoàng lúc ấy mới đi chơi về, hát thử ngay với giọng ténor léger của anh rất xúc cảm, tôi quyết định gửi cho danh ca Thu Hồ (tức nhạc sĩ Thu Hồ, cha của ca sĩ Mỹ Huyền) trình bày vào mấy hôm sau trên Đài Phát thanh Pháp Á (Radio France-Asie). Ngay từ dạo ấy, Trăng Mờ Bên Suối đã sảy khỏi tay tác giả để tự làm một cuộc đời danh vọng, vượt cả không gian và thời gian”.
Tuy được viết vào cuối năm 1949, nhưng Trăng Mờ Bên Suối được xếp vào thể loại nhạc tiền chiến vì ca từ và giai điệu tương đồng với loại nhạc này.
giọng hát của nhạc sĩ Mạnh Phát, hát Trăng Mờ Bên Suối trong đĩa đá thập niên 1950
Nhạc sĩ Trịnh Hưng kể lại lúc ông còn là văn công của Việt Minh trước năm 1954, ông đã được nghe nhiều người hát Trăng Mờ Bên Suối, mặc dù lúc đó thì Việt Minh đã cấm hát nhạc lãng mạn một cách gắt gao. Trong một lá thư mà nhạc sĩ Trịnh Hưng gửi cho Lê Mộng Nguyên vào ngày 14/03/1998, ông nói:
“Năm 1952 tôi về Thành, về Hà Nội, tôi đi đờn ở Dancing cho lính Tây nhảy, họ cũng có chơi ở đó cho ai nhảy slow, và tôi về nhà có dạy một số em học sinh đờn Hawaìi, họ học được ba tháng là thế nào cũng bắt tôi dạy họ bài Trăng Mờ Bên Suối của anh. Vì vậy tôi cứ tưởng là anh nhiều tuổi lắm. Khi đó tôi mới ngoài 20, tôi tưởng là một người làm được bài nhạc đó chắc là đã lớn rồi, chứ đâu có ngờ anh còn quá trẻ mà viết nhạc thành công quá sớm. Rồi vào Saigon thì bài nhạc đó cũng thịnh hành. Không một thanh niên hay thiếu nữ nào không biết đến và yêu thích Trăng Mờ Bên Suối”
nhacxua.vn biên soạn