Thông tin cơ bản về ban hợp ca Thăng Long
- Thành lập: 1949 tại Hà Nội
- Thể loại: Nhạc tiền chiến
- Hoạt động sôi nổi: Thập niên 1950
- Ca khúc tiêu biểu: Ly rượu mừng
- Thành viên: Trước 1975: Hoài Trung, Hoài Bắc, THái Hằng, Thái Thanh, Phạm Duy; Khánh Ngọc; Sau 1975: Mai Hương, Quỳnh Giao
Ban hợp ca Thăng Long là một ban nhạc gia đình, được thành lập vào năm 1949 tại Hà Nội với 3 tên tuổi nòng cốt và sau này trở thành bất tử: Ca sĩ Hoài Bắc (tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương), danh ca Thái Thanh và ca sĩ Hoài Trung (tức Phạm Đình Viên).
Trong 3 người này, ca sĩ Hoài Trung là kém danh tiếng nhất. Nhưng trong lòng khán giả vẫn không thể quên được một giọng tenor với phong cách trình diễn đặc biệt, tiếng hát ngân dài và có khả năng giả tiếng ngựa hí hoặc các âm thanh khác khi hát bè trong hợp ca. Hoài Trung cũng có tài chọc cười nên mỗi khi ông xuất hiện trên sân khấu là khán giả được phen cười ồ. Ông cũng là một diễn viên tham gia trong nhiều phim điện ảnh và thoại kịch.
Ngoài 3 nhân vật chủ chốt này, thỉnh thoảng ban hợp ca Thăng Long cũng có sự góp mặt của danh ca Thái Hằng, ca sĩ Khánh Ngọc (vợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương) và cả nhạc sĩ Phạm Duy (chồng danh ca Thái Hằng).
Các thành viên trong ban nhạc (dù là nòng cốt hay thỉnh thoảng góp mặt) đều là anh chị em họ Phạm (hoặc dâu rể). Thân phụ của họ là cụ Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của cụ Phụng sinh được 2 người con là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung của ban Thăng Long) và một người con gái không may yểu mệnh khi di tản ở Sơn Tây.
Người vợ thứ hai của cụ Phạm Đình Phụng sinh được 3 người con là: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (tức danh ca Thái Hằng – vợ nhạc sĩ Phạm Duy); Người con thứ hai là Phạm Đình Chương (ca sĩ Hoài Bắc); Người con út là Phạm Thị Băng Thanh (danh ca Thái Thanh).
Khi chuyển vào phương Nam sinh sống và hoạt động nghệ thuật, họ muốn lập một ban nhạc gia đình để đi hát. Họ đi đến quyết định chọn cái tên Thăng Long để gợi nhớ về vùng đất Hà Nội – nơi cố hương, chôn rau cắt rốn của họ. Cái tên Thăng Long cũng gắn liền với thanh xuân của anh chị em nhà họ Phạm ở vùng tản cư.
Giải thích cặn kẽ hơn về cái tên Thăng Long thì cần ngược dòng thời gian về những năm đầu thập niên 1940, khi cụ Phạm Đình Phụng còn ở Hà Nội. Năm ấy, cụ Phụng mở một cửa hàng bán mứt và ô mai trên phố Bạch Mai lấy tên Mai Lộc. Thuở đó, có một cậu bé mới 13 tuổi tên là Nguyễn Cao Kỳ thường đến Mai Lộc để ăn ô mai, đánh đàn mandoline với Phạm Đình Chương 14 tuổi và Thái Thanh 9 tuổi thường ngồi một bên để nghe mấy ông anh dạo đàn, thỉnh thoảng còn bị Phạm Đình Chương bắt hát để họ luyện đàn. Nguyễn Cao Kỳ sau đó thành tướng không quân, rồi phó tổng thống, nhưng luôn giữ một tình bạn đẹp thuở thiếu thời với nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Năm 1946, bắt đầu thời kỳ loạn lạc, nhiều gia đình Hà Nội phải dắt díu nhau đi tản cư. Cụ Phạm Đình Phụng cùng 2 người con trai, 3 người con gái di tản ra vùng Sơn Tây, sau đó dừng chân ở Chợ Đại (lúc này người con trai đầu là Phạm Đình Sỹ và vợ Kiều Hạnh, các con Mai Hương, Bạch Tuyết cũng từ Huế ra miền thượng du phía Bắc).
Ở Chợ Đại, cụ Phụng mua lại một cái quán nhỏ, đặt tên là “Quán Thăng Long”. Quán này chuyên bán phở và cà phê. Trong những người con của cụ Phụng có cô Thái (danh ca Thái Hằng) rất xinh đẹp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới văn nghệ sĩ thường xuyên đến quán (có người nói, sau này, Thái Hằng và quán cà phê Thăng Long trở thành nhân vật chính trong ca khúc “Cô hàng cà phê” của nhạc sĩ Canh Thân).
Nhắc về quán Thăng Long và Thái Hằng, trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Tại quán Thăng Long, ông bà có ba người con để giúp đỡ việc nấu phở, pha cà phê và tiếp khách. Người con gái lớn tên Phạm Thị Quang Thái, vào trạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn guitar hawaienne nữa. Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay một cú sét đánh. Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người tao nhã (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tặng Nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, rụt rè hơn, nhờ người chị ruột của tôi – đang tản cư ở Chợ Đại – làm mối. Còn anh họa sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới quán Thăng LOng, ngồi đó rất lâu, im lặng… Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài tỏ tình…”.
Chỉ một vài năm sau đó, tất cả các anh chị em họ Phạm (Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh (lúc này đi hát tên Băng Thanh) gia nhập các ban văn nghệ quân đội Việt Minh của Liên khu IV, vợ chồng chủ quán Thăng Long quyết định rời khỏi Chợ Đại vào Thanh Hóa để được sống gần các con. Vợ chồng cụ Phụng dừng chân ở Chợ Neo, thuê một căn nhà lá, mở quán phở. Quán phở này vẫn lấy tên là “Quán Thăng Long”.
Tháng 5/1951, gia đình họ Phạm về Hà Nội. Lúc này Phạm Duy và Thái Hằng đã là vợ chồng. Đi cùng còn có gia đình Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh. Chỉ một tháng sau, đại gia đình Thăng Long quyết định vào Sài Gòn để định cư. Ở đây, anh em họ Phạm (Phạm Đình Viên, Phạm Đình Chương, THái Thanh) thành lập ban nhạc hợp ca Thăng Long. Tên ban nhạc được đặt theo tên quán phở ở vùng Chợ Đại, Chợ Neo trước đây.
Cũng vì lưu luyến, nhớ nhung những kỷ niệm xưa, vùng đất xưa mà Phạm Đình Viêm lấy nghệ danh là Hoài Trung để nhớ về Khu 4, Phạm Đình Chương lấy nghệ danh là Hoài Bắc để nhớ về cố xứ. Cô em út Băng Thanh đổi nghệ danh thành Thái Thanh cho giống với chị gái Thái Hằng.
Tại vùng đất hứa Sài Gòn, ban Thăng Long nhanh chóng nhận được yêu mến của công chúng và giới văn nghệ sĩ. Họ đạt được thành công với lối hát khác biệt, có phần bè mới lạ và hấp dẫn. Họ lại có nguồn nhạc phong phú được sáng tác đến từ các thành viên trong gia đình, đó là hai tên tuổi lừng lẫy: Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Ngoài thù lao hát đài phát thanh, phòng trà, ban Thăng Long kiếm sống chủ yếu bằng tiền thu thanh đĩa nhạc…