Trang chủ
Nhạc sĩ Song Ngọc và ca khúc “Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân”- Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên…
Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Song Ngọc được ký với bút danh là Hàn Sinh.
“Cố nhân” là tên gọi một cách văn chương của “người xưa”. Cố nhân đó có thể là người yêu cũ, là người đã từng cùng nhau trải qua một thời yêu dấu nhưng rồi phải lìa xa.
Trong văn thơ ngày xưa thường thấy 2 chữ “cố nhân”. Từ thời tiền chiến thì Nguyễn Bình đã viết bài thơ mang tên Hương Cố Nhân. Sau đó không lâu, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn cũng có soạn 1 ca khúc cùng tên là Hương Cố Nhân. Nhạc sĩ Cung Tiến cũng đã viết trong bài Hoài Cảm: Buổi chiều chợt nhớ cố nhân, sương buồn lắng qua hoàng hôn, gần như là cùng thời điểm với bài Lá Đổ Muôn Chiều (Đoàn Chuẩn): Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi…
Hai chữ “cố nhân” thoáng nét cổ phong đó vừa gợi được nỗi buồn, lại thi vị, nên sang đến thập niên 1960 đã được các nhạc sĩ nhạc vàng sử dụng phổ biến. Nhạc sĩ Thanh Sơn đã nhắc tới cố nhân trong bài Ba Tháng Tạ Từ: Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không…, còn nhạc sĩ Duy Khánh cũng gọi bút nghiên thành cố nhân: Và bút nghiên là cố nhân thôi… trong bài Mùa Chia Tay… Sau này nhạc sĩ Lam Phương cũng đã gọi: Hỡi cố nhân ơi chuyện thần tiên xa vời… trong bài Cỏ Úa, và nhiều bài hát khác nữa, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến là 2 ca khúc Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân và Gặp Lại Cố Nhân, cùng được nhạc sĩ Song Ngọc:
Thanh Thúy hát Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân trước 1975
Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắc trời mưa phố xưa buồn tênh
Gót mòn tìm dư hương ngày xưa
Bao nhiêu kỷ niệm êm ái
Một tình yêu thoát trên tầm tay
Tôi trở về đây với con đường xưa
Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?
Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa
Công viên lạnh lùng hoang vắng
Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu…
Bài hát là lời tâm tình của một người lữ khách trở về chốn cũ đường xưa trong một đêm mưa buồn hiu hắt, lòng dâng lên nỗi buồn tiếc nuối khi nhớ lại dư hương ngày cũ, tất cả đã thành kỷ niệm trôi xa khỏi tầm tay.
Đứng giữa công viên hẹn hò thân quen ngày xưa, trong cơn mộng mị mơ hồ, người như là thấy lại thấp thoáng đôi tình nhân năm cũ đang trao cho nhau những ngọt ngào âu yếm. Nhưng rồi khi choàng tỉnh cơn mê và nhìn lại vùng không gian cô quạnh hoang liêu, chỉ thấy hàng ghế đá thân quen vẫn lạnh lẽo dưới ánh đèn vàng hiu hắt cúi đầu lặng im.
Thu đến thu đi cho lá vàng lại bay
Em theo bước về nhà ai
Ân tình xưa đã lỡ
Thời gian nào bôi xóa
Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên.
Thời gian qua đi, người xưa thì đã cất bước theo chồng trong một mùa thu úa lá, bỏ lại sau lưng những ân tình lỡ làng. Dù thời gian có qua bao lâu, có bôi xóa đi bao nhiêu chuyện cũ, thì những kỷ niệm với mối tình đầu thơ ngây cũng không ai có thể nào đành lòng quên được.
Vì vậy trong đêm buồn có một bóng người đang bước dưới mưa và nhớ lại những kỷ niệm xưa nồng ấm, chợt nghe mặn môi vì nước mắt tủi buồn đã hòa vào trong làn mưa lạnh tự lúc nào:
Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu.
Hương Lan hát Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân trước 1975
Sau thành công với bài hát Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân, nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác thêm 1 ca khúc mang tên Gặp Lại Cố Nhân, được yêu với giọng ca Giang Tử vào đầu thập niên 1970:
Giang Tử hát Gặp Lại Cố Nhân trước 1975
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)