Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài hát “Rồi Mai Tôi Đưa Em” qua lời tâm sự của nhạc sĩ Trường Sa: “Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn…”
Nhạc sĩ Trường Sa từng nói rằng trong số những nhạc phẩm nổi tiếng của mình, ông tâm đắc nhất với ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em:
“Lý do là bài này ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt với đầy ắp những kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Ngoài ra, bài hát cũng được chép tay đề tặng. Ngày nay ở phương trời nào đó, biết đâu vẫn còn người yêu mến trong lặng lẽ. Bài Rồi Mai Tôi Đưa Em sử dụng cung Do trưởng, không quá lê thê u buồn, và tôi vẫn luôn nghĩ rằng nó chuyên chở những kỷ niệm thật đẹp trong một phần đời, một chuyện lòng khó phai nhạt với thời gian. Rồi Mai Tôi Đưa Em cũng mang một chút âm hưởng thánh ca ở câu kết, tôi vẫn thỉnh thoảng trầm ngâm một mình: “Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn – Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng”.
Qua những lời tâm sự đó của tác giả, chúng ta có thể hình dung tâm trạng của chàng trai trong bài hát cũng chính là tâm trạng của nhạc sĩ Trường Sa sau một “chuyện lòng khó nhạt phai”.
Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm
Xin lời cuối không dối gian trong mắt em
Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm
Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu
Những lời hát trầm buồn, chậm rãi của ca từ như một đoạn phim chiếu chậm lướt nhẹ qua một đoạn đường vắng lạnh, u buồn của dòng tâm trạng, rồi đột ngột dừng lại ở một khung hình nơi căn gác vắng. Ở nơi đó có một đôi tình nhân đang lặng ngồi bên cửa. Bên ngoài mưa vẫn đang rả rích, trận mưa dầm có lẽ đã bắt đầu từ rất lâu. Giây phút cuối tạ từ, nên tâm trạng người không thể tránh khỏi những lạnh lẽo, u buồn, nhưng những thanh âm gợi cảm của mưa, của những tia nước mát lạnh thỉnh thoảng rơi vào căn gác để ve vuốt nhè nhẹ trên mặt, trên môi, trên mắt, không ngừng gợi nhớ những kỷ niệm “chăn chiếu” xưa kia.
Nhưng càng nhớ lại càng đau, càng thương lại càng buồn, bởi hiện thực buồn trước mắt, bởi “Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm”. Chỉ ngày mai thôi, những người yêu nhau sẽ phải đưa nhau đi, tiễn biệt nhau trên một cung đường không hẹn ngày tái ngộ. Xa nhau, nhưng vẫn xin một “lời cuối không dối gian trong mắt em”, xin được nghe những lời cuối cùng chân thật nhất từ người. Bởi tình yêu đã đi qua quá nhiều bão tố, thêm dối gian chỉ càng “nghe buồn thêm” mà thôi…
Trên chương trình Paris By Night, nhạc sĩ Trường Sa kể rằng ông viết ca khúc này để tiễn đưa một người con gái, một mối tình sâu đậm. Đó là mối tình tội lỗi vì lúc đó ông đã có vợ con, nên vì luân lý, vì tình yêu gia đình, ông đã gạt nước mắt nói lời chia ly, đưa người rời xa kỷ niệm êm đềm…
Còn đây không gian xưa quen gót lầy
Bên hè phố cây lá thưa chim đã bay
Ngồi nghe yêu thương đi xa tầm tay
Giữa tiếng ru trầm vào cơn mê này
Nhạc sĩ Trường Sa nói rằng khung cảnh trong bài hát là một con đường rất nhỏ ở phía sau chợ Bà Chiểu, nơi sinh sống của người con gái, trên đường Bùi Hữu Nghĩa có những hàng cây cao mát.
Tả gót chân người tình, thường là những gót sen, gót ngọc, gót hồng, chứ chưa thấy ai ghi “gót lầy”. Ghi như vậy, phải chăng nhạc sĩ cố ý nhắc người yêu nhớ tới khoảng thời gian yêu đương mặn nồng cũ. Đó là những gót chân đưa tiễn nhau vương vấn, quấn quít không muốn rời xa khi đôi tình nhân xưa đã cùng sa “lầy” vào tim nhau.
Không gian xưa cũ còn đây, những kỷ niệm yêu đương êm đềm vẫn ngập tràn, nhưng tình yêu của em thì đã vỗ cánh bay đi tự bao giờ tựa như cánh chim bên hè phố: “Bên hè phố cây lá thưa chim đã bay”. Chỉ còn anh ngồi lại đây “nghe yêu thương đi xa tầm tay”, không thể nào níu giữ được. Trong sự bất lực và vô vọng, chàng trai chìm vào dòng hồi ức của những kỷ niệm tươi đẹp khi xưa, trầm vào cơn mê của ký ức để một lần nữa được sống lại những giờ phút hạnh phúc cũ. Đó là những ngày tháng đắm mê, say sưa trong men tình.
Thời gian đầu của sự nghiệp, nhạc sĩ Trường Sa sáng tác những ca khúc đại chúng, như Một Lần Xa Bến năm 1964, sau đó là Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo. Sau đó ông chuyển hướng sang viết nhạc tình ca lãng mạn, và ra mắt bài hát đầu tiên là Mùa Thu Trong Mưa năm 1968. Tuy nhiên trước đó 1 năm, ông đã thai nghén ca khúc đầu tiên của thể loại này, chính là Rồi Mai Tôi Đưa Em, rồi phát hành đến công chúng năm 1969.
Nhạc sĩ Trường Sa chia sẻ rằng ông phải mất đến gần 2 năm mới hoàn thành ca khúc này. Từng lời ca được chắt lọc thật kỹ lưỡng, hoàn hảo để cho ra đời một khúc nhạc xứng đáng. Bởi vì ca khúc là nơi ông gửi gắm, để “chuyên chở những kỷ niệm thật đẹp trong một phần đời, một chuyện lòng khó phai nhạt với thời gian” của chính mình. Hơn nữa, Rồi Mai Tôi Đưa Em có thể xem là “ca khúc đầu tay” thuộc thể loại tình ca của nhạc sĩ Trường Sa, cho nên ông trân trọng, nâng niu, ưu ái bài hát này hơn những tình khúc khác cũng là một điều dễ hiểu.
Chiều xưa em qua đây ru hồn nắng ngủ say
Lời yêu trót đong đầy…
Trong cuộc đời mỗi người, khi đi qua tình yêu, ai rồi cũng sẽ có những khoảng khắc “ru hồn nắng ngủ say” khó có thể tìm lại lần thứ 2 trong đời. Nhưng thật tiếc, mối tình trong bài hát dù mê say nhưng rất ngắn ngủi:
Đón em thu mây bay tiễn em xuân chưa phai
Xót ngày vàng còn gì
Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước
Câu hát “đón em thu mây bay, tiễn em xuân chưa phai” khiến người nghe hình dung đến một khoảng thời gian yêu đương vô cùng ngắn ngủi, chỉ chừng vài tháng từ mùa thu đến giữa mùa xuân. Câu hát này cũng thể hiện được sự tinh tế, khéo léo đặc biệt trong lựa chọn câu chữ của nhạc sĩ. “Đón em thu mây bay” dường như là nói đến một khởi đầu tình yêu vô cùng lãng mạn, yêu thương, trân trọng, nâng niu, đưa đón nhau. Và “tiễn em xuân chưa phai”, bởi dù tiễn đưa, ly biệt, nhưng mùa xuân tình yêu vẫn còn đó, chưa hề phai nhạt trong trái tim anh.
Vì vậy nên anh mới xót xa, đau đớn bội phần: “xót ngày vàng còn gì”, nhưng vẫn phải “Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước”. Không phải là đoạn tuyệt nhau trong oán hận, sầu bi, mà là “đành đoạn” vô cùng đau khổ và luyến tiếc.
Rồi mai chân hoang vu trên phố gầy
Tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay
Chàng trai sau những hồi tưởng về quá khứ thương yêu đầy lưu luyến, lại bất chợt nghĩ đến những ngày sắp tới “không có em”. Nghĩ đến những bước “chân hoang vu” cô độc rải bước trên những lối phố buồn gầy, để rồi về “nhớ trong mắt môi đã đắng cay”. Chỉ nghĩ đến thôi đã đau đớn vô trùng. Đau bởi vì yêu, bởi vì còn mong kề cận nhau.
Trong khúc nhạc tình buồn của mình, Trường Sa viết nhiều ngôn từ rất lạ, chưa từng xuất hiện trong thơ ca trước đó: gót lầy, đành đoạn, chân hoang vu, phố gầy, giấc xuân muộn,… Lạ nhưng thật giản dị, thuần Việt. Đó là cái hay, cái tài của người nhạc sĩ để rồi những nhạc phẩm của ông đi vào lòng giới mộ điệu thật nhẹ nhàng, sâu lắng và sống mãi với tâm hồn nhiều thế hệ yêu nhạc.
Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn
Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng
Hai câu hát kết lại đầy tiếc nuối về một “giấc xuân” đã muộn màng, bởi chẳng “Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn”…
Toàn bộ ca khúc tựa như một thước phim đặc biệt, mà những nhân vật chính chỉ ngồi đó trong một khung hình duy nhất là bên ô cửa trên căn gác vắng lặng. Chàng trai ngồi quay ngang lúc nhìn lên khuôn mặt cô gái, lúc ôm đầu cúi xuống chìm đắm trong dòng tâm tư hoài niệm, lúc lại quay mặt, đưa mắt nhìn trân trân ra ngoài trời. Nỗi u buồn hằn sâu trên gương mặt. Cô gái cũng xuất hiện trong khung hình đó, nhưng chỉ là một dáng lưng mềm mại đầy nữ tính, quay lưng hoàn toàn vào góc máy. Cô ngồi bất động, không hề lên tiếng trong suốt cuộn phim. Dường như, nhạc sĩ Trường Sa đã cố gắng giấu đi bóng dáng của người tình, giấu đi dấu vết của cuộc tình đẹp u buồn đó, rồi chôn chặt nó trong sâu thẳm trái tim mình.
Nhắc đến nhạc sĩ Trường Sa, nhất định phải nhắc đến “tiếng hát vàng mười” nữ danh ca Lệ Thu. Người đã góp phần thăng hoa những tình khúc của Trường Sa và đưa tên tuổi ông đến gần hơn với người hâm mộ. Lệ Thu cũng là nữ ca sĩ đầu tiên trình diễn thành công các ca khúc của nhạc sĩ Trường Sa:
Lệ Thu hát trước 1975
Trước năm 1975, danh ca Thái Thanh cũng có thu âm ca khúc này vào khoảng đầu thập niên 1970:
Thái Thanh hát trước 1975
Tuy nhiên, phiên bản hay nhất của Rồi Mai Tôi Đưa Em có lẽ là Khánh Ly sau năm 1975, với giọng hát chuyên chở được nỗi buồn trầm nặng, sâu lắng, và phần hòa âm đỉnh cao:
Khánh Ly hát
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn