HỒ SƠ TIỂU SỬ NHẠC SĨ HUY DU
- Tên thật: Nguyễn Huy Du
- Nghệ danh: Huy Du, Huy Cầm
- Ngày sinh: 1926 – 2007
- Quê quán: xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
- Thể loại sáng tác: Nhạc đỏ, nhạc kịch, nhạc phim
- Ca khúc nổi tiếng: Đường chúng ta đi, Anh vẫn hành quên, Nổi lửa lên em,…
- Ca sĩ trình bày thành công nhất: Thanh Tuyền, Thanh Thúy, Anh Thơ, Bích Việt,…
- Thời gian hoạt động: 1945 – 2007
Nhạc sĩ Huy Du là ai?
Nhạc sĩ Huy Du tên khai sinh là Nguyễn Huy Du, sinh ngày 1/12/1926, tại xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con thứ 2 trong một gia đình có 10 anh chị em. Cha nhạc sĩ Huy Du là nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng, khi cha ông chuyển công tác về Hà Nội, ông cũng theo cha sống và học tập ở Hà Nội. Tại đây, nhạc sĩ Huy Du bắt đầu được học piano và violon.
Năm 1944, nhạc sĩ Huy Du tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc, đến năm 1945 ông nhập ngũ và bắt đầu hoạt động trong Đội tuyên truyền vũ trang, tham gia in ấn thạch bản các bài ca cách mạng cho quần chúng. Từ năm 1947 đến 1949, Huy Du dạy học ở trường Thiếu sinh quân liên khu III và làm trường đoàn Văn công Bộ tư lệnh Liên khu III rồi tiếp tục làm Trưởng đoàn văn công Sư đoàn 320 vào năm 1951.
Trong giai đoạn này, nhạc sĩ Huy Du bắt đầu sáng tác nhạc, ca khúc đầu tay của ông là bài “Sóng nước Ngọc Tuyền” được lấy cảm hứng từ ca khúc “Thiên thai” của nhạc sĩ Văn Cao. Những ca khúc như “Ba Vì năm xưa”, “Sẽ về thủ đô”, “Tôi yêu hòa bình”,… cũng được ông sáng tác trong lúc hoạt động âm nhạc tại Liên khu III.
Từ 1956 đến 1962, nhạc sĩ Huy Du học chuyên sâu về âm nhạc tại Nhạc viện Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian học tại Bắc Kinh, ông đã sáng tác ca khúc “Hoa mộc miên” dựa trên chủ đề tình hữu trị anh em giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc (lúc này quan hệ giữa hai nước vẫn rất thân thiết). Sau đó, ông về nước làm việc tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị đến năm 1977 và khả năng sáng tác của nhạc sĩ Huy Du bắt đầu nở rộ. Những ca khúc như “Tình em”, “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Tôi ca mãi đời anh”,… đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng và được đón nhận rất nhiệt tình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những ca khúc do nhạc sĩ Huy Du sáng tác đã được phổ biến rộng rãi, âm hưởng của những bài ca ấy vẫn vang vọng cho đến tận ngày nay như: “Anh vẫn hành quân”, “Chưa hết giặc ta chưa về”, “Nổi lửa lên em”,…
Nhạc sĩ Huy Du từng là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá III, Đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục Quốc hội khoá VIII. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Mãi đến năm 1990, ông mới chính thức nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Huy Du vẫn miệt mài sáng tác, ngay cả những ngày nằm trên giường bệnh lúc cuối đời, ông vẫn viết nhạc với mong muốn cống hiến cho đời.
Đến ngày 17/12/2007, nhạc sĩ Huy Du qua đời tại Bệnh viện Hữu Nghị, sau 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, hưởng thọ 81 tuổi.
Hậu phương vững chắc của người nhạc sĩ mặc áo lính – Huy Du
Vợ của nhạc sĩ Huy Du là PGS TS, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung. Cả một đời gắn bó, bà đã mang đến cho nhạc sĩ Huy Du sức mạnh của gia đình, niềm vui của người nghệ sĩ và cả những ngọt bùi sẻ chia của yêu thương, chăm sóc trong đời sống lẫn công việc. Bà Nhung không chỉ là vợ, mà còn là người đồng nghiệp mà cả đời nhạc sĩ Huy Du trân quý.
Nhạc sĩ Huy Du và vợ nên duyên từ chiếc đàn piano. Chuyện là, Huy Du là bạn của các anh trai bà Nhung và được các anh nhờ dạy piano cho cô em gái. Mưa dầm thấm lâu, cả hai dần dần có cảm tình và chính thức nên duyên vợ chồng vào năm 1958. Đến năm 1963, cả hai có với nhau đứa con gái đầu lòng. Rồi sau đó, nhạc sĩ Huy Du lại đi chiến trường, hơn 10 năm sau trở về cả hai mới có thêm đứa con trai thứ hai.
Mấy chục năm chung sống với nhau, cả hai ông bà đều rất vì nhau để vừa chăm lo cho gia đình, vừa phấn đấu trong sự nghiệp. Khi ông ở chiến trường thì bà Nhung ở nhà chăm sóc, nuôi nấng con cái để chồng yên tâm công tác. Và ngược lại, khi bà đành thời gian cho việc học tập, sáng tác thì ông Huy Du lại dành thời gian ở bên con, lo việc nhà cửa để bà yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp. Cứ thế, cả hai cùng đồng hành, hỗ trợ nhau, cho nhau điểm tựa để cùng phát triển.
Thật sự hiếm có một gia đình nào mà cả hai người nghệ sĩ lại có thể có sự cân bình tuyệt vời như bà Nhung và ông Du. Họ vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp, lại vừa là những người nghệ sĩ cùng nhau vun đắp cho tổ ấm của riêng mình.
Nhạc sĩ Huy Du – Bản hùng ca của người lính
Nhạc sĩ Huy Du là người con của đất Kinh Bắc, từ nhỏ đã theo các liền anh liền chị lên đồi nghe hát, cứ thế ông lớn lên cùng những điệu dân ca quan họ ngọt ngào. Chẳng thế mà trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Huy Du tâm sự: “Ảnh hưởng lớn nhất đến sáng tác của tôi chính là nơi tôi sinh ra, quê hương của những bài ca quan họ”.
Cứ thế, âm nhạc ngấm dần vào trái tim, tâm hồn của người nhạc sĩ tài hoa. Đến khi trưởng thành, ông lại tự mò mẫm để học chơi những bản nhạc tây cho bằng được. Đến thập niên 40, phong trào sáng tác những bản nhạc lãng mạn bùng nổ, nhạc sĩ Huy Du cũng học theo và bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Mãi đến khi trở thành chiến sĩ quân đội, tham gia hoạt động âm nhạc tại Liên khu III, những sáng tác của nhạc sĩ Huy Du mới được công chúng chú ý và yêu thích, đặc biệt là những bài như “Ba vì năm xưa”, “Sẽ về Thủ Đô”, “Những gác chuông giáo đường”, “Tôi yêu hòa bình”,… Đấy là thời kháng chiến chống pháp.
Đến khi hòa bình lặp lại, nhạc sĩ Huy Du mới bắt đầu học nhạc một cách bài bản, mặc dù trước đấy ông đã là thầy dạy nhạc cho các thiếu sinh quân, rồi làm Trưởng đoàn văn công quân đội. Nhưng Huy Du vẫn quyết định theo học tại Nhạc viện Bắc Kinh trong vòng 6 năm từ 1956 đến 1962.
Nhờ sự nỗ lực, không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân, âm nhạc của Huy Du đã thực sự bùng nổ trong thời kháng chiến chống Mỹ. Những ca khúc của nhạc sĩ Huy Du trong giai đoạn này đều có sức cảm hóa, lay động lòng sâu sắc người bởi tính trữ tình mà hào hùng của nó. Âm hưởng của những bài hát này vẫn vang vọng mãi cho đến ngày nay như “Thề bảo vệ Tổ quốc”, “Anh vẫn hành quân”, “Chưa hết giặc ta chưa về”, “Nổi lửa lên em”, “Đường chúng ta đi”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Đêm Trường Sơn,…
Là người nhạc sĩ mặc áo lính, nên hầu hết các nhạc phẩm của Huy Du đều được sáng tác từ thực tế của cuộc kháng chiến, phản ánh mọi khía cạnh hoạt động của người lính. Viết về anh hùng lực lượng vũ trang, nhạc sĩ Huy Du có các sáng tác nổi tiếng như “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”,… Hay viết về những người lính biên cương ngoan cường đánh giặc, ông các các bài “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi”, “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”,… Kể cả những anh chị đi nuôi quân cũng được nhạc sĩ Huy Du viết tặng ca khúc sôi nổi “Nổi lửa lên em”.
Âm nhạc của nhạc sĩ Huy Du giản dị, dễ nghe, dễ hát nhưng lại rất sâu sắc, có tầm tư tưởng khái quát cao và đặc biệt không khô cứng. Chất “chính luận” và chất “trữ tình” là hai yếu tố nổi bật, rõ nét luôn hoàn quyện một cách chặt chẽ và nhuần nhuyễn trong nhạc phẩm của Huy Du. Trong bom đạn chiến tranh ác liệt, những ca khúc của Huy Du vang lên hùng tráng, thôi thúc những người chiến sĩ hành quân ra trận, dốc hết sức mình chiến đấu để bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ những người thân yêu.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng đánh giá về âm nhạc của Huy Du như sau: “Huy Du là một nhạc sĩ rất đa dạng, ngay từ những năm 60 ông đã sáng tác những bài như “Mộc miên hoa ơi” về tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa rất trữ tình, rất nổi tiếng. Trước đó, ông cũng có những bài như “Ai về Thủ đô cho gửi vài lời/ Tây hồ mờ xa là nhà tôi đó”… Nhạc của nhạc sĩ Huy Du là âm nhạc lãng mạn, nó vừa thành thị nhưng cũng có tính chất lãng mạn”.
Sau này, thời bình trở lại, đất nước hoàn toàn giải phóng, âm nhạc của Huy Du cũng mang một màu sắc khác, rộn rã hơn, cũng bình yên hơn. Có thể thấy điều này ở một số bài nổi tiếng như: “Việt Nam ơi ta bước tiếp”, “Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi”. “Chiều không em”, “Người mù hát tình ca”,…
Ngoài những bài nhạc đỏ gắn liền với những năm tháng hào hùng của hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhạc sĩ Huy Du còn có những sáng tác cho thiếu nhi, nhạc thính phòng, nhạc phim và cả kịch nói. Dù là ở phương diện nào, ông cũng có những nhạc phẩm đặc sắc, in dấu đậm nét vào trái tim của những người yêu nhạc.
Kho tàng âm nhạc và những nhạc phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Huy Du
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Huy Du đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ cả về số lượng lẫn chất lượng với khoảng 400 ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau, cụ thể:
Nhạc phẩm: Anh vẫn hành quân, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Tình em, Bế Văn Đàn sống mãi, Tôi ca mãi đời anh, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Nổi lửa lên em, Đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đêm Trường Sơn, Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi, Chiều không em, Người mù hát tình ca, Biển cả quê hương, Nhớ về cửa biển, Chợ Chờ em vẫn chờ ai, Khát vọng mùa xuân, Đường chân trời, Ba Vì năm xưa, Sẽ về Thủ đô, Tiếng hát bên lò,…
Nhạc thiếu nhi: Thương con mèo, Trâu lá đa,…
Nhạc thính phòng: Miền Nam quê hương ta ơi, Kể chuyện sông Hồng, Đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát,…
Nhạc điện ảnh: Bạch Long Vĩ, Rừng o Thắm, Quảng Trị giải phóng, Đại thắng mùa xuân, Dã tràng, Tiểu Yến Ngọc,…
Nhạc kịch nói: Cố nhân, Hành trình đến tự do, Quê hương,…
Sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Huy Du
Những “bản hùng ca người lính” của nhạc sĩ Huy Du không chỉ đóng góp cho kho tàng nhạc đỏ Việt Nam những ca khúc thiêng liêng, bất hủ mà còn nhắc nhở cho bao thế hệ người Việt về một thời bom đạn, về những hy sinh, mất mát nhưng cũng vô cùng anh dũng, kiên cường của dân tộc. Những ca khúc của ông có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam suốt nửa sau thế kỷ 20, góp phần không nhỏ trong việc động viên bộ đội và nhân dân, giúp kháng chiến thắng lợi.
Về phương diện ngôn ngữ âm nhạc, có thể nói nhạc sĩ Huy Du là một trong những nhạc sĩ xuất sắc tiêu biểu nhất cho khuynh hướng “dân tộc hiện đại”. Tìm hiểu sâu về âm nhạc của ông, lớp nhạc sĩ hậu thể có thể học tập được rất nhiều điều về cách khai thác đề tài, cách nuôi cảm xúc trong sáng tác, về các thủ pháp ly điệu, tư duy hòa thanh, phệ thuật phổ thơ và cả về cách làm lời ca. Và bao trùm lên tất cả chính là khả năng thể hiện được hồn dân tộc trong nhạc phẩm của Huy Du.
Năm 2000, nhạc sĩ Huy Du được vinh dự trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho chùm tác phẩm nhạc đỏ gồm: “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi”, “Anh vẫn hành quân”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Nổi lửa lên em”.
Nhạc sĩ Huy Du cũng được trao tặng rất nhiều giải thưởng khác gồm: Huân chương Độc lập hạng Nhất (10/2007); Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì và Ba.
Người nhạc sĩ tài hoa viết tình ca qua lửa đạn
Nói như Diệp Minh Tuyền, nhạc sĩ Huy Du là người lính tuy bắt buộc phải mang khẩu súng nhưng luôn yêu hoa hồng. Những sáng tác của ông dù rất hào hùng nhưng vẫn thấm đẫm chất trữ tình. Ai đã từng gặp nhạc sĩ Huy Du, đã nghe nhạc của ông đều thấy ông là người sống rất tình cảm và rất lạc quan. Cũng chính nét tính cách, tâm hồn đó đã tạo cho âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này một chất trữ tình nồng hậu.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã chia sẻ: “Huy Du là một người kết hợp được sự trữ tình với sự hùng tráng vào trong âm nhạc rất nhuần nhuyễn, cho nên là nghe nhạc của Huy Du mới nghe thì cho người ta cảm giác hùng tráng nhưng càng nghe lại càng cho thấy chất trữ tình đậm nét. Đó là đặc điểm trong âm nhạc của Huy Du”.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng đã từng nhận xét về nhạc sĩ Huy Du như sau: “Giản dị, tự nhiên, chân thành, giàu chất hát, chất thơ – đó là từ mô tả ngắn gọn về con người và âm nhạc của Huy Du”.
Giáo sư Trần Quốc Vượng đã dành cho nhạc sĩ Huy Du những lời đánh giá như sau: “Một Huy Du nở rộ trong thời chống Mỹ. Một Huy Du vẫn vững vàng và sôi nổi trong hòa bình xây dựng. Từ Huy Du trẻ trung đến Huy Du già dặn, Huy Du đã và vẫn là nhạc sĩ của Quân đội, của tuổi trẻ, của tình yêu và của khát vọng mùa xuân”.
Huy Du – người nhạc sĩ tài hoa viết tình ca qua lửa đạn, dù đã ra đi nhưng những cống hiến của ông dành cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam vẫn còn mãi. Những bài ca ông viết sẽ đã, đang và sẽ in đậm trong trái tim hàng ngàn, hàng vạn người Việt Nam yêu nước.