Trang chủ
Những suy niệm về cuộc đời qua ca khúc “Tuổi Đá Buồn” của Trịnh Công Sơn: “Tuổi buồn như lá gió mãi cuốn đi…”
Những năm tháng dạy học ở Bảo Lộc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng bạn thuê trọ tại một căn biệt thự nhỏ nằm trên đồi. Trịnh Công Sơn ở trong một căn phòng nhỏ, có ô cửa sổ nhìn ra con đường dốc quanh co trước nhà – Con đường dẫn tới một nhà thờ nhỏ trong vùng. Chính từ ô cửa sổ này, Trịnh Công Sơn đã ngồi nhìn những cơn mưa trút xuống, những đám mây mù phủ kín lối đi và viết nên những ca khúc để đời như Tuổi Đá Buồn, Mưa Hồng, Lời Buồn Thánh, Chiều Một Mình Qua Phố… Trong đó, Tuổi Đá Buồn là một ca khúc khá đặc biệt, được rất nhiều người yêu thích.
Khánh Ly hát Tuổi Đá Buồn
Tuổi Đá Buồn là gì? Ngay từ tựa đề ca khúc đã nghe trĩu nặng những tâm tư sầu muộn. Phải chăng, Trịnh Công Sơn đã nhìn thấy gì đó từ ô cửa sổ phòng ông? Xin hãy nghe lời hát:
Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn, em mang em mang
Đi về giáo đường
Ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai
Đóa hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em nồng nàn
Ru em nồng nàn
Trời còn làm mây, mây trôi lang thang
Sợi tóc em bồng, trôi nhanh trôi nhanh
Như giòng nước hiền
Ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai
Đóa hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em giận hờn
Ru em giận hờn
Những ca từ lơ đãng, nhẹ nhàng, ẩn mật, mơ hồ như sương khói thả xuống lời hát, bao bọc lấy cô gái đi về mỗi ngày chủ nhật đẹp và buồn đến nao lòng. Cũng con đường đó, cô gái đó, ngày chủ nhật, đường phố dài, những cơn mưa, những đám mây, ngôi giáo đường,… Trong bức tranh bàng bạc nỗi buồn tưởng chừng chẳng có gì đổi khác, thực ra đã đổi khác tự bao giờ. Cô gái đã không còn cài hoa trên tóc, đóa hồng hờ hững tưởng đã bị vùi quên trong tay. Em nồng nàn của khi trước đã thành em giận hờn tự bao giờ. Điều gì làm em thay đổi? Phải chăng là tình yêu? Có lẽ chỉ có tình yêu mới mang đến cho em nhiều luồng tâm trạng trái ngược, lạ kỳ như vậy, khi nồng nàn khi hờn giận rồi lại hững hờ băng lạnh lúc nào không hay:
Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi
Từng phiến băng dài trên hai tay xuôi
Tuổi buồn em mang đi trong hư vô
Ngày qua hững hờ
Trong số những ca khúc được nhạc sĩ họ Trịnh viết tại Bảo Lộc, Tuổi Đá Buồn giống như một “phiên bản âm nhạc” của những cơn mưa dầm dề quanh năm, suốt tháng tại vùng đất này. Trên khắp Việt Nam, có lẽ hiếm có nơi nào mưa nhiều hơn Bảo Lộc. Mùa mưa kéo dài hơn 6 tháng, suốt từ tháng 4 đến tận tháng 11. Đó là chỉ tính thời gian mưa cao điểm, có những cơn mưa lê thê, rả rích kéo dài cả tuần cả tháng không ngớt. Còn bình thường trong năm, Bảo Lộc vẫn đón những cơn mưa bất chợt không cần biết là mùa nào. Và Tuổi Đá Buồn được viết trên cái nền giai điệu rả rích, dầm dề đó của những cơn mưa.
Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi
Từng phiến mây hồng, em mang trên vai
Tuổi buồn như lá
Gió mãi cuốn đi
Quay tận cuối trời
Có lẽ vì chính cái giai điệu lê thê rả rích đó mà cả ca khúc từ đầu đến cuối, cứ giăng mắc, vương mang một nỗi buồn không thể xoá bỏ, không thể thoát ra, càng ngày càng nặng nề, càng nhấn sâu hơn.
Trời còn làm mưa, mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần, em quên em quên
Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi
Em gầy ngón dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em muộn phiền
Ru em bạc lòng
Vẫn cung đường đó, vẫn những ngày chủ nhật buồn rơi nhưng cô gái chẳng còn ngang qua nữa. Câu hát “Từng gót chân trần, em quên em quên. Ôi miền giáo đường!” cất lên như tiếng kêu than giật mình thảng thốt. Em đã quên thật rồi, quên mất “miền giáo đường” mà em hằng tôn thờ, thành kính đi về, quên cả “gót chân trần” của chính mình. Phải chăng nỗi đau đã khiến trái tim em bị mù lấp, băng lạnh, không còn thấy ánh sáng của giáo đường. Đoá hoa hồng tươi thắm chẳng còn trên tóc em, trên tay em mà đã rũa tàn trên những môi hôn. Tình yêu đã không còn hiện diện trong trái tim. Giáo đường tình yêu đã sụp đổ. Em đã chẳng còn cầu nguyện, mong mỏi điều gì nữa.
Đến đây, thì ta chợt hiểu, tại sao nhạc sĩ lại đặt tên ca khúc là Tuổi Đá Buồn. Một thứ “tuổi” vô hình, không hiện hữu, không thể đong đếm bằng năm tháng nhưng khi nó xuất hiện là lúc trái tim con người đã băng lạnh, hững hờ, chai sần như đá. Một viên đá buồn, lăn lóc vô định trong trò chơi của định mệnh.
Tuổi Đá Buồn có thể xem là một ca khúc viết về thân phận con người với nỗi buồn mênh mang sâu thẳm. Thấp thoáng trong lời hát, ta nghe văng vẳng đâu đó những tiếng kêu than, thở dài của những phận người đang vẫy vùng trong vòng xoáy của tình yêu, của thời gian, của tuổi đời, của những nổi trôi, khuấy động, những biến thiên trong đời sống. Nhưng cũng trong lời hát, ta nghe những “lời ru miệt mài” của Trịnh. Đó là:
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em nồng nàn
Ru em nồng nàn
…
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em giận hờn
Ru em giận hờn
…
Em gầy ngón dài, lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em muộn phiền
Ru em bạc lòng
Như trong rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, ta lại bắt gặp những lời ru. Tại sao lại ru? Phải chăng ru ngủ để quên đi, để không còn nhớ nữa những “muộn phiền”, những “bạc lòng”, những “giận hờn”. Không đâu, bởi Trịnh ru cả những “nồng nàn”, ru cả khi em đang thăng hoa hạnh phúc. Ấy là bởi, Trịnh không ru để ngủ, để không còn biết gì, mà ru để tĩnh, để bình an. Chỉ có sự bình an trong tâm thức mới là thứ bình an vĩnh cửu, hạnh phúc vĩnh cửu. Chỉ có cách đó, con người mới thoát khỏi những vòng xoáy nghiệt ngã của đời sống, của thân phận.
Nếu chỉ nghe một lần và hỏi Tuổi Đá Buồn viết về điều gì, chẳng dễ dàng tóm lược được nội dung ca khúc, bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chủ tâm kể một câu chuyện. Ông viết nhạc như hoạ một bức tranh với vài nét chấm phá đầy ngẫu hứng và tự do, rồi treo bức tranh đó lên mặc người đời khen chê, bình phẩm, chẳng một lời giải thích. Nếu có ai hỏi Trịnh Công Sơn về ý nghĩa của một hình ảnh nào trong nhạc Trịnh, thỉnh thoảng ông sẽ kể chút chút về những liên tưởng và trải nghiệm của mình, hoặc thông thường ông sẽ chỉ mỉm cười.
Dường như ông thích những khoảng trống, những giây phút suy tư, ông không nhồi vào tâm tưởng người nghe những ý niệm khép kín mà để họ tự cảm nhận, tự tâm đắc, tự đúc rút bằng những trải nghiệm của chính họ. Nghe nhạc Trịnh giống như thưởng ngoạn một bức tranh, mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng, hoặc trầm trồ ngưỡng mộ, hoặc nhạt nhẽo lơ đễnh, hoặc phấn chân vui tươi hoặc rưng rưng xúc động,.. Trịnh không giành mất phần không gian riêng tư đó của người thưởng ngoạn. Vậy nên, hãy nghe thật kỹ, ngẫm thật sâu, biết đâu trong đó, bạn sẽ tìm được điều gì đó quý báu chưa từng ai thấy được.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn