Có lẽ những ai yêu nhạc vàng thì ít nhiều đều biết đến nhóm sáng tác huyền thoại Lê Minh Bằng với bộ ba nhạc sĩ nổi tiếng gồm Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng với nhiều ca bất hủ như Đêm nguyện cầu, Chuyện tình Lan và Điệp, Chỉ hai đứa mình,…

Trong một lần phỏng vấn cùng với Điệp Mỹ Linh năm 2015, nhạc sĩ Lê Dinh đã trải lòng rất nhiều về cuộc đời ông và nhóm sáng tác Lê Minh Bằng với những thông tin thú vị mà có thể không nhiều người biết. Dưới đây là một đoạn trích trong bài phỏng vấn:
Thưa nhạc sĩ Lê Dinh nguyên nhân hay động lực nào thúc đẩy anh cùng nhạc sĩ Minh Kỳ, nhạc sĩ Anh Bằng thành lập nên nhóm sáng tác Lê Minh Bằng?
Trước khi quen biết nhau, mỗi người trong chúng tôi đều đã có những tác phẩm riêng rẽ của mình rồi. Nhưng tôi nghĩ, cứ mãi viết chung 2 người – giữa tôi với nhạc sĩ Minh Kỳ hay giữa tôi với nhạc sĩ Anh Bằng – thì không có lợi, cũng không hay hơn, không mạnh hơn việc 3 người cùng hợp tác với nhau để sáng tác. Thế là chúng tôi kết hợp, lấy tên chung là Lê Minh Bằng, tên của 3 thành viên ghép lại.

Nhưng có một điểm ít người biết là, ngoài biệt danh Lê Minh Bằng chúng tôi còn có rất nhiều biệt danh khác như Mai Thiết Lĩnh, Trúc Ly, Phương Trà, Mạc Phong Linh, Phương Trà,… Lúc sáng tác, bài hát nào chúng tôi dự đoán không được thính giả tha thiết, hay nói cách khác là không “ăn khách” thì sẽ đề tên một trong những biệt danh đó. Nhưng không ngờ, những bài ấy lại là những bài được công chúng yêu thích, được ấn hành đến cả trăm ngàn bài như “Chuyện tình Lan và Điệp”, “Linh hồn tượng đá”,…
Xin anh cho biết những kỉ niệm đáng nhớ nhất giữa anh, nhạc sĩ Anh Bằng và Minh Kỳ?
Trong suốt 9 năm hoạt động nhóm cùng nhau, chúng tôi chung sống với nhau rất vui vẻ, hòa thuận. Tôi là người miền Nam, anh Anh Bằng là người miền Bắc còn anh Minh Kỳ là hoàng tộc Huế, cứ thế Nam Trung Bắc hợp thành một nhóm rất hài hòa.
Nhắc về một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong nhóm thì chắc là nguồn gốc của ca khúc “Linh Hồn Tượng Đá”, chuyện là: Một hôm cuối tuần, anh Minh Kỳ, anh Anh Bằng và tôi rủ nhau ra Vũng Tàu chơi cho khuây khỏa và cũng để tìm cảm hứng sáng tác ca khúc mới.
Khi xe chúng tôi đến bãi Trước, chỗ Ty Bưu Điện, thì bắt gặp ba cô gái mặc áo dài đang đi dưới cái nắng trưa của Vũng Tàu. Khi ấy, anh Bằng lái xe, anh Minh Kỳ thì ngồi phía trước. Bất ngờ anh Minh Kỳ quay sang nói với anh Anh Bằng rằng: “Bằng, Bằng dừng xe lại cho ba cô đó lên xe đi chung với mình đi. Tội quá, trời trưa nắng như vầy mà ba cô đi bộ, tội lắm!”

Vì tính có phần hơi nhút nhát, nghe vậy anh Bằng lắc đầu bảo: “Thôi, ông đi đi, tôi không đi đâu, ngại lắm”.
Anh Minh Kỳ nói: “Thế dừng xe lại đi, để “moi” đi cho”.
Nghe vậy, chúng tôi lái xe chở ba cô ra bãi Sau. Lúc ấy trời cũng trưa nên chúng tôi mời ba cô vào quán dùng cơm trưa luôn. Ăn uống xong, ba cô sinh viên xuống mé biển tìm sứa. Sau đó chúng tôi đưa ba cô ấy ra bến xe Vũng Tàu để bắt xe về lại Sài Gòn. Đêm đó chúng tôi ở lại một khách sạn ở Vũng Tàu, lúc ngồi lại với nhau, anh Anh Bằng là người đề xướng việc viết bài “Linh Hồn Tượng Đá” và chúng tôi thống nhất lấy tên tác giả là tên của 3 cô ghép lại chính là “Mai Bích Dung”.
Linh cảm dồi dào, thế là chúng tôi cùng hoàn tất bài “Linh Hồn Tượng Đá” ngay đêm đó. Mặc dù, trong bài hát có câu “Không bao giờ gặp lại lần thứ hai”, nhưng thật ra chỉ đúng với tôi và anh Minh Kỳ thôi. còn anh Anh Bằng thì sau khi bài hát phát hành anh đã mang đến trường tìm gặp ba cô và tặng cho mỗi người một bản làm kỷ niệm.
Bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau tôi mới biết rằng, cô Mai – tên thật là Mai Xuân Lan hiện đang sống ở tiểu bang Ohio, thành phố Cleveland. Cô Bích thì ở tiểu bang Arizona, còn cô Dung thì vẫn ở Việt Nam. Hiện chỉ có cô Mai Xuân Lan là vẫn thỉnh thoảng liên lạc với tôi.